Nghiên cứu lý luận

Phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị chỉ đạo thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam (giai đoạn 1945-1969)

10/07/2025 15:05

(LLCT) - Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, sự linh hoạt trong lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn 1945-1969, trước những biến động chính trị - xã hội, Người đã vận dụng sáng tạo phương châm cách mạng này để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go nhất. Bài viết phân tích những nội dung của phương châm cách mạng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh, làm rõ giá trị chỉ đạo thực tiễn của phương châm này đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945-1969 và ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay.

NCS NGUYỄN VĂN NGUYÊN
Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moute ký kết Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946_Ảnh: Tư liệu

1. Mở đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã để lại hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, làm kim chỉ nam cho sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước. Trong đó, phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” được Người vận dụng linh hoạt, coi độc lập, chủ quyền, tự do, hạnh phúc của nhân dân là giá trị “bất biến”, còn sách lược ứng biến theo hoàn cảnh. Từ năm 1945-1969, Người đã kiên định mục tiêu chiến lược và linh hoạt trong đối sách, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

2. Nội dung

2.1. Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” theo quan điểm Hồ Chí Minh

Ngày 31-5-1946, trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp với tư cách là thượng khách, Hồ Chí Minh đã nói với Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến””(1). Đây vừa là nguyên lý triết học, vừa là nguyên tắc trong binh pháp của người phương Đông. Nó thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa cái bất biến và cái khả biến, lấy tĩnh để chế động. Khi nói câu này, Người muốn nhấn mạnh, trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, phải biết mềm dẻo, chủ động, sáng tạo, linh hoạt từ những tình huống, hoàn cảnh cụ thể dựa trên những nội dung không thể thay đổi được; không vì những cái nhỏ, vụn vặt mà đánh đổi, đánh mất đi cái lớn, điều căn bản; phải đứng trên lập trường, quan điểm của những điều bất biến mà quan sát, dung hòa, điều tiết bản thân và vạn vật một cách phù hợp với quy luật vận động khách quan.

“Dĩ bất biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là giữ vững nguyên tắc, mục tiêu; ở đây là, luôn kiên định lợi ích của quốc gia - dân tộc, tuyệt đối trung thành với mục tiêu và lý tưởng cách mạng. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng của Người, những giá trị “bất biến” gồm: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, đòi hỏi vận dụng linh hoạt, khéo léo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc. Những nội dung “bất biến” đó là những nguyên tắc lớn của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người đã cống hiến trọn đời để đấu tranh giành, giữ những giá trị này.

“Ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tùy vào từng hoàn cảnh, thời điểm, đối tượng khác nhau mà có cách ứng phó, giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt, đạt hiệu quả cao nhất. Đây là nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong hoạt động đối ngoại, vì nước ta là một nước nhỏ, thường phải đối phó với các nước lớn trên thế giới trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đó, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” theo quan điểm của Hồ Chí Minh là lấy “bất biến” (cái không đổi) để ứng phó với cái “vạn biến” (cái luôn thay đổi). Phải kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược.

2.2. Giá trị chỉ đạo thực tiễn của phương châmDĩ bt biến ng vn biến” đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1969

Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” theo Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo cách mạng mang tính khoa học, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và dựa trên phép biện chứng duy vật. Mọi sự vận dụng đều phải phục vụ thực tiễn cách mạng. Để đạt mục tiêu bất biến, cần linh hoạt ứng biến theo hoàn cảnh cụ thể, sự linh hoạt phải gắn chặt với nguyên tắc và mục tiêu chiến lược đã xác định. Khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh là con người của lòng tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai dân tộc và loài người, vào chủ nghĩa xã hội. Đó là cái chất không bao giờ biến đổi để ứng phó linh hoạt với muôn vàn biến đổi của một sự nghiệp đầy sóng gió”(2).

Trong Cương lĩnh chính trị (tháng 2-1930), do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, đã xác định mục tiêu cách mạng Việt Nam là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3), nhấn mạnh giải phóng dân tộc là tiền đề cho giải phóng xã hội và con người. Người luôn kiên định mục tiêu chiến lược nhưng linh hoạt về sách lược, biết nhân nhượng có nguyên tắc để từng bước giành thắng lợi.

Giá trị chỉ đạo của phương châm này được thể hiện trong cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn sau:

Một là, trong các năm 1945-1946 - bảo vệ nền độc lập non trẻ

Trong các năm 1945-1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, còn non trẻ về thể chế, thiếu hụt về nguồn lực, lại đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng từ cả trong nước lẫn quốc tế. Trong bối cảnh phức tạp và biến động đó, Hồ Chí Minh đã vận dụng linh hoạt phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” như một nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt trong sách lược đối ngoại và quản lý khủng hoảng quốc gia, nhằm bảo vệ thành quả độc lập mới giành được và tạo tiền đề cho sự nghiệp kháng chiến lâu dài về sau.

Hồ Chí Minh thể hiện lập trường kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Những giá trị “bất biến” biểu hiện của sự kiên trì chiến lược đối với những nguyên tắc nền tảng của cách mạng Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ở phương diện “ứng vạn biến”, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự linh hoạt biện chứng trong cách thức ứng xử với tình hình, sự uyển chuyển trong sách lược và sự tinh tế trong lựa chọn chiến thuật. Khi mục tiêu chiến lược mang tính nguyên tắc, được xác lập như một hằng số bất biến, thì phương pháp hành động lại được điều chỉnh linh hoạt theo hoàn cảnh nhằm tối ưu hóa hiệu quả chính trị.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đối với cách mạng Việt Nam trong các năm 1945-1946 được thể hiện rõ qua việc hòa hoãn với Pháp để gạt Tưởng khỏi nước ta, chuẩn bị mọi điều kiện đánh Pháp bằng việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 là một minh chứng điển hình. Ngày 28-2-1946, tại Trùng Khánh, Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã ký với Đại sứ Pháp Hiệp ước Hoa - Pháp. Theo Hiệp ước, Pháp nhân nhượng cho Tưởng một số quyền lợi về kinh tế, chính trị trên đất Trung Hoa; phía Tưởng nhân nhượng với Pháp để rút quân về nước đối phó với Quân giải phóng của nhân dân Trung Quốc, Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp quyền thay thế chiếm đóng ở phía Bắc Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở ra, làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật…

Hiệp ước giữa Trung Quốc và Pháp đã đặt nhân dân ta vào tình thế phải lựa chọn là cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp để ngăn chặn chúng tiến vào miền Bắc hoặc tạm thời nhượng bộ nhằm tránh phải đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù. Việc hòa hoãn này nhằm đẩy 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, đồng thời giúp đất nước có thêm thời gian hòa bình để củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và phát triển lực lượng vũ trang, tạo nền tảng cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Trong Chỉ thị Tình hình và chủ trương ban hành ngày 3-3-1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh rằng: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng(4).

Chiều ngày 6-3-1946, tại số 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh - đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã ký bản Hiệp định sơ bộ với G.Xanhtơni - đại diện Chính phủ Pháp. Hiệp định này tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên nhằm hướng tới một thỏa thuận chính thức. Hiệp định đã xác lập những nguyên tắc cốt lõi, bất biến, trong đó Chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do với chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Vấn đề thống nhất ba kỳ sẽ do nhân dân Việt Nam quyết định. Mặc dù phải có một số nhượng bộ với Pháp, nhưng điều quan trọng là ta đã tránh được tình thế bất lợi khi phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng lúc. Lịch sử đã chứng minh rằng việc ký Hiệp định sơ bộ là một quyết sách đúng đắn, thể hiện sự linh hoạt, kịp thời và là một nghệ thuật trong vận dụng phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi ký kết Hiệp định sơ bộ, ta nghiêm túc thực thi các điều khoản đã cam kết. Tuy nhiên, thực dân Pháp liên tục vi phạm, phá hoại nhiều nội dung của Hiệp định. Chúng ngang nhiên chiếm đóng trái phép nhiều khu vực ở miền Bắc, đồng thời gia tăng các cuộc càn quét và tiến công lực lượng ta tại miền Nam. Pháp còn bộc lộ rõ ý đồ phá hoại trong quá trình đàm phán tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt, diễn ra từ ngày 19-4 đến 11-5-1946, cho thấy thái độ thiếu thiện chí trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Ngày 31-5-1946, phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu lên đường sang Pháp đàm phán. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi hành sang Pháp với tư cách khách mời danh dự - thượng khách của Chính phủ Pháp. Trước lúc lên đường, Người khẳng định lại điều “bất biến” trước đồng bào, là “chỉ có một mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”. Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ nêu rõ: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(5).

Tại Hội nghị Phôngtennơblô, Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm như tại Hội nghị trù bị Đà Lạt, khi tiếp tục yêu cầu tái lập chế độ toàn quyền ở Việt Nam, tách Nam Bộ khỏi phần còn lại của đất nước và không cho Việt Nam có nền ngoại giao độc lập. Cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 6-7 đến 10-9-1946, nhưng cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận do quan điểm còn quá khác biệt.

Khi cuộc đàm phán kết thúc, trước tình thế cấp bách, cần nhanh chóng quyết định nhưng vẫn phải bảo vệ nguyên tắc cốt lõi. Đối mặt với kẻ thù mang dã tâm tái chiếm, Hồ Chí Minh kiên định lập trường, đồng thời kéo dài hòa hoãn để củng cố lực lượng và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Ngày 14-9-1946, Người ký Tạm ước với Bộ trưởng Pháp Moutet, tái khẳng định tinh thần Hiệp định sơ bộ, giữ vững nguyên tắc cơ bản, đồng thời có những nhượng bộ về kinh tế và văn hóa. Tạm ước cho thấy, phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” rất linh hoạt của Người trong một tình thế hiểm nghèo. Đây là sự vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về thỏa hiệp cách mạng: chấp nhận nhân nhượng có giới hạn để bảo vệ mục tiêu sống còn của dân tộc. Đảng ta khẳng định: “Sự thật đã chứng rằng: Thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14-9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”(6).

Như vậy, sự linh hoạt trong sách lược theo quan điểm của Hồ chí Minh là phải có nguyên tắc, không được làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc, đó là những giá trị “bất biến” không gì có thể đánh đổi được. Khi thực dân Pháp không chỉ vi phạm các điều khoản đã ký kết mà còn cắt đứt mọi cơ hội đàm phán và chủ động gây chiến tranh xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy tình hình đã không còn cho phép tiếp tục nhượng bộ. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Người khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”(7).

Nếu không có sự vận dụng đúng đắn của phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, chính quyền cách mạng non trẻ có thể đã không đứng vững qua giai đoạn đầy biến động này. Nó giúp giữ ổn định được chính quyền trung ương, tránh được xung đột sớm, kéo dài thời gian để phát triển lực lượng và chuẩn bị hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Pháp sau này.

Hai là, giai đoạn 1946-1954 - lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp

Giai đoạn 1946-1954, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt và tình hình quốc tế biến động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” như kim chỉ nam cho cả đối ngoại lẫn chỉ đạo kháng chiến, thể hiện tư duy biện chứng giữa sự kiên định mục tiêu chiến lược và linh hoạt trong hành động thực tiễn, không rơi vào kinh viện hay giáo điều.

Trước hết, yếu tố “dĩ bất biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện qua sự kiên định tuyệt đối đối với các nguyên tắc cốt lõi: độc lập dân tộc, kháng chiến toàn dân - toàn diện, và chính nghĩa quốc gia. Trong suốt 09 năm kháng chiến, Người chưa từng chấp nhận bất kỳ hình thức nhân nhượng nào có thể làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia hay phương hại đến lợi ích dân tộc. Quan điểm ấy được thể hiện rõ nét trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (ngày 19-12-1946), với tuyên ngôn bất hủ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đây không chỉ là lời hiệu triệu toàn dân, mà còn là sự khái quát hóa đậm tính nguyên lý của tư tưởng “bất biến”: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, độc lập dân tộc là mục tiêu tối thượng, không thể thỏa hiệp. Từ các năm, cầm cự (1946-1949), cho đến giai đoạn phản công chiến lược (từ năm 1950), trục chỉ đạo ấy không hề thay đổi, dù phương thức và hình thái đấu tranh liên tục được điều chỉnh.

Song hành với đó, “ứng vạn biến” là biểu hiện của năng lực thích ứng linh hoạt, là minh chứng cho tư duy nhạy bén và bản lĩnh thực tiễn của một nhà lãnh đạo cách mạng. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Hồ Chí Minh không rơi vào chủ nghĩa chủ quan hay duy ý chí, mà luôn nhấn mạnh tính linh hoạt trong phương thức hành động. Trong lĩnh vực quân sự, Người không cổ vũ tinh thần cảm tử phi lý, mà khẳng định tính linh hoạt về chiến thuật, tổ chức lực lượng và nghệ thuật phân phối lực lượng phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa bàn. Câu nói “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” phản ánh một tư duy chiến lược lâu dài, đồng thời hàm ý rằng con đường đến thắng lợi đòi hỏi sự uyển chuyển trong từng bước đi cụ thể.

Về đối ngoại, Hồ Chí Minh thể hiện rõ năng lực “ứng biến” khi luôn giữ mở các kênh đàm phán và tranh thủ mọi cơ hội quốc tế. Sau mỗi bước tiến quân sự quan trọng, Người đều chủ trương tận dụng thời cơ để thúc đẩy các cuộc thương lượng, nhằm chuyển hóa thắng lợi quân sự thành lợi thế chính trị - ngoại giao. Đặc biệt, trong thời điểm cao trào của chiến dịch Điện Biên Phủ, Người chủ động thúc đẩy việc đưa vấn đề Đông Dương ra Hội nghị Giơnevơ. Việc chủ động đàm phán, trong khi vẫn duy trì sức ép quân sự là minh chứng cho tư duy không tuyệt đối hóa đấu tranh vũ trang, luôn sẵn sàng chuyển đổi phương thức đấu tranh nếu điều đó phục vụ cho mục tiêu chiến lược.

Thành công vang dội của chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) không thể tách rời khỏi sự vận dụng nhất quán và nhuần nhuyễn phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong khi giới thực dân cho rằng lực lượng kháng chiến Việt Nam không thể tổ chức được chiến dịch quy mô lớn, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng từ chiến lược, hậu cần đến thời điểm tác chiến, thể hiện sự kiên trì trong mục tiêu và sự nhẫn nại trong chờ đợi thời cơ. Đòn quyết định được tung ra đúng lúc, trên nền tảng tư duy chiến lược dài hạn và khả năng hành động linh hoạt đã làm nên một trong những chiến thắng quân sự - chính trị vang dội nhất của thế kỷ XX.

Ba là, giai đoạn 1954-1969 - tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam

Sau năm 1954, cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Trong bối cảnh ấy, phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” được Hồ Chí Minh vận dụng như một trụ cột chiến lược giúp giữ vững phương hướng cách mạng, đồng thời điều chỉnh linh hoạt sách lược phù hợp với tình hình trong và ngoài nước.

“Bất biến” trong giai đoạn này là quyết tâm thực hiện trọn vẹn mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành độc lập hoàn toàn và thống nhất đất nước. Mặc dù Hiệp định Giơnevơ tạm thời chia cắt đất nước tại vĩ tuyến 17 và đề ra lộ trình tổng tuyển cử, nhưng Người luôn xác định đây là một giải pháp tình thế, không thay thế mục tiêu lâu dài là thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình hoặc bằng đấu tranh cách mạng nếu bị phá hoại. Ngoài ra, cái “bất biến” còn là niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân, vào khả năng chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngày 23-10-1946, trên Báo Cứu quốc, số 384 với bài Lời tuyên bố với quốc dân, Người khẳng định: “Thống nhất nước nhà là nguyện vọng thiết tha của toàn dân ta... Bao giờ Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là tôi còn ăn không ngon, ngủ không yên”.

“Ứng vạn biến” trong giai đoạn này chính là sự linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược giữa hai miền và trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh vận dụng “ứng vạn biến” với sự mềm dẻo nhưng cực kỳ chặt chẽ trong điều hành chiến lược, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa kiên trì đấu tranh ở miền Nam. Người xác định, miền Bắc là hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, nhưng không tách rời hai nhiệm vụ chiến lược. Từ năm 1954-1960, Người chủ trương dùng phương pháp hòa bình, pháp lý và chính trị để thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tránh gây cớ cho địch phá hoại hòa bình, đồng thời tích cực chuẩn bị cho đấu tranh cách mạng ở miền Nam.

Khi Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ và đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì phương pháp “biến hóa” linh hoạt: chưa vội phát động đấu tranh vũ trang mà chú trọng tạo dựng cơ sở chính trị, tập hợp lực lượng, chờ thời cơ chín muồi. Từ năm 1959-1960, khi phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, Người ủng hộ việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (năm 1960), biểu hiện của sự kết hợp giữa “bất biến” (giải phóng dân tộc) và “vạn biến” (phương thức đấu tranh phù hợp từng thời điểm).

Vận dụng phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị ở miền Nam, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và tăng cường hoạt động ngoại giao, vạch rõ tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Giai đoạn 1954-1969, Việt Nam hoạt động trong bối cảnh quốc tế đầy xung đột giữa Mỹ - Liên Xô, Liên Xô - Trung Quốc và hai khối Đông - Tây. Hồ Chí Minh kiên định nguyên tắc độc lập tự chủ, đồng thời linh hoạt tranh thủ sự ủng hộ quốc tế mà không phụ thuộc vào cường quốc nào, qua đó củng cố đoàn kết quốc tế, phù hợp với mục tiêu chung về hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội.

Đối mặt với đế quốc Mỹ, Việt Nam kiên quyết giữ vững tinh thần “tự lực cánh sinh”. Với chân lý bất di bất dịch “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”(8) và vì mục tiêu độc lập dân tộc cùng CNXH trên toàn thể đất nước, cách mạng Việt Nam sẵn sàng đối phó với mọi biến đổi do kẻ thù gây ra. Từ chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ và một loạt các âm mưu khác của đế quốc Mỹ cho tới năm 1969, ta luôn xác định những giá trị bất biến của dân tộc là độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Do đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứng vạn biến một cách linh hoạt trước các âm mưu mà đế quốc Mỹ gây ra nhằm đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức.

2.3. Ý nghĩa của phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam ngày nay

Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” quán xuyến tư duy cách mạng của Hồ Chí Minh, thể hiện sự kiên định nguyên tắc cốt lõi kết hợp với linh hoạt thích ứng thực tiễn. Không chỉ là kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, phương châm này còn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” vào từng lĩnh vực cụ thể, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, luôn kiên định những nguyên tắc, mục tiêu “bất biến” và mềm dẻo, sáng tạo “vạn biến” những phương pháp, cách thức xử lý phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là:

Thứ nhất, về chính trị, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; xử lý linh hoạt các tình huống trong lãnh đạo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định những giá trị “bất biến”, gồm: “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”(9).

Thứ hai, về kinh tế, Việt Nam kiên định nền tảng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn tăng trưởng với tiến bộ, công bằng xã hội, lấy con người làm trung tâm, giữ vững ổn định vĩ mô để phát triển bền vững. Đồng thời, linh hoạt (ứng vạn biến) trước những biến động lớn như: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khủng hoảng chuỗi cung ứng, yêu cầu phát triển xanh, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... từ đó, điều chỉnh chính sách, đổi mới mô hình quản lý và phương thức sản xuất phù hợp với tình hình mới.

Thứ ba, về văn hóa, Việt Nam kiên định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vững các giá trị văn hóa truyền thống như: yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, hiếu học và tôn trọng gia đình… coi đó là gốc rễ trong đời sống văn hóa. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: ca trù, quan họ, nhã nhạc cung đình… cũng như giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển con người toàn diện để đối phó với các tác động của nền văn hóa ngoại lai trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, về xã hội, Đảng ta luôn xác định vai trò trung tâm của nhân dân trong phát triển, bảo đảm thực hiện đầy đủ dân chủ XHCN, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, triển khai hiệu quả dân chủ trực tiếp và đại diện, đặc biệt ở cơ sở, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(10). Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Cần xử lý nghiêm các vi phạm nguyên tắc dân chủ, đồng thời phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và củng cố nền quốc phòng toàn dân. Các hành vi lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ hoặc làm mất ổn định chính trị phải xử lý nghiêm.

Thứ năm, về đối ngoại, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác, thúc đẩy đa phương hóa quan hệ quốc tế. Phong cách ngoại giao đặc trưng của Việt Nam, mang dấu ấn Hồ Chí Minh - “ngoại giao cây tre”. Phong cách này kết hợp linh hoạt, sáng tạo với sự kiên định, quyết đoán, nhằm bảo vệ độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân. Nó thể hiện sự đoàn kết, lòng nhân ái, kiên trì trong bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống. Đó là sự mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

3. Kết luận

Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” thể hiện tư duy chính trị sắc bén và bản lĩnh lãnh đạo của Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1969. Dù hoàn cảnh mỗi thời kỳ khác nhau, những yếu tố “bất biến” như độc lập dân tộc và CNXH luôn được kiên định nhưng cách thức thực hiện luôn linh hoạt theo tình hình. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, việc vận dụng sáng tạo phương châm này theo tư tưởng của Người vẫn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi xác định đúng giá trị cốt lõi và bản lĩnh thích ứng để đưa sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

_________________

Ngày gửi bài: 26-4-2025; Ngày bình duyệt: 03-5-2025; Ngày duyệt đăng: 9-7-2025.

Email tác giả: baonguyen1089@gmail.com

(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.216.

(2) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.40.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.43-44.

(5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.280, 534.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.148.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.532.

(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33, 173.