Tăng cường hợp tác Việt Nam - Lào về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
(LLCT) - Trong những năm qua, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào có những bước phát triển vững chắc, chất lượng, hiệu quả. Hợp tác của hai bên không ngừng được nâng cao về mọi mặt, trong đó hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là lĩnh vực quan trọng, đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Để thúc đẩy hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp: tăng cường nhận thức; đa dạng hóa đối tượng và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức, cơ chế thực hiện các chương trình hợp tác.
Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng công tác tổ chức và Lớp bồi dưỡng công tác tuyên huấn dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 2022 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: hcma.vn
Hai nước Việt Nam - Lào có quan hệ gần gũi về mặt địa lý, gắn bó về mặt chính trị, tương đồng về mặt văn hóa, lịch sử, điều kiện kinh tế; đã từng đồng cam, cộng khổ trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành lại nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của mỗi nước, có vai trò quan trọng trong cấu trúc quan hệ đối ngoại khu vực. Hợp tác Việt Nam - Lào là một nhu cầu tất yếu, khách quan của cả hai bên, cũng như góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962 đến nay, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực không ngừng nâng cao. Trong đó hợp tác giữa hai nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một biểu hiện đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị, gắn bó lâu đời.
Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, do cùng có chung một kẻ thù xâm lược và đều do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, nhiều cán bộ của Lào đã trưởng thành nhờ sự giúp đỡ, đào tạo của Việt Nam; nhiều cán bộ của Việt Nam đã trưởng thành từ thực tiễn cuộc kháng chiến trên đất nước Lào với sự đùm bọc, che chở của nhân dân các bộ tộc Lào.
Từ năm 1975, sau khi Việt Nam thống nhất, đất nước Lào giành được độc lập, quan hệ hợp tác toàn diện và đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được thúc đẩy. Hợp tác về giáo dục - đào tạo trở thành một trọng tâm của hợp tác và ngày càng được mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa về loại hình. “Về đào tạo của Lào cho Việt Nam, nhiều cán bộ của Việt Nam cần tiếng Lào, hiểu biết về lịch sử, văn hóa của Lào đã được gửi sang các trường của Lào, trở về nước có đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước trên các lĩnh vực liên quan đến tiếng Lào”(1).
Về phía Việt Nam, lĩnh vực đào tạo cho Lào được mở rộng ra nhiều trình độ, từ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học và đào tạo tiếng Việt; các loại hình bồi dưỡng đã phát triển, gồm cả ngắn ngày và dài ngày.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo có uy tín, có lịch sử lâu đời ở Việt Nam đều tham gia đào tạo sinh viên của nước bạn Lào. “Cơ chế hợp tác đào tạo giữa hai bên ngày càng đa dạng, gồm cả đào tạo cấp Trung ương và cấp địa phương, phối hợp giữa các ngành, giữa các cơ sở đào tạo với các địa phương; đào tạo với tài trợ của nước thứ ba; đào tạo chính phủ và đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ…”(2).
Việt Nam luôn dành sự ưu tiên đặc biệt giúp nước bạn Lào trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các bậc học, cán bộ địa phương các tỉnh của Lào có chung biên giới với Việt Nam, cán bộ đang làm việc tại các chương trình, dự án hợp tác giữa hai bên.
Tính từ năm 1958 đến nay, đã có gần 40 nghìn lưu học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam, trong đó có hàng trăm thạc sỹ, tiến sỹ đã tốt nghiệp các ngành, nghề khác nhau. “Giai đoạn 1991 - 1995, Việt Nam đã đào tạo cho Lào 3.642 sinh viên đại học và sau đại học. Giai đoạn 1996 - 2000, Việt Nam đào tạo cho Lào 2.184 sinh viên đại học và sau đại học”(3). Giai đoạn năm 2001-2005, Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng 3.360 cán bộ Lào gồm 2.434 cán bộ theo học hệ dài hạn và 926 cán bộ theo học hệ ngắn hạn. Năm học 2021-2022, dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng vẫn có trên 14 nghìn lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trường cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và Nhà nước Lào hàng nghìn cán bộ, bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị.
“Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ của Lào được đào tạo tại Việt Nam đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Lào. Nhiều đồng chí sau khi học tập, bồi dưỡng tại Việt Nam, trở về nước công tác đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan trọng từ Trung ương đến địa phương”(4). Đội ngũ này chính là nhân tố vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Lào, đồng thời góp phần to lớn vun đắp và thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Về phía Lào, trong giai đoạn 1982-2022, Chính phủ Lào đã hỗ trợ đào tạo 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam, riêng giai đoạn 2011-2019, phía Lào đã tiếp nhận 395 cán bộ, sinh viên Việt Nam sang học tập, trong đó có 44 sinh viên bậc thạc sỹ, 289 sinh viên theo học bậc cử nhân và 62 thực tập sinh tiếng Lào. Kết quả hợp tác này đã góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Năm 2022 là năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta”(5).
Để thúc đẩy hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, Việt Nam luôn coi trọng chất lượng và hiệu quả trong mỗi chương trình hợp tác nói chung và lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Điều này đã được quán triệt và thấm nhuần tới từng đơn vị, từng cơ sở đào tạo của Việt Nam đang làm nhiệm vụ giúp bạn trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đối với khả năng đột phá trong phát triển của mỗi nước thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lại càng trở nên quan trọng, phải được xem là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.
Việc gia tăng về số lượng cán bộ Lào sang đào tạo, bồi dưỡng tại Việt Nam phải gắn với nâng cao chất lượng, qua đó thể hiện rõ nét sự giúp đỡ và hợp tác thực chất, góp phần củng cố quan hệ hai nước ngày càng bền vững. Những cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam trở về xây dựng đất nước Lào sẽ chính là minh chứng cụ thể và sinh động nhất về hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào.
Trước những yêu cầu mới, các bộ, ban, ngành các cấp của hai nước có liên quan cần tăng cường hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác Việt - Lào trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Coi hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhu cầu tất yếu của cả hai nước Việt - Lào trong quá trình phát triển. Khi xây dựng các chương trình hợp tác giữa hai bên cần xác định rõ mục tiêu có ý nghĩa chiến lược và các mục đích thiết thực cho từng giai đoạn.
Mỗi nước cần nhận thức rõ đây là lĩnh vực hợp tác tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để mỗi nước hội nhập với sự phát triển chung của khu vực và quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa.
Thứ hai, đa dạng hóa đối tượng và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Việt Nam - Lào.
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Lào trên tất cả các lĩnh vực: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ quân sự - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… đều rất lớn. Do vậy, cần đa dạng hóa đối tượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu này và phải triển khai ngay từ khâu tạo nguồn, trong đó chú trọng nguồn cán bộ có trình độ tiếng Việt và đủ phẩm chất, năng lực.
Bên cạnh đó, định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai nước Việt Nam - Lào cần“ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, cán bộ quản lý ở các cấp, các bậc học; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, giảng viên trẻ trong các học viện, trường đại học, học viện, cao đẳng(…) đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề theo định hướng về nhu cầu sử dụng”(6).
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đối với cả các bậc học dài hạn, ngắn hạn, cán bộ các cấp của các bộ, ngành, địa phương, cán bộ đang thực hiện các chương trình hợp tác và đào tạo nghề, phục vụ hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Cùng với đa dạng hóa đối tượng, cần đa dạng hóa phương thức đào tạo, bao gồm cả hợp tác chính phủ và phi chính phủ, Trung ương và địa phương, sự tham gia của bên thứ ba. Cần xem xét tăng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Lào ở những lĩnh vực còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với hợp tác cấp địa phương, trên cơ sở nguồn lực được Trung ương đầu tư, các địa phương có biên giới giáp với Lào cần ưu tiên nguồn lực cho bạn, linh hoạt hơn trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ bạn đào tạo trung cấp, nghề, cao đẳng và bồi dưỡng ngắn hạn, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Thứ ba, đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Việt Nam và Lào
Cả Việt Nam và Lào đều tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập, nên hai nước có những điểm tương đồng về bối cảnh lịch sử và nội dung hợp tác. Khi bối cảnh lịch sử thay đổi thì cần thiết phải đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách phù hợp. Phải cập nhật các vấn đề mới, xuất phát từ chính thực tiễn của mỗi nước để lựa chọn nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng một cách hợp lý. Khi đầu tư nguồn lực, cần tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực mà đối tác có nhu cầu, tránh áp đặt hoặc đưa ra danh mục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xa rời với thực tế.
Duy trì việc tham vấn hằng năm ở cả cấp chính phủ, cấp bộ/ngành, cấp địa phương về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của hai bên. Vấn đề nâng cao chất lượng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Lào có vai trò rất quan trọng nên phải bố trí những giảng viên giỏi tham gia giảng dạy, phải đầu tư thỏa đáng cho việc biên soạn giáo trình, tài liệu học tập. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có một số nước muốn gây ảnh hưởng đến Lào thông qua nhiều con đường, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Lào.
Thứ tư, tích cực đổi mới phương thức, cơ chế thực hiện các chương trình hợp tác.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam - Lào trong hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,cả hai nước cần có có những quyết sách mạnh mẽ về đổi mới cơ chế quản lý cũng như những biện pháp đột phá để tăng cường năng lực:
- Cần rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản thỏa thuận, xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế của mỗi nước, vừa bảo đảm thông lệ quốc tế, vừa thể hiện được mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, vừa tạo được sự chuyển biến trong hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Duy trì cơ chế thường xuyên trao đổi, chia sẻthông tin và phản ánh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện những thỏa thuận song phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện những nội dung thỏa thuận hợp tác mà Việt Nam và Lào ký kết, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh.
- Thực hiện hợp tác phát triển nguồn nhân lực thông qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức, đáp ứng tối đa nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cả hai bên. Tiếp tục coi trọng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng giữa các địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu hợp tác và phát triển kinh tế của mỗi nước.
_________________
Ngày nhận bài: 23-9-2022; Ngày bình duyệt: 26-9-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.
(1), (2) Đoàn Minh Huấn: Nâng cao hiệu quả hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Việt Nam và Lào, Hà Nội, 2011, tr.2.(3) Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Chuyên trang Việt - Lào, Cục Thông tin đối ngoại, http://vietlao.vietnam.vn/dau-tu-phat-trien/hop-tac-viet-nam-lao-trong-linh-vuc-giao-duc-dao-tao.
(4) Trần Quang Quý: “Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Lào”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9-2012, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/469-hop-tac-giao-duc-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-viet-nam-lao.html.
(5) Diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, ngày 18-7-2022.
(6) Hiệp định về Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2011.
TS NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh