Lý thuyết “Chiều văn hóa” Geert Hofstede và gợi mở cho phát triển văn hóa Việt Nam
TS PHAN THỊ THANH HẢI
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(LLCT) - Văn hóa là di sản mà con người nhận được từ thế hệ trước và là những giá trị do con người sáng tạo ra trong mỗi giai đoạn lịch sử. Văn hóa là yếu tố mà mỗi quốc gia khẳng định sự tồn tại riêng có của mình trong thế giới đa văn hóa. Trong quá trình toàn cầu hóa, khẳng định và thấu hiểu văn hóa sẽ đem lại sự hợp tác, thống nhất và phát triển cho từng dân tộc và cho toàn nhân loại. Bài viết nghiên cứu một trong những lý thuyết văn hóa hiện đại - lý thuyết “Chiều văn hóa” của Geert Hofstede và đề xuất những gợi mở cho phát triển văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển hiện nay.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế - Ảnh: baobacgiang.com.vn
1. Nội dung lý thuyết “Chiều văn hóa” của tác giả Geert Hofstede
Lý thuyết “Chiều văn hóa” được trình bày vào năm 1980 bởi nhà Tâm lý học xã hội người Hà Lan - Geert Hofstede (1928 - 2020). Năm 1965, với sự thành lập trung tâm nghiên cứu nhân sự International Business Machines Europe, Geert Hofstede đã bắt tay nghiên cứu, khảo sát quy mô lớn về sự khác biệt giá trị dân tộc tại các công ty con trên toàn thế giới thuộc tập đoàn đa quốc gia IBM. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thực tế trong quá trình tuyển dụng nhân viên cho IBM, Hofstede đã trình bày lý thuyết văn hóa của mình, giải thích sự khác biệt giữa các nền văn hóa và khái quát sự ảnh hưởng của văn hóa xã hội tới các thành viên xã hội. Lý thuyết Chiều văn hóa của Geert Hofstede đề cập đến những nội dung cơ bản sau:
Một là, văn hóa, theo Geert Hofstede có thể hiểu là tập hợp những đặc trưng về giá trị, tri thức, niềm tin, lối sống của con người trong một xã hội cụ thể và mang tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tâm trí mọi người được lập trình một cách tập thể tức là trong nhóm người này, có sự giống nhau cơ bản về nhận thức, giá trị cơ bản và do đó phân biệt các thành viên của một nhóm hoặc một tập hợp người này với những nhóm hay tập hợp người khác - đó là văn hóa(1).
Nội hàm khái niệm văn hóa - theo Geert Hofstede, bao gồm hệ giá trị mà con người theo đuổi trong một xã hội cụ thể. Hệ giá trị đó được kết hợp của ba yếu tố tri thức - niềm tin - lối sống và thể hiện trên từng mặt, từng yếu tố đó.
Văn hóa dưới góc nhìn của Geert Hofstede - là cái biểu hiện cá biệt ở cá nhân trong tính tổng hòa của xã hội với các quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng của xã hội nơi họ sinh tồn và phát triển. Do đó, văn hóa cần nhìn nhận như một mặt, một lĩnh vực chung của cộng đồng. Văn hóa làm nên sự khác biệt giữa các thành viên của nhóm hay cộng đồng người khác nhau. Văn hóa vốn là yếu tố mang tính phức hợp của nhiều thành tố như: cấu trúc xã hội, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị và thái độ... các yếu tố này đều cần được xem xét khi nhìn nhận về văn hóa. Có thể nói, văn hóa là yếu tố mang tính đa chiều.
Hai là, từ những phân tích trên Hofstede đưa ra lý thuyết các chiều kích (cũng có thể dịch là khía cạnh) của văn hóa dân tộc. Theo đó, văn hóa một quốc gia được đo bởi một bộ 6 chỉ số, mỗi chỉ số có giá trị từ 1 đến 100. Cụ thể:
Thứ nhất, khoảng cách quyền lực (Power Distance Index - PDI) - chiều kích đầu tiên của lý thuyết “Chiều văn hóa” Geert Hofstede trình bày. Chiều văn hóa này liên quan đến mức độ bình đẳng/bất bình đẳng giữa người với người trong một xã hội bất kỳ nào đó. Dựa trên cơ sở thực tế là các cá nhân trong xã hội là không bình đẳng, thái độ của cá nhân và xã hội đối với những bất bình đẳng thể hiện trong thang đo chiều kích này. Khoảng cách quyền lực được định nghĩa là mức độ mà các thành viên kém quyền lực hơn của các thể chế và tổ chức trong một dân tộc chờ đợi và chấp nhận như thế nào về việc quyền lực được phân phối không bình đẳng. Theo đó, chỉ số khoảng cách quyền lực thấp cho thấy mọi người trong tổ chức, cộng đồng đang đặt ra câu hỏi và cố gắng phân phối lại quyền lực trong tổ chức và cộng đồng ấy đồng đều hơn.
Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân - chủ nghĩa tập thể
Chỉ số này thể hiện mức độ phụ thuộc lẫn nhau của cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng xã hội. Trong xã hội, mối quan hệ giữa các thành viên, thái độ và hành vi ứng xử của các thành viên, sự lựa chọn giá trị của các thành viên trong mối quan hệ với các thành viên khác hay với cái chung của tổ chức, cộng đồng là một chiều cạnh văn hóa quan trọng. Suy cho cùng, trong sự lựa chọn giá trị và hành vi xã hội của mỗi con người trong cộng đồng xã hội thể hiện văn hóa chung của quốc gia. Và ngược lại, những giá trị văn hóa chung của cộng đồng thường được biểu hiện cụ thể qua nhận thức, thái độ, hành vi của chủ thể là cá nhân trong xã hội.
Xã hội có tính cá nhân cao thường bộc lộ ở cái tôi nhiều hơn chúng tôi. Ở xã hội nghiêng nhiều sang chủ nghĩa cá nhân, những mục tiêu cá nhân được đặt ở vị trí quan trọng. Nhu cầu cá nhân sẽ được thỏa mãn trước nhu cầu của tập thể. Sự tự lập, tự do cá nhân được đánh giá cao, thành tích cá nhân được ghi nhận nhiều hơn. Chủ nghĩa cá nhân thường được hình thành trong xã hội mà sự gắn kết lỏng lẻo, thiếu kết dính giữa cá nhân thành viên với các thành viên khác của gia đình, nhóm hay tổ chức là những biểu hiện rõ của xã hội đề cao tính cá nhân. Trong xã hội đó, tự do cá nhân được đánh giá cao.
Ngược lại, chủ nghĩa tập thể thể hiện một xã hội với các mối quan hệ hòa nhập chặt chẽ giữa gia đình, xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội. Chủ nghĩa tập thể thể hiện thông qua những giá trị được thừa nhận và cam kết tự nguyện về sự gắn bó, gần gũi và trách nhiệm giữa các thành viên trong một nhóm hay tổ chức. Dấu hiệu trước hết và rõ rệt là mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình, gia đình mở rộng (dòng họ) hay các tổ chức mà cá nhân tham gia.
Về tổ chức và kết cấu, thường chủ nghĩa tập thể được tôn vinh khi mỗi cá nhân được sinh ra trong tập thể (chẳng hạn như gia đình nhiều thế hệ). Trong đó, những thành viên trong nhóm đều có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của gia đình mình, tập thể mình. Hòa thuận và lòng trung thành là những giá trị được đề cao. Các thành viên có nghĩa vụ hỗ trợ những thành viên khác khi xảy ra tranh chấp với gia đình khác, tập thể khác. Sự hòa thuận và lòng trung thành trong nền văn hóa tập thể là điều đặc biệt quan trọng và được bồi đắp thường xuyên trong quan hệ xã hội. Giá trị này quy định các giá trị khác, biểu hiện thành định chuẩn xã hội và được điều chỉnh bởi các yếu tố tình cảm, quy định chặt chẽ; được điều chỉnh cả trên phương diện đạo đức và pháp luật.
Theo Geert Hofstede, chiều kích này phản ánh mức độ hòa nhập của cá nhân với tập thể, phản ánh sự hài hòa giữa giá trị văn hóa cá nhân cũng như đặc điểm văn hóa của mỗi quốc gia.
Thứ ba, chỉ số phòng tránh rủi ro (uncertainty avoidance - UAI)
Chỉ số này thể hiện mức độ lo lắng của các thành viên trong xã hội về những tình huống không chắc chắn hoặc không biết. Nói cách khác, chỉ số phòng tránh rủi ro được định nghĩa là mức độ chấp nhận của xã hội với sự mơ hồ.
Chỉ số UAI cao cho thấy mức độ tin tưởng sự thật tuyệt đối nào đó khi họ nhận thức được. Theo đó, những quốc gia có chỉ số UAI cao thường thể hiện sự tôn trọng truyền thống, tôn trọng những quy tắc và trật tự vốn có của xã hội. Thường là, các xã hội có chỉ số phòng tránh rủi ro cao thì sự gắn kết của các thành viên trong cộng đồng rất chặt chẽ. Đồng thời, các cá nhân có xu hướng tìm kiếm và hướng đến những quy chuẩn, chuẩn mực, luật lệ, những giá trị chân lý chung. Trong xã hội có chỉ số UAI cao, các thành viên thường cố gắng tránh rủi ro ở mức cao nhất và luôn e ngại sự khác lạ và thay đổi. Thậm chí, họ nghi ngờ cái mới và sự thay đổi, cho rằng mới chưa chắc đã tốt. Tôn trọng truyền thống và trật tự vốn có là điểm chung của cá nhân và cộng đồng có xu hướng này.
Ngược lại, chỉ số UAI thấp là dấu hiệu của xã hội có xu hướng phát triển tự do và chấp nhận rủi ro. Sự cởi mở và chấp nhận những ý kiến trái chiều, ý kiến gây tranh cãi là đặc điểm dễ nhận thấy ở các đối tượng khảo sát có chỉ số UAI thấp. Bên cạnh đó, xã hội có chỉ số UAI thấp thường biểu hiện ở sự không ngại mạo hiểm, không sợ thất bại. Việc thử nghiệm, mắc lỗi sai là cách để họ học hỏi và phát triển. Họ cho rằng không cần phải có nhiều quy tắc hơn mức cần thiết và nếu chúng mơ hồ hoặc không hoạt động, chúng nên bị loại bỏ hoặc cần phải thay đổi.
Thứ tư, nữ quyền và nam quyền
Xuất phát từ đặc điểm, vai trò khác biệt giới, nam quyền thể hiện sự quyết đoán và tập trung vào thành tựu xây dựng của cải vật chất và lấy của cải vật chất làm thước đo thành công. Nữ quyền thể hiện tính linh hoạt, khiêm tốn và quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Trong xã hội nữ quyền, thành công ở đây sẽ được định nghĩa bằng việc mỗi cá nhân trong xã hội có được người khác kính trọng, ngưỡng mộ không. Trong xã hội trọng nam quyền, phụ nữ dù có được chú trọng nhưng thường vẫn ít được coi trọng hơn so với nam giới. Ngược lại, trong xã hội nữ quyền, phụ nữ được tôn trọng, xã hội quan tâm nhiều đến sự bình đẳng giới.
Nam quyền và nữ quyền mang nghĩa khá rộng, không chỉ thể hiện vai trò truyền thống của nam và nữ trong xã hội. Nam quyền và nữ quyền còn là khía cạnh thể hiện điều gì được xã hội xem là quan trọng: thành tích hay quá trình, tính cạnh tranh hay sự hòa hợp nếu góc nhìn chiều cạnh này rộng mở hơn.
Thứ năm, định hướng dài hạn và định hướng ngắn hạn
Đây là chỉ số phản ánh sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nói cách khác, chiều cạnh này của văn hóa mô tả cách nhìn của một xã hội là hướng tới tương lai hay hướng vào quá khứ và hiện tại. Theo đó, chỉ số này cao thể hiện xã hội có định hướng dài hạn. Biểu hiện rõ rệt là sự tập trung vào tương lai. Khi xử lý mối quan hệ hiện tại và tương lai, định hướng dài hạn tập trung vào những mục tiêu và tầm nhìn xa, rộng. Để đạt được những mục tiêu đó, thậm chí có thể trì hoãn, hy sinh những thành công ngắn hạn, những kết quả tạm thời. Các quốc gia có xu hướng định hướng dài hạn thường liên kết kinh nghiệm quá khứ để giải quyết các vấn đề trong thực tại và tương lai. Người dân của quốc gia này thường có đức tính tiết kiệm, bền bỉ và nhất quán trong công việc để đạt các mục tiêu cơ bản của họ.
Trong khi đó, theo lý thuyết “Chiều văn hóa” của Geert Hofstede, chỉ số định hướng dài hạn và định hướng ngắn hạn thấp thể hiện định hướng ngắn hạn. Theo đó, cá nhân và xã hội tập trung vào tương lai gần. Kết quả đạt được hướng vào những thành công trước mắt và đem lại sự hài lòng đơn giản, cụ thể và dễ đạt được. Chiều kích định hướng ngắn hạn trong văn hóa cho thấy cuộc sống hiện tại là quan trọng. Hành động và kết quả cần xác định cụ thể và nhanh chóng. Chỉ số định hướng dài hạn và định hướng ngắn hạn thấp còn biểu thị định hướng ngắn hạn của một xã hội khi mà những giá trị truyền thống được trân trọng gìn giữ và sự kiên định được đánh giá cao.
Sự khác biệt văn hóa trên chiều cạnh định hướng dài hạn và ngắn hạn tác động rất mạnh mẽ đến quá trình phát triển của quốc gia đó. Những quốc gia theo đuổi những định hướng ngắn hạn thường khó khăn trong phát triển, rõ nhất là lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, những nước có định hướng dài hạn thường phát triển thuận lợi hơn.
Thứ sáu, tự thỏa mãn và tự kiềm chế
Chỉ số tự thỏa mãn và tự kiềm chế thể hiện mức độ mỗi người cố gắng kiểm soát những mong muốn và nhu cầu của bản thân.
Theo đó, tự thỏa mãn cho thấy con người dễ thỏa mãn khi đạt được những ham muốn cơ bản và tự nhiên của mình, miễn sao tận hưởng được cuộc sống vui vẻ. Mỗi cá nhân tin rằng họ tự quản lý cuộc sống và cảm xúc của mình. Xã hội cho phép cá nhân làm những gì mình thích.
Kiềm chế là đặc trưng của một xã hội mà trong đó sự thỏa mãn các nhu cầu cá nhân được kiểm soát và điều chỉnh gắt gao thông qua hệ thống chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt. Do vậy, mỗi cá nhân tin rằng trong xã hội, cảm xúc và cuộc sống của họ chịu sự tác động và điều chỉnh của rất nhiều yếu tố. Không những vậy, họ tin vào thực tế là có những yếu tố ngoài bản thân mỗi người đang tham gia vào điều khiển cảm xúc và cuộc sống của mỗi người. Thậm chí, con người cảm thấy việc nuông chiều bản thân, tự thỏa mãn những nhu cầu cá nhân của mình là điều sai trái, khó chấp nhận.
2. Những gợi mở cho sự phát triển văn hóa Việt Nam từ giá trị của lý thuyết Chiều văn hóa
Một là, lý thuyết Chiều văn hóa đưa lại góc tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa. Giá trị lớn nhất của lý thuyết Chiều văn hóa mà tác giả Hofstede trình bày trước hết là sự đáp ứng yêu cầu của thời đại. Trong đó, các quốc gia, dân tộc đều hướng tới sự hợp tác, thống nhất vì lợi ích của mình và lợi ích chung. Sự hợp tác được triển khai không thể bỏ qua những khác biệt, mà mức độ hiểu biết sự khác biệt văn hóa và ứng xử với những khác biệt văn hóa sẽ quyết định thành công của các tổ chức, các nhóm, các cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Do đó, lý thuyết Hofstede đem lại một góc tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa.
Thừa nhận những khác biệt văn hóa song lý thuyết văn hóa của Hofstede vẫn cho rằng các nền văn hóa đều có những tương đồng và ông hướng tới khai thác nét chung mang tính tương đồng đó trong nghiên cứu văn hóa. Chính sự tối giản những vấn đề phức tạp, tìm kiếm sự tương đồng ngay trong khác biệt nhưng không xóa nhòa sự khác biệt đặc trưng của mỗi nền văn hóa đã đem lại thành công cho Hofstede khi nghiên cứu văn hóa trên những nguyên tắc mới.
Hai là, tiếp cận văn hóa theo đề xuất của Hofstede, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu văn hóa hiện nay. Đối với Việt Nam, quan điểm về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”(2). Từ quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cần thực hiện trên cơ sở làm rõ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đồng thời, nghiên cứu những điều kiện hội nhập văn hóa, sự biến đổi giá trị và sự hình thành một số giá trị văn hóa mới trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam là những vấn đề đặt ra hiện nay.
Ba là, về các phương pháp trong quá trình xây dựng lý thuyết Chiều văn hóa có giá trị tham khảo. Thành công của lý thuyết Chiều văn hóa mà Hofstede trình bày còn ở phương pháp mà ông và nhóm cộng sự sử dụng. Bằng việc chấm điểm từng quốc gia, mô hình sáu chiều cạnh văn hóa của Hofstede cho phép ông xác lập thang đo văn hóa - vốn chưa được đề cập đến trong nghiên cứu lĩnh vực này.
Thước đo văn hóa là công cụ hết sức quan trọng, giúp “định lượng” ở mức có thể được một thứ “trừu tượng”, nhờ đó sẽ giảm bớt sự cảm tính trong đánh giá và nhận xét. Những chiều cạnh văn hóa mà Hofstede trình bày mang tính biểu trưng, tính hai cực và có giá trị triết học nhất định.
Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của đời sống. Giá trị văn hóa do con người trong xã hội tạo ra, khi được hình thành lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu và phương thức hoạt động của con người. Văn hóa vừa là yếu tố mang tính trừu tượng (giá trị xã hội) song cũng là yếu tố mang tính cụ thể (qua nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi cá nhân). Giá trị xã hội cần được xem xét một cách phổ quát song cũng cần được xem xét cụ thể theo những thang đo, định chuẩn trong đánh giá cũng như điều chỉnh xã hội.
Quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay, chúng ta không chỉ hướng đến mục tiêu văn hóa tổng quát của dân tộc mà từng bước cụ thể hóa các mục tiêu ấy trên những biểu hiện cụ thể. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”(3).
Giá trị văn hóa cũng cần xác lập cụ thể cùng với những thang đo định tính, định lượng sao cho hợp lý nhằm giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhân rộng điển hình văn hóa cũng như kịp thời điều chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong nhận thức và hành vi xã hội. Đặc biệt là, công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy nguồn lực con người Việt Nam hiện nay, đòi hỏi chúng ta không chỉ nghiên cứu, đánh giá chung chung mà cần xây dựng chuẩn mực văn hóa cụ thể. Với mục đích đó, lý thuyết Chiều văn hóa của Hofstede có thể là gợi ý hữu ích cho quá trình nghiên cứu và thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam.
Bốn là, sáu chiều cạnh văn hóa mà Hofstede trình bày trong lý thuyết có tính hợp lý nhất định khi xem xét sự lựa chọn giá trị cá nhân và đặc trưng văn hóa của từng quốc gia, dân tộc. Thang đo chiều cạnh văn hóa mà Hofstede đề xuất có biên độ khá rộng. Mỗi chiều cạnh thể hiện hai cực đối lập về khoảng cách quyền lực, cá nhân hay tập thể, mức độ chấp nhận rủi ro, nam quyền hay nữ quyền, định hướng ngắn hạn hay dài hạn, mức độ thỏa mãn hay kiềm chế. Mặc dù các chiều cạnh chưa thể hiện hết các mặt, các khía cạnh giá trị văn hóa, song đây cũng là những gợi ý trong xây dựng và đánh giá chuẩn mực xã hội mà mỗi cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên hướng tới.
Trong thang giá trị trong văn hóa truyền thống Việt Nam, xét theo các chiều kích văn hóa mà Hofstede đề xuất có đặc trưng khá rõ. Sự quy định của điều kiện sống, lao động và đặc điểm lịch sử, kinh tế xã hội cho phép hình thành nền văn hóa với tính chấp nhận khoảng cách quyền lực cao; nghiêng về những giá trị tập thể, định hướng ngắn hạn và tính kiềm chế cao. Phân tích đặc điểm văn hóa theo cách tiếp cận này có tính hợp lý nhất định. Song chúng ta cũng cần nghiên cứu và đánh giá thấu đáo hơn cả những điều kiện mới của sự hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa. Trong đó, sự tiếp biến văn hóa là tất yếu khách quan trong quá trình phát triển văn hóa nói chung và hệ giá trị nói riêng của mỗi dân tộc trong điều kiện, bối cảnh nhất định.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay cần phát triển những giá trị hướng đến xây dựng môi trường dân chủ và phát huy tính dân chủ (rút ngắn khoảng cách trong chiều kích quyền lực); xử lý hợp lý hơn mối quan hệ cá nhân và tập thể, trong đó cá nhân (cái tôi) được khẳng định hơn trên cơ sở không mâu thuẫn, là điều kiện để phát triển xã hội (cái chúng ta)... Đó là những gợi mở mang tính tổng quát trong phát triển văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập văn hóa.
Bên cạnh đó, lý thuyết Chiều văn hóa có thể được sử dụng, ứng dụng trong một số lĩnh vực văn hóa như giao tiếp đa văn hóa, quản lý quốc tế... Lý thuyết này có những giá trị nhất định khi lý giải, phân tích những vấn đề và hiện tượng văn hóa cụ thể trong các lĩnh vực hợp tác, quan hệ quốc tế và giao tiếp đa văn hóa...
Mặc dù có những giá trị khoa học song cũng cần nghiên cứu, đánh giá thêm một số khía cạnh trong lý thuyết Chiều văn hóa của Hofstede. Trước hết, phương pháp nghiên cứu mà Hofstede sử dụng: mẫu khảo sát thu thập chứng cứ khoa học của lý thuyết, sự khái quát hóa kết quả khảo sát cá nhân để đi đến kết luận về đặc trưng văn hóa quốc gia có phần khiên cưỡng khi người đề xuất học thuyết chưa bàn đến các điều kiện cơ bản nơi nền văn hóa nảy sinh và được nuôi dưỡng. Điều kiện địa lý - tự nhiên, lịch sử, kinh tế, truyền thống... chưa được xem như những yếu tố trọng yếu quy định tính chất, đặc điểm văn hóa của cá nhân hay cộng đồng người cũng như văn hóa của quốc gia, dân tộc. Trong khi, những tiền đề điều kiện này thậm chí đóng vai trò quyết định đặc trưng văn hóa của cá nhân, cộng đồng xã hội.
Dù còn một số hạn chế, lý thuyết “Chiều văn hóa” của Hofstede vẫn có những giá trị nhất định ở nhiều lĩnh vực trong môi trường hội nhập và đa văn hóa hiện nay, có giá trị nhất định trong gợi mở tiếp cận nghiên cứu, xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)
Ngày nhận: 23-7-2023; Ngày bình duyệt: 9-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.
(1) Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede, Michael Minkov: Văn hóa và tổ chức: phần mềm tư duy, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012, tr.87.
(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.202, 144.