Hội thảo khoa học về 90 năm Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng
(LLCT) - Ngày 31-3-2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề “90 năm Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn (1935-2025)”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ quản lý Khoa học; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
TS NGUYỄN QUANG HÒA
Viện Lịch sử Đảng
.png)
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức: Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam; Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, II, III; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS. TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh: Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng diễn ra cách đây 90 năm là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng ở Đông Dương. Đại hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng; các bản điều lệ và một số văn kiện khác. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I gồm 13 đồng chí. “Đại hội để lại những bài học quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đó là bài học về sự kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng trên cơ sở thống nhất ý chí, tư tưởng và hành động của tổ chức đảng và quần chúng nhân dân hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Với niềm tự hào về truyền thống hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với trách nhiệm tiếp tục bồi đắp những thành tựu, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng; đồng thời, với sứ mệnh, trọng trách cao cả mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc giao phó, Đảng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam đạt được mục tiêu trong kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, Hội thảo làm rõ bối cảnh lịch sử trước Đại hội lần thứ nhất của Đảng, đặc biệt là sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản với cách mạng Đông Dương. Sau cao trào 1930-1931, thực dân Pháp và tay sai thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Tổ chức Đảng bị những tổn thất rất nặng nề, Ban Chấp hành Trung ương lần lượt bị thực dân Pháp bắt, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn tạm thoái trào. Trong bối cảnh đó, Quốc tế Cộng sản tích cực giúp đỡ cách mạng Việt Nam trên các phương diện: Chỉ đạo xác định đường lối, truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn phương pháp đấu tranh cách mạng; tổ chức cho cán bộ về nước hoạt động, tìm cách cứu Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù thực dân Anh; Giúp đỡ thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài - một tổ chức lãnh đạo đặc biệt của Đảng; Phát động công nhân, nhân dân lao động thế giới và chỉ thị cho các đảng cộng sản ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Đông Dương.
Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài chính thức được được thành lập để lãnh đạo công tác của Đảng. Ban Chỉ huy ở ngoài thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương, xúc tiến việc khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và chuẩn bị các văn kiện và nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thứ hai, Hội thảo làm rõ diễn biến Đại hội và những nội dung cốt lõi của các văn kiện được thông qua tại Đại hội. Đại hội thảo luận và thông qua các văn kiện do Ban Chỉ huy ở ngoài soạn thảo như: Báo cáo chính trị, Báo cáo về công tác đã qua của Ban Chỉ huy ở ngoài; về nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài và các quan hệ của Ban với Trung ương Đảng; về Điều lệ của Đảng. Đại hội thông qua các nghị quyết về công tác vận động quần chúng như: vận động công nhân, vận động nông dân, vận động binh lính, vận động thanh niên, vận động phụ nữ, về công tác trong các dân tộc thiểu số, về công tác phản đế liên minh, về đội tự vệ, về các bản chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Cộng sản, của Công hội đỏ ở Đông Dương và của Nông hội, về Cứu tế đỏ…
Thứ ba, Hội thảo làm rõ vai trò của một số đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng như Lê Hồng Phong, Hoàng Đình Giong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Ngân...
Thứ tư, Hội thảo phân tích làm rõ ý nghĩa lịch sử của Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam. Hội thảo khẳng định Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương; khôi phục phong trào cách mạng. Kết quả của Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng, sự tái lập Ban Chấp hành Trung ương đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc tế của Đảng. Tại Đại hội lần thứ VII, Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức được công nhận là một phân bộ của Quốc tế Cộng sản. Điều đó chứng tỏ uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; khẳng định phong trào cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào cách mạng thế giới vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Đại hội để lại những bài học quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đó là bài học về sự kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng trên cơ sở thống nhất ý chí, tư tưởng và hành động của tổ chức đảng và quần chúng nhân dân hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc; bài học về tinh thần quyết tâm, giữ vững ý chí trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; bài học về tranh thủ tối đa và phát huy hiệu quả sự ủng hộ, giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản để khôi phục hệ thống tổ chức, phục hồi phong trào cách mạng; bài học trong mọi hoàn cảnh, Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và giữ vững tổ chức Đảng.
Việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã góp phần củng cố, phát triển Đảng ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ đây, Đảng bước vào một thời kỳ đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống nguy cơ chiến tranh và chủ nghĩa phát xít những năm 1936-1939; tạo tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
.png)
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên nhấn mạnh, các tham luận đã luận giải từ nhiều góc độ, góp phần làm sáng tỏ tầm vóc của Đại hội thứ nhất của Đảng. Đây thực sự là đóng góp quan trọng và thiết thực cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; qua đó, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.