Quốc tế

Phát triển xã hội ở Ấn Độ và một số kinh nghiệm

10/07/2025 16:38

(LLCT) - Trải qua gần 80 năm xác lập và kiến tạo nền cộng hòa, hiện nay, Ấn Độ được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, một nền dân chủ lớn nhất, sức ảnh hưởng văn hóa ngày càng lan rộng ra thế giới… Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Sự thành công đó dựa trên quá trình kiến tạo và không ngừng hoàn thiện chính sách phát triển xã hội của Ấn Độ. Từ việc khảo cứu thành tựu này trên ba khía cạnh: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, bài viết rút ra một số kinh nghiệm có thể vận dụng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam hiện nay.

TS NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Trường Đại học Quy Nhơn

Lễ hội Ánh sáng mang màu sắc truyền thống của văn hóa Ấn Độ | Báo ...
Diwali là lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa Ấn Độ_Ảnh: India Times.

1. Mở đầu

Sau khi giành được độc lập và bước vào kỷ nguyên xây dựng nền cộng hòa, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho đất nước Ấn Độ hết sức to lớn: kiến tạo con đường phát triển xã hội, xác lập vị thế quốc gia. Điều này đặt ra nhiều thách thức với Ấn Độ, vốn phải gánh chịu những tàn dư từ chế độ thuộc địa của thực dân Anh hơn 2 thế kỷ. Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp mang tính cách mạng, giới tinh hoa chính trị (political elite) Ấn Độ, đứng đầu là Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã kiến tạo con đường phát triển xã hội hài hòa, phù hợp với đặc thù quốc gia từ kinh tế, chính trị đến văn hóa - xã hội.

Từ thực tế lịch sử này, sự phát triển của Ấn Độ trong những thời kỳ tiếp sau đều dựa trên nền tảng là mô hình phát triển xã hội mà “kỷ nguyên Nehru” đã tạo lập. Nó không chỉ giúp Ấn Độ thành công trong thời kỳ đầu xây dựng nền cộng hòa mà còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy khi Ấn Độ hiện nay vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Sự thành công của Ấn Độ để lại những kinh nghiệm tham khảo hữu ích cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể vận dụng vào thực tiễn phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

2. Nội dung

2.1. Sự phát triển xã hội ở Ấn Độ

Thứ nhất, về chính trị

Từ khi Hiến pháp năm 1950 ra đời, Ấn Độ trở thành một nước cộng hòa dân chủ có quốc hội lập hiến, tòa án tối cao và một nền báo chí độc lập. Mọi vấn đề xã hội và của bộ máy công quyền đều được báo chí đưa ra công luận. Theo một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) được thực hiện với 2.521 người, từ ngày 23-5-2018 đến ngày 23-7-2018, 79% người dân Ấn Độ hài lòng với cách thức hoạt động của nền dân chủ ở đất nước họ(1). Ở Ấn Độ, như đã thành thông lệ, khi Tổng thống, Thủ tướng có chuyến công du nước ngoài trở về đều gặp gỡ báo chí ngay khi xuống sân bay và trả lời những câu hỏi của các nhà báo về kết quả chuyến đi.

Đặc điểm của chính trị Ấn Độ là quan tâm đến người nghèo. Người nghèo có thể bày tỏ ý kiến của mình trong bầu cử thông qua phiếu bầu. Hiến pháp quy định quyền bầu cử cho mọi công dân Ấn Độ trên 21 tuổi, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính…; “Quốc hội đã áp dụng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu với một niềm tin lớn lao về con người nói chung và về chiến thắng cuối cùng của nguyên tắc dân chủ”(2). Một học giả của Ấn Độ là K.M. Panikkar nhận xét: “Quyền bầu cử cho mọi công dân Ấn Độ từ 21 tuổi trở lên có ý nghĩa chính trị và xã hội rất sâu sắc về sau và hơn thế nữa… Nhiều thời kỳ xã hội trước đây, ý thức về sức mạnh của họ bị hạn chế và họ cũng chẳng quan tâm đến những thay đổi chính trị diễn ra. Đột nhiên, họ đã nhận ra rằng, họ được đặt vào một vị trí nắm quyền”(3).

Tính từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1952, có khoảng 160 triệu cử tri đi bầu, đến cuộc Tổng tuyển cử năm 2014 có 834.101.479 cử tri đi bầu(4), chiếm tỷ lệ 66,4%, năm 2019 là gần 900 triệu cử tri đi bầu trên tổng số hơn 1,3 tỷ dân, chiếm tỷ lệ 67,11%(5), và năm 2024 là 979,8 triệu cử tri đi bầu trên tổng số hơn 1,4 tỷ dân, tăng 7,43% so với năm 2019(6).

Ấn Độ được biết đến là một quốc gia có định kiến lớn về giới, khắc nghiệt trong lịch sử bởi cấu trúc và tư duy xã hội mang tính gia trưởng. Tuy nhiên, từ sau độc lập đến nay, thông qua Hiến pháp, Ấn Độ đã thực hiện trao quyền cho phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị nhiều hơn trên các phương diện: là cử tri, là ứng viên trong các cuộc bầu cử Quốc hội; là đại diện trong Quốc hội.

Các cơ hội giáo dục tốt hơn cho phụ nữ, sự ổn định về tài chính, sự phá vỡ các rào cản định kiến xã hội cùng nhận thức về truyền thông ngày càng lớn đã buộc các đảng chính trị phải tạo ra không gian cho sự tham gia của phụ nữ vào chính trị. Trong cuộc bầu cử gần đây vào Hạ viện Ấn Độ năm 2019, tỷ lệ phụ nữ đi bỏ phiếu gần bằng với nam giới (66,9% so với 67,3%)(7). Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử Ấn Độ, tỷ lệ phụ nữ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024 cao hơn nam giới là 65,8% so với 65,6%(8). Đây là một bước ngoặt, là “cuộc cách mạng thầm lặng về tự trao quyền”(9) trong tiến trình hướng tới bình đẳng giới trong nền chính trị của Ấn Độ, đưa Ấn Độ tiến gần hơn đến việc trở thành một nền dân chủ đại diện và toàn diện thật sự.

Thứ hai, về kinh tế

Sau khi giành được độc lập, tàn dư kinh tế thuộc địa của thực dân Anh để lại cho Ấn Độ rất lớn. Các chính trị gia Ấn Độ lo lắng sự thống trị của đế quốc phương Tây sẽ quay trở lại dưới chiêu bài thống trị kinh tế thông qua thương mại và đầu tư. Chính vì thế, Ấn Độ tìm kiếm “sự độc lập về kinh tế” để củng cố sự độc lập về chính trị, lựa chọn đường lối kinh tế trung ương kế hoạch hóa với mục đích bảo đảm sự phân phối công bằng và hiệu quả tài nguyên quốc gia cho mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng. Điều này được Thủ tướng Jawaharlal Nehru nhấn mạnh: “Ấn Độ phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, với nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến và dựa vào sức mình là chính, cố gắng tạo nguồn tích lũy chủ yếu trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ và quan hệ với nước ngoài, nhưng không lệ thuộc”(10). Ủy ban kế hoạch do đích thân Thủ tướng Jawaharlal Nehru làm Chủ tịch đã soạn và chỉ đạo các kế hoạch 5 năm kiểu Xôviết. Lĩnh vực tư nhân được giám sát chặt chẽ bằng nhiều quy định. Đây không phải là nền kinh tế quốc doanh, mà là một nền kinh tế hỗn hợp (với hai thành phần: kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân), nó vừa có một vài đặc tính của kinh tế thị trường, vừa tuân thủ những mệnh lệnh của kinh tế chỉ huy.

Đường lối xây dựng đất nước nói chung và phát triển kinh tế nói riêng của Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Jawaharlal Nehru kiến tạo trong những năm đầu nền cộng hòa không chỉ phù hợp với tình hình Ấn Độ mà còn phù hợp với xu thế của thời đại. Từ một nước với nạn đói triền miên, Ấn Độ đã tự túc lương thực và có dự trữ, bước đầu đem lại sự thay đổi lớn đối với dân cư trong các khu vực khác nhau. Tuy vậy, với mô hình này, Ấn Độ đã “tự cô lập” với thị trường thế giới nhằm bảo hộ nền kinh tế và cũng để tự cung, tự cấp. Hệ quả là, “Trong ba thập kỷ đầu tiên sau khi giành được độc lập vào năm 1947, kinh tế Ấn Độ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3,5%, được gọi một cách chế nhạo là tốc độ tăng trưởng của người Hindu. Đó là một nửa tỷ lệ đạt được so với những con hổ châu Á”(11).

Trong những năm 1980, những thay đổi của tình hình thế giới cũng như tác động từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia. Mô hình phát triển kinh tế “hướng nội” ở Ấn Độ bộc lộ nhiều hạn chế, do vậy cần có những thay đổi kịp thời.

Năm 1991, với đường lối cải cách kinh tế, Ấn Độ tiến hành mở cửa thị trường, giảm sự kiểm soát của Chính phủ trong ngoại thương và đầu tư, mở cửa một số lĩnh vực kinh tế cho tư nhân và nước ngoài tham gia. Những nội dung được chú trọng cải cách như: tài khóa, khu vực tài chính và tiền tệ; thị trường vốn, chính sách công nghiệp, chính sách thương mại, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và hợp lý hóa chính sách tỷ giá hối đoái.

Tuy vậy, tự do hóa và cải cách kinh tế ở Ấn Độ sau năm 1991 vẫn chưa chú trọng đến những khu vực phi chính thức như: lao động nghèo thành thị, nông nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các bộ lạc. Do vậy, những cải cách đó vẫn chưa thể giúp Ấn Độ có những bước tiến mạnh mẽ so với các nền kinh tế lớn trên thế giới trong gần hai thập kỷ phát triển.

Sau hơn một thập kỷ cầm quyền kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2014, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa Ấn Độ “trỗi dậy” bằng những cải cách lớn trong mô hình, chính sách mới về phát triển kinh tế. Trong đó, 5 thay đổi giúp đưa nền kinh tế Ấn Độ phục hồi nhanh hơn, là: cuộc cách mạng kỹ thuật số thông qua JAM Trinity (gồm tài khoản ngân hàng PMJDY, nhận dạng Aadhaar(12) và kết nối di động); thuế hàng hóa và dịch vụ thống nhất, ổn định; nhấn mạnh sự hài hòa của cuộc sống; cải cách thuế và tập trung vào tăng trưởng thông qua vốn đầu tư nước ngoài(13).

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định: “Narendra Modi là nhân vật phản ánh động lực và tiềm năng nổi lên của Ấn Độ, với tầm nhìn tham vọng trong việc biến quốc gia Nam Á thành một hình mẫu truyền cảm hứng cho thế giới”(14). Tính đến cuối năm 2022, PMJDY là chương trình tài chính lớn nhất thế giới với hơn 472 triệu tài khoản có số tiền gửi khoảng 236 tỷ USD(15). Hiệu quả của chương trình được kiểm chứng khi Ấn Độ phải đối mặt với lệnh phong tỏa kéo dài 68 ngày (kể từ ngày 24-3-2022) bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã gửi hỗ trợ tài chính cho hàng triệu người kém may mắn bằng một thao tác “bấm nút” đơn giản. Tầm nhìn xa của Thủ tướng Narendra Modi đã “cứu” được hàng triệu người Ấn Độ vào thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Chuyển đổi số là một trong những thành công của Thủ tướng Narendra Modi khi tiết kiệm cho Ấn Độ được khoảng 1,1% GDP, cho phép Chính phủ thực hiện một loạt trợ cấp xã hội, trợ cấp tiền mặt và chi tiêu cho xây dựng hạ tầng mà không bị thâm hụt cao.

Mặt khác, ngày 12-5-2020, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có, trị giá khoảng 265 tỷ USD (tương đương 10% GDP Ấn Độ trong năm tài chính 2019 - 2020) với tên gọi “Sứ mệnh Ấn Độ tự cường” (Self - Reliant India Mission) dựa trên 5 trụ cột chính, là: 1) Phát triển nền kinh tế mới (trở thành nền kinh tế quy mô 5 nghìn tỷ USD); 2) Tạo dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; 3) Thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ; 4) Tận dụng dân số trẻ; 5) Khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước(16). Theo đó, Ấn Độ sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất, cải thiện chất lượng và cải thiện chuỗi cung ứng. Tất cả các nhu cầu của Ấn Độ trong thời điểm khủng hoảng Covid-19 đều được đáp ứng tại “địa phương”.

Có thể nói, những cải cách kinh tế với mô hình mới bắt đầu từ hơn 30 năm trước đã làm thay đổi Ấn Độ. Từng là một nước nghèo, chậm phát triển, đến năm 2023, Ấn Độ vươn lên trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với 8,2%, GDP bình quân đầu người hơn 7.000 USD. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (NSO) trực thuộc Bộ Thống kê và Thực hiện Chương trình Liên bang (MoSPI), tăng trưởng GDP năm tài chính 2023 - 2024 là 9,2%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ(17). Tốc độ tăng trưởng đưa nền kinh tế Ấn Độ đạt 3,57 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2024 và với tốc độ tăng trưởng theo xu hướng hằng năm khoảng 6,5 - 7% thì mục tiêu 5 nghìn tỷ USD sẽ đạt được vào năm 2028 - 2029(18).

Là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới năm 2023 (vượt Vương quốc Anh), Ấn Độ trở thành địa điểm ngày càng hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia trong nhiều ngành công nghiệp. Chính phủ đã giảm thuế doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả là, trong khi các nền kinh tế lớn, đang trên bờ vực suy thoái, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ luôn đạt mức cao. Theo thống kê của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, tính từ tháng 4-2014 đến tháng 9-2024, tổng dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ là 709,84 tỷ USD, chiếm 68,69% tổng dòng vốn FDI trong 24 năm(19). Có thể thấy, nền tảng mô hình kinh tế vững chắc của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi là một điểm sáng trong thời kỳ bất ổn toàn cầu và Ấn Độ đang kỳ vọng vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027.

Thứ ba, về văn hóa - xã hội

Ấn Độ là quốc gia có số lượng cộng đồng bộ lạc lớn so với các quốc gia khác trên thế giới. Hầu hết các bộ lạc sống ở nhiều vùng miền của Ấn Độ với truyền thống, ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt mà họ đã kế thừa và phát triển từ trong lịch sử. Theo thống kê của Chính phủ Ấn Độ năm 2011, dân số bộ lạc ở quốc gia này chiếm khoảng 8,2% tổng dân số cả nước. Theo thống kê của Bộ Các vấn đề bộ lạc ở Ấn Độ, có 705 nhóm bộ lạc được Chính phủ Ấn Độ quản lý. Trong đó có 75 nhóm thuộc danh mục Nhóm bộ lạc đặc biệt dễ bị tổn thương (PVTGs), sống ở các vùng khác nhau của đất nước(20). Chính vì thế, sự phát triển của bộ lạc luôn là vấn đề được Chính phủ Ấn Độ đặc biệt quan tâm. Theo Hiến pháp Ấn Độ năm 1950, “mọi tầng lớp nhân dân có một ngôn ngữ, một chữ viết, một nền văn hóa riêng biệt đều có quyền duy trì ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa đó”(21). Bên cạnh đó, “Nhà nước phải có trách nhiệm quan tâm và thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, giáo dục của người dân, đặc biệt trong các Scheduled Castes and Trible, bảo vệ chúng khỏi những bất công xã hội và tất cả các hình thức bóc lột khác”(22).

Để thay thế hai cách tiếp cận này, Thủ tướng Jawaharlal Nehru ủng hộ chính sách hòa nhập các bộ lạc vào xã hội, đồng thời duy trì bản sắc và văn hóa riêng của họ, tạo thành một phần không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Ấn Độ. Nắm vững quan điểm “thống nhất trong đa dạng”, Thủ tướng Jawaharlal Nehru khởi xướng cuộc vận động về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực của các bộ lạc.

Theo đó, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đưa ra cách tiếp cận về vấn đề hòa nhập bộ lạc như sau: 1) Các bộ lạc phát triển theo truyền thống của mình. Không nên có sự áp đặt hay ép buộc từ bên ngoài mà cần phải biết rằng, họ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn hóa chung, đời sống xã hội và chính trị của đất nước; 2) Các quyền của họ đối với rừng và đất đai cần phải được tôn trọng và không để người ngoài chiếm lấy. Sự xâm nhập của nền kinh tế thị trường vào khu vực bộ lạc phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ; 3) Khuyến khích các ngôn ngữ của bộ lạc; 4) Trong quản lý hành chính, cần chọn người trong chính các bộ lạc để đào tạo. Nếu là người bên ngoài được giới thiệu, lựa chọn, hoặc bổ nhiệm để quản lý, họ cần phải có sự am hiểu về văn hóa và tâm lý của bộ lạc; 5) Việc quản lý và phát triển phải thông qua các tổ chức văn hóa và xã hội riêng của họ(23).

Đây được coi là năm nguyên tắc quan trọng (còn gọi là Punchsheel), làm nền tảng áp dụng cho quá trình thống nhất trong các bộ lạc, hướng đến một sự hòa hợp trong đa dạng ở Ấn Độ những năm đầu cộng hòa. Đồng thời, cách tiếp cận này hướng đến mô hình mang tính khoa học và nhân văn trên lĩnh vực văn hóa - xã hội ở Ấn Độ, tạo sự ổn định, thống nhất để phát triển đất nước.

Chính sách hội nhập bộ lạc dưới thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru không chỉ đặt nền tảng quan trọng trong những năm đầu xây dựng và củng cố nền cộng hòa mà còn được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện trong công cuộc phát triển Ấn Độ hiện nay. Năm 1999, Bộ Các vấn đề về bộ lạc (Ministry of Tribal Affairs) được thành lập để quản lý và quan tâm tới tất cả công việc liên quan đến bộ lạc ở Ấn Độ. Chính phủ thực hiện các bước phát triển bộ lạc, từ cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho các khu vực sinh sống của bộ lạc đến thành lập các cơ quan quản lý như Ủy ban Quốc gia về các Bộ lạc (National Commission for Scheduled Tribes (NCST)) để lắng nghe ý kiến và để xem xét các vấn đề mà cộng đồng bộ lạc phải đối mặt. Để hoàn thành các mục tiêu trong sự phát triển của các bộ lạc, Chính phủ Ấn Độ thực hiện một số kế hoạch, chính sách và chương trình dành riêng cho sự phát triển tổng thể của các bộ lạc.

Chính sách, chương trình và kế hoạch này có những điểm nổi bật: Thứ nhất, chú trọng các khoản hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ đối với những khu vực bộ lạc sinh sống đặc biệt khó khăn; Thứ hai, tài trợ cho các tổ chức hoạt động tình nguyện vì lợi ích của các bộ lạc cũng như hỗ trợ cơ chế để phát triển và giới thiệu các sản phẩm của bộ lạc; Thứ ba, hỗ trợ cho các viện, tổ chức nghiên cứu bộ lạc ở Ấn Độ; Thứ tư, hỗ trợ tăng cường hoạt động giáo dục, đào tạo cho các bộ lạc(24).

Việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển bộ lạc từ những năm đầu nền cộng hòa đến nay là trách nhiệm chính của Chính phủ Ấn Độ nhằm mang lại công bằng cho những lực lượng yếu thế trong xã hội. Trong đó, cách tiếp cận chính sách hòa nhập bộ lạc thời kỳ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền tảng quan trọng trong chính sách hội nhập bộ lạc ở Ấn Độ cho các chính phủ tiếp sau kế thừa, xây dựng và thực hiện phù hợp với đặc thù quốc gia cũng như xu thế thời đại. Những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ bằng các chính sách, kế hoạch và chương trình thực hiện đối với cộng đồng bộ lạc nhằm đạt đến mô hình phát triển bền vững cho cộng đồng bộ lạc. Nhờ đó, thành quả trước mắt là tạo sự ổn định, rút ngắn khoảng cách về trình độ và giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng của mỗi bộ lạc ở Ấn Độ.

2.2. Một số kinh nghiệm

Qua thành công của quá trình phát triển xã hội ở Ấn Độ, rút ra một số kinh nghiệm tham khảo đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi các thủ tục hành chính phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân, gây nên những rào cản cản trở sự phát triển đất nước. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, công khai, minh bạch, thông thoáng để thu hút đầu tư; cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Mặt khác, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển. Hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thứ hai, tận dụng các cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi mặt đời sống chính trị, xã hội đất nước, nâng cao hiệu quả của bộ máy, xây dựng một Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”(25).

Từ thành công qua cách tiếp cận trong mô hình phát triển xã hội ở Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Việt Nam cần tạo điều kiện để mọi người dân đóng góp cho cộng đồng, phát huy hết tài năng, trí tuệ, tính sáng tạo, vai trò, trách nhiệm đối với xã hội. Phát huy sức mạnh của các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, làm chủ công nghệ, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, có những chính sách để bảo tồn, khẳng định giá trị, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trước những tác động của quá trình toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có như vậy mới huy động, phát huy hết vai trò của nguồn lực con người, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong quá trình phát triển bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội đất nước.

3. Kết luận

Trải qua gần 80 năm, kể từ khi giành độc lập cho đến nay, Ấn Độ từng bước kiến tạo con đường phát triển xã hội phù hợp với đặc thù quốc gia trên các phương diện: là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, một nền chính trị ổn định trên nền tảng dân chủ vững chắc, một nền văn hóa - xã hội đa dạng trong thống nhất. Ấn Độ đang dần khẳng định trở thành “siêu cường sức mạnh mềm” với nguồn sức mạnh mềm dồi dào từ lịch sử, văn hóa, văn minh phong phú.

Từ những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, thành công của Ấn Độ trong quá trình kiến tạo mô hình phát triển quốc gia mang lại nhiều giá trị và bài học kinh nghiệm tham khảo hữu ích cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vận dụng kinh nghiệm của Ấn Độ vào Việt Nam phải căn cứ điều kiện đặc thù và phù hợp với định hướng, đường lối phát triển quốc gia, để góp phần đưa Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

_________________

Ngày nhận: 15-3-2025; Ngày bình duyệt:16-4-2025; Ngày duyệt đăng: 9-7-2025.

Email tác giả: nguyenductoan@qnu.edu.vn

(1) Kat Devlin: A Sampling of Public Opinion in India, https://www.pewresearch.org, 2019, ngày truy cập 12-2-2025.

(2), (23) Bipan Chandra: India after independence 1947-2000, Penguin Books, New Delhi, 1999, tr.43, tr.108.

(3) K.M. Panikkar: Hindu Society at Cross Roads, Bombay, 3rd edition, 1961, tr.96.

(4) General Elections 2014: Highest Ever Voter Turn-Out, https://pib.gov.in, ngày truy cập 19-1-2025.

(5) Daniela Pollmana: The Indian General Election 2019: A Final Recap, https://acleddata.com, 2019, ngày truy cập 10-2-2025.

(6) Voter turnout dipped in 2024 Lok Sabha polls though overall voters increased: ECI, https://www.hindustantimes.com, ngày truy cập 12-2-2025.

(7) Ambar Kumar Ghosh: Women’s Representation in India’s Parliament: Measuring Progress, Analysing Obstacles, Observer Research Foundation, Issue NO. 382 NOVEMBER 2022, tr.8.

(8) Woman voters clocked 65.8%, men 65.6% in’ 24 lok Sabha polls: Election Commission, https://timesofindia.indiatimes.com, ngày truy cập 20-2-2025.

(9) Mudit Kapoor, Shamika Ravi: Women Voters in Indian Democracy: A Silent Revolution, Economic and Political Weekly, March 22, 2014, Vol. 49, No. 12, tr.63.

(10) W. Malenbaum: Modern India’s economy: two decades of planed growth, Charles E. Merrill Publishing Company, Columbus, Ohio, 1971, tr.86.

(11) Swaminathan S. Anklesaria Aiyar: Twenty-Five Years of Indian Ecomonic Reform: A Story of Private-Sector Success, Government Failure, and Institutional Weakness, Policy Analysis, CATO Institute, 2016, tr.2-3.

(12) Phạm Văn Thịnh: Kinh nghiệm cấp số định danh duy nhất cho người dân của Chính phủ Ấn Độ, https://aita.gov.vn, ngày truy cập 06-2-2025.

(13), (15) Shishir Gupta: Modinomics and the Indian economy, https://www.hindustantimes.com, ngày truy cập 25-1-2025.

(14) Hải Yến: Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Tình thân ngày càng gắn kết, http://baoquocte.vn, ngày truy cập 10-6-2023.

(16) Nguyễn Xuân Trung, Lê Thị Hằng Nga: Chiến lược “Ấn Độ tự cường” dưới thời kỳ Thủ tướng Narendra Modi, https://tapchicongsan.org.vn, ngày truy cập 03-2-2025.

(17) India’s GDP Growth Projected at 6.5% for FY2024-25: Second Advance Estimates, https://www.india-briefing.com, ngày truy cập 15-2-2025.

(18) Finance ministry charts path to $5 trillion by FY29, https://www.hindustantimes.com, ngày truy cập 12-2-2025.

(19) Ministry of Commerce and Industry: India’s FDI Journey Hits $1 Trillion, https://static.pib.gov.in, 2024, tr.2.

(20) Government of India: Particularly Vulnerable Tribal Groups, New Delhi: Ministry of Tribal Affairs, https://tribal.nic.in, ngày truy cập 16-1-2025.

(21) J. Milbert: Ấn Độ, quá trình chuyển biến về chính trị, xã hội và kinh tế, Viện Đông Nam Á lược dịch, Hà Nội, 1981, tr.16.

(22) Kulamani Padhi: Tribal development in India - A study in human development, Orissa Review, 2005, pp.73.

(24) Nguyễn Đức Toàn, Đoàn Thế Hùng: Chính sách phát triển bộ lạc của Ấn Độ từ những năm đầu nền Cộng hòa đến nay, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Văn hóa, Giáo dục và Du lịch với phát triển kinh tế”, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2022, tr.83-89.

(25) Nguyễn Phú Trọng: Chính phủ liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tập trung thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày truy cập 08-2-2025.