Đối ngoại góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: quan điểm và một số giải pháp
(LLCT) - Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động sâu sắc, đối ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục cùng với quốc phòng, an ninh phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bài viết góp phần làm rõ quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa từ góc độ đối ngoại và trên cơ sở lý luận, thực tiễn triển khai những năm vừa qua, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của đối ngoại trên cơ sở thế mạnh đặc thù và phối hợp với các lực lượng khác, tối ưu hóa sức mạnh tổng hợp quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới.
PGS, TS LÊ ĐÌNH TĨNH
Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao

1. Mở đầu
Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng làm công tác đối ngoại. Đại hội XIII của Đảng đã đề cao nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xem đây là phương cách cốt yếu trong tư duy giữ nước, gìn giữ hòa bình, duy trì ổn định, phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước(1). Đây cũng là tinh thần xuyên suốt và là một nội dung chủ đạo của Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-01-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong “Bộ tứ trụ cột”, tạo nền tảng cất cánh cho đất nước trong kỷ nguyên mới(2).
2. Nội dung
2.1. Về quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống bảo vệ, giữ nước từ khi còn chưa nguy của các thế hệ đi trước. Ít nhất là từ thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ đã đưa ra huấn thị bảo vệ quốc gia với phương châm Biên phòng hảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tu kế cửu an, dịch nghĩa là: Biên phòng phải lo sẵn phương lược - Giữ nước cần tính kế lâu dài. Tư duy bảo vệ “phên dậu”, “nhu viễn”, giữ quan hệ hữu nghị, khéo léo nhưng có nguyên tắc với lân bang, các nước láng giềng đã xuất hiện từ rất sớm và là một nét đặc sắc trong truyền thống ngoại giao của dân tộc.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đó tiếp tục được phát triển một cách hệ thống, sâu sắc, toàn diện và nhất quán. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động cho nền ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến” để bảo vệ đất nước, giành giữ độc lập ngay từ khi lực lượng còn non trẻ và hóa giải thách thức trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. “Hòa để tiến” với Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 là những sách lược thành công để tránh nạn binh đao cho đất nước. Sau khi giành độc lập năm 1945, các mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế được vun đắp từ rất sớm, đã giúp tạo một mặt trận và là nguồn lực quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.
Trong thời kỳ đổi mới, tư duy bảo vệ từ sớm, từ xa tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp với truyền thống giữ nước từ khi còn chưa nguy của dân tộc. Đại hội XII của Đảng nêu quan điểm “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(3). Trước đó, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa cũng đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trên cơ sở kế thừa, phát triển Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI), Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII (Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) một lần nữa khẳng định cách tiếp cận này, đặt ra yêu cầu cần “Triệt để phát huy các thuận lợi, cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước; chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa”(4). Từ góc độ đối ngoại và hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế đã đưa tính chủ động “từ sớm, từ xa” lên một tầm mức mới: hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới; đặc biệt là quan điểm “Trước hết, cùng với quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu, thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân”(5).
Xét theo nghĩa hẹp, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là việc bảo vệ bên trong và bên ngoài biên giới lãnh thổ, triệt tiêu các nhân tố gây bất ổn (không gian) và thường xuyên, liên tục, từ trước (thời gian). Theo nghĩa rộng “bao gồm cả bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ và cả bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa nguy, lấy việc phòng ngừa từ trước, chuẩn bị từ trước làm chủ yếu, theo phương châm không phải sử dụng chiến tranh là thượng sách”(6). Như vậy, cách hiểu do Đảng ta đề ra và vận dụng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam là theo nghĩa rộng, nhấn mạnh hơn yếu tố sớm về thời gian và rộng về không gian, xác định trong bảo vệ, phòng ngừa là chính yếu và biện pháp sử dụng tối ưu là biện pháp hòa bình.
Cùng với truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa còn bắt nguồn từ việc tham khảo, vận dụng kinh nghiệm, tập quán và luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản định hướng quan hệ giữa các nước như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế, khu vực cũng có cách tiếp cận và tư duy tương tự để so sánh và tham khảo. ASEAN nhấn mạnh, nguyên tắc “cùng chung sống hòa bình”, “xây dựng lòng tin”, “ngoại giao phòng ngừa” và tuân thủ luật pháp quốc tế. Xinhgapo, tuy chỉ là đất nước có diện tích nhỏ nhưng nhờ tạo thế đan xen lợi ích sâu rộng với thế giới nên được cộng đồng quốc tế tôn trọng trên nhiều phương diện, qua đó giữ vững được nền hòa bình, độc lập...Cata phát huy tối đa vai trò trung gian, hòa giải quốc tế một cách rất chủ động, qua đó thành công trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định cho đất nước dù không có quân đội mạnh. Sách lược “bất chiến tự nhiên thành”, nghĩa là không đánh mà thắng cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, thông qua sức mạnh về kinh tế và ảnh hưởng về văn hóa để đạt mục đích mà không dùng đến vũ lực.
Tóm lại, quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể các tư tưởng, hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân diễn ra từ trước, trong thời bình, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu những âm mưu, hành động chống phá chế độ, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước theo định hướng XHCN(7). Tư tưởng, hành động đó vừa là sự kế thừa tư tưởng, hành động bảo vệ đất nước từ khi còn chưa nguy của ông cha ta vừa là sự phát triển, hoàn thiện nhận thức, tư duy và hành động của Đảng trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Để bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng, hành động phải mang tính chủ động, phải phòng ngừa, xử lý các tình huống, vấn đề kịp thời, bảo vệ đất nước trong trạng thái hòa bình, chưa có chiến tranh, xung đột, hoặc bị đe dọa, xã hội bất ổn, rối loạn, rơi vào nội chiến.
2.2. Đối ngoại góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Nhờ có tư duy bảo vệ từ sớm từ xa, từ khi còn chưa nguy, đất nước đã có nền hòa bình, độc lập vững chắc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu phát triển và nâng cao vị thế quốc tế. Trong gần 40 năm đổi mới, tư duy đó đã góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của đất nước. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, Việt Nam hiện nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 37 nước, gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an - Liên hợp quốc, toàn bộ các nước G7 và 17/20 nước thuộc nhóm G20. Từ chỗ chỉ có quan hệ ngoại thương khiêm tốn, đến nay Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới(8). Các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng.
Thực tiễn cho thấy, cùng với quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong thời kỳ đổi mới, “đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước”(9).
Đánh giá về vai trò của đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu khái quát 4 thành tựu lớn: một là, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới; hai là, chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội; ba là, đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bốn là, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới(10).
Tại buổi làm việc với Ban Can sự đảng Bộ Ngoại giao ngày 29-8-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, “Công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt và đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có những kết quả mang tính lịch sử, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; chưa bao giờ đất nước ta hội nhập sâu rộng và có đóng góp tích cực với cộng đồng quốc tế như hiện nay; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với quốc phòng, an ninh và các lực lượng đối ngoại khác, ngoại giao đã góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt vai trò, đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác trong các cơ chế đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc”(11).
Các thành tựu trên được thể hiện rõ qua các hoạt động phong phú của công tác đối ngoại, từ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu đến ngoại giao song phương và đa phương; từ hội nhập kinh tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đến ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng, an ninh; từ bảo vệ quyền lợi và lợi ích của thể nhân, công dân Việt Nam ở nước ngoài đến công tác biên giới, lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông, bảo vệ an ninh nguồn nước và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Các thành tựu trên có mối liên hệ, tác động qua lại hỗ tương với nhau nhưng đều dựa trên mẫu số chung, đó là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc và trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao các thế hệ đi trước, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng.
Nét đặc sắc và là một thành tựu quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Việt Nam có nền ngoại giao với sự tham gia đa dạng về phương thức mà thống nhất về mục tiêu, trong đó đối ngoại Đảng đóng vai trò định hướng, ngoại giao Nhà nước vừa là lực lượng tham mưu chiến lược vừa là lực lượng chủ công về tổ chức, triển khai, đối ngoại nhân dân xây dựng đồng thuận xã hội và nền tảng quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước. Các trụ cột đã bổ sung, tạo sức mạnh cộng hưởng cho nhau và đem đến diện mạo “kết hợp cương nhu”, uyển chuyển linh hoạt nhưng có nguyên tắc của đối ngoại Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Đối ngoại Trung ương được hợp nhất và đưa một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về Bộ Ngoại giao đã tạo điều kiện thực hiện đồng bộ hơn nữa các trụ cột đối ngoại của đất nước.
Ngoài ra, trong các thành tựu về đối ngoại có sự đóng góp quan trọng của đối ngoại quốc phòng và đối ngoại an ninh. Theo đó, trong những năm qua lực lượng đối ngoại quốc phòng đã góp phần “thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn với nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả như: đào tạo, trao đổi đoàn quân sự, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đối thoại chính sách quốc phòng cũng như các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, biên cương thắm tình hữu nghị, kết nghĩa đồn, trạm, cụm dân cư hai bên biên giới; diễn tập phòng chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống như: diễn tập quân y, cứu hộ - cứu nạn, chống cướp biển, tội phạm xuyên biên giới, tổ chức các hoạt động tuần tra chung trên biên giới, trên biển”(12). Trong khi đó, đối ngoại an ninh chủ động, tích cực “triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp công tác; chủ động và sáng tạo sử dụng biện pháp ngoại giao trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế toàn diện, sâu rộng về an ninh, tình báo, cảnh sát, cảnh vệ với các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và các nước đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ láng giềng, truyền thống; tích cực tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và cử sĩ quan tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của lực lượng Công an nhân dân trên trường quốc tế”(13).
2.3. Một số giải pháp
Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đặt ra một số vấn đề cần phải có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài, bảo đảm các yêu cầu chiến lược, đồng thời linh hoạt, biến hóa về sách lược: một là, phải xây dựng thực lực bên trong để đủ mạnh để ứng phó với các thách thức đa dạng, gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; hai là, phải tiếp tục nhất quán đề cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, tránh bị lệ thuộc vào bên ngoài, nâng cao tính chủ động, tự lực, tự cường; ba là, phải sáng tạo, linh hoạt về sách lược để thích ứng với các diễn biến khó lường của tình hình, từ đó có cách tiếp cận và đề ra các giải pháp kịp thời.
Với cách tiếp cận dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong kỷ nguyên mới, công tác đối ngoại nên chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tham mưu, trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các bộ, ngành và giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Công tác nghiên cứu chính là một lĩnh vực quan trọng nhằm phát huy vai trò tiên phong và trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại, theo tinh thần “nắm trước, biết trước”, tránh để bị động, bất ngờ, đặt đất nước vào các điều kiện tối ưu về an ninh và phát triển. Tích cực ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ trong đánh giá, dự báo tình hình. Bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như các cuộc xung đột tại Ucraina và Trung Đông hiện nay, hơn bao giờ hết đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu phải không ngừng đổi mới, cập nhật, bắt kịp các xu hướng tiến bộ của thời đại.
Thứ hai, tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường nguồn lực cho các lực lượng làm công tác đối ngoại trên nền tảng thế và lực mới của đất nước, tạo sức cảm hóa và răn đe cần thiết, qua đó góp phần hạn chế các tính toán phiêu lưu, hóa giải âm mưu của các thế lực thù địch, các đối tượng có ý đồ chống phá và xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở năng lực được nâng cao về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tiếp tục mở rộng các “không gian chiến lược” của đất nước ở vùng đất, biển, trời, vũ trụ, không gian mạng và không gian hội nhập. Sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các vấn đề quốc tế có lợi ích sát sườn và phù hợp với năng lực của Việt Nam, tiên phong đi vào các lĩnh vực mới như: trung gian, hòa giải, cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng nền quốc phòng, nền an ninh toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó có nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng.
Thứ ba, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế khác các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, trong đó Nghị quyết 44-NQ/TW về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chương trình hành động của Chính phủ về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chủ động đề xuất, kiến nghị đưa các nội dung, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vào Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là việc nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nghiên cứu mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (hiện có 98 cơ quan) để tăng cường sự hiện diện và mở rộng “biên giới mềm” của đất nước. Đẩy mạnh việc đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tổ chức quốc tế và khu vực. Vận động các tổ chức quốc tế và khu vực đặt trụ sở tại Việt Nam.
3. Kết luận
Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược và là quyết sách đúng đắn của Đảng, là sự kế thừa tinh hoa về tư tưởng của các thế hệ trước trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Tư duy đó đã góp phần đem đến những thành tựu có tính lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam, được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, công tác đối ngoại trong kỷ nguyên phát triển mới nên tiếp tục chú trọng và đề cao công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm đối ngoại, qua đó đóng góp xứng đáng vào bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045(14).
_________________
Ngày nhận bài: 15-6-2025; Ngày bình duyệt: 22-6-2025; Ngày duyệt đăng: 26-6-2025.
Email tác giả: tinhiir@gmail.com
(1) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr156.
(2), (5) Xem: Tổng Bí thư Tô Lâm: Vươn mình trong hội nhập quốc tế, https://baochinhphu.vn, ngày 03-04-2025.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.149.
(4) Trần Thái Bình: Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tapchiqptd.vn, ngày 18-01-2024.
(6) Đỗ Văn Soan: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa- điểm mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, https://baohaiquanvietnam.vn, ngày 01-01-2017.
(7) Xem: Lê Văn Hải: Tiếp tục quán triệt, thực hiện quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng, http://m.tapchiqptd.vn, ngày 31-5-2021.
(8) Xem: Hoài Nam-Việt Đức: Chủ tịch nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt, https://tapchiqptd.vn/, ngày 23-4-2025.
(9) Bùi Thanh Sơn: Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, https://dangcongsan.vn, ngày 30-11-2021.
(10) Xem: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Toàn văn phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, 14-12-2021.
(11) Báo Điện tử Chính phủ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, https://baochinhphu.vn, ngày 29-8-2024.
(12) Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14-12-2021.
(13) ANTV: Công tác đối ngoại Công an nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò “đi trước, mở đường”, https://antv.gov.vn, ngày 25-12-2024.
(14) TTXVN: Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Bộ Ngoại giao, https://baochinhphu.vn, ngày 12-12-2024.