Quốc tế

Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu về đổi mới, sắp xếp tổ chức và quản lý dịch vụ công

24/01/2025 11:03

(LLCT) - Trong cung cấp dịch vụ công, Liên minh châu Âu khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nhà nước; khẳng định tính xã hội cao của hệ thống dịch vụ công; mục tiêu hướng tới sự hài lòng và niềm tin của công dân, những người sử dụng dịch vụ công; tạo điều kiện phát huy tối đa tính tự chủ, sự sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Liên minh châu Âu trong đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ công, rút ra giá trị tham khảo cho Việt Nam.

PGS, TS TRỊNH VĂN TÙNG
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1.jpg -0
Ảnh minh họa: cand.com.vn

1. Đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ công ở Liên minh châu Âu

Về sáp nhập, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống dịch vụ công qua các nghiên cứu lý luận

Cơ cấu hệ thống chính trị của Liên minh châu Âu có những đặc thù, phụ thuộc chủ yếu vào việc đảng nào giành chiến thắng trong các cuộc tranh cử. Do vậy, nghiên cứu ở Liên minh châu Âu thường đề cập đến kết quả hoạt động của hệ thống chính trị với tư cách là hệ thống cung cấp dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng. Các nghiên cứu tiếp cận từ nhu cầu, nguyện vọng và mức độ hài lòng của người dân về hệ thống dịch vụ công(1).

Về mặt lịch sử, trong một thông cáo ngày 11-9-1996, Ủy ban châu Âu đã thừa nhận vai trò quan trọng của hệ thống cung cấp dịch vụ công trong quá trình xây dựng liên minh này. Hệ thống dịch vụ công đã trở thành những yếu tố cốt lõi của mô hình xã hội ở Liên minh châu Âu, là tổng thể các giá trị chung và đã tạo ra nét độc đáo của Liên minh này(2). Mục đích của Ủy ban châu Âu là thực hiện sự cân bằng giữa các quốc gia, giữa trung ương và địa phương bằng cách gia tăng quyền lợi chung của người dân. Thông cáo này thể hiện các yêu cầu sau: (i) Gia tăng các dịch vụ công vì quyền lợi chung của người dân; (ii) Thực hiện cách tiếp cận từng bước đối với các chủ thể khác nhau trong quá trình đổi mới hệ thống cung cấp dịch vụ công, bao gồm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích; đối với người dân, cách tiếp cận từ nhu cầu và mức độ hài lòng của những người sử dụng hệ thống dịch vụ công, nhất là dịch vụ hành chính công; (iii) Tăng cường sự điều phối chung trên toàn châu Âu để có thể theo dõi, giám sát quá trình cung cấp dịch vụ công của các chủ thể địa phương và theo dõi, giám sát việc điều tiết hệ thống dịch vụ công của các nhà nước thành viên(3).

Vào các năm 1996 và 2000, trong hai thông cáo, Ủy ban châu Âu đã giới thiệu ba nguyên tắc cơ bản để hình thành và cung cấp các dịch vụ công: (i) Nguyên tắc trung tính, công bằng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; (ii) Nguyên tắc tự quyết của các nước thành viên, tức là để cho họ quyền xác định phạm vi và phương thức can thiệp các dịch vụ công; (iii) Nguyên tắc tỷ lệ giữa khu vực công và khu vực tư nhằm xác định các phương thức cạnh tranh lành mạnh giữa hai khu vực này.

Điều 16 của Hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu quy định, các dịch vụ công vì quyền lợi chung là yếu tố chủ chốt của mô hình xã hội mà Liên minh châu Âu theo đuổi. Theo các cuộc họp của Ủy ban Lisbonne và Nice, các dịch vụ công vì quyền lợi chung của người dân hướng đến sự gắn bó chặt chẽ giữa các nhà nước, giữa trung ương và địa phương, giữa nhà nước và công dân cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Liên minh châu Âu.

Để tiến hành cải cách dịch vụ công, Tuyên bố Laeken ngày 15-12-2001 đã chỉ rõ: “Công dân của Liên minh châu Âu thấy rằng, Liên minh này thể hiện hành động mang tính quan liêu trong nhiều lĩnh vực. Theo họ, quản lý các dịch vụ công cần được hiểu đó là việc tạo dựng nhiều cơ hội hơn chứ không phải tạo ra nhiều ràng buộc cứng nhắc hơn”(4). Như vậy, Ủy ban châu Âu đã tự phê bình mô hình quản lý quan liêu đã và đang hiện hữu ở đây. Điều này đòi hỏi sự cải cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị châu Âu theo tinh thần xây dựng nhà nước phục vụ thông qua hệ thống dịch vụ công. Ủy ban châu Âu cũng căn cứ vào vấn đề thực tiễn của các nhà nước thành viên để khuyến khích việc đổi mới, sáp nhập và sắp xếp lại hệ thống chính trị để đạt được các kết quả cụ thể đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng và mong đợi của người dân.

Có ba lý do cốt yếu buộc các nhà nước châu Âu phải cam kết thực hiện đổi mới, sáp nhập và sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị là: (i) sự bắt buộc phải giảm chi tiêu công; (ii) sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước; (iii) yêu cầu cần có sự minh bạch và công khai trong mọi hoạt động hành chính nhà nước.

Bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay ở châu Âu được đặc trưng bởi việc giảm sút các nguồn lực và sự gia tăng đòi hỏi của công dân, đã buộc phải xác định lại các phương thức và thói quen hành động từ nhiều thập niên qua. Đổi mới, sáp nhập và sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một nhiệm vụ bắt buộc để có được sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Từ đây, người sử dụng dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng được đặt ở vị trí trung tâm của hệ thống chính trị: tất cả các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ công đều phải vận hành theo hướng cải thiện chất lượng so với chi phí mà công dân có thể tiếp cận được. Nói cách khác, các công cụ kỹ thuật quản lý của nhà nước đều phải xem xét các tham số chất lượng và giá cả dịch vụ công. Đây chính là những tham số quy định sự vận hành của hệ thống quản lý công ở Liên minh châu Âu.

Ở Liên minh châu Âu, khi nói đến việc đổi mới, sáp nhập và sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, người ta thường bàn tới việc quản lý các dịch vụ công - sản phẩm sau cùng của mọi công cuộc đổi mới trong khu vực công với các nội dung cốt lõi: (i) quản lý quyền lực chính trị và các chính sách công; (ii) quản lý các dịch vụ công (đối tượng thụ hưởng sau cùng là người dân).

Như vậy, để cung cấp tốt nhất các dịch vụ công nói chung và các dịch vụ hành chính công nói riêng cần tái cơ cấu các cơ quan nhà nước. Quá trình quản lý việc tái cơ cấu các tổ chức hệ thống chính trị là quá trình tổ chức lại, điều hành tổng thể, kiểm tra và giám sát sự đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị nhằm mục tiêu đạt được sự tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Sự đổi mới, sáp nhập và sắp xếp bộ máy nhà nước cho phép những người chịu trách nhiệm về khu vực công có thể dẫn dắt các tổ chức theo các tiêu chí rõ ràng.

Quá trình đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được cụ thể hóa theo hướng phân quyền nhằm tạo cho các lãnh đạo địa phương nhiều quyền tự quyết hơn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương mà họ quản lý. Do đó, quá trình đổi mới cấu trúc nhà nước ở Liên minh châu Âu hướng đến ba nội dung gồm: quá trình địa phương hóa; quá trình dân chủ hóa thông qua sự tham gia quyết định của người dân; hợp tác công - tư.

Thứ nhất, quá trình địa phương hóa hoạt động của nhà nước được thực hiện ngày càng nhiều thông qua việc xây dựng và vận hành các dự án phát triển địa phương hoặc vùng lãnh thổ. Các dự án này được thực hiện bởi nhiều đối tác. Nói cách khác, nếu như trước đây, mọi sự đổi mới hay hành động của địa phương đều tập trung vào chính quyền địa phương đó, thì hình thức hoạt động công kiểu mới lại mang tính đa trung tâm, với nhiều chủ thể(5).

Như vậy, dịch vụ công ở địa phương đã được chia sẻ cho nhiều chủ thể khác nhau thông qua việc xây dựng các dự án địa phương. Sự phi tập trung hóa hệ thống cung cấp dịch vụ công thông qua các mạng lưới để xây dựng các dự án chung của địa phương tạo ra động lực phát triển mới.

Thứ hai, quá trình dân chủ hóa thông qua sự tham gia của công dân giúp chính quyền nắm được thái độ, sự kỳ vọng, mức độ hài lòng và kiến nghị của họ. Từ đó, việc cung cấp dịch vụ không còn theo tiếp cận từ trên xuống dưới như trước, mà có sự phối hợp từ dưới lên. Cấu trúc quản lý nhà nước thay đổi từ chỗ chủ yếu tập trung vào khía cạnh “chính trị - hành chính nhà nước” (top-down) được mở rộng bằng cách quan tâm đến thái độ, sự kỳ vọng, mức độ hài lòng và kiến nghị của người dân, nghĩa là đổi mới từ dưới lên (bottom - up).

Thứ ba, sự hợp tác công - tư trở thành khá phổ biến trong nhiều dịch vụ công nhờ đổi mới và tinh gọn hệ thống chính trị. Ở cấp trung ương cũng như cấp địa phương, khu vực tư nhân đã được thừa nhận như là một đối tác của nhà nước trong việc phục vụ quyền lợi chung của công dân. Hai cụm khái niệm “dịch vụ thuần công” hoặc “dịch vụ thuần tư” đã nhường chỗ cho khái niệm “dịch vụ công - tư phối hợp đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhà chức trách”. Đặc biệt là dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích.

Việc tinh gọn bộ máy nhà nước thông qua thể thức hợp tác công - tư đang cần được nghiên cứu sâu hơn về lý luận, bởi lẽ, nhiều hình thức hợp tác công - tư đang trong giai đoạn thể nghiệm, thí điểm, chỉ phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương nên rất khó khái quát hóa thành mô hình tổng thể.

Nhìn chung, sự tinh gọn bộ máy nhà nước bằng cơ chế hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ công nhằm những mục tiêu cốt lõi, đó là: (i) đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công dân - những người sử dụng dịch vụ công; (ii) giảm chi tiêu công, chi tiêu công hiệu quả; (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hưởng lương nhà nước.

Về cách tiếp cận, hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hiện nay đều xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thuộc hệ thống chính trị, hệ thống cơ sở công lập sau khi sắp xếp, sáp nhập và đổi mới. Tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân về đổi mới, sáp nhập, sắp xếp tổ chức thuộc hệ thống chính trị cũng được xây dựng rõ ràng thông qua thang đánh giá thái độ, sự phản hồi, nhu cầu, kỳ vọng và kiến nghị của các bên liên quan, đặc biệt là của công dân, những người sử dụng dịch vụ công. Những định hướng chính trị được cụ thể hóa trong các loại dịch vụ công thông qua nhiều công cụ và phương pháp thực thi. Cụ thể như: (i) nhà nước xây dựng chiến lược và chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; (ii) sử dụng công cụ quản lý tài chính và kiểm soát việc quản lý tài chính; (iii) quản lý chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ công; (iv) kiểm soát năng suất và chất lượng dịch vụ; (v) xây dựng hình ảnh, danh tiếng của cơ quan công quyền.

Về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ công qua các nghiên cứu thực nghiệm

Ở Cộng hòa Liên bang Đức

Mặc dù việc đổi mới quản lý công, nhất là đổi mới hệ thống hành chính nhà nước tiến hành tương đối muộn nhưng quá trình sáp nhập, đổi mới trong quản lý công ở Đức đã dần dần tư nhân hóa một phần, nhất là dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích nhằm giảm chi tiêu công.

Cuối những năm 1990, chương trình “Hiện đại hóa nhà nước, hiện đại hóa dịch vụ công” do Bộ Nội vụ đề ra sáng kiến và điều phối đã tạo ra xu hướng cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, đặc biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở Đức nhằm cung cấp dịch vụ công hiệu quả cho công dân và doanh nghiệp. Lúc đầu, chương trình cải cách hành chính và cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chỉ liên quan đến cấp độ liên bang nhưng sau đó mở rộng đến tất cả các cấp hành chính. Một trong những mục tiêu rõ ràng đó là giảm thiểu số lượng công chức, viên chức để giảm chi tiêu của bộ máy nhà nước.

Trong quá trình này, bốn phương diện đã được đổi mới: (i) minh bạch hóa và phân công chức năng rõ ràng giữa tổ chức, chính trị và hành chính; (ii) làm cho các đơn vị hành chính được tự chủ hơn, tự quyết hơn thông qua đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách; (iii) xây dựng và thực hiện công cụ kiểm tra và đánh giá thực hiện đổi mới; (iv) gia tăng sự hài lòng của công dân - những người sử dụng dịch vụ công. Mô hình này được áp dụng thực tiễn đã có kết quả tích cực.

Khảo sát ý kiến người dân Đức về mô hình quản lý công mới (năm 2000) cho thấy, mô hình quản lý công mới ở Đức đã bắt đầu hiện hữu, nhất là ở cấp xã, phường. Mô hình cải cách này dựa vào hai trục chính: (i) hướng đến lợi ích của công dân và thị trường dịch vụ công có tính mở; (ii) cải cách cơ cấu tổ chức và quá trình cung cấp dịch vụ công bên trong tổ chức. Các phường, xã là những đơn vị hành chính đầu tiên được hiện đại hóa mạnh mẽ nhất bằng cách phát triển các hình thức quản lý công có sự tham gia của người dân, tức là tính đến nhu cầu, sự kỳ vọng và mức độ hài lòng của công dân - người sử dụng dịch vụ. Từ kết quả này, các cải cách cấp bang

(Länder) và liên bang (Bund) được thực hiện.

Từ sau năm 2000, hơn 95% xã, phường ở Đức đã thực hiện cải cách dịch vụ hành chính công. Các giải pháp đều ưu tiên tăng cường hiệu quả của cơ quan hành chính mà một trong những phương diện của sự hiệu quả ấy là giảm chi phí cho công dân. Trong đó, hai biện pháp quan trọng nhất là: (i) tính toán tương quan “chi phí” và “dịch vụ hành chính mà công dân nhận được” và (ii) đưa dịch vụ hành chính công vào hệ thống kiểm tra và giám sát ngân sách. Như vậy, sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Đức được thực hiện từ các đơn vị hành chính gần dân nhất trước hết.

Vào năm 2005, trong công tác quản lý hành chính công ở Đức có nhiều đổi mới trong mối quan hệ lao động để cải thiện hiệu suất lao động. Trong thực tế, các dịch vụ công của Đức, nhất là các dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công lập, đã biến chuyển mạnh mẽ dưới sự tác động của việc thống nhất đất nước, của các cuộc cải cách hành chính quan trọng nhất ở các năm 1997 và 2005 nhằm giảm công chức, viên chức và nâng cao chất lượng của dịch vụ công nói chung, dịch vụ hành chính công nói riêng(6).

Như vậy, từ cách tiếp cận đặt công dân - người sử dụng dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng ở trung tâm của nền hành chính công, tiêu chuẩn sự tinh gọn của hệ thống gồm: (i) giảm số lượng công chức, viên chức; (ii) giảm chi phí cho công dân - người sử dụng; (iii) giảm chi công; (iv) nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhất là dịch vụ hành chính công bằng cách nâng cao sự hài lòng của công dân.

Ở Cộng hòa Pháp

Pháp bắt đầu cải cách dịch vụ công từ năm 1989, từ một nghị định của Chính phủ huy động tốt nhất cán bộ, công chức, viên chức vào quá trình cải cách hệ thống chính trị, trong đó có hệ thống hành chính. Từ đó, các bộ trưởng đã đề xuất nhiều kế hoạch hiện đại hóa hệ thống cung cấp dịch vụ công bằng cách trao quyền nhiều hơn cho những sáng tạo địa phương. Cách tiếp cận cung cấp dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng của Pháp xuất phát từ việc cải thiện trách nhiệm của công chức, viên chức đối với công dân - những người sử dụng dịch vụ công. Đầu những năm 1990, chất lượng nguồn nhân lực (công chức và viên chức) được bàn luận rất nhiều và một chính sách mới về “việc công” đã ra đời theo cách tiếp cận quản lý dự báo quy mô nguồn nhân lực trong khu vực công.

Pháp bắt đầu cải cách hành chính nhà nước từ việc sắp xếp lại và phân quyền nhiều hơn cho các cơ quan hành chính thấp hơn thông qua việc thành lập một Ủy ban cải cách hành chính địa phương (năm 1992). Ba năm sau đó thành lập Ban cải cách hành chính trung ương (năm 1995). Trong quá trình cải cách hành chính, công dân - người sử dụng dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng được đặt ở trung tâm của quá trình hiện đại hóa. Đặc biệt là quan tâm việc đổi mới cách thức đón tiếp công dân thông qua việc ký thỏa thuận về chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện truyền thông giữa cơ quan hành chính và công dân.

Năm 2001 đánh dấu bước tiến quan trọng đã làm biến đổi sâu sắc tổ chức hành chính của Pháp: Luật Tổ chức nhà nước liên quan đến luật tài chính ban hành ngày 01-08-2001 đã đưa phương pháp đánh giá hiệu suất vào đánh giá các dịch vụ của nhà nước, chuyển từ đánh giá quy trình hành động sang đánh giá kết quả đầu ra. Việc áp dụng Luật Tổ chức giúp chi tiêu công hiệu quả hơn, tối ưu hóa các tín dụng công để đáp ứng tốt nhất sự kỳ vọng của công dân - những người sử dụng dịch vụ công (mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội và mục tiêu chất lượng dịch vụ).

Luật Tổ chức nhà nước đã phân quyền quản lý tín dụng công từ cơ quan hành chính trung ương sang cơ quan hành chính địa phương bằng cách thiết lập các hợp đồng giữa cơ quan hành chính địa phương là cơ quan chi ngân sách và cơ quan quản lý ngân sách.

Việc tạo dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng của các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công là nhằm thừa nhận và khuyến khích những sáng tạo về dịch vụ công địa phương, thể hiện ở các phương diện sau: (i) cải thiện hoạt động tiếp công dân; (ii) thông tin đúng, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và công khai; (iii) dịch vụ hỗ trợ công dân từ xa qua internet; (iv) lắng nghe nhu cầu và kỳ vọng của công dân; (v) hợp tác bên trong các dịch vụ công; (vi) hiệu suất và chất lượng dịch vụ công.

Từ năm 2005 đến nay, Pháp đã thể chế hóa một loạt cam kết của chính quyền địa phương đối với công dân và đã đạt được nhiều kết quả: (i) chính sách tiếp công dân với thái độ hòa nhã và lịch sự đã được thực hiện ở tất cả các cấp hành chính địa phương, nhất là ở cấp phường, xã; (ii) trả kết quả xử lý công việc trong một thời hạn cụ thể được thông báo và có minh chứng cho công dân (giấy hẹn trả kết quả và thực hiện theo giấy hẹn); (iii) trả lời bất kỳ khiếu kiện nào của công dân; (iv) tạo dựng cơ chế lắng nghe nhu cầu và nguyện vọng của công dân để phục vụ tốt hơn(7).

Ở Rumani

Từ năm 1999 đến nay, Rumani đã xác định vai trò và nhiệm vụ của công chức, viên chức. Ngày 30-9-2001, Rumani đã thông qua “Chiến lược của chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính công”. Ở cấp trung ương, chính phủ đã tạo dựng Hội đồng chính phủ để theo dõi cải cách hành chính công, dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng. Ngoài đội ngũ ký hợp đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và các cơ quan cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tự chủ, Nhà nước chỉ có 112.000 công chức trên tổng số 22,3 triệu dân (48% công chức thuộc hành chính trung ương và 52% thuộc hành chính địa phương). Như vậy, bộ máy hành chính nhà nước rất gọn nhẹ(8).

Những kết quả đạt được trong sáp nhập và đổi mới quản lý hành chính công ở Rumani nổi bật là: (i) đã tái cơ cấu và tái tổ chức một cách sâu sắc hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương để thích ứng với thực tế kinh tế - xã hội của đất nước; mỗi thiết chế và mỗi quy trình cung cấp dịch vụ hành chính công được kiểm tra, giám sát bởi một cơ quan độc lập; (ii) đã tăng cường được năng lực chiến lược ở cấp hành chính trung ương, có năng lực dẫn dắt cải cách hành chính nhà nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất; (iii) đã xây dựng thành công hệ thống hành chính thân thiện, gần dân bằng cách xác định khuôn khổ tham gia vào quyết định của các tổ chức xã hội; (iv) đã phi tập trung hóa các dịch vụ công và củng cố “quyền tự chủ về hành chính và tài chính địa phương” đáp ứng tốt nhất nhu cầu địa phương với kết quả tốt nhất và chi phí thấp nhất; (v) đội ngũ chức trách nhà nước đã được chuyên nghiệp hóa thông qua việc phát triển một nền hành chính tin cậy, hiệu quả, ổn định và trung tính về mặt chính trị. Nhờ đó, Rumani đã thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài.

Qua các nghiên cứu cho thấy mức độ hài lòng của người dân về sắp xếp, sáp nhập bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; về đổi mới quản lý và tổ chức hệ thống dịch vụ công thông qua việc thụ hưởng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích là một trong những chỉ báo về chất lượng và hiệu quả của việc sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; đổi mới quản lý và tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Giá trị tham chiếu cho Việt Nam

Tại Đại hội XIII của Đảng, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được nhấn mạnh, trở thành khẩu hiệu và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của hệ thống chính trị và hệ thống cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam, bao gồm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích. Để đạt được các giá trị dân chủ, niềm tin và sự hài hòa trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, từ một số lý luận và thực tiễn của hệ thống cung cấp dịch vụ công của Liên minh châu Âu có thể rút ra một số giá trị tham khảo.

Thứ nhất, cách tiếp cận xây dựng và thực hiện hệ thống dịch vụ công cần có sự phối hợp từ trên xuống và từ dưới lên. Nếu như cách tiếp cận xây dựng và thực thi hệ thống dịch vụ công từ trên xuống tức là lấy điểm xuất phát từ định hướng, quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng để Nhà nước quy định cụ thể kế hoạch vận hành của hệ thống cung cấp dịch vụ công, thì cách tiếp cận từ dưới lên lại cho phép nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng và sự mong đợi của người dân đối với Nhà nước. Như vậy, hệ thống dịch vụ công mới “phù hợp với ý Đảng, lòng dân”.

Thứ hai, để cung cấp hệ thống dịch vụ công, sự hợp tác công - tư, nhất là đối với tiểu hệ thống dịch vụ sự nghiệp công lập và tiểu hệ thống dịch vụ công ích là rất cần thiết trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh. Với sự hợp tác như vậy người dân mới có thể được thụ hưởng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, trách nhiệm và chất lượng cao.

Tuy nhiên, với hai nhóm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục công lập, Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò bảo đảm cốt lõi an sinh xã hội cho người dân bằng cách tránh tình trạng tư nhân hóa quá mức hai loại hình dịch vụ này, vì đây là hai trụ cột thể hiện rõ nhất “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta đang theo đuổi.

Thứ ba, quản trị dịch vụ công địa phương, nhất là cấp xã, phường, cần được đặc biệt quan tâm, vì đây là cấp quản lý nhà nước gần dân và tiếp xúc trực tiếp với dân nhiều nhất. Sự hài lòng của người dân đối với hệ thống dịch vụ công xuất phát từ các cơ quan nhà nước cấp xã, phường. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức cấp xã, phường là một yêu cầu bức thiết và chính đáng.

Thứ tư, để đạt được mức độ hài lòng cao nhất, sự đồng thuận với các chính sách chung của Nhà nước và gia tăng niềm tin của người dân đối với Đảng cũng như hệ thống chính trị, hệ thống tiêu chí cung cấp dịch vụ công có thể thực hiện đổi mới theo các tiêu chí sau:

(i) Nhà nước xây dựng chiến lược và chương trình, kế hoạch cung cấp dịch vụ công cụ thể (dịch vụ hành chính công; dịch vụ sự nghiệp công lập; dịch vụ công ích).

(ii) Sử dụng công cụ quản lý tài chính và kiểm soát việc quản lý tài chính nhằm: (a) giảm chi tiêu công; (b) nâng cao chất lượng chi tiêu công; (c) bảo đảm mối quan hệ tốt giữa “chất lượng dịch vụ công” và “giá cả - chi phí dịch vụ công”.

(iii) Quản lý chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ công nhằm bảo đảm: (a) chất lượng đón tiếp công dân được cải thiện; (b) thông tin đúng, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và công khai; (c) trả kết quả xử lý công việc trong một thời hạn cụ thể được thông báo; (d) trả lời bất kỳ khiếu kiện nào của công dân; (e) dịch vụ hỗ trợ công dân từ xa qua internet và số hóa; (f) lắng nghe nhu cầu và kỳ vọng của công dân; (g) hợp tác tốt bên trong các dịch vụ công; (h) gia tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ công.

(iv) Xây dựng hình ảnh, danh tiếng và giá trị biểu tượng của cơ quan nhà nước để mỗi người dân đều tự hào với hệ thống cung cấp dịch vụ công.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức hệ thống chính trị, đổi mới quản lý và tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập và dịch vụ công ích là cần thiết và có ý nghĩa lớn. Mức độ hài lòng của công dân đối với hệ thống dịch vụ công vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy hệ thống này vận hành đạt chất lượng cao.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2023

Ngày nhận bài: 04-12-2023; Ngày phản biện: 14-12-2023; Ngày duyệt đăng: 20-12-2023.

(1), (2), (5), (6), (8) Lamarzelle Denys: Management public et modernisation des services publics. https://www.europaong.org/wp-content/uploads/2013/02/management_public.pd, truy cập ngày 16-11-2023.

(3) Xem: Lamarzelle Denys: Sđd, Maillard Jacques de et Küble Daniel : La mise en œuvre: entre application et reformulation de la décision, Dans: Analyser les politiques publiques (2016). pp.79-107, https://www.cairn.info/analyser-les-politiques-publiques-9782706124082-page-79.htm.

(4) Bulletin of the European Union: Laeken Declaration on the future of the European Union 15 December 2001 (Tuyên bố Laeken về tương lai của Liên minh châu Âu), No 12. Luxembourg: Office for Official Publications of the European Communities. Presidency Conclusions of the Laeken European Council, 14 and 15 December 2001), pp.19-23.

(7) Lamarzelle Denys: Sđd, Desforges Corinne : Réforme de l’État et gestion publique, Dans Chroniques de l’administration. publique 2023/1 (N°1), pp.1-7, https://www.cairn.info/revue-chroniques-de-l-administration-publique-2023-1-page-1.htm.