Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo đảm quyền con người của nhóm yếu thế ở Việt Nam

09/07/2025 16:41

(LLCT) - Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đã được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện, phù hợp với công ước quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền con người của các nhóm yếu thế trong xã hội vẫn còn một số bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện. Bài viết làm rõ các nội hàm liên quan đến nhóm yếu thế, bảo đảm bằng pháp luật đối với nhóm yếu thế; phân tích thực trạng quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất giải pháp bảo đảm quyền con người của nhóm yếu thế bằng pháp luật ở Việt Nam.

TS NGUYỄN ĐÌNH THÁI
Trường Đại học Kinh tế - Luật,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Cán bộ, chiến sĩ quân y thăm, khám bệnh cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhcuocsong.vn

1. Mở đầu

Gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới. Một trong những thành thành tựu quan trọng, là điểm nhấn góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới là Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền con người. Quyền con người ở Việt Nam được tôn trọng, bảo đảm trên nhiều phương diện, trong đó bảo đảm quyền con người bằng pháp luật là một trong những phương thức quan trọng nhất minh chứng cho quyền con người ở Việt Nam được quan tâm, tôn trọng, bảo đảm và được bảo vệ.

Tuy nhiên, để quyền con người thực sự được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ ở mọi khía cạnh của cuộc sống đòi hỏi có quá trình gắn liền với sự phát triển của xã hội cùng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Quyền con người của nhóm yếu thế là đối tượng khó khăn, thiệt thòi về thể chất, tinh thần, điều kiện kinh tế, vị thế xã hội… nên càng cần được pháp luật tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ nhằm tăng cường thực thi quyền con người ở Việt Nam một cách công bằng, bình đẳng và bác ái, phản ánh bản chất của Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân.

2. Nội dung

2.1. Nhóm yếu thế và bảo đảm quyền con người bằng pháp luật đối với nhóm yếu thế

Tại mỗi quốc gia, vấn đề quyền con người, nhất là bảo đảm quyền con người bằng pháp luật đối với nhóm yếu thế (nhóm dễ bị tổn thương) trong xã hội luôn được nhà nước quan tâm thực hiện. Nhóm yếu thế (weaker groups) là nhóm “có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, bởi vậy, họ cần được quan tâm bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác”(1). Như vậy, nhìn chung nhóm yếu thế là nhóm có những người khó khăn, thiệt thòi về vật chất, tinh thần, thể chất, điều kiện kinh tế, vị thế xã hội… nên không có khả năng thiết lập sự bình đẳng trong quan hệ xã hội.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là những trang sử vàng trong đấu tranh, giành, giữ và thực thi quyền con người. Mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là vì dân tộc độc lập, dân sinh tự do và hạnh phúc. Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(2). Đây là những quyền bất khả xâm phạm.

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, kế thừa và phát triển trong các Văn kiện Đại hội của Đảng qua các thời kỳ. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) yêu cầu đổi mới và “nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”(3). Tiếp đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là: “Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”(4).

Thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước là chủ thể ban hành, thực hiện bảo đảm quyền con người bằng pháp luật. Nhà nước bảo đảm điều kiện, môi trường pháp luật thuận lợi trên nền tảng tư tưởng chính trị - pháp lý của đất nước để thực sự mỗi cá nhân, nhất là nhóm yếu thế thụ hưởng các quyền và sử dụng các quyền ấy một cách đúng đắn, bình đẳng trong xã hội. Vấn đề bảo đảm quyền con người bằng pháp luật thể hiện ở các yếu tố như: quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ các chủ thể, trình tự thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó, những biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm quyền… Ngoài ra, một số yếu tố khác có liên quan như: tư tưởng chính trị, pháp lý, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật.

Như vậy, bảo đảm quyền con người bằng pháp luật là toàn bộ tiền đề, điều kiện thuận lợi về tư tưởng chính trị - pháp lý, pháp luật thực định, tổ chức và hoạt động thực tiễn của bộ máy nhà nước nói chung, của cơ quan nhà nước chuyên trách các vấn đề liên quan đến nhân quyền nói riêng, nhằm bảo đảm cho mỗi công dân được hưởng các quyền con người một cách thực sự và sử dụng các quyền đó một cách đúng đắn.

Từ quan điểm trên cho thấy, bảo đảm quyền con người của nhóm yếu thế bao gồm nhiều hoạt động khác nhau: hoạt động của cơ quan lập pháp trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật liên quan đến các nhóm yếu thế trong xã hội; quá trình tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật; xây dựng và thực hiện những chính sách xã hội đối với nhóm này; ý thức pháp luật của xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người của những người yếu thế… Trong đó, hoạt động xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến các nhóm yếu thế được xem là giai đoạn khởi đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, xuyên suốt công tác bảo đảm quyền con người bằng pháp luật.

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các công ước của Liên hợp quốc liên quan đến quyền con người và thể chế hóa, thực hiện pháp luật về quyền con người một cách toàn diện, đầy đủ, đã đạt những thành tựu quan trọng, được thế giới đánh giá cao. Thông qua việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm yếu thế đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm quyền con người đối với nhóm yếu thế trong xã hội cũng gặp không ít bất cập, hạn chế. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người đối với nhóm yếu thế và tổ chức thực hiện tốt những quy định liên quan đến nhóm đối tượng này.

2.2. Quy định của pháp luật về bảo đảm quyền con người đối với nhóm yếu thế ở Việt Nam hiện nay

Vấn đề bảo đảm quyền của nhóm yếu thế bằng pháp luật trước hết thể hiện ở sự tham gia của Việt Nam vào công ước của các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền của nhóm yếu thế như: Công ước về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ… Thông qua việc tham gia vào các công ước quốc tế, bảo đảm quyền của nhóm yếu thế, đã khẳng định Việt Nam là quốc gia tích cực, chủ động, tiên phong trong việc nỗ lực bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người yếu thế nói riêng bằng các khuôn khổ pháp lý cao nhất.

Việt Nam đã nội luật hóa tinh thần và nội dung của các công ước quốc tế về quyền của nhóm yếu thế vào hệ thống pháp luật ở trong nước, tiêu biểu là Hiến pháp năm 2013, Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Người khuyết tật năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khuôn khổ pháp luật trong nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và quyền, lợi ích của các nhóm yếu thế trong xã hội nói riêng. Mỗi văn bản đều có những quy định liên quan đến bảo vệ và bảo đảm quyền của một nhóm yếu thế cụ thể trong xã hội.

Hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế ngày càng được hoàn thiện theo hướng nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền con người bằng pháp luật đối với các nhóm yếu thế vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm:

Một là, việc xây dựng chính sách, pháp luật về quyền con người nói chung và quyền của nhóm yếu thế nói riêng ở Việt Nam có lúc còn chưa kịp thời; một số nhóm quyền con người còn chưa được quy định đầy đủ để bảo đảm thực hiện; “cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ”(5).

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về quyền của nhóm yếu thế chưa đầy đủ, toàn diện và còn có một số hạn chế, bất cập; một số quy định chưa thích ứng kịp thời với các quy định của quốc tế; quá trình nội luật hóa các điều của công ước quốc tế còn chậm; một số quy định chưa phù hợp với thực tế.

Hai là, chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật chưa bảo đảm chất lượng, thiếu tính cụ thể, còn mang tính chất quan điểm, định tính dẫn đến đến khó áp dụng pháp luật. Đội ngũ xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện pháp luật dành cho nhóm yếu thế đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng và năng lực xây dựng pháp luật còn hạn chế. Điều này còn thể hiện ở quy trình xây dựng pháp luật một số khâu còn mang tính hình thức, mức độ tiếp thu góp ý của cộng đồng dân cư, nhất là đối tượng chịu tác động còn khiêm tốn.

Ba là, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật còn hạn chế, bất cập; chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, dẫn đến các chính sách, quy định không đi vào thực tế cuộc sống. Ví dụ: Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (sau 9 năm kể từ khi Luật Bình đẳng giới được ban hành thì chính sách này vẫn chưa được thực hiện do còn phải chờ thông tư hướng dẫn). Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định “nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” hay trong lĩnh vực chính trị, tại điểm a khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới quy định “bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”, tuy nhiên, các quy định trên rất khó thực thi do chưa có các văn bản hướng dẫn. Việc xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa được triển khai mặc dù Nghị định số 48/2009/NĐ-CP đã ban hành nhiều năm...

Ba là, một số chính sách, pháp luật ban hành về quyền của nhóm yếu thế chưa phát huy hiệu quả: Ví dụ, Luật Bình đẳng giới quy định “Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật” (điểm a khoản 2 Điều 12) là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nhưng trong thực tiễn hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không được hưởng lợi. Nguyên nhân là do các quy trình, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ. Vì vậy, các doanh nghiệp thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này. Trong khi chính sách hỗ trợ và bảo vệ người sử dụng lao động nữ còn thiếu và chưa cụ thể thì các chính sách hiện hành bảo vệ lao động nữ lại tương đối đầy đủ, do đó chưa khuyến khích được doanh nghiệp sử dụng lao động nữ.

Bốn là, một số quy định bảo đảm quyền của nhóm yếu thế bằng pháp luật nhưng chưa bảo đảm thực chất trên thực tế do thiếu các điều kiện cần thiết có tính bắt buộc hoặc hiệu lực trong thực thi. Ví dụ: quy định về bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; khác nhau về cơ hội thăng tiến… Hoặc các quy định về người cao tuổi, chế độ tử tuất, chế độ người có công với cách mạng, quy định về giới… Quyền tham gia lao động của người cao tuổi, chưa có các cơ chế, điều kiện thực hiện trong khi Việt Nam đang già hóa dân số.

Năm là, một số quy định về quyền của nhóm yếu thế còn mang tính định tính, khó lượng hóa. Ví dụ: quy định tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội; tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước; quy định nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới…

Sáu là, các chính sách, pháp luật về quyền của nhóm yếu thế còn thiếu cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện. Ví dụ: cơ chế lồng ghép các quy định của việc bảo đảm các quyền của nhóm yếu thế vào các luật chuyên ngành chưa được thực hiện tốt, còn phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm của người xây dựng pháp luật.

Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thông tư số 338/2016/TT-BTP ngày 28-12-2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật mặc dù đã bổ sung nội dung chi, nâng mức chi cho công tác này nhưng thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Ví dụ: mức chi để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách hoặc báo cáo đánh giá tác động của văn bản đối với một dự án luật, pháp lệnh là 8 triệu đồng (gồm đánh giá tác động kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật). rõ ràng, với mức chi này thì khó có thể bảo đảm việc đánh giá và xây dựng báo cáo chất lượng, đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đội ngũ lãnh đạo cũng tác động đến việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với nhóm yếu thế. Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đối với việc tổ chức thực hiện bảo đảm quyền con người của nhóm yếu thế như: chưa coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật tại các tổ chức làm công tác bảo trợ xã hội trong và ngoài Nhà nước.

2.3. Giải pháp tăng cường bảo đảm quyền con người bằng pháp luật đối với nhóm yếu thế ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quyền con người, nhất là dành cho nhóm yếu thế. Vai trò lãnh đạo của Đảng và các cấp ủy đảng có ý nghĩa quyết định thành công và hiện thực hóa quyền con người trong chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền của nhóm yếu thế. Chú trọng củng cố, phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, tổ chức. Cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền của nhóm yếu thế phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề về bảo vệ quyền của nhóm yếu thế nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên tuyền, bảo đảm tuyên truyền đúng trọng tâm, đối tượng.

Về nhận thức, các chủ thể, nhất là đội ngũ xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền của nhóm yếu thế, cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của quyền con người đối với nhóm yếu thế. Các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương cần quan tâm nâng cao nhận thức cho người yếu thế về các quyền, vị trí, vai trò của họ trong xã hội, giúp họ có kiến thức, hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, Nhà nước kịp thời ban hành chính sách bảo đảm quyền của nhóm yếu thế theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với công ước quốc tế. Tập trung rà soát nội dung của các công ước quốc tế để nội luật hóa nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và quyền con người của nhóm yếu thế nói riêng. Chuẩn bị tốt nhất các nội dung bảo vệ quyền con người tại các phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong thời gian tới cần quan tâm đến những đề xuất của các quốc gia (khoảng 320) đề xuất của 133 quốc gia tại phiên đối thoại kỳ IV ngày 7-5-2024, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo kiến nghị tiếp thu để Chính phủ kịp thời có các chính sách thích ứng.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm bảo đảm vững chắc quyền con người đối với nhóm yếu thế. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách, pháp luật đồng bộ, toàn diện, tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong bảo đảm quyền con người, quyền của nhóm yếu thế. Hiện nay, các quy định về quyền, nghĩa vụ của người yếu thế đang tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn khó thực hiện. Vì vậy, Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu sửa đổi hoặc bãi bỏ các nội dung bất cập, mâu thuẫn, hợp nhất một số điều luật tại các văn bản pháp luật khác nhau để thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về tổ chức, hoạt động, trách nhiệm của các thiết chế trong tổ chức thực hiện quyền con người, quyền của nhóm yếu thế, không để tạo ra các khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Trên cơ sở đó, cần rà soát và tinh gọn các thiết chế này.

Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về cơ chế, tổ chức và hoạt động của các thiết chế xã hội như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm quyền của nhóm yếu thế trong xã hội. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, trước hết là cơ chế để doanh nghiệp cùng tham gia.

Thứ bảy, nâng cao vai trò của các thiết chế truyền thông, báo chí trong bảo đảm thực thi quyền con người của nhóm yếu thế. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhóm yếu thế trong toàn xã hội.

Thứ tám, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chính sách bảo đảm quyền của người yếu thế để trục lợi, tham nhũng.

3. Kết luận

Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền cho các nhóm yếu thế nói riêng đòi hỏi cần có những chính sách, pháp luật và biện pháp hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện công bằng cho mọi người dân. Vấn đề bảo đảm quyền con người bằng pháp luật cho các nhóm yếu thế không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Với việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn việc bảo vệ và tôn trọng quyền con người, hướng tới một xã hội công bằng và tiến bộ.

_________________

Ngày nhận bài: 4-10-2024; Ngày bình duyệt: 4-01-2025; Ngày duyệt đăng: 24-01-2025.

Email tác giả: thaihanhchinh@gmail.com

(1) Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 23.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 1.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 74.

(4), (5) TOÀN VĂN: Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 05-12-2022.