Diễn đàn

Những yêu cầu đặt ra trong việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam hiện nay

21/07/2025 15:55

(LLCT) - Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa và những thay đổi kinh tế - xã hội đang đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Việc củng cố sức mạnh quốc gia do đó cũng có ý nghĩa cấp thiết, trong đó, đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tự cường, tự chủ là động lực phát triển, giữ vững độc lập và ổn định. Bài viết phân tích bối cảnh và yêu cầu đặt ra nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

TS ĐẶNG THỊ TUYẾT
Viện Văn hóa và Phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt ...
Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là nền tảng vững chắc để gia tăng nguồn lực và động lực phát triển kinh tế - xã hội_Ảnh: IT

1. Mở đầu

Trong quá trình lãnh đạo phát triển, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Những giá trị này không chỉ bao gồm các yếu tố văn hóa truyền thống mà cả những giá trị văn hóa hiện đại, không chỉ là những yếu tố nội sinh mà còn là sự kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(1).

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định chính là giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng, phát huy nguồn lực con người Việt Nam. Cần nhận thức rõ về bối cảnh trong nước và thế giới cũng như những thách thức và cơ hội, từ đó có những nội dung, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đổi mới và tăng cường xây dựng, phát huy nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

2. Nội dung

2.1. Bối cảnh mới tác động đến việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam hiện nay

Vấn đề hội nhập, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu

Thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ, hội nhập, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu trở thành những yếu tố then chốt định hình sự phát triển của mỗi quốc gia. Với sự bùng nổ của công nghệ, sự dịch chuyển kinh tế và những thay đổi địa chính trị ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, các quốc gia không chỉ tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển mà còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lẫn nhau. Bên cạnh xu thế hợp tác là chủ đạo, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt cũng là thách thức đối với các quốc gia để duy trì ổn định và phát triển. Điều này đòi hỏi một tư duy chiến lược linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng và sự đổi mới sáng tạo liên tục để tối ưu hóa lợi thế và nâng cao vị thế trong môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội từ hội nhập toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua cơ chế hợp tác quốc tế. Bối cảnh này vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức lớn về năng lực cạnh tranh của quốc gia. Bên cạnh hợp tác về kinh tế, phát huy văn hóa dân tộc và sức mạnh con người là yếu tố then chốt để giữ vững bản sắc, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Quá trình hội nhập quốc tế và sự đa dạng văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội để các dân tộc tiếp cận những nền văn hóa khác, qua đó mở rộng tầm hiểu biết và làm giàu thêm bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia - dân tộc. Việc giao lưu văn hóa không chỉ giúp tiếp thu những tri thức và giá trị tích cực, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, từ đó góp phần xóa bỏ rào cản định kiến, hóa giải xung đột, tạo nền tảng để gắn kết và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, quá trình hội nhập cũng dẫn đến những mối lo ngại về nguy cơ đồng hóa văn hóa, làm mất đi bản sắc văn hóa của từng quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa cũng trở thành một lĩnh vực cạnh tranh khi ảnh hưởng của ngành công nghiệp văn hóa hiện đại dần lấn át các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, các quốc gia đang đứng trước thách thức cân bằng giữa việc tiếp nhận văn hóa ngoại lai và duy trì, phát triển bản sắc văn hóa riêng của mình.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và tự động hóa, cùng với quá trình chuyển đổi số, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tác động sâu rộng đến cách con người làm việc, tương tác và sáng tạo. Những thay đổi đó không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà còn tác động sâu rộng đến văn hóa và con người, mang lại cả cơ hội và thách thức trong việc định hình bản sắc văn hóa cũng như phát triển nhân cách, kỹ năng của mỗi cá nhân. Về mặt tích cực, với nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, các sản phẩm văn hóa có thể lan tỏa ở phạm vi rộng lớn hơn, nội dung phong phú, đặc sắc, từ đó dễ tiếp cận đa dạng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các thiết bị công nghệ và ứng dụng số trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc đến giải trí và giao tiếp.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức về an ninh mạng, đạo đức công nghệ và phát triển nguồn nhân lực số nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, nhất là các quốc gia giàu tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, để cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu không tranh thủ các điều kiện thuận lợi, tận dụng các nguồn lực, khả năng để phát triển theo kịp những tiến bộ do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, một số quốc gia có thể bị tụt hậu nhanh chóng. Tuy nhiên, đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên trên hết mà xem nhẹ yếu tố văn hóa, tất yếu dẫn đến sự mai một giá trị văn hóa dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thiếu bền vững và những bất ổn về chính trị - xã hội.

Những vấn đề an ninh phi truyền thống

Những vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, v.v. vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh và cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, khiến nhiều cộng đồng phải rời bỏ quê hương, dẫn đến sự mai một văn hóa truyền thống, bao gồm ngôn ngữ, phong tục và lễ hội, đồng thời nó cũng phá hủy nhiều di sản văn hóa. Do đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống không chỉ là thách thức hiện tại, mà còn đặt ra yêu cầu phải xây dựng ý thức cộng đồng, bảo vệ văn hóa, nâng cao khả năng ứng phó để bảo vệ con người và di sản văn hóa.

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục và lao động

Trong bối cảnh thế giới hiện đại, khi nền kinh tế của nhân loại đang chuyển sang nền kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng thì vai trò quyết định của nguồn nhân lực đối với phát triển lại càng rõ nét hơn. Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản, đó là: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, yếu tố và cũng là động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục và lao động đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này tác động sâu sắc đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trên các khía cạnh giáo dục, thị trường lao động, văn hóa và xã hội. Việc quốc tế hóa giáo dục giúp nâng cao chất lượng giáo dục của các quốc gia khi tiếp cận kiến thức toàn cầu. Đồng thời, cung cấp kỹ năng hội nhập quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của người lao động trên thị trường toàn cầu, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa và xây dựng thế hệ trẻ có tư duy toàn cầu. Đây là nhóm công dân được trang bị nhận thức sâu sắc về các vấn đề toàn cầu và hiểu biết đa dạng văn hóa, có khả năng giao tiếp và hợp tác với những người từ các nền văn hóa khác nhau, có ý thức đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, từ địa phương đến quốc tế, có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các công cụ kỹ thuật số để kết nối và làm việc trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng làm tăng nguy cơ “chảy máu chất xám”, bởi trong nền kinh tế toàn cầu hóa đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt, ưu thế cạnh tranh luôn nghiêng về các quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng lo ngại là sự mai một giá trị văn hóa dân tộc nếu thiếu sự gắn kết với bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, xu hướng quốc tế hóa giáo dục và lao động không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức lớn. Việc cân bằng giữa hội nhập quốc tế và phát triển bền vững là điều cần thiết để Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.

2.2. Những yêu cầu đặt ra với việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đặt ra mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Kết luận 76 ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định: “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao”. Do đó, cần “Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Đại hội XIII của Đảng xác định “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người”(3) và xác định yêu cầu “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(4).

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 12-11-2021, Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước đều thống nhất quan điểm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc và nâng cao năng lực con người Việt Nam là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Trong bối cảnh đó, cần có sự thay đổi trong tư duy phát triển, đặt văn hóa và con người làm trung tâm của chính sách, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một số yêu cầu cụ thể để phát huy sức mạnh văn hóa, nguồn lực con người Việt Nam:

Một là, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng để duy trì cội nguồn, giá trị truyền thống và tính độc đáo của một dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam, điều này không chỉ là sự kế thừa di sản lịch sử mà còn là cách để khẳng định vị thế và bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa chính là yếu tố làm nên sự khác biệt của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của du khách, nhà đầu tư và bạn bè quốc tế. Bản sắc văn hóa là chất keo gắn kết cộng đồng, khơi dậy lòng yêu nước và ý chí phát triển đất nước. Gìn giữ văn hóa dân tộc đồng nghĩa với việc làm phong phú thêm di sản văn hóa toàn cầu, góp phần vào sự phát triển đa dạng văn hóa dân tộc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa là trách nhiệm chung của toàn xã hội và là nền tảng để Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trên trường quốc tế mà còn phát triển bền vững. Việc kết hợp bảo tồn truyền thống với đổi mới sáng tạo sẽ giúp văn hóa Việt Nam trường tồn và phát huy giá trị trong mọi thời đại. Những giá trị tinh thần như tình đoàn kết, lòng yêu nước, tính cần cù và sáng tạo chính là sợi dây gắn kết cộng đồng Việt Nam, tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời đại mới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là vấn đề của quốc gia, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội nhằm cải thiện bản thân và thích nghi với bối cảnh mới. Cụ thể, con người Việt Nam trong thời đại số phải kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc và năng lực hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy các giá trị đạo đức, tri thức và khả năng sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển của đất nước và thế giới. Hình ảnh con người Việt Nam phải trở thành đại diện cho sức mạnh mềm của quốc gia, giúp gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Người Việt Nam hiện đại, hội nhập, thông minh và giàu lòng nhân ái sẽ là hình mẫu có sức hút trong các hoạt động ngoại giao, hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa toàn cầu.

Xây dựng hình ảnh con người Việt Nam mới không chỉ là phát triển trí tuệ, mà còn là việc vun đắp giá trị đạo đức, lối sống văn minh và tinh thần đoàn kết trong xã hội. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng xã hội ổn định và tiến bộ. Người Việt Nam phải yêu quý, tự hào và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống như lòng hiếu thảo, sự tôn trọng gia đình, cộng đồng và các giá trị đạo đức. Việc giữ gìn các lễ hội, phong tục, ngôn ngữ và nghệ thuật dân gian cũng là một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam. Con người Việt Nam trong thời đại mới cần có tinh thần tự hào dân tộc, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, cần có sự lao động cần cù chăm chỉ, sẵn sàng thích ứng với thay đổi, dám nghĩ, dám làm và có khả năng sáng tạo trong mọi lĩnh vực, biết cống hiến cho cộng đồng, bảo vệ lợi ích chung, thể hiện tinh thần đoàn kết.

Ba là, ứng dụng công nghệ trong phát huy giá trị văn hóa và con người

Công nghệ hiện đại không chỉ làm thay đổi cách con người tương tác và làm việc mà còn mở ra nhiều cách thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu trong thời đại chuyển đổi số, góp phần đưa văn hóa và con người Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Công nghệ cho phép lưu giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dưới dạng kỹ thuật số, giúp bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau, nhờ đó di sản không bị mai một, thất truyền. Công nghệ cũng giúp cho các nền tảng học trực tuyến về kiến thức văn hóa và kỹ năng sống hiệu quả, linh hoạt, sinh động và có tính lan tỏa. Nhờ công nghệ, mỗi cá nhân được thỏa sức sáng tạo, chia sẻ và phát triển tài năng. Công nghệ thúc đẩy việc tiếp nhận thông tin, các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…, tạo cơ hội học tập bình đẳng.

Rõ ràng, ứng dụng công nghệ trong phát huy giá trị văn hóa và con người không chỉ giúp bảo tồn truyền thống mà còn tạo đà phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Việc kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa và sức mạnh công nghệ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một xã hội hiện đại, bền vững và giàu bản sắc.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa

Tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa là chiến lược quan trọng để nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy phát triển toàn diện và tạo dựng mối quan hệ hòa bình, thân thiện giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Văn hóa không chỉ là yếu tố kết nối các dân tộc, mà còn là cầu nối vững chắc trong ngoại giao và phát triển bền vững. Việt Nam cần tích cực tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời học hỏi giá trị tinh hoa của các nền văn hóa khác.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá các sản phẩm văn hóa của Việt Nam như âm nhạc, điện ảnh, văn học, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và các giá trị truyền thống của dân tộc ra thế giới, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, sử dụng các phương tiện truyền thông quốc tế để giới thiệu rộng rãi về văn hóa Việt Nam. Sử dụng các hình thức ngoại giao văn hóa, như các hoạt động quảng bá văn hóa thông qua các tổ chức văn hóa, sự kiện quốc tế, các phim tài liệu, hay các chương trình truyền hình để giới thiệu về con người, đất nước và các giá trị văn hóa Việt Nam. Việc hợp tác với các quốc gia, tổ chức phi chính phủ trong bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa kết hợp với du lịch bền vững là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ môi trường.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa không chỉ giúp Việt Nam tăng cường vị thế quốc tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện. Khi gắn kết giá trị văn hóa với hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội từ nhiều nền văn hóa đa dạng để phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của mình.

3. Kết luận

Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là nền tảng vững chắc để gia tăng nguồn lực và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa, phát triển con người và ứng dụng công nghệ sẽ giúp Việt Nam tạo ra sự bứt phá, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Bên cạnh những nguồn lực truyền thống như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học và công nghệ, không gian..., nguồn lực để phát triển đất nước còn được tiếp cận ở góc độ mới là các giá trị văn hóa, truyền thống, sức mạnh tinh thần, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình phát triển của dân tộc, các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, cơ hội phát triển, thông tin, dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số... Vị trí, vai trò của từng nguồn lực cụ thể đối với quá trình phát triển phụ thuộc vào bối cảnh, trình độ, mô hình phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, yếu tố quyết định chính là các giá trị văn hóa và xây dựng, phát huy nguồn lực con người Việt Nam, đòi hỏi nhận thức đúng đắn, rõ ràng hơn, từ đó có những chính sách, giải pháp tích cực, thiết thực, hiệu quả nhằm đổi mới và tăng cường công tác xây dựng, phát huy nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

_________________

Ngày nhận bài: 18-3-2025; Ngày bình duyệt: 2-7-2025; Ngày duyệt đăng: 20-7-2025.

Email tác giả: tuyet1904vhpt@gmail.com

(1), (2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34, 115-116, 47, 143.