Quan điểm triết học lịch sử của A.Toynbee về tương tác giữa các nền văn minh khu vực

05/09/2023 10:48

ThS. NCS BÙI XUÂN HÓA
Học viện Tài chính

(LLCT) - Nghiên cứu xu hướng vận động và tương tác giữa các nền văn minh khu vực theo dòng chảy của lịch sử, A. Toynbee đã có đóng góp quan trọng cho triết học lịch sử hiện đại, cụ thể là ông xác định mục đích của loài người là thống nhất dựa trên một nền tảng nhân văn - những giá trị tinh thần chung nhân loại. Bài viết tập trung làm rõ những đóng góp và hạn chế nhất định của A. Toynbee về tương tác giữa các nền văn minh khu vực và giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay.

Quan điểm triết học lịch sử của A.Toynbee về tương tác giữa các nền văn minh khu vực

A. Toynbee đã có đóng góp quan trọng cho triết học lịch sử hiện đại - Ảnh: IT

1. Điều kiện cho sự hình thành và phát triển triết học lịch sử của A. Toynbee
Arnold Jesep Toynbee sinh ngày 14-4-1889 tại Luân Đôn, xuất thân từ một gia đình trí thức theo chủ nghĩa tự do. Các truyền thống tôn giáo và nhân văn tự do ảnh hưởng đến quá trình hình thành của tư tưởng A. Toynbee. Người chú của A. Toynbee cũng có tên là Arnold Toynbee là một nhà kinh tế học và một nhà cải cách xã hội nổi tiếng theo chủ nghĩa cấp tiến tư sản, được tôn vinh rộng rãi nhờ thái độ trung thành với hoạt động từ thiện và khai sáng được ông triển khai cho người lao động tại các thành phố công nghiệp ở Anh. Ông có tác phẩm “Cách mạng công nghiệp ở Anh thế kỷ XVIII”. Người con trai của A. Toynbee là Philippe Toynbee (sinh năm 1916) rất nổi tiếng trong lĩnh vực nhân văn, một nhà văn và chủ bút, tác giả của hàng loạt tác phẩm thí nghiệm chủ quan.
A. Toynbee là sinh viên Cao đẳng Balliol ở Oxford, nghiên cứu lịch sử cổ đại, tốt nghiệp năm 1911. Sau đó, ông học tập tại Học viện khảo cổ học Bristan ở Athen. Năm 1911-1912, A. Toynbee tham gia các chuyến khảo sát thực địa ở Hy Lạp và các đảo trên biển Egie. Thực tế này giúp ông trực tiếp tiếp cận nghiên cứu các di tích khảo cổ mới được khám phá về nền văn hóa Egie cổ.
Từ năm 1912, A. Toynbee trở thành giảng viên lịch sử cổ đại và ngôn ngữ học tại Cao đẳng Balliol. Việc nghiên cứu lịch sử cổ đại đã có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm triết học lịch sử đang hình thành ở A. Toynbee. Chính văn minh Hy Lạp trở thành mô hình xuất phát để ông xây dựng quan điểm triết học lịch sử của mình.
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cắt đứt quá trình A. Toynbee nghiên cứu lịch sử cổ đại. Ông không ra mặt trận vì lý do sức khỏe, từ năm 1915, ông làm việc tại Cục Thông tin, Bộ Ngoại giao Anh với tư cách cố vấn khoa học về những vấn đề lịch sử, chính trị và dân số của Cận Đông. Năm 1919, A. Toynbee tham gia quá trình Hội nghị hòa bình ở Paris.
A. Toynbee đặc biệt nhấn mạnh tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất như lý do thực tiễn khiến ông phải nghiên cứu lịch sử thế giới. Ông viết: “Chính sự bùng nổ của cuộc Đại chiến lần thứ nhất đã thức tỉnh tôi… và đã giúp tôi phát hiện là có một phương pháp để xử lý những khối lượng thông tin lịch sử khổng lồ, điều rất cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử thế giới”(1).
Theo A. Toynbee, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã chấm dứt các ảo tưởng của thuyết tiến bộ tư sản và đã kích thích mạnh mẽ ông quan tâm đến lịch sử của toàn thể loài người. Nhân tố có tác động quan trọng đến bước ngoặt trong thế giới quan của ông là vô số dữ liệu ông có được khi làm công vụ, chúng cho thấy những đau khổ vô cùng to lớn và những mất mát vô kể mà cuộc chiến tranh vô nghĩa này gây ra đối với các dân tộc. Chính việc xem xét các hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đưa A. Toynbee đến với những kết luận bi quan đối với tương lai của nền văn minh phương Tây và lịch sử loài người nói chung. Quan điểm này được phản ánh sâu sắc trong lý thuyết chu kỳ về lịch sử của A. Toynbee.
Sau chiến tranh, A. Toynbee quay trở lại với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông làm phóng viên của tờ báo Machester Gardian, kết quả là cuốn sách Vấn đề của phương Tây ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (1923). Từ năm 1924 đến năm 1956, ông đóng vai trò là tác giả chính của “Toàn cảnh quan hệ quốc tế” do Học viện hoàng gia về những vấn đề quốc tế công bố. A. Toynbee đánh giá cao ý nghĩa của tác phẩm này đối với sự nghiệp khoa học của ông như sự kết hợp hoàn hảo giữa nghiên cứu quá khứ và hiện tại. Theo ông, “tri thức nằm ngoài sử liệu học” được lĩnh hội thông qua kinh nghiệm sống, có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông. Nó cho phép ông giải thích thỏa đáng các dữ liệu lịch sử(2), vì bản thân “dữ liệu chính thức không thể là thông tin đối với các nhà sử học”.
Cũng từ năm 1925 đến năm 1956, A. Toynbee là giáo sư - nhà nghiên cứu về lịch sử quốc tế tại Học viện Kinh tế London. Những năm 1939-1943, ông lãnh đạo các nghiên cứu nước ngoài của Học viện hoàng gia về những vấn đề quốc tế. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, A. Toynbee một lần nữa làm việc tại Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Anh.
Năm 1956, A. Toynbee về nghỉ hưu, song ông vẫn tiếp tục tích cực hoạt động khoa học và chính luận cho tới những năm tháng cuối đời. A. Toynbee mất ngày 22-10-1975 tại Yord.
Nhiều học giả nhấn mạnh rằng, trong lý luận về các nền văn minh khu vực, A. Toynbee đã kế tục N.Ya.Danilepsky và O.Spengler. Lý luận của ông được coi là đỉnh cao của các lý luận về “văn minh khu vực”. Công trình “Nghiên cứu về lịch sử” được nhiều nhà khoa học thừa nhận là kiệt tác về khoa học lịch sử và xã hội học vĩ mô. A. Toynbee bắt đầu nghiên cứu của mình từ việc khẳng định rằng, lĩnh vực đích thực của phân tích sử học phải là các xã hội có quảng tính trong không gian và thời gian lớn hơn so với các nhà nước dân tộc. Chúng được gọi là các “nền văn minh khu vực”.
2. Tư tưởng A. Toynbee về tương tác giữa các nền văn minh khu vực
Thứ nhất, một đóng góp rất quan trọng của A. Toynbee là mặc dù sống vào những năm giữa thế kỷ XX, song ông đã phát hiện ra những vấn đề toàn cầu hiện nay đang thật sự cấp bách và quyết định số phận của loài người, tức là ông đã nêu bật được hàng loạt vấn đề nảy sinh trong tiến trình hình thành loài người toàn cầu thống nhất. Điều đó trước hết có liên quan đến mâu thuẫn nội tại của mỗi xã hội và con đường giải quyết nó. A. Toynbee ủng hộ quan điểm “hai bàn tay”, tức là kinh tế tư nhân và can thiệp của nhà nước. Những vấn đề toàn cầu được ông đặt ra và giải quyết theo tinh thần của chủ nghĩa tự do mới dưới cái vỏ tôn giáo. Nghiên cứu quan điểm “tiến bộ lịch sử” này của A. Toynbee cho phép nhận thấy rõ hơn sự xác thực và sâu sắc của quan niệm duy vật về lịch sử.
Thứ hai, trong triết học lịch sử của mình, A. Toynbee đã khẳng định lịch sử loài người hình thành trên thực tế xã hội công nghiệp cùng với những hậu quả tích cực và tiêu cực của nó lần đầu tiên xuất hiện ở các quốc gia phương Tây. Do vậy, một điều hiển nhiên là khi đi theo con đường chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp truyền thống lên xã hội công nghiệp hiện đại, các quốc gia khác tất yếu sẽ chịu ảnh hưởng của tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các tư tưởng dân chủ, tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra đời ở phương Tây. Song, một điều khác cũng hiển nhiên là các dân tộc không phải phương Tây “lĩnh hội” ảnh hưởng của phương Tây vì ảnh hưởng ấy phù hợp với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội nội sinh của các dân tộc này và có thể thúc đẩy phát triển.
Hơn nữa, ảnh hưởng kinh tế - kỹ thuật của phương Tây ẩn chứa trong mình nguy cơ về lệ thuộc kinh tế và chính trị, còn văn hóa phương Tây có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa truyền thống của các dân tộc phương Đông. Điều này thể hiện rất rõ qua tác động của toàn cầu hóa theo tinh thần của chủ nghĩa tự do mới mà có thể gọi là “chủ nghĩa đế quốc về văn hóa”.
Song, điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng, văn hóa phương Tây tiến bộ, nhân văn không tồn tại. Phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đang tiến hành hiện đại hóa, ngoài các nguồn lực nội sinh, tất yếu và cần phải học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phương Tây phát triển hơn về hàng loạt lĩnh vực, như kinh tế, khoa học - kỹ thuật, quản trị sản xuất,...
Mặc dù vậy, thực tế đó không phải là căn cứ để khẳng định tính độc đáo duy nhất của văn minh phương Tây và phủ định tính độc đáo của các nền văn minh khác.
Thứ ba, quan niệm của A. Toynbee về tiến bộ lịch sử của loài người động chạm tới những “vấn đề thế tục” hiện thực. Lược đồ của A. Toynbee về tiến bộ lịch sử của loài người xem xét “tiến bộ thế tục”, tức là tiến bộ hiện thực trong các lĩnh vực vật chất, kinh tế - xã hội và chính trị của lịch sử, là sản phẩm không cao cả, thứ sinh và thứ yếu của tiến bộ tinh thần - tôn giáo. Tất nhiên là không nên quy giản tiến bộ của loài người về tiến bộ kỹ thuật, kinh tế - xã hội và chính trị. Hơn nữa, xét đến cùng, mục đích của mọi tiến bộ hiện thực trong xã hội chỉ có thể là con người, là phát triển toàn diện của nó và cải thiện các điều kiện sinh hoạt của nó.
Kinh nghiệm của lịch sử toàn cầu chứng tỏ các tiền đề đầu tiên và mang tính quyết định để đạt tới mục đích đó của tiến bộ lịch sử là giải phóng con người khỏi sự thống trị của các lực lượng tự phát trong tự nhiên và xã hội, cũng như khỏi tất cả các hình thức áp bức xã hội và chính trị, bất công xã hội. Đây chính là “tiến bộ thế tục” được A. Toynbee nói tới(3).
Quan niệm nêu trên của A. Toynbee đang được xác thực trong thực tiễn xã hội phương Tây hiện đại. Bất chấp những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ,... (“tiến bộ thế tục”), bất chấp việc con người trở thành “chủ nhân” của thế giới, người ta vẫn chứng kiến sự “phục hưng tôn giáo”. Số lượng tín đồ gia tăng, vô số tôn giáo mới ra đời. A. Toynbee nói tới giai đoạn tột cùng của lịch sử, gọi là “tôn giáo cấp cao thứ sinh” và nó cần phải biểu thị đỉnh cao tiến bộ của loài người về phương diện tôn giáo(4).
Thứ tư, A. Toynbee dựa vào kinh nghiệm phong phú về chiến tranh hiện đại giữa các nền văn minh khu vực đã được tích lũy để xác định các đặc trưng của chúng. Ông đã ghi nhận một thực tế là từ nửa sau thế kỷ XX, cùng với việc bắt đầu hình thành xã hội hậu công nghiệp, chiến tranh giữa các nền văn minh khu vực đã được đặt lên hàng đầu; chúng sẽ chiếm ưu thế ở nửa sau thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI. Đó là xung đột giữa các văn hóa, các tôn giáo, các “tâm tính” khác nhau, mặc dù cũng có thể bỏ qua các nguyên nhân kinh tế ở đây. Việc thủ tiêu sự đối đầu giữa hai siêu cường thế giới từng đứng đầu các liên minh quân sự chống lại nhau (NATO và Hiệp ước Warsava), đã đặt lên hàng đầu những mâu thuẫn và xung đột vũ trang giữa các nền văn minh khu vực.
Ông nhận xét rằng, ngoài lợi ích thuần tuý kinh tế (các cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai) hay tư tưởng hệ (chiến tranh lạnh), động cơ thúc đẩy các quốc gia sử dụng bạo lực vũ trang còn là sự đối kháng văn minh, là cuộc đấu tranh giữa các văn hóa và các tôn giáo khác nhau(5) (S.Huntington đã tiếp nối tư tưởng này của A. Toynbee khi nói đến xung đột giữa các nền văn minh).
Khẩu hiệu tiêu diệt những kẻ vô thần, khẩu hiệu chiến tranh thần thánh, giống như ở thời trung cổ, một lần nữa lại được các thủ lĩnh của chủ nghĩa cực đoan sử dụng, đi theo họ là hàng triệu người. Đó là dích dắc của lịch sử, là sự quay về quá khứ, nhưng ở trên một nhánh mới của vòng xoáy ốc công nghệ, khi mà các nền văn minh đối kháng có vũ khí mới và sử dụng có hiệu quả các công nghệ thông tin hiện đại để khởi xướng và tiến hành xung đột vũ trang. Kẻ khởi xướng xung đột và chiến tranh giữa các nền văn minh khu vực thường là đại diện theo chủ nghĩa cực đoan tiến hành chiến tranh với ý thức rằng, chết trong chiến trận chống lại tà giáo là vinh quang cao nhất đối với người chính giáo.
A. Toynbee cho rằng, nhân tố thúc đẩy chiến tranh giữa các nền văn minh là tính bất ổn định về địa chính trị, là sự thiếu vắng một cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn và điều tiết xung đột giữa các quốc gia, là sự đối đầu giữa các nền văn minh khu vực. Khi đó, nền văn minh phương Tây và khối quân sự của nó (NATO) ủng hộ chủ nghĩa cực đoan nhằm chống lại tiền đồn của nền văn minh Chính thống giáo. Vì vậy, sự đối kháng giữa các nền văn minh ở đây có các hình thức nguy hiểm đối với toàn thể thế giới.
3. Những hạn chế của tư tưởng A. Toynbee về tương tác giữa các nền văn minh khu vực
Do đứng trên lập trường giai cấp tư sản theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa duy tâm chủ quan, A. Toynbee không tránh khỏi những hạn chế trong quan niệm của ông về tương lai của loài người. Đó là:
Thứ nhất, A. Toynbee đã hoàn toàn không có lý khi khẳng định rằng, chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trào lưu địa phương hạn hẹp - dù ở Tây Âu hay ở Nga. Không thể nói rằng, chủ nghĩa cộng sản là “đám mây khí độc chống lại phương Tây”, trong khi hàng triệu người lao động (công nhân, nông dân, các tầng lớp trung lưu đô thị, tầng lớp trí thức) ở các nước thuần túy phương Tây, như Italia, Pháp, đó là chưa nói đến các nước Đông Âu, vẫn tin tưởng và cố gắng tìm mọi cách để thực hiện các lý tưởng nhân văn cao cả (tự do, công bằng, văn hóa) của chủ nghĩa cộng sản được Mác xây dựng và luận chứng.
Thứ hai, những suy luận của A. Toynbee về sự hình thành các quốc gia dân tộc non trẻ nhờ phong trào giải phóng dân tộc là sai lầm. Hoàn toàn không thể coi phong trào này là vay mượn nhân tạo từ phương Tây. Nó là kết quả phát triển hợp quy luật của các lực lượng kháng chiến nội tại các dân tộc này chống lại các thế lực đế quốc và phản động trong nước. Còn đối với những mâu thuẫn giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo, riêng biệt đã xóa bỏ ách thống trị thuộc địa và thành lập nhà nước độc lập của mình, thì không nên coi đó chỉ là đặc thù đối với phương Đông và hơn nữa là không thể giải quyết. Các quốc gia thuộc phong trào giải phóng dân tộc sớm hay muộn sẽ giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn ấy. Thêm vào đó, trở ngại chủ yếu ở đây chính là sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc phương Tây thực hiện chính sách “chia để trị”.
Thứ ba, A. Toynbee rõ ràng đã tuân thủ quan điểm “chủ nghĩa phương Tây trung tâm” khi bàn về vai trò của văn minh phương Tây trong thế giới hiện tại và tương lai. Như đã rõ, trong điều kiện cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại, tiến bộ xã hội thu hút tất cả các quốc gia và các dân tộc. Loài người ngày càng làm chủ thành công hơn các lực lượng tự nhiên và giám sát các quan hệ xã hội. Các lực lượng yêu chuộng hòa bình, các lực lượng đấu tranh bảo vệ Trái Đất, phong trào chống lại chủ nghĩa toàn cầu, giải trừ quân bị... đã và đang góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội của loài người. Khả năng và triển vọng của tiến bộ xã hội do toàn bộ loài người quyết định và cũng thuộc về toàn bộ loài người, chứ không chỉ có nền văn minh phương Tây.
Thứ tư, qua giải pháp dành cho những vấn đề toàn cầu được A. Toynbee đưa ra, chúng ta có thể nhận thấy rõ sự không tưởng và sắc thái tư tưởng hệ trong chương trình của A. Toynbee về con đường thủ tiêu chiến tranh và xác lập nền hòa bình bền vững trên Trái Đất, về cơ cấu chính trị và quản lý trong tác phẩm “Nghiên cứu về lịch sử”(6).
Xóa bỏ chiến tranh ra khỏi nền chính trị thế giới, xác lập hòa bình bền vững giữa các dân tộc, tổ chức chính trị và quản lý xã hội chỉ có thể căn cứ trên nhận thức khoa học về các quy luật khách quan của phát triển xã hội và tự giác sử dụng chúng vì lợi ích phát triển của mỗi dân tộc riêng biệt và của toàn thể loài người. Nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh hạt nhân trong điều kiện hiện đại là nhiệm vụ không những cấp bách, mà còn nằm trong khả năng của loài người. Con đường giải quyết nhiệm vụ này không phải là bắt một số quốc gia phục tùng các quốc gia khác, không phải là từ bỏ chủ quyền dân tộc và thành lập các khối, các siêu khối, mà là sự cùng tồn tại hòa bình của các quốc gia có chủ quyền, bất chấp những khác biệt xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa. Cùng tồn tại hòa bình của các quốc gia có chế độ kinh tế - chính trị khác nhau là tất yếu khách quan trong điều kiện hiện đại.
4. Giá trị tham khảo
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề quan hệ giữa các nền văn minh khu vực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đứng trên lập trường duy vật lịch sử, chúng ta nhận thức rõ rằng, xung đột văn minh mà A. Toynbee và đặc biệt S.Huntington nói tới như xung đột giữa hạt nhân tôn giáo của các nền văn minh khu vực chưa làm sáng tỏ nguồn gốc cơ bản của xung đột đó - nguồn gốc kinh tế. Ông cho rằng động cơ kém mạnh mẽ nhất đối với xung đột giữa các nền văn minh là lợi ích kinh tế, là hố ngăn cách ngày một tăng giữa các nền văn minh giàu và nghèo, hố ngăn cách mà các xu hướng dân số lại góp phần đào sâu thêm.
Lịch sử xã hội loài người chứng kiến sự xuất hiện và tiêu vong của nhiều nền văn minh, khi sự tiến bộ này được thay thế bằng sự tiến bộ khác cao hơn, phù hợp hơn. Xã hội cộng sản chủ nghĩa với tất cả tính ưu việt của nó là khát vọng về một nền văn minh trong tương lai. Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa phản ánh trào lưu tiến bộ của thời đại, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, có những giá trị và đặc trưng khác biệt về chất so với các nền văn minh trong lịch sử.
Ở Việt Nam, xây dựng văn minh tinh thần XHCN lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm chủ đạo. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ Đại hội VII Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(7). Đại hội VII cũng nêu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân tộc(8).
Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu đó là kết quả của quá trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp,... giữ vững độc lập, tự chủ và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong hội nhập quốc tế; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác thông qua phúc lợi xã hội.
Bên cạnh sự phát triển của văn minh vật chất, văn minh tinh thần cũng đạt nhiều thành tựu. Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đặc trưng thời đại và hấp thụ bản sắc tinh hoa của truyền thống Việt Nam. Đó là sự tích lũy hành vi chuẩn mực, thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà trọng tâm là ý chí độc lập, tự do, yêu hòa bình, nỗ lực cần cù lao động sản xuất, có ý chí vươn lên trước mọi khó khăn, nghịch cảnh. Đất nước ta xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì thế, làm cho văn minh tinh thần có tính thời đại và tính nhân văn sâu sắc.
Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa có tính mở và tính khoan dung, mang lại cho dân tộc ta những cơ hội trong tiếp thu và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, tác động đến các quốc gia - dân tộc, đặt các nước, các khu vực trên toàn cầu vào sự phụ thuộc và tùy thuộc lẫn nhau, không một thực thể nào có thể tồn tại biệt lập, càng không thể phát triển trong tính đơn tuyến, trong trạng thái ốc đảo, khép kín. Mở cửa và hội nhập do đó cũng trở thành một sự lựa chọn giải pháp tất yếu, phổ biến đối với tất cả các nước. Đối với nước ta, văn minh là một thành tố trong các đặc trưng hàng đầu của xã hội xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu phát triển của đất nước, phù hợp với giá trị tiến bộ phổ quát mà nhân loại đang hướng tới, giá trị văn minh ngày càng được khẳng định, đề cao và phát triển lên một tầm cao mới.

_________________

Ngày nhận bài: 21-7-2023; Ngày bình duyệt: 25-7-2023; Ngày duyệt đăng: 4-9-2023.

(1), (3), (4), (5), (6) A. Toynbee: Nghiên cứu về lịch sử - một cách thức diễn giải, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.8, 34, 86, 94, 98.

(2) E.B.Rashkovsky: Hệ vấn đề phương Đông học trong quan điểm triết học lịch sử của A. Toynbee, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 2019, tr.72.

(7), (8) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.