Sáng kiến Văn minh toàn cầu của Trung Quốc - Nỗ lực để truyền thông mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc
(LLCT) - Sáng kiến Văn minh toàn cầu được Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới, ngày 15-3-2023, trong bối cảnh sau 10 năm Trung Quốc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bài viết phân tích bối cảnh; những nội dung chính của Sáng kiến Văn minh toàn cầu và nêu một số nhận xét ban đầu về nội dung, triển vọng của Sáng kiến này.
TS TRẦN THỊ THỦY
ThS TẠ PHÚ VINH
Viện Nghiên cứu Trung Quốc,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1. Đặt vấn đề
Sáng kiến Văn minh toàn cầu, cùng với những sáng kiến toàn cầu được Trung Quốc đưa ra trước đó: Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu, đã và đang được Trung Quốc thúc đẩy trong quá trình mở rộng ảnh hưởng, khẳng định vị thế quốc gia này trên toàn cầu. Nội hàm của sáng kiến này cho thấy sự nhất quán của Trung Quốc trong việc xây dựng một diễn đàn để mở rộng kết nối mềm với thế giới. Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng bước đầu đã cho thấy vai trò tích cực trong việc truyền tải thông điệp về mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
2. Bối cảnh Trung Quốc đưa ra Sáng kiến văn minh toàn cầu
Sáng kiến Văn minh toàn cầu (Global Civilization Initiative - GCI) được Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị trên thế giới, ngày 15 - 3 - 2023, với chủ đề “Con đường tiến tới hiện đại hóa: Trách nhiệm của các đảng chính trị” tại Bắc Kinh(1). Hội nghị Đối thoại cấp cao này là một diễn đàn đa phương do Ban liên lạc của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc tổ chức, được diễn ra lần đầu vào năm 2017, với hơn 300 đại biểu là lãnh đạo của các chính đảng và tổ chức chính trị trên thế giới tham dự(2). Đây được coi là nền tảng đối thoại đầu tiên thu hút lãnh đạo đảng chính trị tham gia với số lượng lớn từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba này, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến Văn minh toàn cầu.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố Sáng kiến Phát triển toàn cầu (Global Development Initiative - GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (Global Security Initiative - GSI) lần lượt vào tháng 9-2021 và tháng 4-2022. Trong đó, Sáng kiến Phát triển toàn cầu được ông Tập Cận Bình đề xuất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, còn Sáng kiến an ninh toàn cầu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao.
Có thể thấy, cách thức ông Tập Cận Bình lựa chọn bối cảnh để tuyên bố các sáng kiến toàn cầu của mình đều mang ý nghĩa sâu xa. GDI được ông Tập Cận Bình đề xuất tại Hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76, khi Trung Quốc còn đang ở giai đoạn thăm dò dư luận nên GDI được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị của Liên hợp quốc bám sát các nội dung mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, GSI - một sáng kiến về an ninh lại được ông Tập Cận Bình tuyên bố trong khuôn khổ Diễn đàn châu Á Bác Ngao - một diễn đàn kinh tế quốc tế do Trung Quốc tổ chức, được ví như một đối trọng với Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos.
Diễn đàn này đánh dấu sự tự chủ của Trung Quốc trong việc đưa ra các sáng kiến/học thuyết tiếp cận toàn cầu của mình. GSI được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị đã tập hợp được nhiều quốc gia đồng minh, đối tác của Trung Quốc nên cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao.
So với bối cảnh của hai sáng kiến trước, bối cảnh của lần đề xuất GCI được đánh giá là có sự khác biệt nhất định. Thứ nhất, GCI được đưa ra khi cả GDI và GSI trước đó đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các nước đối tác của Trung Quốc, vai trò và vị thế của Trung Quốc trong việc tham gia quản trị các vấn đề toàn cầu cũng được nâng lên. Thứ hai, việc đưa ra GCI tại Hội nghị sẽ góp phần bảo đảm mức độ thành công cao (thể hiện bằng tuyên bố và phản ứng của lãnh đạo các đảng chính trị tham gia. Trong khi đa số lãnh đạo các đảng tham gia đều là nguyên thủ các nước, các đảng tham gia diễn đàn cũng là các đảng phái đang cầm quyền). Trong một khung cảnh và bầu không khí “thân thiện” đến từ các đảng đối tác của Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia Hội nghị, chắc chắn GCI sẽ đạt được hiệu quả lan tỏa tốt nhất.
Ngoài ra, “thành công” của Hội nghị lần này nói chung, GCI nói riêng cũng có thể coi là “lời đáp trả” của Trung Quốc đối với Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ mà Mỹ tổ chức vào cuối tháng 3 - 2023(3). Một điểm khác cũng cần chú ý, đó là sự xuất hiện của GCI còn nhằm để mềm hóa các sáng kiến đã được đưa ra trước đó. Rõ ràng, để một sáng kiến về văn minh xuất hiện cùng với các sáng kiến liên quan đến phát triển, an ninh sẽ giúp Trung Quốc tạo nên bộ ba có tính tương hỗ cho nhau, giảm sự nhìn nhận mang tính cứng rắn của dư luận về các sáng kiến mà nước này đưa ra trong những năm gần đây.
3. Những nội dung chính được đề cập trong Sáng kiến Văn minh toàn cầu
GCI được Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong khuôn khổ bài phát biểu có tiêu đề “Cùng nhau bước đi trên con đường hiện đại hóa”(4). Nội dung bài phát biểu của ông Tập Cận Bình gồm năm điểm chính: Thứ nhất, nêu ra cam kết của ĐCS Trung Quốc về việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Thứ hai, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một sáng kiến văn minh toàn cầu. Thứ ba, ĐCS Trung Quốc cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị, tổ chức chính trị ở các quốc gia khác nhau, đồng thời không ngừng mở rộng các điểm hội tụ ý tưởng và lợi ích, thiết lập quan hệ chính đảng kiểu mới, giúp xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Thứ tư, đưa ra năm kiến nghị để tiến hành hiện đại hóa, gồm: (i) Quan niệm đặt yếu tố con người lên trên hết, nêu cao bản chất nhân dân theo hướng hiện đại; (ii) Giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tìm hiểu sự đa dạng của con đường hiện đại hóa; (iii) Giữ vững ý thức đổi mới sáng tạo đúng đắn, duy trì tính liên tục của tiến trình hiện đại hóa; (iv) Quảng bá tinh thần vì người khác, tăng cường tính bao trùm của thành quả hiện đại hóa; (v) Duy trì tinh thần phấn đấu mạnh mẽ, bảo đảm tính kiên định trong việc thực hiện hiện đại hóa. Thứ năm, đề xuất GCI.
Tinh thần cốt lõi của GCI do ông Tập Cận Bình đề xuất có 04 điểm đáng chú ý, gồm:
Thứ nhất, sáng kiến nêu lên nguyên tắc cùng nhau ủng hộ, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh trên thế giới, kiên trì bình đẳng văn minh, học hỏi lẫn nhau, đối thoại và bao dung giữa các nền văn minh. Sáng kiến đề cao việc học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh để vượt qua xung đột giữa các nền văn minh.
Thứ hai, sáng kiến đề xuất hệ giá trị chung của nhân loại bao gồm 6 giá trị: Hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do. Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ bao dung, rộng mở, thấu hiểu trong nhận thức đối với giá trị của các nền văn minh khác nhau, không để các giá trị quan và mô hình của nước này áp đặt lên nước khác, không đối kháng về hình thái ý thức xã hội.
Thứ ba, sáng kiến đề xuất việc cùng nhau ủng hộ nhận thức chung về tầm quan trọng của kế thừa và phát triển văn minh, khai thác triệt để giá trị của thời đại trong lịch sử và văn hóa các quốc gia, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi sáng tạo và phát triển sáng tạo của các nền văn hóa truyền thống ở các quốc gia trong quá trình hiện đại hóa.
Thứ tư, sáng kiến nêu lên việc tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế, tìm kiếm và thiết lập mạng lưới hợp tác đối thoại văn minh toàn cầu, mở rộng và đa dạng nội dung giao lưu, phương thức hợp tác, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các quốc gia, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
4. Một số nhận xét ban đầu về nội dung và triển vọng thực hiện Sáng kiến Văn minh toàn cầu của Trung Quốc
GCI thể hiện sự nhất quán của Trung Quốc trong việc sử dụng khái niệm văn minh để làm mềm hóa hình ảnh quốc gia và các thông điệp chính trị của mình
Với vị thế là một trong những nền văn minh lâu đời trong lịch sử phát triển của nhân loại, Trung Quốc đã tận dụng tối đa lợi thế này để đưa ra các ý tưởng kết nối với thế giới. Học giả Liang Ming Fook, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Xinhgapo) cho rằng: Khái niệm “văn minh” mặc dù không phải là khái niệm mới, tuy nhiên, dưới thời ông Tập Cận Bình, nó được nhấn mạnh hơn so với những người đồng cấp trước đây. Đây là một nỗ lực ngoại giao để làm mềm hóa hình ảnh “cứng” của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường(5).
Trước khi đưa ra GCI, Trung Quốc cũng đã từng nhấn mạnh đến những luận điểm tương tự trong Đại hội đối thoại văn minh châu Á năm 2019. Đại hội này được tổ chức tại Bắc Kinh, là một sáng kiến của Trung Quốc liên quan đến kết nối mềm với các quốc gia trong Vành đai và Con đường. Chủ đề chính của Đại hội là “Trao đổi hiểu biết văn minh châu Á và cộng đồng cùng chung vận mệnh”. Đại hội được chia thành 6 tiểu ban với hơn 110 mục, với hơn 2.000 đại biểu đến từ 47 quốc gia ở châu Á và một số khu vực, gồm các chuyên gia, lãnh đạo, quan chức, nhà quản lý các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, điện ảnh, thư viện, quảng cáo, du lịch. Đặc biệt, Hội nghị có dự tham dự của nguyên thủ các nước như: Campuchia, Hy Lạp, Xinhgapo, Xrilanca và Ácmênia,... và đại diện của UNESCO(6).
Trong phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình đã nêu 3 kỳ vọng và 4 chủ trương trong “cộng đồng văn minh châu Á”. Trong đó, “ba kỳ vọng” gồm: châu Á hòa bình an ninh, châu Á phồn thịnh, châu Á mở cửa; “bốn chủ trương” gồm: Kiên trì tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau; kiên trì việc các nền văn minh cùng tồn tại và khẳng định không có sự xung đột giữa các nền văn minh; kiên trì bao dung mở cửa và học hỏi lẫn nhau; kiên trì tiến cùng thời đại, phát triển sáng tạo(7).
Rõ ràng, những nội dung cốt lõi của GCI có sự nhất quán với các chủ trương của Đảng, Chính phủ Trung Quốc trong cách hiểu về nội hàm văn minh, nhưng được đẩy lên ở phạm vi toàn cầu.
GCI là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện vai trò nước lớn trên phạm vi toàn cầu theo cách tiếp cận mới
Theo các chuyên gia, GCI là nỗ lực tiếp theo của lãnh đạo Trung Quốc nhằm thể hiện vị thế nước lớn trên các diễn đàn quốc tế và hướng tới việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra phạm vi toàn cầu. Với việc liên tục đưa ra 03 sáng kiến toàn cầu trong 03 năm, Trung Quốc đang muốn tạo ra các diễn đàn để thực hiện ý tưởng của ông Tập Cận Bình được đưa ra từ Đại hội XIX và XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “kể tốt câu chuyện Trung Quốc, truyền bá tốt tiếng nói của Trung Quốc”.
Nếu như GDI là bước tiến đầu tiên, đánh dấu sự mở rộng tham dự của Trung Quốc vào các vấn đề toàn cầu, tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc thì đến GSI, Trung Quốc đã “tiến thêm một bước”. Đó là, từ thực tế “thế giới đang đối mặt với tình trạng bất ổn về an ninh và hòa bình, cần có giải pháp an ninh mới để giải quyết tình trạng này”(8), Trung Quốc đã chủ động đưa ra GSI như một “giải pháp Trung Quốc” để góp phần bảo đảm an ninh thế giới.
Với GCI, tầm tư duy của Trung Quốc đã có bước thay đổi lớn hơn, nhằm vào vấn đề đấu tranh ý thức hệ. Thực chất của GCI là muốn vận động các chính đảng xóa bỏ quan niệm lấy giá trị văn hóa Mỹ, văn minh phương Tây làm chuẩn chung cho thế giới, đề xuất tôn trọng nền văn minh chung, văn minh nhân loại trên cơ sở tôn trọng các nền văn minh vốn có của nhân loại.
Cách tiếp cận đáng chú ý của Trung Quốc trong việc đưa ra GCI là Bắc Kinh đang cố gắng hướng đến vũ đài chính trị thế giới với tư cách của một nước lớn, giữ vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển chung của toàn cầu nhưng lại không đi theo lối mòn của các cường quốc phương Tây trong quá khứ.
Trong lịch sử toàn cầu hóa của thế giới, trong nhiều thế kỷ cùng với các cuộc phát kiến địa lý và chiến tranh thuộc địa, giá trị phương Tây đã “viễn chinh” đến phần còn lại của thế giới. Cùng với quá trình đó là sự coi thường các nền văn minh, văn hóa bản địa, các nước lớn đã bỏ qua sự khác biệt văn hóa để áp đặt giá trị chung của “mẫu quốc” đối với các nước thuộc địa.
Từ bối cảnh của lịch sử đó, việc đưa ra GCI với giá trị cốt lõi là dùng “văn minh vượt qua sự khác biệt văn minh”, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp và cách tiếp cận mới đó là bảo tồn, thậm chí đề cao yếu tố văn hóa, văn minh bản địa bên cạnh vai trò tiên phong của các nền văn minh, văn hóa lớn.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc tổ chức Đối thoại và đề xuất GCI nhằm truyền tải thông điệp: Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn sẵn sàng, cởi mở và tự tin trong việc mở cửa với thế giới và kiên định với việc đóng góp ngày càng nhiều hơn vào quản trị toàn cầu(9).
GCI là phương tiện để Trung Quốc truyền thông mô hình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” ra thế giới
Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là một trong những vấn đề lý luận mới, được nước này đưa ra tại Đại hội XX (năm 2022) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, Đại hội XX cho rằng, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, vừa có đặc trưng của hiện đại hóa ở các nước, đồng thời dựa trên những đặc sắc của tình hình Trung Quốc.
Năm đặc trưng cơ bản cấu thành nội hàm hiện đại hóa kiểu Trung Quốc gồm: Thứ nhất, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa của đất nước có quy mô dân số lớn nhất. Thứ hai, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa cùng giàu có cho tất cả mọi người. Trung Quốc coi đặc điểm này là một yêu cầu tất yếu của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, vừa là điểm mở đầu vừa là điểm kết thúc của quá trình hiện đại hóa đất nước. Thứ ba, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa, trong đó văn minh vật chất và văn minh tinh thần được phối hợp với nhau. Thứ tư, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa, trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa. Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đặt mục tiêu ưu tiên chính sách bảo tồn, bảo vệ và phục hồi tự nhiên. Thứ năm, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa theo con đường phát triển hòa bình(10).
Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng phái chính trị trên thế giới được tổ chức vào đầu năm 2023 và sự ra đời của GCI là cơ hội để nước này truyền thông về lý luận hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh đến ý nghĩa và nội hàm của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Ông cho rằng, hiện đại hóa không thể thực hiện được bằng phương pháp sao chép đơn giản, “bất kỳ quốc gia nào muốn đạt được hiện đại hóa, không chỉ cần tuân theo các quy luật chung điều chỉnh, mà quan trọng hơn là phải xem xét các điều kiện và đặc điểm riêng của quốc gia đó(11).
Thông qua Hội nghị Đối thoại, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc đạt được hiện đại hóa với các đảng chính trị khác, đặc biệt là với những đảng từ các nước đang phát triển muốn đạt được hiện đại hóa chứ không phải “phương Tây hóa”.
Mặt khác, về bản chất, ba sáng kiến mới của Trung Quốc đều nhằm thảo luận về cách tìm ra con đường phát triển đúng đắn từ góc độ mô hình chính trị và cách chia sẻ kinh nghiệm quản trị khi tương tác với các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển. Do vậy, Đối thoại nói chung, GCI nói riêng đều phù hợp với quan điểm “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và mục đích tạo ra một hệ giá trị mới, khác với hệ giá trị Mỹ và phương Tây.
Về triển vọng thực hiện Sáng kiến Văn minh toàn cầu của Trung Quốc
Tiếp theo triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc mở rộng thêm các ý tưởng mới. Lần này, các sáng kiến được đưa ra cụ thể theo từng lĩnh vực riêng, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh và mở rộng giao lưu về văn minh. Nội dung của GCI tiếp tục là phương thức để Trung Quốc xây dựng và tập hợp lực lượng thông qua hệ giá trị kiểu Trung Quốc, trong đó lấy tư tưởng đại đồng làm cơ sở.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để GCI thực sự phát huy ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ, từ trước đến nay, Trung Quốc mặc dù rất nỗ lực về chính trị và đầu tư về kinh phí để tăng cường ảnh hưởng mềm ra thế giới, nhưng sức lan tỏa của Trung Quốc chưa được như kỳ vọng của nước này. Phương thức triển khai sức mạnh mềm vẫn bị đánh giá là mang nặng tính tuyên truyền. Hiện nay, các nước phương Tây vẫn tập hợp xung quanh ngọn cờ dân chủ, nhân quyền của Mỹ, bảo vệ nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do vận hành trong hệ thống kinh tế - thương mại - tài chính(12). Sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn bị đánh giá thấp hơn so với những nỗ lực của nước này và so với Mỹ, nhưng rõ ràng cục diện đang xoay chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang có sự đình trệ nhất định.
5. Kết luận
Sáng kiến văn minh toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh sau 10 năm Trung Quốc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường (2013-2023). Nội hàm của GCI cho thấy sự nhất quán của Trung Quốc trong việc xây dựng và mở rộng sự kết nối mềm với thế giới. Các nội dung được đưa ra trong GCI không có nhiều điểm mới, nhưng khi được mở ra phạm vi toàn cầu, đã cho thấy cách tiếp cận mới. Đó là nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của nước lớn bên cạnh việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa bản địa của các nước khác.
Mục đích lớn nhất của GCI chính là truyền thông và xây dựng đồng minh cho hệ giá trị Trung Quốc, song đặt trong bối cảnh quốc tế liên tục biến động phức tạp và hiệu quả trên thực tế của những chiến lược xây dựng sức mạnh mềm Trung Quốc trước đây cho thấy, triển vọng thực hiện của GCI vẫn còn nhiều thách thức.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 551 (1-2024)
Ngày nhận bài: 25-8-2023; Ngày bình duyệt: 08-01-2024; Ngày duyệt đăng: 20-01-2024.
(1) (1) 习近平(2023): 习近平在中国共产党与世界政党高层对话会上的主旨讲话, https://www.fmprc.gov.cn/zyxw/202303/t20230315_11042301.shtml, truy cập ngày 13-7-2023.
(2) 吴汶倩 (2017), 中国共产党与世界政党高层对话会将在北京举行 , http://m.news.cctv.com/2017/11/24/ARTIIoBCDZXcb4PWkUwEdbp7171124.shtml, truy cập ngày 13-7-2023.
(3) Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần đầu tiên do Mỹ tổ chức vào tháng 12-2021, do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, với hơn 100 “khách mời” được chính ông và các cộng sự chọn lựa. Trong đó, Trung Quốc và Nga không được mời tham dự vì theo Mỹ, hai quốc gia này không đại diện cho các giá trị dân chủ. Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ hai do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì tổ chức vào tháng 3-2023 với sự tham gia của 120 quốc gia, nhưng tiếp tục không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc.
(4) 习近平(2023),习近平在中国共产党与世界政党高层对话会上的主旨讲话,">https://www.fmprc.gov.cn/zyxw/202303/t20230315_11042301.shtml, truy cập ngày 13-7-2023.
(5) Chử Thị Bích Thu - Trần Thị Thủy (Đồng chủ biên): Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc thời Tập Cận Bình và ứng xử của Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022.
(6) 中华民族共和国文化和旅游部(2019),亚洲文明对话大会成果可期https://www.mct.gov.cn/whzx/whyw/201905/t20190514_843468.htm, truy cập ngày 14-5-2019.
(7) 亚洲文明对话大会(2019),习近平在亚洲文明对话大会开幕式上的主旨演讲(全文),http://www.2019 cdac.com/2019-05/15/c_1210134648.htm, truy cập ngày 07-6-2020.
(8) 新华网 (2022), 述评:人间正道是沧桑——习近平倡导的安全观为破解世界和平赤字贡献中国方案和智慧, http://www.news.cn/world/2022-04/01/c_1128523354.htm, truy cập ngày 22-8-2023
(9) 新华网 (2023), 外交部发言人:全球文明倡议是新时代中国为国际社会提供的又一重要公共产品, http://www.news.cn/2023-03/16/c_1129437868.htm, truy cập ngày 22-8-2023
(10) 习近平(2022),中国共产党二十大会报告,http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm, truy cập ngày 11-5-2023.
(11) 习近平(2023),习近平在中国共产党与世界政党高层对话会上的主旨讲话 , https://www.fmprc.gov.cn/zyxw/202303/t20230315_11042301.shtml, truy cập ngày 13-7-2023.
(12) Đinh Thị Hiền Lương (Chủ biên): Sức mạnh mềm của Trung Quốc trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tác động và hàm ý đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr.320. http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm, truy cập ngày 11-5-2023.