Truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(LLCT) - Trong bối cảnh không gian mạng với nhiều thách thức và cơ hội đan xen, việc bảo vệ Tổ quốc trên môi trường số đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó lực lượng thanh niên - những người trẻ trí tuệ, năng động nhưng dễ bị tác động - giữ vai trò then chốt. Truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
ThS VŨ VIỆT CHINH
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

1. Mở đầu
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” là một nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện toàn diện và đồng bộ, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc(1). Trước những thách thức trên không gian mạng hiện nay, truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội được xem là một trong những giải pháp giúp xây dựng môi trường internet lành mạnh, chia sẻ thông tin tích cực trên không gian mạng, phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực hiện “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh thực hiện truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên. Thanh niên là đối tượng dễ tiếp cận công nghệ, mạng xã hội, nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo bởi thông tin sai lệch, tiêu cực. Vì vậy, việc trang bị cho thanh niên có nhận thức đúng đắn, kỹ năng giao tiếp và xử lý thông tin trên mạng xã hội không chỉ là yêu cầu của giáo dục hiện đại mà còn là nền tảng để xây dựng một thế hệ trí thức trẻ, tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng cống hiến, góp phần xây dựng đất nước trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.
2. Nội dung
2.1. Khái quát về truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội là một bộ phận của văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng. Theo các góc độ nghiên cứu khác nhau, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội là tổng hợp thái độ, hành vi người dùng thông qua sự tương tác lẫn nhau trên một không gian ảo(2), là mối quan hệ ứng xử giữa người với người trên nền tảng internet với nhiều mục đích khác nhau, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian(3).
Truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên là quá trình trao đổi và chia sẻ thông tin có kế hoạch của chủ thể đến thanh niên nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen và trách nhiệm ứng xử trên mạng xã hội theo khuôn mẫu nhất định, góp phần tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Trong đó, các hình thức tổ chức truyền thông giáo dục được xác định gồm: “Tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến phản hồi, phản biện của các chuyên gia về hoạt động giáo dục; tập huấn về biên tập nội dung tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ phụ trách trang thông tin điện tử; in ấn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu để thông tin về các nội dung giáo dục phù hợp; phối hợp các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình để xây dựng các chuyên mục, chuyên đề truyền thông; xây dựng chuyên mục trên trạng thông tin điện tử để cập nhật các nội dung, tin, bài tuyên truyền và tiếp nhận các ý kiến của người dân, dư luận xã hội; lồng ghép nội dung truyền thông vào chương trình giảng dạy, các buổi sinh hoạt trong nhà trường và trong hoạt động cộng đồng ở địa phương; Phối hợp các đoàn thể, tổ chức xã hội để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn để huy động tinh thần tham gia giám sát, phản biện của toàn xã hội về các vấn đề giáo dục”(4).
Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” đã xác định các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học gồm: “chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học… Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử”(5). Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 5-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chương trình Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030” đã xác định các nội dung “tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng gồm:
a) Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến không gian mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng, về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
b) Tăng cường tuyên truyền, giúp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị.
c) Tuyên truyền về những chủ trương, cuộc vận động, các giải pháp, các mô hình nhằm định hướng, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
d) Thường xuyên cung cấp những vấn đề mới, những nội dung có tính dự báo về vận động và phát triển của internet, mạng xã hội, nhất là những trào lưu mới, phương thức mới trên không gian mạng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng…”(6).
Như vậy, truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên được hiểu là: Truyền thông giáo dục các kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay; truyền thông giáo dục về kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội; truyền thông giáo dục về ngôn ngữ ứng xử trên mạng xã hội; truyền thông giáo dục về ý thức, trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
2.2. Thực trạng truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Trong quá trình tác giả nghiên cứu đã thực hiện khảo sát nội dung về văn hóa ứng xử trên 04 trang báo điện tử: Tuổi trẻ, Thanh niên, Sinh viên Việt Nam, VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là những đơn vị báo chí uy tín, hướng tới đối tượng độc giả chính là những người trẻ. Khi thực hiện tìm kiếm trên thanh công cụ với cụm từ “văn hóa ứng xử”, kết quả thu được như sau: Báo điện tử Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn) có 10 kết quả phù hợp; Báo điện tử Thanh niên (https://thanhnien.vn) có 83 kết quả phù hợp; Báo điện tử Sinh viên Việt Nam (https://svvn.tienphong.vn) có 3.781 kết quả phù hợp; Đài Truyền hình Việt Nam (https://vtv.vn/) có 10 kết quả phù hợp. Trong số những kết quả phù hợp, số lượng bài viết mang tính truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên không nhiều.
Trên báo điện tử Thanh niên, qua khảo sát cho thấy, có tới 78/83 bài viết được tìm thấy có nhắc tới các chủ đề mang tính giáo dục văn hóa ứng xử nói chung, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên hoặc giới trẻ nói riêng. Có thể kể tới một số bài viết nổi bật như: Cẩn trọng trước những phát ngôn của chính mình, ngày 12-08-2023; Văn hóa, dân chủ học đường bị đe dọa vì những “ông quan”?, ngày16-10-2023; “Vạ miệng” trên mạng xã hội: Ứng xử văn minh trong học đường: Điều đầu tiên là tôn trọng lẫn nhau, ngày 09-12-2023; Những “chất liệu” nào tạo nên ứng xử văn minh trong học đường? ngày 14-12-2023; Nâng cao nhận thức về ứng xử trên không gian mạng cho thanh niên, ngày 15- 06 -2024.

Trên báo điện tử Sinh viên Việt Nam, qua khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 10/3.781 bài viết được tìm thấy có nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử. Số lượng bài còn lại chủ yếu là về các vấn đề văn hóa nói chung như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, các chương trình giải trí, các tấm gương người trẻ tiêu biểu, các chính sách của Nhà nước về văn hóa.
Trên trang điện tử VTV Online, qua khảo sát cho thấy cả 10 kết quả tìm kiếm được đều là những nội dung về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ. Có thể ví dụ: Câu chuyện thiên nga - Bàn về văn hóa ứng xử trong xã hội (2018); Cần thiết có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để bảo vệ người dùng (2018); Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội (2019); Trách nhiệm với pháp luật và ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội (2023)…
Thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”, qua khảo sát một số trường đại học như: Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Vinh, Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các phương thức truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên, sinh viên như sau:
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là đơn vị có phong trào đoàn, hội mạnh và đồng bộ nhất với trung bình từ 15 - 20 phong trào mỗi năm như: Chương trình Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2024; Talk show Safe for you - Nâng tầm kỹ năng chuyển đổi số an toàn cho sinh viên!; Chương trình Chuyến tàu khởi nghiệp - Startup train… Hay như trường Đại học Vinh với Talkshow Tôi của tương lai… Song song với truyền thông trên các kênh trực tuyến như website, email, facebook, zalo, Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh còn truyền thông qua các ấn phẩm truyền thông như: Tạp chí nội bộ Chúng ta của Tập đoàn FPT nói chung, của Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Các ấn phẩm này được phát hành định kỳ 1 - 2 tháng/số với các nội dung sinh động, hấp dẫn.
Ngoại trừ Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, do nguồn lực có giới hạn, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Đại học Vinh chưa thực sự đầu tư mạnh cho kênh truyền hình. Thay vào đó, các trường đều có kênh mạng xã hội với nhiều lượt đăng ký, tương tác lớn.
Qua kết quả khảo sát sơ bộ trên, truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên là việc cấp thiết cần thực hiện. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà còn cần có sự tham gia của nhà trường, gia đình, cơ quan báo chí và truyền thông, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, công tác truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa bảo đảm về tiến độ của một số hoạt động mang tính chất tham mưu cho các cấp lãnh đạo; chưa bảo đảm được tiến độ cho việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông; cơ sở hạ tầng và nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành vẫn còn chưa sát sao, quyết liệt; các kênh truyền thông chưa thực sự đa dạng và đồng đều về nội dung, cách thức thể hiện; các hoạt động, chương trình, sự kiện mang tính chất truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội chưa thực sự ấn tượng và tạo được sức hút với các thanh niên.
2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Một là, định hướng sử dụng internet và văn hóa ứng xử mạng
Định hướng sử dụng mạng internet gồm những hành vi như: xây dựng tư duy độc lập, củng cố nhận thức về hành vi có trách nhiệm, bồi đắp những giá trị cốt lõi để tạo dựng nền tảng giúp thanh niên hành xử đúng đắn trên mạng. Việc khuyến khích thanh niên sáng tạo những nội dung tích cực cũng là một phương pháp để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Trên thực tế, việc thanh niên trở thành những nhà sáng tạo nội dung tích cực trên nền tảng số vẫn chưa được truyền thông mạnh mẽ. Đây là một giải pháp mang tính chủ động, cực kỳ hiệu quả trong việc định hướng sử dụng internet một cách có trách nhiệm và văn minh. Hiện nay, các chương trình giáo dục văn hóa mạng thường tập trung vào giảng dạy thanh niên cách hành xử đúng dưới dạng thụ động. Tuy nhiên, khi được khuyến khích sáng tạo nội dung tích cực, thanh niên sẽ không còn là người tiêu thụ nội dung mà trở thành người kiến tạo thông điệp. Thanh niên sẽ tư duy học cách đặt câu hỏi về nội dung của mình có thể mang lại như “Thông điệp của tôi mang lại gì cho người tiếp nhận?” từ đó hình thành tư duy trách nhiệm với cộng đồng. Khi tham gia các hành động sáng tạo nội dung như truyền cảm hứng, tử tế, ý nghĩa, thanh niên sẽ dần tìm kiếm những điều tốt đẹp, hạn chế tiêu thụ các nội dung độc hại, hình thành các góc nhìn nhân văn trong việc sử dụng mạng xã hội. Tự rèn luyện khả năng lựa chọn nội dung có giá trị để lan toả, tự làm chủ cách sử dụng internet của chính mình. Chính những nội dung do chính thanh niên tạo ra sẽ dễ được đồng cảm và lan tỏa, truyền cảm hứng cho bạn bè cùng lớp, cùng khoa, cùng trường,... tạo nên một văn hóa mạng tích cực mang tính cộng đồng. Đa phần khi tạo nội dung để đăng tải, thanh niên sẽ tìm hiểu, xác minh nguồn tin, phát triển kỹ năng tư duy phân biệt đúng sai, phải biết lựa chọn cách diễn đạt, kể chuyện sao cho hiệu quả, điều này sẽ rèn luyện kỹ năng truyền thông, hiểu cách xử lý bình luận và phản ứng của người xem để luyện sự điềm tĩnh, văn minh trong tương tác số. Không gian mạng không còn là nơi để giải toả lúc mệt mỏi mà thanh niên sẽ nhìn nhận internet là công cụ để thể hiện bản thân, lan tỏa giá trị cá nhân và truyền tải những thông điệp tích cực.
Hai là, phát huy vai trò của báo chí
Trước khi truyền thông về giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, báo chí phải tiên phong về sự chuẩn mực trong văn hóa ứng xử. Để các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn tin chính thống, đáng tin cậy thì cơ quan báo chí phải là nơi đi đầu sản xuất những bản tin chính xác, đạt chuẩn. Vì vậy, các nhà báo cần phải kiểm chứng thông tin một cách công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình, phân tích với công chúng xem nếu thông tin sai lệch được đưa ra thì sự thiếu chính xác dựa trên căn cứ nào.
Cách sáng tạo nội dung của các cơ quan báo chí truyền thông cũng rất quan trọng. Với thời đại công nghệ phát triển, để đưa thông tin đến các đối tượng một cách nhanh chóng, các cơ quan báo chí nên sử dụng đa nền tảng và có nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội như: Facebook, Threads, Tiktok,.... Báo chí cũng có thể sử dụng đa công cụ như livestream, chia sẻ hình ảnh lên story, sử dụng những hashtag để phân loại nội dung và chủ đề, tính năng khảo sát và bình chọn cho một ý kiến cần thảo luận. Ngoài ra, có thể sử dụng nhiều định dạng nội dung như: video, bài viết chuyên sâu, infographic,... để truyền đạt thông tin một cách sống động, thu hút được người đọc. Cơ quan báo chí nên sử dụng nhiều định dạng video hơn bởi theo thống kê của hãng sản xuất video Colormatics, video là định dạng được yêu thích nhất trên mạng xã hội hơn 48% so với các định dạng khác. Do lượng thông tin tiếp cận quá lớn nên khả năng chú ý của con người khi va chạm với thông tin ngày càng giảm. Báo chí nên truyền thông nhấn mạnh về sự chủ động gạn lọc những thông tin của công chúng và chính người dùng để họ có thể cảnh giác với các thông tin sai lệch. Nếu một bài báo mang đến những thông tin vừa chuẩn xác, hấp dẫn sẽ tăng sự tương tác và thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, thanh niên và công chúng.
Báo chí cần liên tục lên án, phê phán những hiện tượng lệch chuẩn khi tham gia mạng xã hội, phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu độc, phê phán việc sử dụng đa công cụ để công kích, bôi nhọ, xúc phạm người khác. Có thể đăng tải các bài viết, bình luận và phân tích những hiện tượng như tin giả, bôi nhọ và hành vi không đúng mực trên mạng xã hội. Cần cung cấp những thông tin về chi tiết các vụ việc, nêu rõ hậu quả, tác động tiêu cực của chúng. Khi phân tích sâu vào các trường hợp, người đọc sẽ có góc nhìn đa dạng và suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp người đọc có nhận thức rõ hơn về các mối nguy hiểm tiềm ẩn mà còn thúc đẩy họ suy nghĩ một cách nghiêm túc về hành vi của mình trên các nền tảng trực tuyến.
Báo chí phải xóa bỏ triệt để tình trạng đăng bài có tiêu đề giật tít nhưng nội dung lại sai sự thật để thu hút người đọc. Người đọc rất dễ bị thu hút bởi những tiêu đề gây sốc, giật gân, bất ngờ, vậy nên để tăng lượt truy cập, nhiều nhà báo không màng đến đạo đức làm nghề đã chọn cách viết nhan đề mang tính phóng đại hơn là quan tâm đến độ chính xác trong thông tin. Một số cơ quan báo chí tập trung khai thác thông tin đăng tải một cách thái quá, chưa tỏ ra thái độ quyết liệt đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, có biểu hiện dễ bị dẫn dắt bởi sự tiêu cực và nhiễu loạn thông tin trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Biên tập cùng các Chi hội nhà báo nên hợp tác, tăng cường kiểm tra chặt chẽ, giáo dục tư tưởng và đạo đức làm nghề, nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí nói chung và cá nhân trong nghề báo nói riêng về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Thực hiện các đánh giá định kỳ trong quy trình và chính sách để bảo đảm tính hiệu quả và cập nhật các biện pháp mới nhằm đối phó với thách thức từ tin giả và thông tin sai lệch. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Hội Nhà báo nên áp dụng biện pháp kỷ luật đối với cơ quan báo chí và cá nhân có liên quan, ví dụ như đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí, rút thẻ hội viên của nhà báo hoặc các hình thức kỷ luật khác theo quy định.
Ba là, nâng cao chất lượng thông tin, tính thời sự và hấp dẫn của thông tin
Tăng cường xây dựng các nội dung với thông tin lành mạnh và đúng đắn. Trước khi thực hiện đăng tải, thông tin cần được kiểm chứng từ nhiều nguồn độc lập và có uy tín. Nên kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành để bảo đảm nội dung được cung cấp có tính chính xác và có căn cứ, cơ sở khoa học. Xây dựng nội dung dựa trên giá trị cốt lõi như sự thật, tính công bằng và minh bạch, không nên sử dụng những thông tin có yếu tố giật tít, phóng đại. Thông tin phải có giá trị thực tiễn cho người đọc và người xem, hạn chế cung cấp những thông tin không có tính xây dựng. Khi xây dựng nội dung cần phải dựa trên các nguyên tắc đạo đức cao, chẳng hạn như: sự công bằng, sự tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư, không bóp méo thông tin và lợi dụng chúng để gây hại, tin đồn thất thiệt đến nhiều người.
Các đơn vị, các cá nhân làm truyền thông và báo chí dù phải nhanh chóng xử lý thông tin để đáp ứng nhu cầu của người đọc nhưng vẫn cần chọn lọc kỹ thông tin. Ưu tiên những sự kiện mới đang diễn ra hoặc vừa xảy ra, điều này thu hút được sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, việc kiểm chứng về độ tin cậy vẫn phải đóng vai trò quan trọng hàng đầu và nên dựa vào nhiều nguồn thông tin như báo chí, các trang của Chính phủ,... Nếu có thể tăng tính độc quyền, nên cung cấp những thông tin mà người khác chưa có hoặc có góc nhìn và suy nghĩ khác biệt về vấn đề đang diễn ra. Cách để thu thập thông tin chính xác nhưng nhanh chóng đó là phỏng vấn xin ý kiến từ những người trực tiếp liên quan tới sự việc, nên xem xét từ nhiều chiều, nhiều đối tượng. Quan sát và tìm hiểu cũng như so sánh thông tin từ nhiều nguồn chính thức sẽ bảo đảm được thông tin đã chính xác và được kiểm chứng.
Cách để tăng độ hấp dẫn của thông tin là sử dụng các định dạng khác nhau như: video, hình ảnh, gif, meme,... Đặc biệt là sử dụng video ngắn bởi các nền tảng mạng xã hội hiện nay đang sử dụng phổ biến định dạng video ngắn như: Tiktok, Instagram Reels, Facebook Reels,... Hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng bởi họ là cầu nối quan trọng giữa thông điệp và đối tượng mục tiêu. Họ đã có một cộng đồng người hâm mộ và có khả năng tác động đến tư duy và suy nghĩ đối với công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể lựa chọn những người có khả năng lan tỏa, chuyên làm nội dung về mảng giáo dục và tiếp cận gần với thanh niên.
3. Kết luận
Trong bối cảnh hiện nay, để công tác truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên thực sự có chiều sâu và có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành vi của thanh niên thì cần có cả một quá trình đổi mới về nội dung, hình thức và cách tiếp cận. Không còn đơn thuần là những giải pháp mang tính lý thuyết, mà phải tạo được độ tương tác, hấp dẫn, kích thích thanh niên tham gia một cách chủ động, đóng góp sự sáng tạo và tư duy của bản thân. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò là trường học XHCN của thanh niên Việt Nam, phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam trong các trường đại học, phát huy tinh thần xung kích, tích cực, sáng tạo trong giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh niên. Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của lực lượng thanh niên trong công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng và Nhà nước trong mọi giai đoạn phát triển.
_________________
Ngày nhận: 18-7-2025; Ngày duyệt 20-7-2025; Ngày đăng: 26-7-2025
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
(2) Xem: Hoàng Thị Kim Liên, Lê Thái Trường Thi: Biện pháp quản lý văn hóa ứng xử của sinh viên trước tác động của mạng xã hội (nghiên cứu trường hợp trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, t.20, số 10-1/2022, tr.14 -19.
(3) Xem: Lê Thanh Hòa: Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của sinh viên các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ lần thứ 4, Nxb Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, 2022, tr.81-88.
(4) Trần Hằng Ly, Nguyễn Thị Phương Nhung: Công tác truyền thông trong giáo dục ở các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Tạp chí Khoa học và Công nghệ giáo dục, trường Đại học Vinh, tập 53, số 1/2024.
(5) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1299/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”, ngày 03-10-2018.
(6) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 311/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Chương trình Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, ngày 05-3-2022.