Phát huy những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê gắn với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa
LLCT - Nhân sinh quan của người Êđê phản ánh cách nhìn nhận về con người, cuộc sống và mối quan hệ với vũ trụ, thiên nhiên, cộng đồng. Các giá trị cốt lõi trong nhân sinh quan thể hiện qua đạo đức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái và ý thức gắn kết gia đình, buôn làng. Bài viết bàn về nhân sinh quan và các giá trị trong nhân sinh quan của người Êđê về giá trị giáo dục đạo đức, giá trị cố kết cộng đồng; đồng thời, chỉ rõ những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk trước tác động của phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa… Trên cơ sở đó, rút ra một số nguyên tắc nhằm phát huy những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê gắn với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian tới.
ThS NGUYỄN ĐÌNH HUẤN
Trường Đại học Tây Nguyên

1. Mở đầu
Nhân sinh quan của người Êđê là kết tinh từ quá trình lịch sử, phản ánh cách nhìn nhận, quan niệm sống và các giá trị tinh thần của cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhân sinh quan của người Êđê đã và đang có những biến đổi đáng kể. Quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế và giao thoa văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến quan niệm về gia đình, cộng đồng, tín ngưỡng và lối sống của người Êđê. Một số giá trị truyền thống vẫn được duy trì và phát huy nhưng cũng có những giá trị dần mai một hoặc đang có chiều hướng biến đổi. Sự chuyển biến này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu, đánh giá để có định hướng phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Êđê. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn và phát huy các biến đổi tích cực trong nhân sinh quan gắn với bảo đảm định hướng XHCN của người Êđê đóng vai trò quan trọng. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo tồn văn hóa dân tộc, gắn kết phát triển kinh tế với gìn giữ bản sắc truyền thống tạo cơ sở để xây dựng các chính sách hỗ trợ cộng đồng người Êđê trong quá trình thích ứng với những thay đổi của xã hội. Vì vậy, nghiên cứu về phương diện biến đổi nhân sinh quan của người Êđê không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
2. Nội dung
2.1. Nhân sinh quan và các giá trị trong nhân sinh quan của người Êđê
Một là, nhân sinh quan của người Êđê
Nhân sinh quan của người Êđê là một chỉnh thể phản ánh cách nhìn nhận về con người, cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thiên nhiên, cộng đồng. Những quan niệm này không chỉ mang tính cốt lõi, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người mà còn được khắc họa rõ nét qua nhiều loại hình văn hóa truyền thống như kiến trúc (nhà dài), điêu khắc (nhà mồ, tượng nhà mồ), nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, sử thi và các nghi lễ đặc trưng. Đồng thời, không chỉ tác động đến nhận thức mà còn chi phối đời sống kinh tế, xã hội, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; tạo cơ sở nền tảng hình thành niềm tin, định hướng lối sống và xây dựng lý tưởng sống cho từng cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng người Êđê.
Hai là, các giá trị trong nhân sinh quan của người Êđê
Giá trị giáo dục đạo đức. Đạo đức là hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ của con người, được quy định bởi điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa… Trong cộng đồng người Êđê, đạo đức gắn liền với tinh thần cộng đồng, sự sẻ chia và trách nhiệm tập thể. Sự gắn kết này thể hiện qua các nghi lễ cộng đồng như lễ cúng bến nước, lễ hội mừng mùa màng… nơi mọi người cùng đóng góp và hưởng thụ thành quả. “Củi nặng thì mang giùm, nước nặng thì gùi giúp, công việc nương rẫy muộn màng thì phải giúp nhau làm cho kịp thời vụ; ai ốm, ai đau phải được mọi người trông nom chăm sóc”(1).
Lòng nhân ái là giá trị cốt lõi, thể hiện qua việc hỗ trợ lẫn nhau trong lao động và đời sống hằng ngày. Quan niệm “giúp người cũng chính là giúp mình” phản ánh sự hòa quyện giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng. Trên thực tế, cộng đồng người Êđê đặc biệt đề cao tinh thần, trách nhiệm tập thể, nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi mỗi gia đình đều nhận thức rằng, thành công của mỗi cá nhân luôn gắn liền với sự phát triển chung của buôn làng. Những giá trị đạo đức này thẩm thấu sâu trong luật tục, vốn là sự kết hợp giữa “giáo dục và xử phạt”, giữa nhận thức cá nhân và dư luận cộng đồng. Ngoài ra, lòng biết ơn tổ tiên cũng là một nét văn hóa về giá trị đạo đức, thể hiện qua các nghi lễ tưởng nhớ cội nguồn. Những giá trị này không chỉ giúp cá nhân hòa hợp với cộng đồng mà còn góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, nơi mỗi người ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình.
Giá trị cố kết gia đình, cộng đồng. Nhân sinh quan của người Êđê biểu hiện qua văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và các thiết chế trong tổ chức xã hội, buôn làng làm nổi bật tính cộng đồng cao. Có thể thấy, đây chính là đặc trưng cơ bản, tiêu biểu về nhân sinh quan của người Êđê. Tinh thần cộng đồng chi phối hầu hết đời sống kinh tế, xã hội cũng như sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Chính chuẩn mực này đã phản ánh rõ nét xã hội công xã nguyên thủy của người Êđê mà ở đó, phương thức sản xuất nông nghiệp nương rẫy giữ vai trò chủ đạo.
Tính cộng đồng của người Êđê thể hiện rõ qua hình thức cư trú, gia đình, dòng họ và buôn làng. Với hình thức tụ cư, buôn làng trở thành “trung tâm điều hành”, tác động chi phối tới nhận thức và hành động của mỗi cá nhân. Trong lao động sản xuất, cộng đồng người Êđê đã tận dụng sức mạnh tập thể để canh tác nương rẫy, từ phát rẫy, cuốc đất đến tuốt lúa… nhằm bảo đảm kịp thời vụ theo lịch nông nghiệp chung. Đây là hình thức đổi công truyền thống, giúp giải quyết lao động trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Tính cộng đồng còn thể hiện qua quan hệ láng giềng, nơi mọi người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Trong cộng đồng ấy, sự ra đời của một đứa trẻ không chỉ là hạnh phúc của gia đình mà còn là niềm vui chung của cả buôn làng. Khi một người mất đi, cả cộng đồng cùng tiễn biệt, thể hiện sự gắn kết bền chặt. Có thể khẳng định rằng, tính cộng đồng trong mối quan hệ láng giềng đã “trở thành nếp sống chi phối hành vi ứng xử của mỗi người, mọi gia đình (…) đó chính là những chuẩn mực và giá trị về đạo lý, nhân cách đã được định hình như một nguyên tắc lớn nhất của quan hệ cộng đồng cư trú”(2).
Bên cạnh đó, tính cộng đồng của người Êđê còn thể hiện trong sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, đặc biệt qua các sử thi (như Dam San, Dam Di, nơi người anh hùng không chỉ đại diện cho cá nhân mà còn cho toàn thể cộng đồng). Xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các nghi lễ đều có sự tham gia của cả buôn làng, thể hiện sự gắn kết và chia sẻ trách nhiệm chung. Những lễ hội lớn như lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước… không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là dịp quy tụ sức mạnh của cả cộng đồng.
Trong cộng đồng người Êđê, tính cộng đồng còn được “ngưng kết” trong biểu tượng nhà dài. Kiến trúc nhà dài thể hiện nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ với kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc. Gia đình mẫu hệ là đơn vị kinh tế - xã hội cơ bản, duy trì lao động chung và sinh hoạt ăn chung một bếp, chỉ tách bếp khi cần thiết nhưng vẫn duy trì sự chia sẻ tài nguyên. Tài sản trong nhà dài thuộc về đại gia đình mẫu hệ, thể hiện sự giàu có chung chứ không thuộc sở hữu của cá nhân cụ thể. Người quản lý tài sản trong nhà dài mang trách nhiệm đối với cộng đồng, thay vì sở hữu độc lập.
Trong cộng đồng người Êđê, mỗi gia đình không chỉ thực hiện chức năng kinh tế mà còn duy trì các giá trị truyền thống. Sự ra đời của một đứa trẻ, đặc biệt là bé gái có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố vị thế của gia đình trong cộng đồng. Tính cộng đồng được xem là chuẩn mực nhân sinh quan của người Êđê, bảo đảm sự gắn kết và sinh tồn của tộc người. Luật tục là công cụ thiết chế quan trọng, quy định chặt chẽ các lĩnh vực từ tài nguyên, đất đai đến quan hệ xã hội nhằm củng cố sự bền vững của cộng đồng người Êđê trong xã hội truyền thống.
Lòng dũng cảm, tinh thần tự lực tự cường và sự sáng tạo trong lao động. Lịch sử hình thành và phát triển của người Êđê là minh chứng cho tinh thần kiên cường, lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu không lùi bước. Trước tác động khắc nghiệt từ môi trường tự nhiên và sự “du nhập” văn hóa bên ngoài, cộng đồng người Êđê đã bảo vệ lãnh thổ, văn hóa và bản sắc riêng của mình. Những câu chuyện về tấm gương sáng của các anh hùng trong cộng đồng người Êđê không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
Giá trị đạo đức từ tinh thần dũng cảm của người Êđê còn thể hiện qua sự kiên cường, lòng yêu nước, ý chí dũng cảm của mỗi cá nhân… Qua đó, góp phần xây dựng xã hội ngày càng vững mạnh. Thực tế cho thấy, cộng đồng người Êđê có truyền thống gắn với nông nghiệp, săn bắt, hái lượm… Tinh thần tự lực, tự cường và sáng tạo trong lao động, sản xuất giúp họ thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Trong các hoạt động từ canh tác, chế tác công cụ đến xây dựng nhà cửa, họ luôn thể hiện sự kiên trì và nỗ lực để cải thiện cuộc sống; đồng thời, duy trì mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Với tín ngưỡng đa thần, người Êđê tin rằng “vạn vật hữu linh” nhưng họ vẫn có tư duy độc lập, không phụ thuộc hoàn toàn vào thần linh. Trong bối cảnh hiện nay, sự kiên trì, sáng tạo và tự cường không chỉ giúp mỗi cá nhân vượt qua khó khăn, thử thách mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội.
Đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên. Môi trường tự nhiên là nơi cung cấp các loại tài nguyên để con người có thể tồn tại và phát triển. Môi trường tự nhiên bao gồm: Môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí… Trong đó, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì sự sống, đặc biệt trước những tác động của biến đổi khí hậu. Truyền thống của người Êđê luôn gắn bó với rừng; đồng thời, giúp họ tích lũy tri thức về khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Quan niệm nhân sinh quan của người Êđê góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng, nguồn nước và hạn chế săn bắn bừa bãi.
Trong cộng đồng người Êđê, canh tác hưu canh, luân khoảnh là phương thức sản xuất chính, được luật tục kiểm soát chặt chẽ. Với quan niệm, “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà”(3), vì vậy, việc chặt phá rừng tùy tiện sẽ bị phạt nặng. Mỗi hộ thường có từ 10-20 rẫy, với chu kỳ tái sinh rừng từ 20-60 năm, giúp bảo vệ tài nguyên đất và ngăn ngừa cháy rừng. Người Êđê thường có thói quen lập buôn trên địa hình cao ráo, gần nguồn nước, giữ vành đai rừng quanh buôn để bảo vệ làng và cung cấp nguồn lợi thiết yếu. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của người Êđê còn thể hiện qua các nghi lễ như cúng bến nước, rước ghế K’pan, phản ánh sự tôn trọng thần linh và thiên nhiên: “Ơ Yang Núi, Yang Sông, Yang Cây rừng!...”(4). Tập quán sản xuất, cư trú và nghi lễ của người Êđê cho thấy, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của rừng, thể hiện trong luật tục và nghi lễ, tạo nền tảng bền vững trong hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng.
2.2. Những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê dưới tác động của phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa
Sự biến đổi nhân sinh quan của người Êđê không chỉ là quá trình thay đổi mà còn phản ánh sự thích ứng linh hoạt với điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội. Những chuyển biến này góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng. Đó là sự biến đổi trong nhận thức và khát vọng phát triển; đổi mới trong giá trị văn hóa và đạo đức khi tiếp nhận các giá trị hiện đại.
Trước tác động của phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, người Êđê ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm những giá trị mới, vượt qua giới hạn truyền thống để phát triển bản thân và cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 45% người Êđê tin rằng, giáo dục hiện đại là “chìa khóa” thoát nghèo (tỷ lệ này ở nhóm tuổi từ 18-35 là 70%). Việc tiếp thu những tiến bộ của khoa học, công nghệ đã giúp họ ứng dụng hiệu quả vào đời sống khi có tới 50% hộ gia đình đã kết hợp phương pháp canh tác bền vững với tri thức truyền thống để nâng cao năng suất lao động(5). Sự dịch chuyển từ thụ động sang chủ động trong nhận thức thể hiện tinh thần biện chứng trong phát triển, giúp người Êđê khẳng định giá trị trong bối cảnh mới.
Thực tế cho thấy, sự biến đổi nhân sinh quan không làm mất đi bản sắc truyền thống mà còn giúp tái định hình các giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với yêu cầu của thời đại. Theo quan điểm biện chứng, giá trị cá nhân và cộng đồng không đối lập mà bổ sung lẫn nhau, tạo nên sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong đời sống văn hóa. Điển hình cho thấy, có tới 78% cặp đôi người Êđê kết hôn dựa trên tình yêu cá nhân thay vì sự sắp đặt của gia đình. Điều này thể hiện sự tiến bộ về quyền tự do và bình đẳng giới trong cộng đồng người Êđê là khá tích cực(6).
Những thay đổi trong nhân sinh quan đã giúp người Êđê thích nghi với nền kinh tế thị trường. Kết quả điều tra cho thấy, có tới 91% hộ gia đình đã chuyển từ kinh tế tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, như cà phê, hồ tiêu(7)… Một số buôn làng như Ako Dhong còn phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp yếu tố truyền thống với dịch vụ hiện đại. Trong giáo dục, nhiều thanh niên Êđê coi việc học tập ở đô thị lớn là cơ hội nâng cao tri thức để đóng góp cho quê hương, buôn làng. Đồng thời, giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, với sự kết hợp giữa lễ hội cồng chiêng và nhạc cụ hiện đại hay những sáng tạo nội dung về văn hóa Êđê trên mạng xã hội... giúp bảo tồn bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Có thể thấy, sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới không chỉ là thích ứng mà còn thể hiện sự sáng tạo, phản ánh năng lực tự định hình lịch sử của người Êđê trong quá trình phát triển bền vững.
2.3. Một số nguyên tắc trong việc phát huy những biến đổi tích cực về nhân sinh quan của người Êđê gắn với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa
Tiến trình phát triển và hội nhập, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, cộng đồng người Êđê nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Định hướng XHCN không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn chú trọng bảo đảm công bằng xã hội, bảo tồn văn hóa và xây dựng con người mới. Việc phát huy các giá trị tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê, kết hợp với nguyên tắc XHCN tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Bảo đảm định hướng XHCN trong phát huy giá trị tích cực về nhân sinh quan của người Êđê không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn nâng cao đời sống cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Nhân sinh quan của người Êđê gồm các giá trị như: Tinh thần cố kết cộng đồng, hòa hợp với tự nhiên, gắn kết gia đình và đề cao giáo dục đạo đức. Về cơ bản, những giá trị này phù hợp với mục tiêu XHCN, bao gồm: 1) Bảo đảm công bằng xã hội; 2) Phát triển bền vững nền kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; 3) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ nhất, bảo đảm công bằng xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(8). Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội tiếp tục định hướng mục tiêu phát triển của dân tộc Việt Nam, hướng tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(9). Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta nhấn mạnh: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…”(10) và đặt con người làm trung tâm của sự phát triển.
Trong cộng đồng người Êđê, tinh thần cố kết cộng đồng là giá trị văn hóa quý báu, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn, tinh thần này đã giúp người Êđê vượt qua khó khăn, thách thức; từ đó, phát huy giá trị tích cực và đóng góp vào mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mặt khác, sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng làm giảm tình trạng bất bình đẳng, tạo cơ hội phát triển đồng đều. Điều 87 của Luật tục quy định: “Củi nặng thì mang giùm, nước nặng thì gùi giúp (…) ai ốm, ai đau phải được mọi người trông nom săn sóc…”(11). Trên cơ sở đó, các sản phẩm lao động chung được phân chia công bằng, giúp giảm chênh lệch về kinh tế. Điều này phù hợp với nguyên tắc bảo đảm công bằng xã hội - mục tiêu xuyên suốt, chủ trương nhất quán trong xây dựng XHCN ở nước ta.
Thứ hai, phát triển bền vững nền kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Người Êđê có quan niệm đặc biệt về thiên nhiên, xem đó như một thực thể sống có linh hồn và cảm xúc. Với họ, rừng núi, sông suối không chỉ đơn thuần là nguồn tài nguyên mà còn là không gian thiêng liêng gắn với tổ tiên và các vị thần. Nhân sinh quan tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên của người Êđê đã có những đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam. Những nguyên tắc sống hài hòa với môi trường của người Êđê mang lại những bài học giá trị trong việc xây dựng chính sách bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Việc áp dụng các phương thức canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ rừng và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý sẽ giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của con người.
Bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết của nhân loại mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước xác định, bảo vệ môi trường là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Đặc biệt, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững (…) phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”(12). Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(13).
Thứ ba, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ lên CNXH với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đó, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, cộng đồng người Êđê nói riêng có vai trò rất quan trọng. Với nền văn hóa phong phú, độc đáo, cộng đồng người Êđê cần được nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống. Bối cảnh hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các dân tộc thiểu số. Trong đó, vấn đề làm sao để thoát nghèo, phát triển mà vẫn giữ được bản sắc, tránh bị mất bản sắc bởi kinh tế thị trường cần được nghiên cứu, bàn thảo thận trọng...
Trước yêu cầu của tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”(14), đồng thời, đề ra mục tiêu “Phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(15). Điều này đặt ra yêu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tính đa dạng văn hóa là yếu tố “sống còn” của mỗi quốc gia, nhưng sự thống nhất lại tạo nên sức mạnh liên kết cộng đồng, dân tộc. Vì vậy, Đảng khẳng định “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(16), góp phần củng cố ý thức dân tộc và xây dựng đất nước.
3. Kết luận
Nhân sinh quan của người Êđê không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng. Các giá trị như tinh thần cố kết, đạo đức cộng đồng, lòng dũng cảm, sáng tạo trong lao động và ý thức bảo vệ môi trường đã giúp người Êđê duy trì bản sắc và thích ứng với những biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Trước tác động của quá trình phát triển và hội nhập, nhân sinh quan của người Êđê đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong giáo dục, kinh tế và giao lưu văn hóa. Trên cơ sở đó, thúc đẩy đồng bào ngày càng chủ động tiếp nhận tri thức mới, đổi mới phương thức sản xuất và tái định hình các giá trị văn hóa theo hướng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Êđê cần gắn với bảo đảm định hướng XHCN; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị trong văn hóa cộng đồng, bảo đảm công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.
_________________
Ngày nhận bài: 10-02-2025; Ngày bình duyệt: 15-02-2025; Ngày duyệt đăng: 7-3-2025.
Email tác giả: ndhuan@ttn.edu.vn
(1), (3), (11) Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu: Luật tục Êđê - Tập quán pháp, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.357-358, 140, 284.
(2) Nguyễn Ngọc Hòa: Văn hóa Êđê - Truyền thống và biến đổi, Luận án tiến sĩ lịch sử, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật - Bộ Văn hóa - thông tin, Hà Nội, 2002, tr.21.
(4) Ngô Văn Doanh, Trương Bi: Nghi lễ - Lễ hội của người Chăm và người Êđê, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.65.
(5), (6), (7) Số liệu thống kê dựa vào điều tra xã hội học của tác giả, tháng 5- 2024.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.224.
(9), (10), (12), (13), (14), (15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128, 99, 214, 117, 110, 115-116, 170.