Đào tạo - Bồi dưỡng

Thực trạng và giải pháp khắc phục bệnh ngại học các môn khoa học Mác - Lênin trong một bộ phận sinh viên hiện nay

27/03/2025 11:21

(LLCT) - Thanh niên, trong đó thanh niên sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thanh niên là trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”(1). Học tập các môn khoa học Mác - Lênin có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên, tuy nhiên hiện nay, có tình trạng một bộ phận sinh viên “ngại học”. Bài viết làm rõ thực trạng “ngại học” các môn khoa học Mác - Lênin và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng các môn học này.

ThS TRẦN THỊ TUYẾT NHUNG
Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh

Ngành Triết học
Sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kiến thức chuyên ngành_Ảnh: hcmussh.edu.vn

1. Mở đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp thực tiễn cách mạng ở từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử, lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đối với sinh viên, học tập các môn khoa học Mác - Lênin trước hết phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong thời gian học tập ở trường đại học, để làm người, làm việc, làm cán bộ, có nhãn quan chính trị nhạy bén, sáng tạo trong nhận biết, xử lý, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; đặc biệt có kiến thức, trình độ, phương pháp để phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

2. Nội dung

2.1. Vai trò của các chủ thể trong giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác - Lênin trong trường đại học hiện nay

Ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã sớm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước để thức tỉnh nhân dân; tuyên truyền, phổ biến tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin để thức tỉnh, đoàn kết, tập hợp nhân dân, để nhân dân tự giác tham gia đấu tranh cách mạng, giành độc lập, tự do.

Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Những thành tựu đạt được trong 95 năm qua và gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là thực tiễn sinh động khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, là sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sinh viên là nguồn nhân lực có chất lượng cao của các lĩnh vực, ngành của đời sống xã hội. Việc học các môn lý luận chính trị đối với sinh viên có vai trò rất quan trọng, trang bị hệ thống tri thức lý luận, thực tiễn sâu sắc, toàn diện trong xem xét, đánh giá sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng một cách khách quan, lịch sử, cụ thể. Đồng thời, việc học các môn lý luận chính trị giúp sinh viên có ý thức chính trị trong tham gia vào các hoạt động xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; sống có mục tiêu, lý tưởng khát vọng vươn lên trong công việc, cuộc sống, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì khi Tổ quốc cần.

Thiếu kiến thức khoa học Mác - Lênin sinh viên sẽ thiếu ý chí, niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam; thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; hoài nghi, dao động, bản lĩnh không vững, dễ bị các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào hành động đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; quay lưng lại với truyền thống cách mạng của dân tộc, không có tình cảm, tình thương, sự sẻ chia, đồng cảm với khó khăn, vất vả của người người lao động, đồng bào khó khăn; không có nhãn quan chính trị để phân biệt, nhận biết đúng - sai, tốt - xấu, mới - cũ…

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”(2).

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(3).

Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và học tập lý luận chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh niên sinh viên được các cấp ủy đảng ủy, các đoàn thể, các nhà trường quan tâm. Có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp. Các học viện, nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học đã quan tâm chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; đổi mới, cập nhật nội dung, chương trình giảng dạy các môn khoa học lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và thời gian, hình thức đào tạo.

Đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác - Lênin ở các trường đại học được khảo sát (năm học 2023-2024) như sau:

Học viện Tài chính có 31 giảng viên, trong đó 02 phó giáo sư, 14 tiến sĩ và 15 thạc sĩ;

Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh: có 12 giảng viên, trong đó 01 tiến sĩ, 11 thạc sĩ;

Trường Đại học Tài chính - Marketing có 14 giảng viên, trong đó 2 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và 4 trình độ cử nhân;

Trường Đại học Cần Thơ có 32 giảng viên trong đó 1 Phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 18 thạc sĩ và 3 cử nhân.

Đội ngũ giảng viên đã tích cực, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy; kết hợp giữa các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên; hầu hết các bài giảng môn khoa học Mác - Lênin đều sử dụng giáo án điện tử, có sự lồng ghép âm thanh, hình ảnh, video clip và được bộ môn, khoa thông qua.

2.2. Thực trạng bệnh ngại học các môn khoa học Mác - Lênin trong một bộ phận sinh viên hiện nay

Ngại học các môn khoa học Mác - Lênin trong một bộ phận sinh viên được biểu hiện ở việc lo lắng, tâm lý không vững vàng, đến giờ học các môn lý luận chính trị là ngại tư duy để phát biểu ý kiến, ngại thảo luận, ngại làm bài kiểm tra, thi các môn học lý luận chính trị.

Ngại học của sinh viên được biểu hiện ở việc không thường xuyên nghiên cứu tài liệu, nhất là những tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh; hoặc có đọc nhưng mang tính đối phó, hình thức, qua loa, đại khái; không tư duy sâu sắc các nội dung để nắm bản chất của từng vấn đề, từng bài học; ngại trả lời những câu hỏi phát vấn của giảng viên đưa ra trên lớp, đùn đẩy cho người khác, né tránh.

Từ ngại học dẫn đến một bộ phận sinh viên lười học các môn khoa học Mác - Lênin, biểu hiện ở việc thờ ơ, thụ động, lười suy nghĩ, bị động khi học những nội dung đã có sẵn trong giáo trình, bài viết đã có trên mạng; lười làm bài tập, lười tham gia ý kiến, nhất là trong thảo luận; lười tham khảo tài liệu, quá trình học không tập trung chú ý, làm việc riêng, phân tán, không ghi chép hoặc ghi chép không đầy đủ, có biểu hiện xem nhẹ môn học, không dành thời gian, trí tuệ cho việc học tập các môn này.

Kết quả khảo sát 128 phiếu đối với giảng viên các môn khoa học Mác -Lênin tại 5 trường đại học (Học viện Tài chính, Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Hồng Đức và Đại học Cần Thơ), tháng 5-2024 cho thấy: 58,6% cho rằng môn học có nội dung khô khan, trừu tượng, thiếu tính linh hoạt cụ thể; 31,8% cho rằng nội dung nặng tính sách vở, chưa tạo được sự hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người học; 37,5% cho rằng nội dung trong giáo trình còn trùng lặp, thiếu logic và ví dụ minh họa chưa có tính thuyết phục.

Với số lượng phiếu, đối tượng, thời gian khảo sát như trên: Việc đổi mới phương pháp giảng dạy chưa có nhiều tiến triển, chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, đó là đánh giá của 46,1% số người được khảo sát. Điều đó cho thấy sự hạn chế trong đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học này. Dẫn tới hiệu quả trong dạy và học tập chưa cao tạo hứng thú khi học các môn này.

Điều tra xã hội học đối với 110 giảng viên Khoa Triết học, Khoa Tâm lý học, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (tháng 5-2024) với câu hỏi: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, kết quả là: có 48 ý kiến chiếm 43,6% cho rằng, rất quan trọng; có 35 ý kiến chiếm 31,8% cho rằng, quan trọng; có 18 ý kiến chiếm 16,3% cho rằng, bình thường; có 9 ý kiến chiếm 8,18% cho rằng, ít quan trọng.

Cùng với số lượng 110 phiếu, thời gian khảo sát tháng 5-2024. Với nội dung câu hỏi đối với sinh viên ngành Chính trị học và Công tác xã hội, khi được hỏi về việc giảng viên có thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin? cho thấy: có 54/110 ý kiến cho rằng, giảng viên thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; có 44 ý kiến, chiếm 40,0% cho rằng, giảng viên thỉnh thoảng có sự đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; có 7 ý kiến chiếm 6,36% cho rằng, giảng viên ít khi đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; có 5 ý kiến chiếm 4,54% cho rằng, hiếm khi giảng viên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Theo kết quả khảo sát 300 phiếu ở mỗi trường: Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Học viện Tài chính, Đại học Tài chính Marketing (khảo sát tháng 8-2024) như sau:

Khi được hỏi về tầm quan trọng khi học tập các môn khoa học Mác -Lênin, số sinh viên cho rằng rất quan trọng chiếm tỷ lệ cao 58,6%; Thời gian tự học từ 1-2h đối với các môn học này chiếm 61,3% và sinh viên nhận thức được rằng học tập các môn khoa học Mác - Lênin để nâng cao trình độ và hiểu biết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lấy tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng, kim chỉ nam xuyên suốt quá trình xây dựng đất nước và giữ nước của nhân dân ta chiếm 77,3%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc học các môn khoa học Mác - Lênin của sinh viên còn một số hạn chế; một bộ phận sinh viên có biểu hiện “ngại học, lười học” các môn khoa học Mác - Lênin.

Cùng với số lượng là 300 phiếu, đối tượng khảo sát sinh viên, thời gian khảo sát tháng 8-2024, khi được hỏi sinh viên về học 3 môn (triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học) cho thấy có19,3% cho rằng chưa thấy vai trò các môn học; có 35,3% hứng thú với các môn học này; tâm lý sợ học và chán học là 32,7%.

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, việc học tập các môn học lý luận chính trị của sinh viên có thể được thực hiện bằng nhiều con đường, biện pháp khác nhau: ngoài việc trực tiếp lĩnh hội kiến thức trên lớp do giảng viên truyền đạt; tự học, tự nghiên cứu thông qua tra cứu thông tin trên mạng, đọc những bài viết có liên quan đến nội dung học; đọc tại thư viện.

Khi được hỏi về vai trò của phương pháp tự học các môn khoa học Mác - Lênin của sinh viên: Mức độ chủ động nghiên cứu bài học trước khi lên lớp ở mức thỉnh thoảng chiếm tỷ lệ 55,8%, sự hứng thú với môn học chỉ dừng ở mức thỉnh thoảng thậm chí hiếm khi tham gia phát biểu xây dựng bài (71,9%) và chưa thực hiện lập kế hoạch học tập nghiêm túc (48,7%).

Thời gian dành cho tự học còn ít, số sinh viên được hỏi trả lời có học từ 3h trở lên chiếm tỷ lệ 22,6%.

Khi được hỏi về chất lượng học tập thông qua việc phát vấn của giảng viên, xêmina trên lớp, giảng viên cho rằng sinh viên nắm được kiến thức nhưng không hiểu được bản chất của vấn đề; nắm kiến thức còn lơ mơ; có những sinh viên không nắm được những nội dung cơ bản, cốt lõi, như: Hệ thống hóa các tri thức, bằng các sơ đồ, lập bảng các khái niệm, nội dung biểu hiện của phép biện chứng duy vật là gì; phân biệt điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan; phương thức sản xuất là gì, phạm trù hình thái kinh tế - xã hội chỉ ở mức độ tương đối tốt chiếm 32,5%; Ôn tập và xây dựng đề cương môn học số sinh viên chưa thực hiện tốt chiếm tỷ lệ 40,1%…

Từ đó, dẫn đến tình trạng mỗi khi có giờ học các môn này một bộ phận sinh viên sợ giảng viên gọi phát biểu ý kiến; nếu được gọi, trả lời qua loa, đại khái, không đi vào trọng tâm, trọng điểm câu hỏi, nội dung bài giảng. sinh viên mạnh dạn hỏi và nêu vấn đề chiếm tỷ lệ 32% và chỉ ôn luyện khi kiểm tra và thi chiếm 74,3%. Qua khảo sát cho thấy thái độ học tập của sinh viên chưa nền nếp, học tập mang tính đối phó và chưa thể hiện tình cảm sâu sắc với môn học.

Bên cạnh đó, phương pháp tự học các môn khoa học Mác - Lênin của sinh viên chưa tốt, thời gian rảnh rỗi, phần lớn dành vào lướt mạng xã hội, facebook, zalo. Lên thư viện chủ yếu đọc truyện, chỉ học ôn các nội dung câu hỏi phục vụ cho thi kiểm tra kết thúc môn học.

Vì vậy, một bộ phận sinh viên rất ngại học, lười học các môn khoa học Mác - Lênin, khi được hỏi về chất lượng tự học các môn này, một bộ phận sinh viên cho rằng các môn học này liên quan đến kinh điển nhiều, khô khan, rất khó học, khó nhớ, chất lượng tự học không cao; có sinh viên cho rằng việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin phù hợp với chuyên ngành đào tạo sư phạm, còn những ngành khác như khối kỹ thuật, điện tử, chế tạo máy không cần phải học nhiều.

2. Giải pháp khắc phục bệnh ngại học” các môn khoa học Mác - Lênin trong một bộ phận sinh viên hiện nay

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ”(4).

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, việc trang bị hệ thống tri thức toàn diện, đầy đủ cho các chủ thể, lực lượng làm công tác giáo dục, trong đó cần khắc phục bệnh “sợ học, ngại học, lười học” các môn lý luận của sinh viên, góp phần đào luyện ra thế hệ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, nêu cao tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, lập nghiệp, khởi nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(5).

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng của việc học lý luận

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị gồm các cấp ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu, các phòng, ban, khoa giáo viên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên,… quán triệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập lý luận nói chung, các môn lý luận nói riêng chung.

Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-02-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới đã xác định mục tiêu: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Với tinh thần này, các chủ thể, lực lượng cần đổi mới tư duy nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên hoàn thiện giáo trình giảng dạy các môn này phù hợp với thực tiễn ở mỗi giai đoạn, thời điểm đặt ra; những bài giảng của các môn học trùng nhau, giữ lại bài giảng sát, hợp với từng môn học (triết học Mác - Lênin; Kinh tế Chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học).

Đặt ra những yêu cầu cao đối với giảng viên về nội dung, phương pháp, cần tích cực, chủ động tự điều chỉnh phương pháp dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường phát vấn, trao đổi, tương tác giữa giảng viên và sinh viên; tạo không khí thoải mái, phấn khởi, không gò bó, gượng ép gây tâm lý căng thẳng, e ngại cho sinh viên mỗi khi có giờ học các môn lý luận.

Đồng thời, đặt ra những yêu cầu cao đối với sinh viên trong thời gian học tập các môn lý luận; trước khi học bài mới, giảng viên kiểm tra bài cũ đối với sinh viên, trong quá trình thực hành giảng bài thường xuyên đặt ra những câu hỏi để sinh viên trả lời.

Đối với những sinh viên trả lời tốt câu hỏi do giảng viên đặt ra, giảng viên có thể biểu dương, khen thưởng ngay trên lớp bằng cách cộng điểm vào điểm thi kiểm tra kết thúc môn học.

Đối với những sinh viên không trả lời được câu hỏi do giảng viên đưa ra, không nắm được nội dung, trong giờ học không tập trung chú ý, làm việc riêng, tùy theo năng lực, thái độ đối với môn học cần áp dụng hình thức xử phạt kiên quyết.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mấy chục năm nay, nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình, có nghĩa. Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất”(6).

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy của giảng viên các môn học lý luận là rất cần thiết để tạo hứng thú, tập trung chú ý của sinh viên. Các cơ sở giáo dục và đào tạo cần đổi mới chương trình phù hợp với đối tượng, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ; sắp xếp, bố trí thời gian học các môn lý luận một cách khoa học, hợp lý giữa học trên lớp và tự nghiên cứu của sinh viên; kết thúc môn học nên tổ chức thi kiểm tra hết môn ngay và bố trí thời gian ôn tập thích hợp.

Đối với khoa giáo viên quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; duy trì thường xuyên ngày phương pháp khoa. Lãnh đạo khoa nắm chắc trình độ, năng lực, phương pháp giảng dạy của giảng viên, trên cơ sở đó, xác định phương pháp bồi dưỡng hợp lý.

Đối với giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin được phân công, giao nhiệm vụ giảng dạy chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bài giảng, cập nhật, bổ sung những thông tin mới, mang tính thời sự, được dư luận quan tâm, bám sát những định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước trong quá trình giảng dạy; hiểu tâm của sinh viên, sử dụng các phương pháp linh hoạt, sáng tạo.

Kết hợp chặt chẽ phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, lấy dẫn chứng vào bài giảng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; hạn chế việc trích dẫn quá nhiều kinh điển. Lồng ghép những phóng sự, video clip liên quan trực tiếp đến nội dung bài giảng vào từng mục, từng ý, tạo không khí hứng khởi, tin yêu môn học khoa học Mác - Lênin cho sinh viên; không còn cảm giác sợ học, ngại học, lười học các môn học khoa học Mác - Lênin.

Thường xuyên đưa ra những tình huống, câu hỏi có liên quan trực tiếp đến giao tiếp, ứng xử hàng ngày của sinh viên, qua đó làm cho mỗi sinh viên nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về sự phong phú, muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống, đó cũng chính là thể hiện tình cảm, niềm tin đối với các môn khoa học Mác - Lênin. Muốn vậy, trong quá trình thực hiện giảng bài, giảng viên cần có nghệ thuật để dẫn dắt, những câu hỏi đưa ra cần đúng với trình độ, khả năng nhận thức của sinh viên, nhất là vấn đề mà sinh viên đang quan tâm; tránh đưa ra những câu hỏi quá khó, đánh đố sinh viên, vượt quá tầm nhận thức của sinh viên.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong tự học.

Phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong tự học các môn khoa học Mác - Lênin, có vai trò đặc biệt quan trọng không thể thiếu được trong việc khắc phục bệnh sợ học, ngại học, lười học của một bộ phận sinh viên hiện nay.

Sinh viên vừa là đối tượng, vừa là chủ thể năng động, sáng tạo của việc tự khắc phục bệnh sợ học, ngại học, lười học các môn khoa học Mác - Lênin. Theo đó, trong mối quan hệ này, sinh viên là chủ thể trực tiếp quyết định hoạt động học tập cũng như việc khắc phục bệnh ngại học, lười học các môn khoa học Mác - Lênin hiện nay.

Khắc phục bệnh “ngại học” các môn khoa học Mác - Lênin là phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên trong học tập, gồm nội dung, phương thức nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực một cách toàn diện, đồng bộ.

Giảng viên dù có phương pháp dạy học khoa học, sáng tạo nhưng sinh viên không hứng thú, không yêu thích, chủ động hợp tác với giảng viên, không tự bồi dưỡng, đọc nội dung trước ở nhà, chịu khó nghiên cứu các môn khoa học Mác - Lênin sẽ không bao giờ nâng cao được chất lượng học tập các môn khoa học Mác - Lênin một bộ phận sinh viên.

Để khắc phục bệnh sợ học, ngại học, lười học, mỗi sinh viên cần xác định tốt động cơ, thái độ, tình cảm và niềm tin đối với các môn khoa học Mác -Lênin. Trên cơ sở kế hoạch học tập, mỗi sinh viên sắp xếp, phân bố thời gian hợp lý, khoa học trong việc tự học, tự bồi dưỡng, bổ sung vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và từng môn khoa học Mác - Lênin nói riêng.

Thông qua các cách thức: trên thư viện, trên internet, giảng viên, bạn bè… mỗi sinh viên lựa chọn cách tự học phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu, trước mắt là phục vụ cho nhiệm vụ thi, kiểm tra kết thúc môn học, lâu dài là từng bước hoàn thiện phẩm chất, nhân cách.

Xác định nhận thức, quyết tâm vượt qua khó khăn trong học các môn khoa học Mác - Lênin, xác định học các môn học khoa học Mác - Lênin là tình cảm, là nghĩa vụ, trách nhiệm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cường quốc năm châu thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mục tiêu, nhiệm vụ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Tích cực, chủ động nghiên cứu, đọc tài liệu, những nội dung còn chưa hiểu, chưa rõ có thể vào các trang web tìm hiểu, hoặc lên lớp đặt câu hỏi với giảng viên. Tuyệt nhiên không giấu dốt, hoặc thờ ơ với môn học, cho rằng các môn học khoa học Mác - Lênin chỉ là môn phụ, không liên quan trực tiếp đến công tác sau này.

Mỗi sinh viên cần nghiêm túc trong nhận thức để có những hành động cụ thể trong từng môn học. Mỗi sinh viên tự nhận rõ khả năng của bản thân để xác định cách thức, phương pháp học tập đúng đắn, phù hợp, nắm vững những vấn đề cơ bản, cốt lõi đối tượng nghiên cứu của từng môn học. Trên cơ sở đó, mỗi sinh viên nêu cao tinh thần tích cực trong tự bồi dưỡng, tự học tập các môn khoa học Mác - Lênin, tự học với tinh thần, trách nhiệm cao, với sự yêu thích, tình cảm, niềm tin.

3. Kết luận

Khắc phục bệnh “ngại học” các môn khoa học Mác - Lênin là phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên trong học tập, gồm nội dung, phương thức nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực một cách toàn diện, đồng bộ.

Mỗi sinh viên cần kế thừa, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ sinh viên Việt Nam đã xây dựng, vun đắp nên; không ngừng học tập, rèn luyện về phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

Các chủ thể cần ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào giảng dạy và học tập các môn học, làm cho bài giảng luôn tươi mới, tinh thần tích cực của sinh viên trong học tập, để “Thanh niên phải tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn, phải có khát vọng vươn lên để cống hiến và coi đó là lẽ sống của mình”(7).

_________________

Ngày nhận bài:28-12-2024; Ngày bình duyệt: 20-3-2025; Ngày quyết định đăng: 26-3-2025

Email tác giả: trannhungxxh@gmail.com

(1) Tô Lâm: “Tương lai cho thế hệ thanh niên vươn mình”, https://special.nhandan.vn/tuong-lai-cho-the-he-vuon-minh/index.html

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.274.

(3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 181, 168, 168.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 669.