Phát huy 75 năm văn hóa Trường Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Văn hóa Trường Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Bài viết phân tích các cơ sở chính trị, pháp lý để xây dựng văn hóa Trường Đảng, đồng thời đưa ra một số đề xuất phát huy văn hóa Trường Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
ThS ĐỖ THỊ MỸ DUNG
ThS PHÙNG THỊ HẢI HẬU
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước(1).
Văn hóa Trường Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được hình thành từ những giá trị cốt lõi trong suốt quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, đó không chỉ là những nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực, mà còn là những phẩm chất đạo đức cao đẹp, là tinh thần trách nhiệm trong công tác, khả năng giao tiếp, ứng xử và văn hóa học hỏi không ngừng.
Văn hóa Trường Đảng vừa mang những yếu tố đặc trưng của văn hóa XHCN, vừa mang những yếu tố riêng có của ngôi trường, nơi “đào tạo những chiến sĩ tiên tiến, phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”(2).
Cũng như khái niệm văn hóa có nhiều cách hiểu khác nhau, khái niệm văn hóa Trường Đảng có thể hiểu theo nhiều chiều cạnh, chúng tôi thống nhất với nhận định, “văn hóa Trường Đảng là hệ thống giá trị phản ánh trình độ tư duy lý luận chính trị khoa học, cách mạng, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, cùng với các giá trị về văn hóa ứng xử, văn hóa ngoại hiện, có vai trò trong công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”(3).
Trải qua quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, học viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn tự hào phát huy truyền thống văn hóa Trường Đảng. Trước những thay đổi của thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cán bộ, học viên Trường Đảng càng ý thức sâu sắc hơn niềm tự hào và trách nhiệm to lớn trong việc kế thừa, phát huy văn hóa Trường Đảng, tạo động lực để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý để xây dựng văn hóa Trường Đảng
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của xây dựng văn hóa Trường Đảng, văn hóa công sở, qua đó góp phần phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách toàn diện về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để triển khai thực hiện văn hóa công sở trong văn hóa Trường Đảng.
Kế thừa và phát triển Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ngày 16-7-1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết số 33 nêu rõ: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”(4).
Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển văn hóa, con người nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng là: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”(5). “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”(6).
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thực hiện thật tốt nhiệm vụ: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(7).
Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng, thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cụ thể như: Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Với sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng văn hóa Đảng trong hệ thống Trường Đảng, ngày 19-5-2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, trong đó có nhấn mạnh việc xây dựng tiêu chí văn hóa Trường Đảng, kỷ luật và kỷ cương.
Tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhằm phát huy chức năng, nhiệm vụ của Trường Đảng và vai trò của văn hóa Trường Đảng trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 2616/QĐ-HVCTQG ngày 10-10-2007 Quy định về việc thực hiện văn hóa công sở tại Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ký Quyết định số 1659/QĐ-HVCT-HCQG ngày 26-6-2008 ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, ngày 26-10-2017, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG ban hành Quy định ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định số 5029 nêu rõ đối tượng, phạm vi, nguyên tắc áp dụng cho toàn thể cán bộ, học viên đang công tác và học tập, nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các học viện khu vực, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Trường Đảng).
Những căn cứ pháp lý nêu trên là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, đồng thời xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, học viên tại các Trường Đảng, góp phần tạo dựng môi trường làm việc, học tập dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học và nhân văn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
3. Phát huy văn hóa Trường Đảng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không chỉ là thời kỳ đất nước phát triển về kinh tế, đó còn là thời kỳ mà văn hóa phải thực sự trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trong kỷ nguyên mới, văn hóa là sự kết hợp giữa giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời gắn liền với đổi mới, sáng tạo. Trong xu thế mới của thời đại, khi internet, công nghệ số, mạng xã hội..., đi sâu vào từng ngõ ngách của cuộc sống thì văn hóa Trường Đảng cũng cần có sự chuyển mình kịp thời, đúng hướng để tạo nên một diện mạo văn hóa Trường Đảng vừa truyền thống, vừa hiện đại. Để làm được điều đó, cần quan tâm tới những giải pháp sau:
Một là, xây dựng văn hóa Trường Đảng trong bối cảnh mới phải tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đồng thời mang đến những thách thức chưa từng có đối với đời sống xã hội, trong đó có vấn đề văn hóa. Trong xu thế đó, văn hóa Trường Đảng phải được xác định là hạt nhân để lan tỏa các giá trị cách mạng, nhân văn và tiên tiến. Do đó, cán bộ, đảng viên Trường Đảng vừa phải tiên phong trong đổi mới tư duy, vừa phải kiên định xây dựng văn hóa dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để không đánh mất bản sắc văn hóa và đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, học viên Trường Đảng.
Hai là, xây dựng văn hóa Trường Đảng phải hướng đến xây dựng Học viện thật sự trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu cả nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, cán bộ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ là lực lượng nòng cốt để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, do đó việc xây dựng môi trường học tập chuyên nghiệp, đề cao kỷ cương học đường, kỷ luật học tập; bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần học hỏi và trách nhiệm sẽ góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài. Văn hóa trong nghiên cứu khoa học biểu hiện qua tinh thần sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và ý thức đóng góp vì sự phát triển chung
Ba là, giữ vững văn hóa đạo đức trong bối cảnh chịu tác động sâu sắc của internet, thiết bị công nghệ. Văn hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên là yếu tố cốt lõi trong xây dựng nhân cách người đảng viên. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ của internet, văn hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Đảng chịu tác động lớn, thậm chí có nhiều biến đổi do quá trình tiếp cận với môi trường mạng chứa nhiều yếu tố đa chiều. Do đó, người đảng viên Trường Đảng, bên cạnh việc phải luôn tự giác rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng để xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, còn phải thường xuyên rèn luyện đạo đức của chính mình, giữ gìn phẩm hạnh, đoàn kết và sáng tạo.
Bốn là, nâng cao văn hóa ứng xử và giao tiếp. Văn hóa ứng xử và giao tiếp của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Đảng phản ánh một phần tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của mỗi cá nhân. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khi đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới, vai trò của cán bộ, đảng viên, học viên được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Theo đó, văn hóa ứng xử và giao tiếp là “cây cầu nối” thể hiện bản lĩnh chính trị và nhân cách của cán bộ, học viên Trường Đảng trước nhân dân.
Văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Đảng không chỉ thể hiện trong cách đối nhân, xử thế mà còn là việc đặt lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể lên trên hết. Các đức tính như khiêm tốn, chân thành và đáng tin cậy cần được duy trì như những giá trị cốt lõi. Trong giao tiếp của cán bộ với đồng nghiệp và với học viên, cần có sức thuyết phục và kỹ năng lắng nghe, đặc biệt khi giải quyết những vấn đề nhạy cảm hoặc phức tạp. Lắng nghe và sử dụng ngôn từ có tính chất xây dựng để tránh những hiểu lầm trong công việc là điều vô cùng quan trọng; đồng thời phải linh hoạt thích nghi trong môi trường giao tiếp đa văn hóa.
Văn hóa ứng xử và giao tiếp của cán bộ, đảng viên Trường Đảng không chỉ là lời nói hay cách hành xử mà còn phải thể hiện qua từng hành động cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phấn đấu trở thành tấm gương trong đời sống, góp phần lan tỏa giá trị đạo đức và trách nhiệm cá nhân. Trong công việc, hành động dứt khoát, minh bạch, đặt mình vào vị trí người khác để đạt hiệu quả cao nhất. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa ứng xử và giao tiếp của cán bộ, đảng viên Trường Đảng chính là “chìa khóa” giúp mỗi cán bộ, đảng viên khẳng định vai trò trong sự phát triển của Học viện.
Năm là, đề cao xây dựng văn hóa học tập trong các tổ chức đảng và văn hóa tự giác học tập của mỗi cá nhân. Xây dựng văn hóa học tập trong đảng bộ, chi bộ luôn là yêu cầu quan trọng khi tri thức và đổi mới, sáng tạo trở thành các nguồn lực để phát triển. Đối với mỗi tổ chức đảng, việc xây dựng văn hóa học tập vừa góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, vừa bảo đảm sự vững vàng và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ. Trong kỷ nguyên số, việc xây dựng môi trường học tập cho cán bộ, đảng viên không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu tri thức mới, mà còn là quá trình tái tạo những giá trị cũ để phù hợp với bối cảnh mới. Do đó, đảng bộ, chi bộ cần đề cao tư duy phê phán, tạo điều kiện để xây dựng kỹ năng học tập suốt đời cho mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời xây dựng các cơ chế và chính sách khuyến khích tinh thần học tập trong đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường Đảng. Trong quá trình đó, vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của các cán bộ chủ chốt mang yếu tố quyết định định hướng những kiến thức mới về xu hướng chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.
Mặt khác, trong một thế giới biến động không ngừng, tri thức và công nghệ luôn thay đổi từng ngày, từng giờ, nếu không chủ động học hỏi, cán bộ, đảng viên sẽ dễ rơi vào tình trạng lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu của công việc và mục tiêu của cách mạng. Vì vậy, tự giác học tập chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững và đó cũng là cách thể hiện lòng trung thành với Đảng, sự tận tụy với nhân dân, khẳng định tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, những cái tốt đẹp để phục vụ cộng đồng, xã hội.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là yêu cầu về năng lực quản lý, tư duy chiến lược và khả năng ứng dụng công nghệ số. Do đó, cán bộ, đảng viên Trường Đảng cần không ngừng tự giác học tập, rèn luyện để thích nghi, nâng cao năng lực, khả năng ứng dụng các công cụ kỹ thuật số để vận dụng tri thức mới trong thực tiễn, cải thiện hiệu quả công việc.
Sáu là, tiếp tục nâng cao văn hóa làm việc và văn hóa chịu trách nhiệm. Văn hóa làm việc của cán bộ, đảng viên Trường Đảng cần phản ánh tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy với công việc, luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên Trường Đảng không chỉ là người thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, mà còn là người sáng tạo, chủ động trong công việc, đưa ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Văn hóa làm việc này thể hiện qua sự tận tâm trong từng nhiệm vụ, qua khả năng quản lý, điều hành, phối hợp công việc giữa các bộ phận trong tổ chức. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thúc đẩy văn hóa làm việc của đơn vị mình quản lý, khi họ là những người có tầm nhìn chiến lược, có khả năng dự báo tình hình và ứng biến linh hoạt với mọi hoàn cảnh trong bối cảnh thời đại mới.
Bảy là, bảo vệ và giữ gìn sự trong sạch của Đảng. Cán bộ, học viên Trường Đảng phải luôn bảo vệ các giá trị của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ sự trong sạch của tổ chức Đảng; tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Đảng. Văn hóa này thể hiện qua việc không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, đồng thời luôn có trách nhiệm với những sai phạm của đồng chí, đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần chủ động trong tự phê bình và phê bình, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn sẵn sàng chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của Đảng và nhân dân, không có thái độ kiêu ngạo, tự mãn. Cán bộ, học viên Trường Đảng phải luôn nhận thức được rằng, xây dựng văn hóa Trường Đảng không tách rời với công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
5. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa không đơn thuần là cuộc đấu tranh giữa bảo tồn và phát triển, mà là một quá trình kết hợp hài hòa giữa gìn giữ, phát huy bản sắc và tiếp thu những giá trị mới. Văn hóa là nguồn lực vô cùng quý giá để một quốc gia vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một xã hội phát triển toàn diện. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định rõ con đường phát triển văn hóa Trường Đảng phù hợp, để vừa giữ gìn bản sắc, vừa tích cực hội nhập với thế giới và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa Trường Đảng tới các Trường Chính trị và các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.
_________________
Ngày nhận bài: 25-12-2024; Ngày bình duyệt: 27-12-2024; Ngày duyệt đăng: 29-12-2024.
(1) Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.95.
(3) Xem: Vũ Thị Phương Hậu: Xây dựng văn hóa Trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, https://www.lyluanchinhtri.vn, ngày 3-9-2020.
(4) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 146.
(7) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24-11-2021.