Tin tức

Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc”

10/07/2025 17:01

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2025), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc”.

MINH PHƯƠNG

PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học phát biểu đề dẫn Hội thảo

Dự và chủ trì Hội thảo có PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Dự Hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Đinh Ngọc Giang khẳng định: Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên các cương vị công tác đồng chí đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng. Di sản quý báu đồng chí để lại kết tinh thành hệ giá trị, mang nhiều chỉ dẫn quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Hội thảo Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, là sự kiện có nhiều ý nghĩa, là dịp để tiếp tục tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Toàn cảnh Hội thảo_ Ảnh: HCMA

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Bến Lức, tỉnh Tây Ninh). Năm 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang học tại Pháp, tốt nghiệp cử nhân luật, trở về nước năm 1933 và làm nghề luật sư. Năm 1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp tham gia công tác trí vận ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1950, thực dân Pháp bắt đồng chí đưa đi quản thúc tại bản Giẳng, tỉnh Lai Châu. Năm 1954, đồng chí bị chính quyền Sài Gòn bắt và lưu đày ở miền núi Củng Sơn, tỉnh Phú Yên, cho đến khi được lực lượng vũ trang Khu V giải thoát. Tại Đại hội lần thứ I (tháng 2-1962) và lần thứ II (tháng 3-1964) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương. Tháng 9-1969, đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đảm trách các chức vụ Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được Nhà nước Liên Xô, Nhà nước Cuba, Nhà nước Bungari, Hội đồng hòa bình thế giới tặng nhiều huân chương và giải thưởng cao quý.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải, đánh giá, làm sáng rõ các nội dung chủ yếu sau:

Một là, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, gia đình là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách cao đẹp và chí hướng cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ. Với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, trọn đời theo Đảng và có những cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, từ rất sớm (11 tuổi), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã bắt đầu cuộc sống tự lập, sang Pháp học, tốt nghiệp cử nhân luật bằng xuất sắc. Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của người trí thức yêu nước, cách mạng, người cộng sản kiên trung, tài năng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Trở về nước, đồng chí hoạt động luật sư và nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chứng kiến bản chất thâm độc, tàn bạo, tội ác man rợ của chính quyền tay sai. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các đảng viên cộng sản và đồng bào ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của một trí thức yêu nước nhiệt thành, đồng chí hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.

Sau chuyến đi thăm chiến khu (năm 1946), Luật sư trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn do Mặt trận Liên Việt lãnh đạo. Đồng thời, đồng chí trực tiếp bào chữa cho nhiều cán bộ cách mạng, điển hình là vụ biện hộ thành công vụ án những người trong tổ chức Liên - Việt thành phố Sài Gòn, bảo vệ công lý và chính nghĩa cho tinh thần yêu nước nhiệt thành của những chiến sỹ cách mạng.

Cuối năm 1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tiếp tục ở lại nội thành Sài Gòn, tận dụng vị trí hợp pháp để hoạt động công khai trong lòng địch. Đồng chí tích cực vận động giới nhân sĩ, trí thức tham gia phong trào đấu tranh đòi mở rộng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Sài Gòn và các địa phương ở Nam Bộ.

Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chính quyền thực dân đã ra lệnh bắt giam, đày ải ở các nhà tù khắp Nam, Trung, Bắc, chịu mọi cực hình tra tấn của địch, nhưng Luật sư, người trí thức cách mạng vẫn kiên cường, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tuyên truyền, cảm hóa, giác ngộ bạn tù, nhân dân sở tại đi theo cách mạng.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Ba là, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trở lại miền Nam sau khi được giải thoát khỏi nơi quản thúc ở Phú Yên (năm 1961), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, trên các cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, góp phần to lớn vào những thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở Nam Bộ.

Đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6-1976); Quyền Chủ tịch nước (tháng 4-1980); Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7-1981); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 11-1988). Cùng với Đảng và Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã lãnh đạo nhân dân cả nước tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

Bốn là, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, là người học trò trung thành và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là người chiến sỹ cộng sản suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần, kiệm, giản dị. Dù trong hoàn cảnh nào, cương vị gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dù đã 78 tuổi, nhưng với sự tín nhiệm của nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đồng ý tiếp tục làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1994, đồng chí được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng, 47 năm tuổi Ðảng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, tài năng và nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi mãi là niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.