Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tỉnh ủy Bình Định phát huy vai trò hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

20/03/2025 10:08

(LLCT) - Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết bài bản, thống nhất và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã nâng cao nhận thức, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện rõ và đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

ThS TRẦN THỊ THANH THÚY
Học viện Chính trị khu vực II

ThS NGUYỄN THIÊN TRÚC

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định

Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại Lễ phát động.
Lâm Hải Giang , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm, năm 2025 trên địa bàn tỉnh_Ảnh: binhdinh.dcs.vn

1. Mở đầu

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, thông tin sai lệch, quan điểm thù địch gia tăng, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở thành nhiệm vụ cấp bách và thiết yếu. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Nghị quyết số 35-NQ/TW), trong đó xác định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, Tỉnh ủy Bình Định đã phát huy vai trò của hệ thống chính trị (HTCT) trong thực hiện Nghị quyết, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nội dung

2.1. Thực trạng phát huy vai trò hệ thống chính trị tỉnh Bình Định trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Những năm qua, HTCT tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 35-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 3-6-2019 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và “ban hành 98 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện”(1). Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, báo cáo các vụ việc nhạy cảm, dư luận quan tâm cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, xử lý. Qua đó cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Thứ hai, công tác giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong tỉnh tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của Đảng gắn với nội dung các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; kịp thời sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ năm 2018 đến năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố và Ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh “đã mở 880 lớp với 72.031 lượt học viên tham gia học tập các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, biên soạn 03 công trình về lịch sử đảng bộ tỉnh; Trường Chính trị tỉnh đã mở 220 lớp với 20.685 học viên, thực hiện 05 đề tài khoa học cấp cơ sở, tổ chức 10 hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường về nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2). Từ những hoạt động trên cho thấy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, qua đó góp phần củng cố, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

Phát huy vai trò của HTCT tỉnh Bình Định trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là phương cách hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị và phát triển toàn diện tỉnh Bình Định trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Thứ ba, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35 tỉnh) “với 21 đồng chí, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Ban Chỉ đạo 35 tỉnh thành lập Tổ Thư ký với 07 đồng chí và “Nhóm cộng tác viên” gồm 21 thành viên”(3). Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá và một số giải pháp đấu tranh với các thế lực thù địch; thực hành một số kỹ năng cơ bản về xây dựng các trang, nhóm trên mạng xã hội; xây dựng “Nhóm lực lượng nòng cốt” gồm 51 thành viên để tập hợp, chia sẻ thông tin và tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; xây dựng trang Facebook “Hào khí Quang Trung Bình Định” và nhóm Facebook “Hào khí Quang Trung” để lan tỏa các thông tin chính thức, người tốt, việc tốt trên mạng xã hội. Ban Chỉ đạo 35 các cấp xây dựng 720 trang, nhóm trên mạng xã hội. Đến nay, tỉnh Bình Định có 17/17 huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 và được bổ sung, kiện toàn kịp thời khi có thay đổi nhân sự. Tổng số thành viên Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện là 253 đồng chí; tổ thư ký 72 đồng chí; cộng tác viên 282 đồng chí(4). Nhìn chung, lực lượng cán bộ của HTCT tỉnh Bình Định làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động.

Thứ tư, tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, chính thức. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, định hướng tuyên truyền, bảo đảm các cơ quan báo chí trong tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Từ năm 2019 đến năm 2023, các cơ quan báo chí của tỉnh đã có 21.790 tin, phóng sự về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhóm chuyên gia, cộng tác viên công tác 35 đăng tải 3.231 tin, video, hình ảnh; khai thác, biên tập, chia sẻ trên mạng xã hội 91.402 tin, bài, video, hình ảnh về kết quả, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, các sự kiện chính trị quan trọng, gương người tốt việc tốt của đất nước, của tỉnh(5). Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong HTCT tỉnh Bình Định có những cách làm sáng tạo, góp phần đẩy mạnh việc lan tỏa các thông tin chính thức, tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trên các trang mạng xã hội, tạo thành “dòng chủ lưu” để đẩy lùi các thông tin xấu, độc.

Thứ năm, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình kích động, gây rối an ninh, trật tự, nhất là trong dịp đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội XIII của Đảng; các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp như: xung đột Nga - Ucraina; tình hình Biển Đông; công tác phòng, chống dịch Covid-19; vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk(6). Tính đến tháng 6-2023, các cơ quan chức năng đã tiến hành bắt, khởi tố hình sự 03 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 27 trường hợp; gọi hỏi răn đe 175 trường hợp; ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý 279 tài khoản; xác minh, thu thập thông tin 405 đối tượng, nhóm, tài khoản mạng xã hội. Công an tỉnh phát hiện, xác minh làm rõ, xử phạt vi phạm 194 triệu đồng đối với 134 cá nhân có hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật; tác động, răn đe 05 cá nhân tham gia vào các nhóm phản động(7). Kết quả trên cho thấy, Công an tỉnh Bình Định với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đã kết hợp chặt chẽ tính đảng, tính khoa học và tính chiến đấu, bảo đảm yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, văn hóa, tư tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của HTCT tỉnh Bình Định đối với việc thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy. Từ năm 2018 đến năm 2023, Ban Tuyên giáo đã thực hiện 24 cuộc kiểm tra, giám sát; các đơn vị cấp huyện đã kiểm tra 82 lượt tổ chức đảng, đảng viên; giám sát 108 lượt tổ chức đảng, đảng viên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng(8). Trong cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023tỉnh Bình Định được giải Triển vọng(9) và năm 2024 có 01 tác phẩm đạt giải triển vọng(10). Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, Bình Định có 01 cá nhân được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen(11). Kết quả kiểm tra, giám sát, khen thưởng việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của HTCT tỉnh Bình Định góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức đảng; giữ vững sự đoàn kết thống nhất; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tạo động lực và tăng cường sự sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác.

Nguyên nhân của kết quả Tỉnh ủy Bình Định đạt được trong phát huy vai trò HTCT bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đặc biệt quan tâm; Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tập trung chỉ đạo kịp thời xây dựng, kiện toàn lực lượng thực hiện; HTCT tỉnh Bình Định làm tốt xây dựng kế hoạch hoạt động; Lực lượng 35 toàn tỉnh tích cực tham gia các “chiến dịch báo cáo” tin, bài xấu độc, tài khoản của phản động theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò HTCT tỉnh Bình Định trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW còn một số hạn chế:

Thứ nhất, năng lực cán bộ, đảng viên làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong HTCT tỉnh Bình Định chưa đồng đều.

HTCT tỉnh Bình Định có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó nhiều người có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cao. Tuy nhiên, một số cán bộ chưa thực sự theo kịp sự phát triển của công nghệ, nhất là các nền tảng mạng xã hội để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW: “Một số ban chỉ đạo 35 cấp cơ sở hoạt động còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, nhất là việc nhận diện và đấu tranh phản bác trên không gian mạng; đội ngũ làm công tác theo dõi, viết bài đấu tranh trên không gian mạng còn thiếu và yếu, chưa có nhiều bài viết đấu tranh phản bác mang tính chuyên sâu”(12); “Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”(13). Hạn chế này làm cho đội ngũ cán bộ gặp khó khăn trong việc truyền đạt thông tin một cách hiệu quả, thuyết phục; dễ bị tác động bởi các thông tin không được kiểm chứng.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chồng chéo trách nhiệm, thiếu hiệu quả trong công tác đấu tranh. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Tỉnh ủy Bình Định chỉ rõ: “Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc nắm bắt, xử lý thông tin, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, những “vấn đề nóng”, “điểm nóng”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật trên địa bàn tỉnh có lúc còn chậm và thiếu đồng bộ”(14). Hiện nay, ngoài quan điểm chỉ đạo của Đảng về sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và một số văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến trách nhiệm của một số cơ quan chức năng, thì chưa có quy định nào có tính pháp lý cụ thể ràng buộc các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng đề ra biện pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Do vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhiều khi tùy thuộc vào người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị có quan tâm, thể hiện hết trách nhiệm, tâm huyết với công việc này hay không”(15).

Thứ ba, nội dung tuyên truyền chậm được đổi mới, phương thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa thật sự hiệu quả. Một số trang mạng xã hội của cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu quả chưa cao, số tin bài còn ít, chủ yếu là tin hoạt động tại đơn vị, nội dung chưa phong phú, hình thức đăng tin chưa sinh động, hấp dẫn để thu hút nhiều người theo dõi. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 -NQ/TW của Tỉnh ủy Bình Định nhận định: “đối với những vụ việc bức xúc, nổi cộm thu hút sự quan tâm của dư luận, việc cung cấp thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu về thông tin”(16). Phương thức thông tin của công tác tư tưởng trên địa bàn tỉnh Bình Định còn theo phương thức truyền thống, trong khi phương thức, chiêu bài của các thế lực thù địch lại rất đa dạng, tác động tinh vi, vì thế cách tuyên truyền theo phương thức truyền thống chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong bối cảnh mới. “Phạm vi tác động, ảnh hưởng của công tác tư tưởng có dấu hiệu bị thu hẹp”(17). “Nội dung, phương pháp công tác tư tưởng chậm đổi mới, công tác tư tưởng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới”(18). “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân”(19).

Thứ tư, cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Việc rà soát, phát hiện các trang mạng, các đối tượng phản động còn chậm; cách thức tiến hành đấu tranh, tác chiến trên không gian mạng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để vô hiệu hóa thủ đoạn của các thế lực thù địch còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, chủ yếu là lực lượng công an, quân đội tham gia đấu tranh trên không gian mạng, còn ở các cơ quan, đơn vị của tỉnh đa phần chưa hình thành được lực lượng đấu tranh chuyên trách trên mạng. Do đó dẫn đến, công tác nắm bắt, xử lý thông tin, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, những “vấn đề nóng”, “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm có lúc, có việc còn chậm, hiệu quả chưa cao(20); “Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có mặt chưa đạt yêu cầu”(21).

Nguyên nhân của hạn chế trên: Bất cập trong đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, thiếu các chương trình đào tạo bài bản, cập nhật về lý luận chính trị, kỹ năng truyền thông, đặc biệt là trong môi trường số; Các cấp, các ngành thiếu thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp; cơ chế phối hợp chồng chéo, thủ tục hành chính còn rườm rà; Phương thức đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chủ yếu tập trung vào các hình thức truyền thống, chưa tận dụng tối đa các công cụ truyền thông hiện đại; nội dung tuyên truyền đôi khi còn cứng nhắc, chưa hấp dẫn, đặc biệt đối với giới trẻ; Tốc độ phát triển của internet và mạng xã hội ngày càng nhanh, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, quyết liệt; Lực lượng tham gia mỏng; đa số cán bộ phụ trách các trang mạng xã hội của các đơn vị đều phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên không có nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ viết bài, đăng tin, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc.

2.2. Giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị tỉnh Bình Định trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Thứ nhất, phát huy vai trò của các cấp ủy trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Để phát huy tốt vai trò của các cấp ủy trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 2) Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức đấu tranh, huy động lực lượng một cách hợp lý, gắn nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tránh rập khuôn máy móc; 3) Chú trọng lãnh đạo tổ chức đảng và đảng viên đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 4) Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; 5) Thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng; tổ chức tọa đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này nhằm bảo đảm nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thực thi trên thực tế.

Thứ hai, phát huy vai trò của các cấp chính quyền trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Chính quyền các cấp có vai trò “rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”(22). Để phát huy tối đa vai trò của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện những giải pháp cụ thể: 1) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Các cấp chính quyền tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về lý luận chính trị, pháp luật, kỹ năng truyền đạt thông tin, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cần đánh giá năng lực cán bộ định kỳ. Điều này giúp sàng lọc đội ngũ cán bộ, bảo đảm những người thực sự có năng lực và tâm huyết được giao trọng trách; 2) Xây dựng và phát huy lực lượng nòng cốt trong cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 3) Tăng cường minh bạch, công khai, phát huy dân chủ trong quá trình ra quyết định và thực hiện các chính sách, giải trình trước dân, giúp nâng cao niềm tin, phòng ngừa các sai lệch, xuyên tạc; 4) Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, chủ động công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và quốc tế; 5) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, các quy chế quản lý thông tin, báo chí, xuất bản, cơ chế cung cấp thông tin, phát ngôn; phân rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ phù hợp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phù hợp để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh.

Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện thông qua các hoạt động: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội. Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Định thời gian tới cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp: 1) Cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 2) Đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh tư tưởng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện, phạm vi, khả năng thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và từng tổ chức chính trị - xã hội; 3) Tập trung xây dựng, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức phong trào và trực tiếp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ cán bộ, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; 4) Tổ chức tốt công tác tôn vinh tấm gương tiêu biểu, tích cực trong công tác đấu tranh tư tưởng.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò của HTCT tỉnh Bình Định trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Hệ thống pháp lý rõ ràng, đầy đủ là công cụ quan trọng để ngăn chặn các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, ngăn chặn hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Chính vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả quan điểm mà Đảng đã đề ra, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật: 1) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chính sách và khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng; 2) Hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng mạng xã hội, truyền thông số để các cá nhân, tổ chức có thể phát huy vai trò trong việc phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng; 3) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; 4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 5) Đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ năm, đa dạng hóa nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của HTCT

Chú trọng việc cập nhật các chủ trương, chính sách mới kịp thời, chính xác; nội dung tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và mới mẻ. Kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động tận dụng nền tảng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, TikTok để đưa ra các thông điệp chính xác, kịp thời, có chiến lược phản bác lại những thông tin sai lệch được lan truyền trên không gian mạng. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và thực tế ảo (VR) trong công tác tuyên truyền là một hướng đi tất yếu. Tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên trách; kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, HTCT tỉnh Bình Định góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của người dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự đoàn kết, đồng lòng của hệ thống chính trị sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh.

3. Kết luận

Phát huy vai trò của HTCT tỉnh Bình Định trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là phương cách hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị và phát triển toàn diện tỉnh Bình Định trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

_________________

Ngày nhận bài: 14-01-2025; Ngày bình duyệt: 10-3-2025; Ngày duyệt đăng: 14-3-2025.

Email tác giả: thuybdi@gmail.com

([1]), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (12), (13), (14) (16), (20), (21) Xem: Tỉnh ủy Bình Định, Số 276-BC/TU ngày 18-7-2023: Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr.8, 2, 3, 3, 4, 5, 5, 5-6, 6, 8, 8, 8, 8, 8.

(9) Xem: Nguyễn Hân: Bình Định đạt giải “Triển vọng” cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023, https://binhdinh.dcs.vn, ngày 23-10-2023.

(10) Xem: Duy Đăng: Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng lần thứ Tư: Tỉnh Bình Định có 1 tác phẩm đạt giải Triển vọng, https://baobinhdinh.vn, ngày 21-10-2024.

(11) Xem: Kim Thoa: Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, https://binhdinh.dcs.vn, ngày 21-12-2023.

(15) Xem: Phạm Văn Giang: Hoàn thiện cơ chế phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Khoa học chính trị, số tháng 02-2023, tr.54.

(17), (18) Xem: ĐCSVN: Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

(19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.90-91.

(22) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX),

Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.166.