Hội thảo khoa học cấp Bộ “70 năm tác phẩm Thường thức chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”

05/10/2023 14:35

MỸ DUNG

(LLCT) - Sáng ngày 4-10-2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “70 năm tác phẩm Thường thức chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học cấp Bộ “70 năm tác phẩm Thường thức chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Cùng chủ trì có PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định, Hội thảo khoa học được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm tác phẩm Thường thức chính trị là dịp quan trọng để nhận thức sâu sắc hơn vai trò, tầm vóc, nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là qua tác phẩm Thường thức chính trị.

Nghiên cứu tác phẩm Thường thức chính trị sẽ cung cấp phương thức truyền bá, lan tỏa chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời mang lại những cơ sở lý luận cho việc bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó cũng là việc làm thiết thực để tưởng nhớ, tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đưa công cuộc đổi mới đi đến thành công, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

GS,TS Lê Văn Lợi phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Ra đời cách đây 70 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang bước vào giai đoạn quyết định, để tăng cường sự thống nhất ý chí trong toàn Đảng, toàn dân, trước hết là trong đội ngũ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Đ.X đã viết 50 bài, đăng trong chuyên mục Thường thức chính trị, báo Cứu quốc vào năm 1953. Năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) tập hợp lại và xuất bản thành sách lấy tên là Thường thức chính trị. Với những bài viết nhỏ, có lôgíc chặt chẽ, được diễn đạt theo phong cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, để dễ thực hiện, Thường thức chính trị là cuốn sách giới thiệu những tri thức cơ bản, phổ thông về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, rất phù hợp với tâm lý và trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam khi đó.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ các nội dung:

Một là, Thường thức chính trị - sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó giải thích ngắn gọn, dễ hiểu về vấn đề giai cấp, về chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, tác phẩm Thường thức chính trị đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tác phẩm nêu rõ, cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng nền chính trị và kinh tế dân chủ mới. Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Đó là cách mạng dân chủ mới (tức cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân), cuộc cách mạng khác hẳn về chất với cách mạng dân chủ cũ là cách mạng dân chủ tư sản - cách mạng “không đến nơi”. Đây là quan điểm rất đúng đắn, sáng tạo, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, vừa thuận theo xu thế phát triển của thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Từ tính chất của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân chủ mới, “Thường thức chính trị” xác định: “động lực cách mạng gồm có những giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản” và “trong một thời kỳ và một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng”. Những quan điểm trên không chỉ là sự quán triệt, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên và các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam, mà còn là sự vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, góp phần làm phong phú và sinh động hơn những quy luật chung trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Hai là, Thường thức chính trị - những định hướng đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thường thức chính trị là tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đối với cách mạng Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn cách mạng, Thường thức chính trị nêu rõ tiến lên chủ nghĩa xã hội là điều tất yếu. Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh xác định phải trải qua một thời kỳ quá độ được gọi là chế độ dân chủ mới. Người nêu lên những đặc điểm của chế độ dân chủ mới bao gồm những vấn đề về chính trị, về tư tưởng, về kinh tế. Với thái độ thẳng thắn, xuất phát từ thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước, Hồ Chí Minh xác định đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là quá trình giản đơn và không thể nóng vội, chủ quan. Người chỉ rõ: để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài và gian khổ để đạt mục đích ấy. Đồng thời, trên cơ sở nhận thức rõ tính quy luật của thời đại và cách mạng Việt Nam, với tinh thần lạc quan cách mạng, Người cũng khẳng định: dù khó khăn, gian khổ nhưng chúng ta nhất định đạt được, vì Đảng ta kiên quyết, dân ta hăng hái.

Ba là, Thường thức chính trị - những nguyên lý về vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải có Đảng lãnh đạo mới giành được thắng lợi. Người cũng luận giải: cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp, muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Đồng thời, cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ, trong khi lực lượng kẻ địch rất mạnh; phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, tổ chức rất chặt chẽ, chí khí thật kiên quyết, để đánh đổ kẻ địch, giành lấy chính quyền.
Quán triệt tư tưởng cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định sau khi cách mạng giành được thắng lợi, quần chúng nhân dân vẫn cần có Đảng để bảo vệ chính quyền và xây dựng xã hội mới, đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn, đồng thời chỉ rõ các cách thức, biện pháp để Đảng lãnh đạo cách mạng.

Bốn là, tác phẩm Thường thức chính trị với công cuộc đổi mới hiện nay

Thực tiễn 70 năm đã khẳng định những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị mang giá trị to lớn và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là với công cuộc đổi mới hiện nay. Những quan điểm đúng đắn, sáng tạo trong tác phẩm về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ; về bước đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; về xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về việc chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị để tăng cường quyết tâm và tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân... đã được kiểm nghiệm, minh chứng và khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là bằng thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: hcma.vn

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã làm rõ hơn bối cảnh ra đời và mục đích của tác phẩm; phân tích và làm sâu sắc những nội dung cơ bản của tác phẩm; luận giải những giá trị to lớn của tác phẩm, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Các nhà khoa học khẳng định, với văn phong giản dị, lập luận sắc bén, tác phẩm Thường thức chính trị đã trở thành mẫu mực về sách lý luận chính trị phổ thông. Những vấn đề lý luận trong tác phẩm là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; góp phần làm phong phú lý luận Mác - Lênin trên nhiều khía cạnh về lý luận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; lý luận về Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần hình thành đường lối cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và cho đến nay, tác phẩm Thường thức chính trị vẫn còn nguyên tính thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.