Thực tiễn

Việt Nam thúc đẩy quyền học tập của đồng bào dân tộc thiểu số

19/03/2025 10:08

(LLCT) - Bài viết làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn thực thi pháp luật về quyền học tập của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, những thành tựu đạt được, những khó khăn, hạn chế, từ đó đưa ra một số khuyến nghị góp phần thúc đẩy thực hiện quyền học tập của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thời gian tới.

TS PHAN VĂN TUẤN
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Trường Đại học Vinh

NCS NGUYỄN KHÁNH LY
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Công tác khuyến học, khuyến tài luôn chú trọng đối tượng là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (Ảnh: Thanh Phúc)
Sự chủ động của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân sẽ là nhân tố bảo đảm công tác giáo dục ở vùng DTTS đạt nhiều thành tựu, quyền học tập của đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm_Ảnh: dantri.vn

1. Mở đầu

Ở Việt Nam, quyền học tập của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những quyền con người, quyền công dân luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, được ghi nhận trong Hiến pháp, các luật. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện pháp luật về quyềnnày vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, điều chỉnh pháp luật để bảo đảm quyền học tập, thúc đẩy thực hiện quyền học tập của đồng bào các DTTS ở nước ta trong thời gian tới.

2. Nội dung

2.1. Pháp luật về quyền học tập của đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam có 54 dân tộc trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,3% tổng dân số và 53 DTTS chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Đồng bào dân tộc cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung…Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, luôn ghi nhận, tôn trọng, nỗ lực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của đồng bào các DTTS, đặc biệt dành nhiều ưu tiên cho quyền học tập đối với đồng bào DTTS. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội…”(1). Trong Điều 61, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(2).

Quyền học tập của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng được bảo đảm trong Hiến pháp và nhiều văn bản luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, chính sách, pháp luật về quyền học tập của đồng bào DTTS ở nước ta chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể sau:

Một là, về chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường đặc biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08 - 10 - 2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó quy định chính sách trợ cấp cho giáo viên như sau: được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng). Mặt khác, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi điều động đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau: Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn(3).

Hai là, chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện, tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực để cùng nhau phát triển đất nước.

Ba là, chính sách ưu tiên đối tượng người học là người DTTS cũng được quy định cụ thể, tùy từng đối tượng có chính sách riêng. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 28 - 7- 2021 của Chính phủ quy định: (1) Các đối tượng được miễn học phí: Trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người DTTS có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ; học sinh, sinh viên là người DTTS với số lượng rất ít ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền; (2) Các đối tượng được giảm học phí: Giảm 70% học phí cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên là người DTTS (không phải DTTS với số dân rất ít) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; (3) Các đối tượng được hỗ trợ học phí: trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trong các trường hợp: mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị khuyết tật, có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi… theo quy định của cơ quan có thẩm quyền(4); (4) Chính sách ưu tiên tuyển sinh đối với các trường hợp: trẻ em mầm non được học ở trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập; học sinh tiểu học có thể học tại các trường dân tộc nội trú, bán trú và trường trung học cơ sở; học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học được tuyển thẳng vào các trường dân tộc nội trú, bán trú và trung học phổ thông dân tộc; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào các trường dân tộc nội trú, bán trú DTTS, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo trình độ trung cấp; học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được nhận thẳng vào các trường đại học, khoa dự bị đại học, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp(5).

Bốn là, về chính sách dạy tiếng và chữ viết cho đồng bào DTTS, trong đó: (1) Ưu tiên dạy và học tiếng DTTS cho người DTTS: Điều này được thể hiện tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 - 7 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nghị định này quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, bao gồm: Điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số(6); (2) Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS. Điều này được thể hiện tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 - 6 - 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025”. Theo đó, tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước(7).

2.2. Kết quả thực hiện pháp luật về quyền học tập của đồng bào người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

2.2.1. Thành tựu

Thứ nhất, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường đặc biệt, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ, ưu đãi. Ngoài việc được hưởng các chính sách dành cho giáo viên theo quy định chung còn các nhà giáo dục ở các điểm trường này được hưởng các chế độ, chính sách riêng theo quy định như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút và phụ cấp giảng dạy bằng tiếng nói và chữ viết của DTTS. Điều này góp phần động viên, khuyến khích kịp thời họ yên tâm gắn bó lâu dài với nghề, địa phương. Họ cũng là nhân tố quan trọng góp phần thực thi quyền học tập của đồng bào DTTS hiện nay.

Ở Việt Nam, quyền học tập của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những quyền con người, quyền công dân luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, được ghi nhận trong Hiến pháp, các luật.

Thứ hai, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Điều này được thể hiện rõ trong tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS làm việc trong các cơ quan nhà nước ngày càng cao (xem Bảng 2.1); số lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên theo từng năm (xem Bảng 2.2); kết quả của việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Trung ương có tỷ lệ ngày càng tăng(10).

Bảng 2.1. Các bộ, ngành sử dụng cán bộ, công chức là người DTTS

trên 5% tổng số biên chế và số lượng người được giao

Các bộ, cơ quan ngang bộ
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS/tổng số biên chế và số lượng người được giao
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS của các bộ, cơ quan ngang bộ
Ủy ban Dân tộc
25,4%
3.952.225 người
Bộ Tư pháp
7,2%
Bộ Quốc phòng
6,69%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
5,45%
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
5,64%

*Nguồn: Báo cáo số 855/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc ngày 3 - 6 - 2022 về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc”(8)

Bảng 2.2. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng (Số liệu tính đến hết năm 2020)

TT
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
Số lượt người
1
Chuyên môn, nghiệp vụ
50.696
2
Kiến thức quản lý nhà nước
222.229
3
Kiến thức về tin học
10.516

*Nguồn: Báo cáo số 732/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc ngày 10-06-2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”(9 )

Thứ ba, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ người học là người DTTS như: hỗ trợ bữa ăn, học bổng, miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, xét tuyển thẳng vào bậc đại học, ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Những chính sách này đã tạo tiền đề, điều kiện cho học sinh, sinh viên là người DTTS học tập tốt hơn. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022), đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên của 16 DTTS có dân số dưới 10.000 người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập, tạo tiền đề, là cơ sở quan trọng để nâng bước trẻ em vùng DTTS đến trường; gỡ bỏ phần nào gánh nặng về kinh tế cho các hộ dân, tạo cơ hội cho các em được đi học(11).

Chính sách tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh người DTTS đã góp phần giúp học sinh là người DTTS có điều kiện tiếp cận giáo dục bậc cao, tạo nguồn cán bộ cấp cơ sở là người DTTS, góp phần thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam hiện nay (xem Bảng 2.4)

Bảng 2.4. Số lượng người học và giảng viên là người DTTS tại các cơ sở

giáo dục đại học (năm học 2021 – 2022)

Sinh viên
Học viên cao học,
Nghiên cứu sinh
Giáo viên
Tổng số (người)
Số tốt nghiệp (người)
Tổng số (người)
Số tốt nghiệp (người)
Tổng số (người)
Tỷ lệ (%)
125.414
14.722
3.268
560
1.027
1,3

* Nguồn: Vũ Thị Ánh: Thúc đẩy quyền giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi(12)

Thứ tư, các địa phương có đồng bào DTTS đã thực hiện một số chính sách riêng, đặc thù trong giáo dục như dạy tiếng và chữ viết của đồng bào DTTS, xóa mù chữ, nâng cao tiếng Việt cho học sinh. Trong giai đoạn 2011 - 2020, có 6 ngôn ngữ DTTS (H'Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na và Ê Đê) trong hệ thống phổ thông được dạy và học tại 22 tỉnh, thành phố, với quy mô 756 trường, 5.267 lớp, 174.562 học sinh học tiếng DTTS. Công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến ngày 30 - 7 - 2023, tỷ lệ người DTTS biết chữ trong độ tuổi (từ 15 đến 60 tuổi) là 93,7%; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm(13).

2.2.2. Hạn chế

Một, một số chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng đồng bào DTTS vẫn chưa đồng bộ, nội dung chồng chéo hoặc tiến độ áp dụng ở các địa phương còn chậm, đời sống của giáo viên còn khó khăn .

Hai, công tác quy hoạch, xây dựng nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu cán bộ cấp cơ sở là người DTTS ở nhiều nơi, ở một số tỉnh vẫn chưa cân đối được số lượng cán bộ địa phương nên vẫn cần tăng cường cán bộ ở các địa phương khác. Đội ngũ giáo viên, bác sĩ, cán bộ tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hầu hết được phân công, thuyên chuyển từ đồng bằng lên.

Ba, quá trình thực thi chính sách đối với người học là người DTTS còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về đối tượng, chỉ tiêu, thời gian hỗ trợ và phương thức hỗ trợ. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 - 5 - 2009 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc để phù hợp hơn với thực tế hiện nay(14). Chính sách tuyển sinh thẳng vào đại học và đào tạo theo địa chỉ chưa được triển khai đồng bộ, công tác sử dụng nhân lực sau đào tạo hiệu quả, chất lượng không cao, gây thất thoát, lãng phí.

Bốn là, quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS còn nhiều hạn chế; nhiều địa phương chưa quan tâm, chất lượng dạy và học chưa cao. Tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi còn thấp; hiện vẫn còn khoảng 30% học sinh chưa đi học đúng độ tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ người DTTS chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn cao. Hiện vẫn còn 20,8% người DTTS và miền núi (khoảng 2,8 triệu người) chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Một số nhóm DTTS như: Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, HMông, Mảng, Lự, La Hủ vẫn còn trên 50% dân số không biết chữ(15). Điều này cho thấy nhiều địa phương chưa làm tốt công tác dạy học tiếng Việt cho trẻ em DTTS, dẫn đến nhiều em gặp khó khăn trong quá trình học tập.

Nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực thi pháp luật về quyền học tập của đồng bào các DTTS ở nước ta do yếu tố cư trú không tập trung gắn với địa hình miền núi bị chia cắt, trình độ dân trí chưa cao, nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS về quyền được học tập của mình còn nhiều hạn chế; tồn tại nhiều hủ tục...đã tác động và dẫn đến những hạn chế trên. Mặt khác, chưa kịp thời kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai chính sách; chậm bổ sung, điều chỉnh chính sách giáo dục cho người DTTS.

2.3. Một số khuyến nghị

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục và quyền được học tập: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về vai trò giáo dục, quyền học tập của các DTTS trong công cuộc giảm nghèo của đồng bào DTTS, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển bền vững ở vùng DTTS. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về việc tự học, tự rèn luyện, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng DTTS.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sáchpháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số: Bên cạnh việc thực thi chính sách, pháp luật, cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh các chính sách, pháp luật hiện hành, từ đó đề xuất, kiến ​​nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền học tập của đồng bào các DTTS phù hợp với yêu cầu thực tế trong thời kỳ mới.

Thứ ba, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục là người dân tộc thiểu số: Xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo là người DTTS hoặc người công tác ở vùng DTTS. Làm tốt công tác tuyển thẳng vào giáo dục đại học, gắn đào tạo với việc làm, bảo đảm số lượng, cơ cấu, ngành nghề, trình độ chức danh theo địa chỉ, bảo đảm yêu cầu công việc, nâng cao trình độ người DTTS. Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để họ yên tâm và gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số: cần khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với việc sử dụng trong đào tạo cán bộ là người DTTS. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần bám sát nguồn cán bộ là người DTTS đang được đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học, sớm đưa vào quy hoạch và sử dụng các nguồn này ngay từ khi vào học. Ngoài ra, cần ban hành chính sách ưu tiên đối với cán bộ cấp cơ sở là người DTTS, khắc phục sự chênh lệch về chuyên môn, nghiệp vụ giữa cán bộ là người DTTS với cán bộ ở thành phố, vùng đồng bằng.

Thứ năm, đổi mới phương pháp, nội dung dạy học, chương trình, sách giáo khoa: cần đổi mới phương pháp, nội dung dạy học, chương trình, sách giáo khoa từ giáo dục phát triển kiến ​​thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học gắn với đặc thù của người DTTS. Do đó cần bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, trong đó tập trung vào người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đây là điều kiện tiên quyết để đồng bào các DTTS được thụ hưởng quyền học tập của mình.

3. Kết luận

Để thúc đẩy thực hiện quyền học tập của đồng bào DTTS cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, để bảo đảm hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật về quyền học tập cho người dân, nhất là đồng bào DTTS cần triển khai thường xuyên, liên tục, đồng bộ và có sự phối hợp của toàn xã hội về các chính sách đặc thù. Sự chủ động của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân sẽ là nhân tố bảo đảm công tác giáo dục ở vùng DTTS đạt nhiều thành tựu, quyền học tập của đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm, góp phần đưa đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

_________________

Ngày nhận bài: 30 - 12 - 2024; Ngày bình duyệt: 13 - 01 - 2025; Ngày duyệt đăng: 16-3-2025.

Email tác giả: phanvantuan94@yahoo.com

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 136.

(2) Quốc hội: Hiến pháp năm 2013.

(3) Chính phủ: Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08 - 10 -2019 của Chính phủ: Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

(4) Chính phủ: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 28 - 7- 2021 của Chính phủ: Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

(5) Chính phủ: Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 - 5- 2017 của Chính phủ: Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

(6) Thủ tướng Chính phủ: Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 - 7 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên

(7) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 2 - 6 - 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025”

(8) Ủy ban Dân tộc: Báo cáo số 855/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc ngày 3 - 6 - 2022 về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc”.

(9) Ủy ban Dân tộc: Báo cáo số 732/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc ngày 10-06-2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

(10) Đỗ Văn Chiến: Một số kết quả chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

(11) Quang Thành và Đức Thành: Thực trạng và kiến nghị trong việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng, https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 30 - 4 - 2023.

(12) Vũ Thị Ánh: Thúc đẩy quyền giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 4 - 6 - 2024.

(13) Thu Hằng: Chính sách ưu đãi giáo dục cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, https://vov2.vov.vn, ngày 18 - 8 - 2023.

(14) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 646/BGD - ĐT ngày 03 - 03 - 2020 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, https://moet.gov.vn, ngày 18 - 05 - 2023.

(15) Phạm Ngọc Yến: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, https://consosukien.vn, ngày 10 - 6 - 2019.