Hoàn thiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ - qua thực tiễn thành phố Hà Nội
(LLCT) -Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nhằm tạo lập môi trường bảo đảm cho các hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được thực hiện đúng định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết làm rõ những vấn đề về quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Thành phố Hà Nội hiện nay.
TƯỞNG QUỐC CÔNG
Tòa án Nhân dân tối cao

1. Mở đầu
Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của cả nước, những năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT). Nhiều chính sách, giải pháp thực thi quyền SHTT đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao uy tín và thương hiệu của các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về SHTT tại Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức, như nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và người dân về SHTT chưa cao, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đồng bộ, tình trạng xâm phạm quyền SHTT còn diễn ra...
2. Nội dung
2.1. Những vấn đề chung của quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Về bản chất, quản lý nhà nước về SHTT là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến SHTT; về chức năng, quản lý nhà nước về SHTT là một hoạt động của Nhà nước trong quản lý SHTT.
Theo nghĩa rộng, quản lý nhà nước về SHTT được thực hiện thông qua cả ba loại hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước.
Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước về SHTT được hiểu như hoạt động quản lý mang bản chất nhà nước nhằm điều hành hệ thống SHTT, được thực hiện bởi cơ quan hành pháp, được thực hiện ít nhất do một bên có thẩm quyền hành chính nhà nước (Chính phủ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương các cấp). Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích quản lý nhà nước về SHTT theo nghĩa hẹp, được đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chủ thể quản lý thông qua các phương thức nhất định tạo ra các tác động quản lý nhằm dẫn dắt đối tượng quản lý đạt tới những mục tiêu nhất định. Theo nghĩa hẹp của khái niệm quản lý nhà nước về SHTT, chủ thể quản lý nhà nước về SHTT là bộ máy hành chính nhà nước tham gia vào quá trình quản lý, điều hành hệ thống SHTT - đó là Chính phủ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về SHTT, các cơ quan chính quyền địa phương các cấp.
Trong quan hệ quản lý hành chính, chủ thể quản lý nhà nước về SHTT là: (i) hai bên cùng có thẩm quyền hành chính nhà nước, cùng hoạt động với mục đích bảo đảm trật tự quản lý, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính nhà nước. Đây được gọi là nhóm quan hệ hành chính công trong lĩnh vực quản lý nhà nước về SHTT; (ii) một bên có thẩm quyền hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành, điều hành với một bên không có thẩm quyền hành chính nhà nước với mục đích phục vụ trực tiếp, đáp ứng các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân về SHTT. Đây còn được gọi là nhóm quan hệ hành chính tư trong lĩnh vực quản lý nhà nước về SHTT. Như vậy, chủ thể quản lý nhà nước về SHTT rất đa dạng, mỗi chủ thể có phạm vi quyền hạn nhất định trong quản lý nhà nước về SHTT.
Vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT nói chung và ở các địa phương nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo trong mọi lĩnh vực, bảo đảm cho việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội. Do đó, vai trò quản lý nhà nước về SHTT thể hiện trên một số nội dung:
Thứ nhất, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo ở mỗi cá nhân, tập thể và doanh nghiệp trong xã hội
Để khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo ở mỗi cá nhân, tập thể và doanh nghiệp trong xã hội, Nhà nước dùng các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng hành lang pháp lý để bảo hộ quyền SHTT mang lại cho các chủ thể sáng tạo cơ hội có thu nhập. Phần thưởng cho mỗi cá nhân, tập thể và doanh nghiệp trong xã hội là lợi ích về tài chính và động cơ thúc đẩy để lặp lại quy trình sáng tạo, đầu tư một phần thu nhập của mình cho hoạt động nghiên cứu và triển khai để tạo ra thành quả sáng tạo mới. Một xã hội không tạo ra hành lang pháp lý an toàn để bảo vệ tài sản trí tuệ thì ở đó nền kinh tế sẽ nghèo nàn, lạc hậu.
Hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh và cơ chế thực thi quyền phù hợp là điều kiện tiên quyết cho hoạt động đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Không có sự bảo hộ độc quyền sáng chế thì doanh nghiệp không yên tâm giới thiệu, chia sẻ công nghệ của mình hoặc đầu tư cho phát triển công nghệ, bởi nhiều lý do khác nhau. Hệ thống bảo hộ độc quyền sáng chế sẽ hạn chế rủi ro đến từ những hành vi vi phạm bản quyền công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức quyết định đầu tư cho phát triển công nghệ. Lợi ích to lớn của hệ thống bảo hộ sáng chế đối với xã hội là việc chia sẻ các công nghệ mới cho công chúng. Theo quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế của nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam, đơn đăng ký sáng chế hoặc bằng độc quyền sáng chế và các tài liệu liên quan sẽ được công bố sau một thời hạn nhất định. Do vậy, tất cả các chủ thể đều có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ đó. Thông tin này sẽ giúp tránh các nghiên cứu trùng lặp và là cơ sở cho các sáng tạo cải tiến tiếp theo. Những cải tiến như vậy có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế và do vậy đây là động lực to lớn thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại và đầu tư trong xã hội
Trong lĩnh vực thương mại, những hạn chế trong quản lý nhà nước về SHTT, liên quan trực tiếp đến quyền bảo hộ SHTT có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của một quốc gia. Khi hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu kém sẽ tạo kẽ hở cho các hoạt động sao chép bất hợp pháp (các băng đĩa, phần mềm máy tính, công nghệ hiện đại, kiểu dáng, nhãn hiệu...). Chủ sở hữu phải thay đổi phương án kinh doanh nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ, tránh rủi ro pháp lý, bảo vệ thương hiệu và hoạt động thương mại bền vững. Một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh và phù hợp sẽ tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa trong hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro của quá trình kinh doanh và đó chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại mỗi một quốc gia và toàn cầu.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về SHTT cũng tác động trực tiếp đến hoạt động chuyển giao công nghệ. Quản lý nhà nước chặt chẽ sẽ tạo ra một hệ thống bảo hộ SHTT đầy đủ và hiệu quả, hạn chế việc sao chép bất hợp pháp, làm giả sản phẩm. Bởi vậy, quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ quyền SHTT đầy đủ và hiệu quả sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho phát triển đất nước. Ngược lại, các quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu sẽ chỉ có cơ hội tiếp nhận các công nghệ đã cũ, thậm chí lỗi thời và mất dần giá trị khai thác.
Thứ ba, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân
Xét dưới góc độ quản lý vĩ mô nền kinh tế, Nhà nước xác lập hệ thống quản lý về SHTT từ trung ương đến các địa phương trong cả nước, quản lý theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong thực tiễn, cuộc đua sáng chế sẽ đưa ra thị trường hàng loạt các sản phẩm để lựa chọn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ sức ép giảm giá và giảm thiểu vị thế thị trường của bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Ngoài ra, hệ thống bảo hộ sáng chế còn là động lực thúc đẩy các chủ sở hữu sáng chế tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các sản phẩm, nhờ đó sản phẩm luôn có tính cạnh tranh trên thị trường. Thực tiễn của việc bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu, nhất là trong xu thế hội nhập. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra và phát triển những nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi trong nước và được biết đến ở nhiều thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, một số nhãn hiệu này đã được bảo hộ ở Việt Nam nhưng lại không kịp thời làm thủ tục yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài nên đã bị đối thủ cạnh tranh hoặc chính những người ở quốc gia sở tại, trước kia là nhà phân phối các sản phẩm đó đứng ra đăng ký, chiếm đoạt quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu đó ở nước ngoài, như bánh phồng tôm “Sa Giang”, cà phê “Trung Nguyên”, giày dép “BITI'S”, kẹo dừa “Bến Tre”, các sản phẩm dịch vụ và dầu khí “ Petro Việt nam”... Do đó, việc xuất khẩu hàng hóa mang các nhãn hiệu này bị đình trệ, mất thị phần, thậm chí hàng thật xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài bị tạm giữ hoặc tịch thu. Một số chủ sở hữu các nhãn hiệu trên đã tiến hành khiếu kiện và giành lại được nhãn hiệu của mình sau khi tiêu tốn rất nhiều sức lực và kinh phí. Mặc dù vậy, đến nay một số thương hiệu vẫn đang phải thực hiện các vụ kiện phức tạp và tốn kém.
Như vậy, quản lý nhà nước về SHTT có vai trò quan trọng, góp phần khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo đối với các chủ thể trong xã hội; thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại và đầu tư; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
2.2. Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương qua thực tiễn thành phố Hà Nội
Những năm qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành kịp thời các văn bản quản lý nhà nước về công tác khoa học công nghệ nói chung, hoạt động SHTT trên địa bàn Thành phố nói riêng. Các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý nhà nước về SHTT đã được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật về SHTT, góp phần định hướng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để tổ chức triển khai, thực thi công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố hiệu quả, nền nếp.
Nhân lực tham gia hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố Hà Nội được kiện toàn thường xuyên, bảo đảm ổn định theo biên chế được giao. Đến năm 2023, Thành phố có 24 cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về SHTT đáp ứng yêu cầu được giao.
Phòng Quản lý SHTT đã tổ chức triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố Hà Nội đúng thẩm quyền, chức trách. Thường xuyên rà soát tổ chức biên chế và tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Bảng 2: Đối tượng sở hữu công nghiệp của thành phố Hà Nội
Nhãn hiệu quốc gia | Sáng chế | Giải pháp hữu ích | Kiểu dáng công nghiệp | |
Số lượng đơn sở hữu trí tuệ và văn bằng bảo hộ: | ||||
- Đơn sở hữu trí tuệ | 380645 | 46603 | 3963 | 25166 |
- Văn bằng bảo hộ | 224738 | 12783 | 1101 | 16636 |
Tăng trưởng bình quân hàng năm (%): | ||||
- Đơn sở hữu trí tuệ | 8,02 | 9,31 | 5,49 | 6,61 |
- Văn bằng bảo hộ | 9,01 | 8,73 | 7,31 | 12,16 |
Nguồn: Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học
và Công nghệ thành phố Hà Nội
Công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, sáng chế giải pháp hữu ích, văn bản bảo hộ luôn được giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự, thời gian quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội chỉ đạo các phòng chức năng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với hàng hóa. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn.
Hằng năm, hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố được tiến hành thường xuyên, bảo đảm nguyên tắc sát đúng, toàn diện, cử những cán bộ có nhiều kinh nghiệm tham gia công tác thanh tra, kiểm tra. Thông qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn nhiều hạn chế. Thành phố Hà Nội chưa chủ động xây dựng chính sách bảo hộ quyền SHTT cho tiến trình hội nhập quốc tế. Việc xây dựng chính sách bảo hộ quyền SHTT nói chung, SHTT nói riêng cho hội nhập quốc tế hiện nay chủ yếu ở hoạt động xây dựng ý kiến chuyên môn, rà soát báo cáo minh bạch hóa pháp luật và chính sách của Việt Nam, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam về SHTT và đánh giá hệ thống SHTT của Việt Nam, xây dựng lập trường của Việt Nam trong khuôn khổ các vòng đàm phán Doha, đồng thời bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong khuôn khổ Hội đồng TRIPS và tham gia đàm phán liên quan đến SHTT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại. Tổ chức bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội chưa được chuyên môn hóa. Sở Khoa học và Công nghệ còn chưa thành lập các bộ phận chức năng quan trọng như: bộ phận phản đối, bộ phận quản lý thông tin và lưu trữ nhãn hiệu, bộ phận sửa đổi và gia hạn nhãn hiệu, bộ phận quản trị và giám sát nhãn hiệu, bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định, bộ phận quản trị thẩm định sáng chế, bộ phận lưu trữ tư liệu sáng chế.
Chất lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong các năm 2021 - 2023 chưa cao, số đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT mà cơ quan chức năng của Sở Khoa học và Công nghệ trả lại gia tăng. Điều này phản ánh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với hàng hóa chưa thật sự hiệu quả.
Việc xử lý đơn khiếu nại SHTT có lúc không đúng thời hạn quy định. Việc kéo dài thời gian làm cho số lượng đơn khiếu nại chưa xử lý hằng năm tăng lên, ảnh hưởng đến hoạt động xác lập quyền SHTT (vì trong một số trường hợp, việc thẩm định đơn SHTT phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn khiếu nại) hoặc làm kéo dài thời gian xử lý vi phạm pháp luật về SHTT.
Thủ tục và chế tài hành chính chiếm tỷ trọng lớn so với thủ tục và chế tài dân sự, hình sự. Việc quá chú trọng xử lý vi phạm pháp luật về SHTT bằng biện pháp và chế tài hành chính làm giảm tính chủ động của các chủ thể quyền SHTT, gây áp lực cho các cơ quan quản lý thị trường và thanh tra.
2.3. Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Thành phố Hà Nội
Một là, triển khai Chiến lược về sở hữu trí tuệ đến năm 2030, xây dựng chính sách về SHTT
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, khai thác tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đồng thời bảo đảm hệ thống SHTT giữ vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới, đóng góp vào phát triển Thủ đô.
Thành phố Hà Nội triển khai, cụ thể hóa Chiến lược về sở hữu trí tuệ đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các quyết sách chỉ đạo trong quá trình quản lý. Xác định rõ mục tiêu của SHTT, hiện thực hóa tầm nhìn của Thành phố trong tương lai là phát triển kinh tế - xã hội dựa vào khoa học và công nghệ, nhất là ưu tiên phát triển công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo; tạo môi trường khuyến khích việc sử dụng tài nguyên trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội; gắn với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng, du lịch và lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, vấn đề nước sạch và vệ sinh, môi trường.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực SHTT
Để phát triển nguồn nhân lực SHTT, Hà Nội cần xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống SHTT, trọng tâm gồm: quản lý nhà nước về SHTT; chương trình đào tạo nhân lực SHTT trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo nhân lực quản lý nhà nước về SHTT nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực hoạt động về SHTT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về SHTT, nhất là đối với nhân lực trong cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan liên quan.
Ba là, xác lập quyền SHTT
Sửa đổi, ban hành quy chế thẩm định đơn SHTT: hoàn thiện quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, theo các tiêu chuẩn và điều kiện thẩm định đang được áp dụng. Các quy chế này được sử dụng như cẩm nang thẩm định, công cụ đào tạo thẩm định viên, tạo sự thống nhất trong thẩm định và là tài liệu tham khảo cho các chuyên gia tư vấn SHTT và đại diện SHTT. Các quy chế này hướng dẫn chung về nghiệp vụ thẩm định, đồng thời hướng dẫn thẩm định các trường hợp cụ thể hoặc điển hình. Thường xuyên rà soát để cập nhật sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định và bổ sung các trường hợp điển hình mới được áp dụng.
Hoàn thiện và ban hành mới hệ thống phân loại hàng hóa, dịch vụ dùng để đăng ký nhãn hiệu: hệ thống phân loại hàng hóa, dịch vụ cho việc đăng ký nhãn hiệu, hệ thống phân loại hàng hóa, dịch vụ hiện hành cần được hoàn thiện theo hướng lấy bảng phân loại Nixơ làm cơ sở và bổ sung các hàng hóa, dịch vụ đặc thù của Việt Nam. Phòng quản lý SHTT cần định kỳ cập nhật danh mục mới phát sinh và công bố rộng rãi trên hệ thống thông tin SHTT, đồng thời ban hành quy định về việc sử dụng danh mục hàng hóa, dịch vụ theo tên, mã được công bố. Đây là cơ sở để việc nộp đơn điện tử được thuận lợi dựa trên việc mã hóa các danh mục chuẩn đã công bố.
Bốn là, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về SHTT
Rút ngắn thời gian xử lý khiếu nại, giảm tồn đọng đơn khiếu nại và nâng cao chất lượng hoạt động xử lý khiếu nại hoặc hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị đơn khiếu nại và minh bạch hóa thông tin khiếu nại; thay đổi cách thức giải quyết khiếu nại, tăng cường áp dụng hình thức tranh luận trực tiếp giữa các bên tại bộ phận khiếu nại; xây dựng khung pháp lý để giải quyết các vấn đề khiếu nại; phân công các chuyên viên thẩm định có kinh nghiệm làm việc bộ phận giải quyết khiếu nại.
Hệ thống bảo vệ SHTT cần đẩy mạnh việc thông qua cả hai biện pháp thực thi (thực thi bằng thủ tục và chế tài hành chính, thực thi bằng thủ tục và chế tài dân sự), kết nối chúng một cách hữu cơ với nhau nhằm phát huy lợi thế của cả hai biện pháp thực thi này. Hằng năm, triển khai các chiến dịch bảo vệ quyền SHTT và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền SHTT; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về SHTT; xây dựng đội ngũ thanh tra, kiểm tra các cấp, xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm chuẩn hóa đội ngũ thanh tra, kiểm tra; tăng cường hoạt động giám sát, minh bạch hóa thông tin thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về SHTT.
3. Kết luận
Quản lý nhà nước về SHTT bảo đảm cho các hoạt động liên quan đến SHTT thực hiện đúng định hướng theo Chiến lược quốc gia về SHTT, các chương trình quốc gia về SHTT cũng như định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy và tạo lập môi trường pháp lý ngày càng đầy đủ, ổn định và hiệu quả cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ; thúc đẩy và tạo lập môi trường kinh tế, kỹ thuật, xã hội bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về SHTT được thuận lợi và đạt hiệu quả cao; thúc đẩy, hoàn thiện hệ thống SHTT theo hướng cân bằng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
_________________
Ngày nhận bài: 8-1-2025; Ngày bình duyệt: 20-01-2025; Ngày duyệt đăng: 10-5-2025.
Email tác giả: tuongcong.tand@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Bá Diến: Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập quốc tế: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010.
2. Vũ Cao Đàm: Một số vấn đề Quản lý Khoa học và Công nghệ ở nước ta, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2011.
3. Nguyễn Minh Đoan: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
4. Nguyễn Tuấn Minh: “Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng khu vực công”, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 223 (8/2014).
5. Kiều Thị Thanh: Hội nhập quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013.