Đào tạo - Bồi dưỡng

Phát triển Học viện Hành chính và Quản trị công trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công

21/07/2025 09:13

(LLCT) - Học viện Hành chính và Quản trị công được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ. Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công. Bài viết khái quát lịch sử phát triển, những thành tựu nổi bật và định hướng phát triển của Học viện Hành chính và Quản trị công trong kỷ nguyên phát triển mới.

PGS, TS NGUYỄN BÁ CHIẾN
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công

image.exam24h.com-public-exam24h-wiki-attribute-_f5361d48fd407ddc06a5fb0b4d4f17f7.png
Học viện Hành chính và Quản trị công được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ_Ảnh: IT

1. Mở đầu

Thực hiện Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28 - 12 - 2024 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính và Quản trị công trở thành một trong 6 Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với vị thế mới và triển vọng phát triển mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính và Quản trị công tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống, đổi mới mạnh mẽ và đột phá để phát triển thành trung tâm quốc gia về đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công, bảo đảm chất lượng hàng đầu của quốc gia, tham gia hội nhập khu vực, quốc tế, góp phần tích cực vào sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, Nhà nước, đưa đất nước ta phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

2. Nội dung

2.1. Khái quát lịch sử phát triển của Học viện Hành chính và Quản trị công

Học viện Hành chính và Quản trị công tiền thân là Trường Hành chính, được thành lập theo Nghị định số 214-NV ngày 29 - 5 - 1959, do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký. Trường trực thuộc Bộ Nội vụ, với nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện. Trường đặt tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 16 - 10 - 1959.

Ngày 29 - 9 - 1961, Trường được đổi tên thành Trường Hành chính Trung ương theo Nghị định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ, có trụ sở tại Láng Hạ, Hà Nội - nơi đặt trụ sở Học viện ngày nay. Ngày 30 - 3 - 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81-CP, chuyển Trường Hành chính Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Ngày 12 - 5 - 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính - Kinh tế Trung ương.

Ngày 08 - 6 - 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 233-CP, tách Trường Hành chính - Kinh tế Trung ương thành 2 trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý Kinh tế Trung ương, trong đó Trường Hành chính Trung ương là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, hoạt động theo Quyết định số 91-HĐBT ngày 26 - 9 - 1981 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương.

Ngày 01 - 11 - 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 381-CT, đổi tên Trường Hành chính Trung ương thành Trường Hành chính Quốc gia; từ ngày 06 - 7 - 1992, được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định này, Học viện chịu sự quản lý trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính nhà nước và nghiên cứu khoa học hành chính nhà nước.

Giai đoạn từ tháng 5 - 2007 đến tháng 12 - 2013, Học viện hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Giai đoạn này, Học viện mang tên Học viện Hành chính trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Đến năm 2013, theo Nghị quyết số 121/NQ-CP, Học viện trực thuộc Bộ Nội vụ, với tên là Học viện Hành chính Quốc gia.

Năm 2017, Học viện tiếp nhận Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực thuộc Bộ Nội vụ theo Quyết định số 949/QĐ -TTg ngày 05 - 07 - 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải thể Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực thuộc Bộ Nội vụ.

Năm 2022, theo Quyết định số 699/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ và Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội được sáp nhập vào Học viện, từ đó hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ đào tạo từ đại học, thạc sĩ, đến tiến sĩ và thực hiện bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ngày 28 - 12 - 2024, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 214-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo Quyết định này, Học viện Hành chính và Quản trị công là một trong 6 Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 08 - 01 - 2025, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 55-QĐ/HVCTQG quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính và Quản trị công. Theo các quyết định này, Học viện Hành chính và Quản trị công là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có chức năng đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và cung ứng dịch vụ công về hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công, pháp lý theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhu cầu xã hội.

Việc sáp nhập Học viện Hành chính Quốc gia vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một quyết định mang tính chiến lược, thể hiện sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Quyết định này không chỉ nhằm tối ưu hóa các nguồn lực quốc gia mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

2.2. Học viện Hành chính và Quản trị công trong lịch sử 66 năm xây dựng và phát triển

Nhìn lại chặng đường 66 năm qua, Học viện tự hào đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống chính trị, xã hội. Học viện tự hào với những kết quả nổi bật, đó là:

Thứ nhất, Học viện giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ năm 1959 đến năm 2024, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng trên 500.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp; hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý công, chính sách công, quản lý nhà nước. Nhiều học viên đã và đang giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội...

Thứ hai, từ năm 1996, Học viện bắt đầu thực hiện chức năng đào tạo đại học ngành hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Đến năm 2023 (so với thời điểm trước khi sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội), Học viện đã đào tạo 18 khóa đại học quản lý nhà nước với khoảng 27.000 sinh viên chính quy, gần 30.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học, hàng trăm sinh viên hệ cử tuyển. Đồng thời, Học viện đã tổ chức 29 khóa đào tạo thạc sĩ và 22 khóa đào tạo tiến sĩ ngành quản lý công, cung cấp đội ngũ chuyên gia có trình độ cao cho khu vực công, tư và cho đất nước.

Thứ ba, Học viện là đơn vị chủ lực trong xây dựng và triển khai hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước ở nước ta. Chỉ tính trong giai đoạn 2021 - 2024, Học viện đã biên soạn và được Bộ Nội vụ phê duyệt, ban hành, đưa vào sử dụng 16 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp...

Đây là vốn kinh nghiệm và tài sản tri thức quý báu, là nền tảng để Học viện với vị trí là một đơn vị cấu thành, sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai nhiệm vụ theo phân công, phân cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cung cấp dịch vụ công, tư vấn chính sách về hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công.

Thứ tư, Học viện đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ với hơn 50 đối tác trên toàn cầu và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như IASIA, AGPA, PSTI, EROPA...Học viện đã đảm nhận vai trò Chủ tịch PSTI giai đoạn 2023 - 2024; Chủ tịch Hội đồng điều hành EROPA giai đoạn 2024 - 2025; là đối tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho nhiều quốc gia châu Á như Lào, Bănglađét, Ấn Độ...

Với những đóng góp to lớn và thiết thực, Học viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Lao động hạng Nhì, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Hiện nay, Học viện có 05 đơn vị chức năng, 07 khoa chuyên môn, 02 trung tâm, 01 tạp chí khoa học và 03 phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam (Thành phố Đà Nẵng từ ngày 01-7-2025) và tỉnh Đắk Lắk. Học viện có 715 viên chức, người lao động, với đa số có chất lượng và chất lượng cao. Trong đó có 01 giáo sư, 17 phó giáo sư, 160 tiến sĩ và 401 thạc sĩ. Tính đến tháng 5 - 2025, Học viện có 37 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học; trong đó có 14 ngành và 13 chuyên ngành trình độ đại học; 08 ngành trình độ thạc sĩ và 02 ngành trình độ tiến sỹ; với quy mô gần 20.000 sinh viên, học viên. Trung bình mỗi năm, Học viện tuyển sinh khoảng 4.000 sinh viên đại học; 600 học viên cao học và 100 nghiên cứu sinh.

Hành trình 66 năm qua với tên gọi và cơ quan chủ quản ở từng giai đoạn khác nhau, Học viện luôn khát vọng vươn lên không ngừng, khẳng định dấu ấn và vị thế là trung tâm uy tín của quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công cho cả khu vực công và khu vực tư. Mỗi giai đoạn là một dấu mốc, mang một ý nghĩa đặc biệt, góp phần bồi đắp nên truyền thống và bản sắc của Học viện. Học viện tự hào về những gì đã đạt được và luôn ý thức trách nhiệm tiếp tục phát huy truyền thống, hướng tới tương lai phát triển mạnh mẽ hơn.

2.3. Định hướng phát triển của Học viện Hành chính và Quản trị công trong bối cảnh mới

Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong kỷ nguyên mới, thời cơ mới, vận hội mới với giá trị cốt lõi: “Trí tuệ - Chất lượng - Hiện đại”, Học viện tiếp tục kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, tiên phong đổi mới sáng tạo, phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, xây dựng hệ sinh thái học viện số, học viện xanh, quản trị hiện đại theo chuẩn quốc tế, có uy tín trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công.

Trong thời gian tới, Học viện tập trung phát triển các trụ cột sau:

Thứ nhất, tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Học viện. Xây dựng Học viện vừa mang bản sắc văn hóa của Trường Đảng, vừa là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm theo Luật Giáo dục đại học. Củng cố và duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và của toàn thể đảng viên, viên chức trong Học viện.

Thứ hai, Học viện xác định đội ngũ viên chức, người lao động là tài sản quý giá nhất. Học viện tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là chất lượng giảng viên, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, tiên phong trong đổi mới, sáng tạo. Bám sát chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Học viện khuyến khích và định hướng giảng viên, viên chức tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, quản trị hiện đại, đặc biệt là năng lực số và nghiên cứu khoa học tiên tiến. Ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trẻ gắn với đào tạo, trao đổi học thuật trong khu vực và quốc tế.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho đội ngũ viên chức, nhất là giảng viên tham gia các dự án nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chủ động kết nối và đưa đội ngũ giảng viên tham gia các hoạt động thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương. Xây dựng mô hình tổ chức học tập, văn hóa chất lượng, văn hóa trách nhiệm thấm nhuần trong nhận thức và hành động của mỗi viên chức, người lao động Học viện.

Thứ ba, lấy người học là trung tâm, không ngừng đổi mới phương pháp và phát triển chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu người học. Trên cơ sở các chương trình đào tạo gắn với thương hiệu trong 66 năm qua như Hành chính học, Quản lý nhà nước, Quản lý công... Học viện tiếp tục phát triển, mở rộng, chuyên sâu các ngành, chuyên ngành như: quản trị công, quản trị địa phương, quản trị đô thị, công nghệ hành chính, quản trị dữ liệu, quản trị rủi ro và khủng hoảng, phân tích chính sách…; tiếp tục đầu tư, phát triển các ngành: luật, quản trị nhân lực, quản trị văn phòng, quản lý kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để trao đổi học thuật cho sinh viên, học viên, giảng viên về lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước và quản trị công... Triển khai thực hiện các chương trình liên kết với các đối tác là các trường đại học, học viện hàng đầu khu vực và quốc tế về hành chính, quản trị công... nhằm đưa Học viện trở thành điểm đến uy tín trong nghiên cứu và đào tạo hành chính, quản lý nhà nước, quản lý công... ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Học viện tiếp tục hợp tác và gắn kết chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức cả ở khu vực công và khu vực tư. Tổ chức ký kết và triển khai các chương trình hợp tác với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để đưa giảng viên, sinh viên, học viên thực hành, thực tế, tham gia dự án, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp...Thực hiện các chương trình mời giảng viên kiêm chức, báo cáo viên; mời lãnh đạo, chuyên gia đang làm việc tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có uy tín tham gia giảng dạy, đào tạo, trao đổi học thuật, kinh nghiệm thực tế, nhằm bảo đảm tính cập nhật thực tiễn và giữ mối liên kết chặt chẽ giữa giảng viên, sinh viên, học viên với đơn vị sử dụng lao động.

Học viện xúc tiến thành lập trung tâm thực hành quản trị, định kỳ hàng quý, hàng năm tổ chức diễn đàn đối thoại quản trị công theo các chủ đề gắn với thực tiễn, nhằm tạo mạng lưới kết nối giữa Học viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động để tiếp nhận các sáng kiến, ý tưởng và triển khai thực hiện sát với thực tiễn.

Thứ năm, trên cơ sở chỉ đạo, phân cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện tập trung huy động tối đa nguồn nhân lực và tài chính, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành nhằm xây dựng Học viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ quản trị và cung cấp dịch vụ công theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt là các dịch vụ công liên quan tới tư vấn chính sách, thiết kế chương trình và tổ chức triển khai đào tạo nâng cao năng lực theo nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị...

Định kỳ hàng năm, thông qua diễn đàn về quản trị công và sự chủ động nghiên cứu các vấn đề thực tiễn gắn với thế mạnh, giá trị cốt lõi của Học viện, chú trọng xây dựng các báo cáo kiến nghị, tổng hợp sáng kiến, tư vấn chính sách liên quan tới hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công để cung cấp các luận chứng, luận cứ khoa học gửi tới các cơ quan lãnh đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cơ quan của Đảng, Nhà nước, bộ ngành và địa phương, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản trị quốc gia hiện đại.

Thứ sáu, Học viện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, quản trị đại học hiện đại, xây dựng học viện số, học viện xanh đáp ứng yêu cầu phát triển đại học trong kỷ nguyên số. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các phòng học thông minh, hệ thống quản lý học tập (LMS) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), thực tế ảo (AR)… để cá nhân hóa lộ trình học tập của người học và hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy.

Triển khai các phần mềm quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý người học; xây dựng kho dữ liệu số tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động và người học của Học viện.

3. Kết luận

Dưới sự lãnh đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính và Quản trị công tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống 65 năm của Học viện Hành chính Quốc gia, 50 năm truyền thống của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, 9 năm truyền thống của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số quốc gia. Đây là sự khởi đầu của chặng đường phát triển mới, với những tiềm năng, triển vọng to lớn và nhiều cơ hội phát triển.

Những giải pháp nêu trên cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống, có lộ trình và bước đi cụ thể. Dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, toàn thể viên chức, người lao động Học viện với trách nhiệm và quyết tâm với khát vọng lớn cùng đoàn kết, đồng lòng xây dựng Học viện Hành chính và Quản trị công hiện đại, năng động và đạt được những thành tựu mới, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

_________________

Ngày nhận bài: 3-7-2025; Ngày bình duyệt: 7 -7-2025; Ngày duyệt đăng: 18-7-2025.

Email tác giả: bachiennapa@gmail.com

Tài liệu tham khảo:

1. Học viện Hành chính Quốc gia - Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Nội vụ và đất nước, https://www.quanlynhanuoc.vn; ngày 06 - 10 -2020.

2. Học viện Hành chính Quốc gia - những dấu ấn 65 năm xây dựng và phát triển, https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 26 - 5 – 2024.