Ý chí tự lực, tự cường trong "giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”

21/08/2023 15:52

(LLCT) - Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa XII triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” với 12 tiêu chí giá trị cốt lõi. Đây là mục tiêu để đoàn viên, thanh niên hướng tới xây dựng hệ giá trị cho thanh niên Việt Nam hiện nay. Bài viết nghiên cứu về giá trị ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung ý chí tự lực, tự cường vào hệ giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

Ý chí tự lực, tự cường trong

Thanh niên Việt Nam luôn xung kích đi đầu, năng động, sáng tạo - Ảnh: tuyengiao.vn

1. Một số vấn đề chung về “Giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam”

Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã hình thành hệ giá trị con người, dân tộc Việt Nam tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường. Hệ giá trị đó là bệ đỡ tạo nên sức mạnh quật khởi để dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc. Hệ giá trị đó tiếp tục được phát huy trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước. Trước sự phát triển không ngừng của thực tiễn cuộc sống, thời đại, con người luôn sáng tạo thêm những giá trị mới để phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới. Đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đề xuất về hệ giá trị như: tác giả Trần Văn Giàu đề xuất 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam đó là: Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa(1). Tác giả Phạm Minh Hạc đã nêu giá trị của dân tộc Việt Nam bao gồm 8 nội dung: Lòng yêu nước, thương người; Ý thức cộng đồng; Trọng tình, trọng nghĩa; Coi trọng việc học; Hài hòa trong ứng xử; Giản dị trong lối sống; Cần cù trong lao động; Bổn phận trách nhiệm (với gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước)(2).

Trong lịch sử phát triển, hệ giá trị của mỗi dân tộc được cấu thành từ các giá trị độc lập; dựa trên nguyên tắc vừa kế thừa, gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc; vừa phát huy, bổ sung những giá trị mới, tạo cơ sở cho sự ổn định, phát triển giá trị mới, chuẩn mực mới. Việc xác lập hệ giá trị mới cũng như việc xây dựng các giá trị hình mẫu nói chung, các giá trị hình mẫu cho thanh niên Việt Nam nói riêng có mối liên hệ với nhau, trong đó đều hướng đến mục tiêu tạo nên các giá trị chung cần có ở người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Hình mẫu lý tưởng của thanh niên Việt Nam: “gồm những tiêu chuẩn để thanh niên Việt Nam phấn đấu đạt tới… Hình mẫu lý tưởng của thanh niên là chỉ số cao để thanh niên soi vào đó phấn đấu đạt tới; để các tổ chức, gia đình và nhà trường có các giải pháp hỗ trợ cho thanh niên phấn đấu, để làm thước đo đánh giá sự tiến bộ của thanh niên”(3).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ đã đặt ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với việc giáo dục thanh niên.

Thanh niên là lực lượng xã hội có sự khác biệt về tâm lý, tính cách, tư tưởng, lối sống, nhu cầu, nhận thức,… so với các lực lượng xã hội khác. Họ chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiều yếu tố tác động bên ngoài. Thanh niên năng động, nhiệt huyết, thích tìm tòi khám phá cái mới và dám đối mặt với thách thức để khẳng định mình. Trong đó, tâm lý đặc thù là sự tự ý thức, chính vì tự ý thức mà thanh niên luôn chủ động điều chỉnh sự phát triển của bản thân theo hướng phù hợp với xu thế xã hội.

Việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên hay tạo dựng mẫu hình thanh niên Việt Nam thời kỳ mới để thanh niên hành động, phấn đấu, rèn luyện là việc làm hết sức cần thiết; có ý nghĩa quan trọng nhằm kế thừa, phát huy những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, lan tỏa những giá trị đó ra cộng đồng, góp phần xây đựng đời sống văn hóa mới. Đây là những tiêu chí, những giá trị cốt lõi, mục tiêu để thanh niên hướng tới và nghiêm túc thực hiện.

Trong những năm qua, đoàn viên thanh niên Việt Nam tích cực thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ ba, khóa X về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên”. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X đã ban hành Kết luận số 03- KL/TWĐTN ngày 26-9-2013 về việc Tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” với mục tiêu: Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên với những tiêu chí, giá trị cốt lõi là mục tiêu để đoàn viên, thanh niên hướng đến và làm theo, góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu CNXH, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017- 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn đã ban hành Kế hoạch 131- KH/TWĐTN-BTG ngày 28 - 12 - 2018 về việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” giai đoạn 2018-2020 với 12 tiêu chí để thanh niên hướng tới và hành động theo gồm có: (1) Có lý tưởng cách mạng; (2) Bản lĩnh vững vàng; (3) Giàu lòng yêu nước; (4) Đạo đức trong sáng; (5) Lối sống văn hóa; (6) Tuân thủ pháp luật; (7) Tiên phong hành động; (8) Sáng tạo không ngừng; (9) Học tập liên tục; (10) Có sức khỏe; (11) Kỹ năng phù hợp; (12) Khát vọng vươn lên.

12 tiêu chí này là những giá trị vừa mang tính đại chúng, vừa phù hợp với đa số thanh niên và vừa có tính mục tiêu để thanh niên hướng tới thực hiện. Tiêu chí giá trị hình mẫu thanh niên đặt ra không quá cao đến mức hoàn hảo, lý tưởng nhưng có nội hàm cụ thể, rõ ràng để thanh niên phấn đấu thực hiện liên tục, dài hạn. Trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cần cù, chịu khó, sáng tạo,… nội dung của các tiêu chí, giá trị hình mẫu cần phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Các tiêu chí, giá trị hình mẫu muốn được thực hiện hiệu quả thì cần có cấu trúc logic, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhằm tạo sự lôi cuốn; giúp thanh niên dễ thuộc, có thể suy nghĩ và làm theo mọi lúc, mọi nơi. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, đa số các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã chủ động xây dựng Kế hoạch, Hướng dẫn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh về việc triển khai có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới tại địa phương, đơn vị.

Việc xác định những giá trị, phẩm chất mới, bổ sung vào “Hệ giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới luôn là một việc quan trọng và cần thiết. Vì vậy, bài viết nghiên cứu, bổ sung ý chí tự lực, tự cường vào giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam mới. 

2. Ý chí tự lực, tự cường trong giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam

Đại hội XIII của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(4). Đại hội đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng và phát huy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước. Đây là nội dung được nhắc đến nhiều lần, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong phát huy sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới. Ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành nguồn năng lượng nội sinh, động lực phát triển chính của quốc gia trong thời kỳ mới.

Ý chí tự lực, tự cường được tiếp nối từ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đó là từ khí phách hào hùng của các vị anh hùng dân tộc. Tiếp theo đó là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trong cậy vào lực lượng của bản thân mình”(5). Chân lý đó đã được hiện thực hóa bằng những thắng lợi vẻ vang: chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; bảo vệ biên cương Tổ quốc ở Tây Nam, phía Bắc,… gắn liền với ý chí, lòng quyết tâm của các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Khi đất nước giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường vào công cuộc xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cần phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường trong mọi hoàn cảnh, cùng với toàn dân: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”(6).

Tự lực là tự sức mình, với sức lực của chính bản thân mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Tự cường là tự làm cho mình ngày càng mạnh lên, cố gắng tạo nên sức mạnh của riêng mình. Hay nói gọn lại: ý chí tự lực, tự cường là tự mình lo công việc của mình, tự gây dựng sức mạnh cho mình; không lệ thuộc, phụ thuộc hay ỷ lại trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Ngày 24-7-2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ”(7).

Hiện nay, đa số thanh niên đã có những định hướng giá trị chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức của bản thân; coi trọng, có trách nhiệm và tin tưởng vào gia đình, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; nỗ lực cố gắng học tập, chủ động tích lũy tri thức, kinh nghiệm, hướng tới thành công trong sự nghiệp và sự thành đạt của bản thân trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận thanh niên tỏ ra nghi ngờ hoặc thiếu sự tin tưởng vào chính bản thân, vào gia đình, vào các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, mặt trái của toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và nhất là sự tác động của các thế lực thù địch đến thanh niên đã khiến cho một bộ phận thanh niên có những biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức, lối sống, nhận thức lệch lạc; làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ, phụ thuộc, ỷ lại.

Do vậy, trong thời kỳ mới, xây dựng ý thức tự lực, tự cường là một giá trị trong hệ giá trị chuẩn mực cho thanh niên Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt mang ý nghĩa chiến lược.

Ý chí tự lực, tự cường cần được bổ sung là một giá trị trong hệ giá trị chuẩn mực thanh niên Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ:

Một là, ý chí tự lực, tự cường là động lực hình thành niềm tin, thế giới quan, nhân sinh quan khoa học trong nhân cách thanh niên. Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên thì sự phát triển của thế giới quan là một tiêu chí vô cùng quan trọng. Trong thế giới quan đó có sự hòa nhập của tri thức và niềm tin. Không phải cứ trang bị tri thức cho thanh niên là sẽ hình thành thế giới quan trong họ, mà quá trình hình thành và phát triển thế giới quan khoa học là quá trình chuyển từ tri thức thành niềm tin. Do vậy, niềm tin có vai trò trong định hướng cho mọi hoạt động, giúp cho thanh niên có nghị lực, có sức mạnh vượt qua gian khó để đạt được lý tưởng đã đặt ra. Niềm tin về năng lực của chính mình, dựa vào sức lực của mình để xây dựng tương lai giàu đẹp cho bản thân, gia đình, xã hội. Niềm tin về Đảng, về dân tộc, về đất nước phát triển theo con đường XHCN là hoàn toàn đúng đắn. Ý thức tự lực, tự cường là động lực tạo dựng niềm tin vững chắc về hoài bão xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tạo dựng niềm tin về chính sức lực của bản thân có thể cống hiến, góp sức, phát huy mọi năng lực xây dựng đất nước giàu mạnh.

Hai là, ý chí tự lực, tự cường góp phần quan trọng trong việc tạo “sức đề kháng” trước những tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thanh niên luôn là đối tượng đặc biệt mà các thế lực thù địch “để mắt” tới. Chúng luôn đe dọa, rình rập, tìm mọi cách để lợi dụng lực lượng thanh niên nhằm chống phá, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Chúng thực hiện mọi âm mưu, thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, môi trường,… Chính vì vậy, ý chí tự lực, tự cường giúp thanh niên làm chủ bản thân mình, hình thành niềm tin, năng lực chiến thắng mọi sự chống phá của thế lực thù địch.

Ba là, có ý chí tự lực, tự cường, thanh niên sẽ tự có ý chí học tập, phấn đấu, thẩm thấu tri thức, phát huy tính tích cực chính trị xã hội, tham gia vào các hoạt động tình nguyện, các hoạt động sản xuất, xây dựng và theo đuổi ước mơ vì tương lai của bản thân và tiền đồ đất nước. Khi sức mạnh từ nội sinh mỗi thanh niên, họ tự tin với những điều mình có, tỏa sáng để hội nhập, tiếp nhận những giá trị mới của thế giới về khoa học, công nghệ, văn hóa theo phương châm “hòa nhập không hòa tan”, vững vàng  góp sức mình và tin tưởng vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước, đem hết sức trẻ cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

3. Một số giải pháp xây dựng ý chí tự lực, tự cường trong giá trị  hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới

Một là, định vị vai trò, ý nghĩa của giá trị ý chí tự lực, tự cường trong hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới. Đồng thời, khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa ý chí tự lực, tự cường với các giá trị khác trong hệ giá trị chuẩn mực của thanh niên Việt Nam.

Có thể nói, đây là yêu cầu cấp bách, cần được bổ sung, phát triển trong việc “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới” hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Các cấp bộ Đoàn cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chí, các giá trị chuẩn mực dễ nhớ, dễ hiểu,…; phù hợp với điều kiện, với hoàn cảnh thực tế của từng đối tượng đoàn viên, từng đơn vị, địa phương. Việc xây dựng, sắp xếp các tiêu chí cần chú ý đến một số vấn đề như: sắp xếp thứ tự các tiêu chuẩn, giá trị cần mang tính định hướng, phù hợp với mong đợi của thanh niên và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh của thời đại; các tiêu chí có thể đo lường, lượng hóa, hay có thể đánh giá cụ thể để thanh niên có thể thực hiện, tránh các tiêu chí quá lý tưởng, khó thực hiện;…

Hai là, tiếp tục thực hiện xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới gắn liền với thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 42- CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030” và Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đó là: Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế, xây dựng, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới sống có mục tiêu, lý tưởng; có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; có đạo đức, lối sống văn hóa; có tri thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; có sức khỏe; có tinh thần xung kích, tình nguyện, có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.   

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, giáo dục thanh niên, đặc biệt là giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, giáo dục lối sống văn hóa và giáo dục những giá trị truyền thống của dân tộc. Các hoạt động giáo dục thanh niên cần phải bắt nhịp nhanh hơn để phù hợp với xu thế của thời đại. Thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động của Đoàn. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, tiêu chí đánh giá cho phù hợp với nội dung. Tiếp tục triển khai các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện như các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và 3 chương trình đồng hành cùng thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”… Các cấp bộ Đoàn cần tăng cường tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các bộ ban ngành, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện nhằm tạo điều kiện, nguồn lực, cơ chế để triển khai các hoạt động của đoàn viên, thanh niên.

Bốn là, kết hợp hài hòa môi trường giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội. Đây là những chủ thể xã hội góp phần quan trọng trong việc hình thành các giá trị chuẩn mực của thanh niên Việt Nam. Các chủ thể xã hội này có chức năng, vai trò to lớn trong việc khơi dậy, bồi đắp, phát triển, tiếp biến các giá trị chuẩn mực văn hóa dân tộc, trong đó có ý chí tự lực, tự cường. Mối quan hệ biện chứng giữa các chủ thể giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nhận, hình thành và phát triển các giá trị chuẩn mực của thanh niên.

Năm là, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ Đoàn trong việc triển khai “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” và ý thức tự học tập, tự rèn luyện, tự giác của người thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc xây dựng giá trị của bản thân mỗi thanh niên theo “Giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” nói chung và xây dựng ý chí tự lực, tự cường nói riêng. Để thanh niên Việt Nam có thể nhận thức được tầm quan trọng, thực hiện thành công theo các giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thì còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn - những người trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục bổ sung, cập nhật, hoàn thiện các nội dung, phương thức tổ chức cho cán bộ Đoàn về xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 10-7-2023; Ngày bình duyệt: 16 -7-2023; Ngày duyệt đăng: 19 - 8-2023.

(1) Trần Văn Giàu: Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980.

(2) Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên: Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

(3) Trần Văn Miều: Thuật ngữ công tác Đoàn và phong tròa thanh thiếu nhi, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr. 308.

(4)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 34.

(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, tr. 31.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 310.

(7) Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, kèm theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

ThS TRẦN THỊ THẢO ANH

Học viện Báo chí và Tuyên truyền