Quốc tế

Vai trò của tòa án trong kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

24/06/2025 15:37

(LLCT) - Bài viết phân tích vai trò của tòa án trong việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trên cơ sở nghiên cứu tính pháp lý, thực tiễn tổ chức và hoạt động xét xử của tòa án trong các vụ án hành chính, bài viết chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu trong hoạt động kiểm soát quyền hành pháp tại Lào. Từ đó, đưa ra một số gợi mở có giá trị tham khảo đối với quá trình hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền hành pháp bằng công cụ tư pháp, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, hiệu quả.

PRISA NOIMANY
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tòa án nhân dân Tối cao nước CHDCND Lào và Tòa án nhân dân Tối cao nước CHXHCN Việt Nam tổ chức Hội đàm song phương tại Thủ đô Viêng Chăn_Ảnh:tapchivietlao.org

1. Mở đầu

Trong mô hình nhà nước pháp quyền, việc bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp là yêu cầu căn bản. Trong đó, quyền hành pháp với tính chất tổ chức và điều hành bộ máy nhà nước, triển khai chính sách và pháp luật, có khả năng tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, kiểm soát quyền hành pháp nhằm bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng, vận hành trong khuôn khổ pháp luật và vì lợi ích công cộng là một trong những nội dung cốt lõi trong lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tòa án - với tư cách là cơ quan xét xử độc lập - có vai trò đặc biệt trong cơ chế kiểm soát quyền hành pháp. Bằng hoạt động xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ việc hành chính, tòa án xác định tính hợp pháp của các quyết định, hành vi hành chính của cơ quan công quyền, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước những vi phạm của bộ máy hành chính nhà nước.

Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào việc thiết lập cơ chế kiểm soát quyền hành pháp thông qua tòa án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nghiên cứu vai trò của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp ở Lào sẽ góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Lào.

2. Nội dung

2.1. Đặc điểm của quyền hành pháp và cơ sở lý luận về kiểm soát quyền hành pháp của tòa án

Trong tổ chức quyền lực nhà nước hiện đại, quyền hành pháp là một bộ phận của quyền lực nhà nước, được trao cho các cơ quan thực thi, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật, điều hành chính sách công và quản lý các mặt đời sống xã hội. Quyền hành pháp có một số đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, quyền hành pháp có tính chủ động và năng động cao trong quản lý xã hội. Đây là quyền lực gắn với hoạt động điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Tính chất này đòi hỏi cơ quan hành pháp, đặc biệt là Chính phủ và các cơ quan trực thuộc, phải thường xuyên ban hành quyết định quản lý và phản ứng nhanh trước các biến động thực tiễn.

Thứ hai, quyền hành pháp có khả năng tác động trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Khác với quyền lập pháp thường tác động gián tiếp qua hệ thống văn bản quy phạm, hoặc quyền tư pháp thường chỉ được kích hoạt khi có tranh chấp, quyền hành pháp thể hiện qua các quyết định hành chính - một hình thức tác động tức thì và cụ thể đến công dân, tổ chức. Các quyết định như cấp phép, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi đất, cưỡng chế thi hành… đều có ảnh hưởng tới đời sống, tài sản, danh dự và các quyền cơ bản của người dân. Do đó, yêu cầu về tính minh bạch, hợp pháp và khả năng bị kiểm tra, giám sát đối với quyền hành pháp là rất cao. Trong thực tiễn Lào, một số quyết định hành chính được ban hành chưa dựa trên quá trình tham vấn đầy đủ hoặc thiếu cơ chế giải trình, dẫn đến phát sinh khiếu kiện và làm suy giảm niềm tin của công dân đối với Nhà nước.

Thứ ba, quyền hành pháp dễ phát sinh lạm quyền, nhũng nhiễu nếu không được kiểm soát hiệu quả. Việc trao cho hành pháp quyền lực lớn mà thiếu cơ chế kiểm soát sẽ dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực, nhất là trong các lĩnh vực như đầu tư công, đất đai, xây dựng, thu chi ngân sách, v.v.. Nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm, “hành chính hóa công vụ” là những hệ quả thường thấy nếu quyền hành pháp không bị ràng buộc bởi hệ thống pháp luật và các cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Những đặc điểm trên cho thấy yêu cầu kiểm soát quyền hành pháp là tất yếu, nhằm bảo đảm cho quyền lực này được vận hành đúng pháp luật, phục vụ lợi ích công, bảo vệ công lý, nhà nước pháp quyền và quyền con người.

Kiểm soát quyền hành pháp là tổng thể các thiết chế, biện pháp và cơ chế nhằm giới hạn, giám sát, điều chỉnh hoạt động của các chủ thể thực thi quyền hành pháp, bảo đảm quyền lực được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và không bị lạm dụng. Mục tiêu cốt lõi của cơ chế này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và củng cố niềm tin xã hội vào hệ thống công quyền.

Kiểm soát quyền hành pháp được thực hiện bởi nhiều chủ thể, bao gồm cơ quan lập pháp (thông qua hoạt động giám sát), các thiết chế thanh tra, kiểm toán, cơ quan báo chí, người dân và đặc biệt là tòa án. Trong số đó, kiểm soát tư pháp do tòa án thực hiện là hình thức kiểm soát có tính pháp lý cao nhất, có khả năng vô hiệu hóa những quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật và tạo ra các chế tài ràng buộc đối với cơ quan hành pháp.

Với tư cách là cơ quan xét xử độc lập, tòa án có vai trò trung tâm trong việc bảo đảm pháp quyền và kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp thông qua việc giải quyết các vụ án hành chính hoặc xét xử các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công quyền. Vai trò này được thể hiện ở một số phương diện sau:

Thứ nhất, tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền hoặc người có thẩm quyền trong bộ máy hành pháp. Nếu phát hiện vi phạm, tòa án có thể tuyên hủy hoặc yêu cầu khắc phục, qua đó buộc cơ quan hành pháp tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, tòa án là thiết chế bảo vệ quyền con người và quyền công dân trước sự xâm phạm từ phía cơ quan hành chính. Việc cho phép cá nhân, tổ chức khởi kiện cơ quan hành pháp tại tòa án là biểu hiện rõ ràng của nhà nước pháp quyền.

Thứ ba, thông qua án lệ và các phán quyết mang tính chuẩn mực, tòa án góp phần định hình hành vi hành chính đúng đắn, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính tuân thủ pháp luật trong thực thi quyền hành pháp.

Thứ tư, hoạt động kiểm soát của tòa án góp phần bảo đảm cân bằng quyền lực giữa các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước, từ đó tạo sự vận hành ổn định, hài hòa của toàn hệ thống chính trị.

Như vậy, xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, vai trò kiểm soát quyền hành pháp của tòa án là một cấu phần thiết yếu của mô hình nhà nước pháp quyền hiện đại. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả của vai trò này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khuôn khổ pháp lý, tính độc lập của tòa án, trình độ chuyên môn của thẩm phán và mức độ phát triển của xã hội dân sự.

2.2. Vai trò của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp ở Lào

Khung pháp lý về kiểm soát quyền hành pháp

Trong những năm gần đây, Lào đã có nhiều bước tiến trong xây dựng nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bao gồm quyền hành pháp. Hiến pháp Lào năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) đã khẳng định nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tòa án nhân dân được xác định là cơ quan có chức năng xét xử độc lập và bảo đảm công lý. Hiến pháp, Luật Tòa án nhân dân, Luật Tố tụng hành chính và một số luật chuyên ngành khác đã tạo nền tảng pháp lý cho việc kiểm soát hành vi hành chính thông qua hoạt động xét xử. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Lào về kiểm soát quyền hành pháp vẫn còn nhiều hạn chế. Luật Tố tụng hành chính mới được ban hành năm 2020, số lượng vụ án hành chính được giải quyết còn ít, nhận thức xã hội về quyền khởi kiện hành chính chưa phổ biến.

Cơ chế tổ chức và hoạt động của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp

Tòa án nhân dân ở Lào bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án phúc thẩm và các tòa án sơ thẩm tại cấp tỉnh và huyện. Trong hệ thống này, Tòa án tối cao đóng vai trò định hướng, hướng dẫn nghiệp vụ và giải thích pháp luật. Các tòa án cấp dưới thực hiện xét xử các vụ việc theo thẩm quyền, bao gồm cả các vụ án hành chính. Từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, người dân có quyền khởi kiện cơ quan hành chính nhà nước hoặc cán bộ, công chức khi cho rằng các quyết định, hành vi hành chính đó trái pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Điều này đánh dấu bước phát triển đáng kể trong thiết lập cơ chế kiểm soát quyền hành pháp thông qua tòa án.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng vụ án hành chính được thụ lý và giải quyết còn rất hạn chế. Một phần do thẩm phán chưa có nhiều kinh nghiệm xét xử loại vụ án này; một phần khác do nhận thức pháp lý của người dân còn hạn chế, dẫn đến ngại va chạm hoặc không biết cách thực hiện quyền khởi kiện. Ngoài ra, sự độc lập của tòa án - yếu tố then chốt để kiểm soát quyền hành pháp vẫn chưa được bảo đảm một cách đầy đủ. Hệ thống tổ chức, nhân sự và cơ chế bảo vệ thẩm phán trước sức ép từ các cơ quan hành pháp chưa thực sự rõ ràng và vững chắc.

Mặc dù đã có bước tiến về pháp lý, vai trò của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp ở Lào vẫn còn mờ nhạt. Một số hạn chế đáng chú ý: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý về tố tụng hành chính còn mới và chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn thi hành cụ thể, gây lúng túng trong áp dụng. Thứ hai, đội ngũ thẩm phán hành chính còn mỏng, trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu kinh nghiệm giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố chính quyền. Thứ ba, người dân chưa được phổ biến đầy đủ về quyền khởi kiện hành chính và các thủ tục pháp lý liên quan, dẫn đến sự thiếu chủ động trong việc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi. Thứ tư, mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và tòa án chưa thực sự bình đẳng; trong nhiều trường hợp, việc xử lý các vụ việc có yếu tố hành chính dễ bị chi phối bởi tâm lý nể nang, né tránh xung đột với các cơ quan công quyền.

Các hạn chế ở trên cho thấy vai trò của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp ở Lào tuy có bước tiến về mặt hình thức, nhưng còn nhiều thách thức trong việc thực thi hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía ngành tòa án, mà còn từ cả hệ thống chính trị và xã hội dân sự để tạo điều kiện cho thiết chế tư pháp thực hiện đúng chức năng của mình trong nhà nước pháp quyền.

2.3. Một số kinh nghiệm

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, việc bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền hành pháp thông qua hoạt động tư pháp, là yêu cầu mang tính tất yếu. Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của tòa án trong kiểm soát quyền hành pháp ở Lào, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tố tụng hành chính

Thực tiễn ở Lào cho thấy, khi ban hành Luật Tố tụng hành chính và thiết lập cơ chế cho người dân khởi kiện quyết định, hành vi hành chính, hoạt động kiểm soát quyền hành pháp đã có những chuyển biến rõ rệt. Mặc dù đã ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, song cần tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn, thống nhất áp dụng pháp luật, nâng cao tính minh bạch, khả thi trong thực tiễn xét xử. Cần đặc biệt quan tâm đến việc quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, hình thức khởi kiện và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong cung cấp chứng cứ, giải trình quyết định hành chính bị kiện.

Hai là, nâng cao năng lực và bảo đảm tính độc lập của tòa án

Một yếu tố quan trọng để tòa án thực hiện vai trò kiểm soát quyền hành pháp là tính độc lập của cơ quan tư pháp và năng lực chuyên môn của đội ngũ thẩm phán. Từ thực tế, có thể thấy khi thẩm phán chưa có nhiều kinh nghiệm về án hành chính, việc xét xử sẽ gặp khó khăn và thiếu hiệu quả. Do đó, ở Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, đào tạo lại thẩm phán về tố tụng hành chính; tăng cường các hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế và khuyến khích nghiên cứu lý luận về kiểm soát hành chính. Bên cạnh đó, cần có cơ chế pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ sự độc lập của thẩm phán, tránh bị chi phối bởi các áp lực ngoài tư pháp trong quá trình xét xử các vụ án hành chính.

Ba là, đẩy mạnh phổ biến pháp luật và khuyến khích người dân sử dụng quyền khởi kiện hành chính

Một kinh nghiệm thực tế cần đặc biệt quan tâm phổ biến pháp luật khắc phục sự hạn chế về nhận thức pháp lý của người dân, đó là rào cản lớn trong việc phát huy cơ chế kiểm soát quyền hành pháp. Tuy nhận thức pháp luật đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn bộ phận người dân chưa mạnh dạn sử dụng quyền khởi kiện hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hành chính, tố tụng hành chính đến từng đối tượng xã hội; đồng thời, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là các nhóm yếu thế, để họ tiếp cận công lý một cách thuận lợi và bình đẳng.

Bốn là, tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành pháp

Việc thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực không thể chỉ dựa vào tòa án mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Kinh nghiệm từ thực tiễn Lào trong thời gian qua cho thấy, khi các cơ quan hành pháp chưa thực sự coi trọng trách nhiệm giải trình, việc kiểm soát thông qua xét xử sẽ gặp trở ngại. Do vậy, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của cơ quan hành pháp. Đồng thời, các cơ quan hành pháp phải chủ động công khai, minh bạch hóa hoạt động, tăng cường trách nhiệm giải trình trước nhân dân và pháp luật.

3. Kết luận

Kiểm soát quyền hành pháp là một trong những nội dung cốt lõi bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, phân công và phối hợp giữa các nhánh quyền lực trong nhà nước hiện đại. Tại Lào, tòa án nhân dân các cấp đã được trao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính giữa cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước, qua đó góp phần kiểm soát quyền hành pháp trên cơ sở pháp luật. Mặc dù quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng những nỗ lực và bước đi cải cách của Lào trong lĩnh vực này đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm.

Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Lào cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tố tụng hành chính, tăng cường năng lực và tính độc lập của hệ thống tòa án, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp. Đây là những điều kiện then chốt để bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền hành pháp vận hành hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

_________________

Ngày nhận bài: 9-4-2025; Ngày bình duyệt:22-5-2025; Ngày duyệt đăng: 23-6-2025.

Email tác giả: panenoymano1@gmail.com