Tin tức

Hội thảo khoa học: Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới

25/04/2025 21:01

(LLCT) - Chiều ngày 23-4-2025, tại Hà Nội, Viện Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học: Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội thảo; tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ; cùng các cán bộ, giảng viên của Việt Dân tộc và Tôn giáo, các viện của Học viện.

TRẦN XUÂN PHÚ

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo_Ảnh: LLCT

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc”, là “nền tảng tinh thần của xã hội”, là “sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước”, lấy “con người làm trung tâm, mục tiêu và là động lực phát triển quan trọng nhất”. Từ đó, Đảng ta yêu cầu: “khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam”, nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”³, để đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Trong quá trình lịch sử, tôn giáo đã từng chứa một tập hợp các quy tắc, luật lệ đạo đức, nếu mọi thành viên trong xã hội tuân theo các quy tắc, luật lễ đó thì tôn giáo có thể tạo nên hệ giá trị chuẩn mực trên nhiều chiều cạnh của đời sống cá nhân và xã hội. Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề xướng và thúc đẩy con người trong khi hướng đến những giá trị tối thượng, vẫn luôn trở về với những giá trị của con người, nên tôn giáo góp phần tạo nên cho con người một hệ giá trị nhất định về nhân cách, đạo đức, phẩm hạnh, phong cách tư duy, lối sống. Các giá trị của tôn giáo đã tác động đến lịch sử văn minh nhân loại, từ quá khứ đến hiện tại, vừa tích cực vừa tiêu cực.

Các đại biểu dự hội thảo_Ảnh: LLCT

Thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, tôn giáo không chỉ đơn thuần được xem xét ở khía cạnh nhận thức luận, tính tư tưởng hay tính chính trị mà còn chú ý hơn ở khía cạnh giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Cách tiếp cận này có thể chỉ ra được mối quan hệ của hệ giá trị tôn giáo đối với các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, tôn giáo góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo đảm trật tự đạo đức và bình định xã hội. Khi tôn giáo đồng nhất với dân tộc thì tình cảm tôn giáo và lòng yêu nước tương hỗ nhau. Tôn giáo trở thành vũ khí tinh thần chống lại các lực lượng ngoại xâm, bảo tồn văn hoá và chủ quyền quốc gia. Tôn giáo phản ánh tính cách, đặc trưng, bản sắc của một cộng đồng dân tộc, do đó, tôn giáo có chức năng lưu giữ và bảo tồn giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc.

Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được xem là yếu tố “căn cốt” và là “rào chắn” vững chắc bảo vệ hệ giá trị Việt Nam trong xu hướng hội nhập. Việc định hình “hệ giá trị quốc gia” được xem là phải bắt đầu từ “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam”. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với yêu cầu phát triển bền vững. Sự phát triển mà chúng ta theo đuổi cần bảo đảm tính hài hoà và nhân văn, tăng trưởng kinh tế nhưng không bỏ qua hay xem nhẹ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước.

GS, TS Lê Văn Lợi đề nghị các nhà khoa học tập trung làm rõ một số nội dung cơ bàn: Một là, làm rõ hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam và hệ giá trị tôn giáo. Hai là, giải pháp phát huy hệ giá trị tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong bối cảnh mới của dân tộc và thời đại. Ba là, giải pháp phát huy giá trị tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hạnh phúc. Bốn là, làm rõ giải pháp phát huy hệ giá trị tôn giáo trong xây dựng giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tham luận tại hội thảo, PGS, TS Phạm Duy Đức cho rằng tôn giáo đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người, được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức, hành vi và văn hóa của con người. Giá trị văn hóa trong tôn giáo thường được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các giá trị đạo đức, nhân văn, đoàn kết, thẩm mỹ và giáo dục. Trên cơ sở đó, tôn giáo không chỉ là một hiện tượng tín ngưỡng mà còn là một bộ phận cấu thành văn hóa, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự xâm nhập của các giá trị văn hóa ngoại lai, việc nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa trong tôn giáo càng trở nên cấp thiết, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng sự phát triển bền vững của xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Đỗ Quang Hưng cho rằng việc Nhà nước chủ trương xây dựng hệ giá trị gia đình nằm trong chương trình xây dựng hệ giá trị quốc gia cho thấy chủ trương đúng đắn cần gia tăng hơn nữa tới các khía cạnh văn hóa và triết học. Gia đình truyền thống Việt Nam đang suy yếu, đứng trước nhiều thách thức của xã hội hiện đại. Do đó, để kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong vấn đề xây dựng gia đình hiện nay đang được sự nghiên cứu thấu đáo dưới nhiều góc độ như xã hội học, nhân khẩu học… Nhà nước cần có những chủ trương, định hướng chính sách và hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng và hệ giá trị quốc gia nói chung.

Các tham luận, phát biểu nhấn mạnh vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Theo đó, tôn giáo nào cũng đề xướng và thúc đẩy con người hướng đến những giá trị tối thượng; góp phần tạo cho con người hệ giá trị về nhân cách, đạo đức, lối sống. Tôn giáo còn điều chỉnh nhận thức và hành vi, hướng con người đến một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ, trách nhiệm, khoan dung, đoàn kết, chia sẻ,... Đó là tiêu chí cần có của các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo_Ảnh: LLCT