Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường công tác quốc phòng, an ninh
(LLCT) - Công tác quốc phòng, an ninh ở các bộ, ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiệm vụ này luôn được coi trọng cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bài viết đánh giá tình hình thực hiện công tác quốc phòng, an ninh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác này thời gian tới.
TS PHAN TIẾN NGỌC
Ban Chỉ huy quân sự,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Công tác quốc phòng, an ninh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Về lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hệ thống công tác quốc phòng, an ninh
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc và triển khai có hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh(1). Trên cơ sở đó, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với công tác quốc phòng, an ninh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đảng ủy các Học viện trực thuộc cũng ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác quốc phòng, an ninh của đơn vị.
Thực hiện chủ trương quản lý hệ thống một cách toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong thời gian qua, công tác quốc phòng, an ninh của Học viện được chỉ đạo, quản lý tập trung thống nhất trong toàn hệ thống, đồng thời tăng cường phân cấp để các đơn vị cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại mỗi đơn vị. Hàng năm, Ban Chỉ huy quân sự Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng, ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, an ninh để triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống Học viện. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy quân sự các Học viện trực thuộc ban hành các kế hoạch công tác quốc phòng, an ninh; kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tự vệ ở đơn vị. Nhờ đó, công tác quốc phòng, an ninh của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý một cách thông suốt từ Trung tâm Học viện đến các Học viện trực thuộc, từ Ban Chỉ huy quân sự cấp bộ đến Ban Chỉ huy quân sự các đơn vị trực thuộc, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, kỷ cương, chất lượng, hiệu quả.
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị - chuyên môn gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - chuyên môn gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cụ thể:
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong các hệ lớp
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, Học viện luôn xác định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo của Học viện, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo vị trí, lĩnh vực được phân công phụ trách của Học viện. Do đó, trong thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh và các chuyên đề về quốc phòng, an ninh vào chương trình giảng dạy tại các hệ lớp của Học viện(2). Các chuyên đề thường xuyên được giảng viên, báo cáo viên bổ sung, cập nhật những nội dung, kiến thức mới phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và thế giới.
Là cơ quan chủ trì về nội dung chuyên môn đối với hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị, Học viện đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức đưa các chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia (gồm 8 chuyên đề) vào chương trình giảng dạy hệ trung cấp lý luận chính trị.... Các chuyên đề đã cung cấp những kiến thức lý luận cơ bản và hệ thống các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh của học viên.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, kiến nghị chính sách góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Học viện đã tập trung triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn(3), cung cấp các luận cứ khoa học, góp phần làm sáng tỏ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Trên cơ sở đó, hàng năm Học viện đã chủ động chắt lọc các kết quả nghiên cứu và xây dựng nhiều báo cáo kiến nghị chính sách gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều báo cáo trực tiếp liên quan đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia(4). Các báo cáo kiến nghị chính sách đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: Hội thảo về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với 06 vùng chiến lược; Hội thảo về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy cơ; Hội thảo về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh… Các hội thảo, tọa đàm đã cung cấp luận cứ khoa học về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.
Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Học viện đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt, toàn diện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong toàn hệ thống, tạo sự chuyển biến rõ nét, đồng bộ trong nhận thức và thực tiễn công tác của mỗi đơn vị, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện. Nội dung nghiên cứu, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới vừa đi vào chiều sâu trong một số hoạt động cụ thể, vừa gia tăng tính lan tỏa, kết nối rộng rãi với các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Học viện đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công 03 Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị - xã hội trong và ngoài nước tham gia với hàng trăm nghìn tác phẩm dự thi ở các thể loại tạp chí in, tạp chí điện tử, báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và video clip, với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, trong đó có nhiều tác phẩm trực tiếp đề cập đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Học viện
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Trong thời gian qua, Học viện đã chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác tuyên truyền trực tiếp được thực hiện thông qua các buổi thông tin khoa học, tọa đàm, hội thảo, gặp mặt nhân chứng lịch sử; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là cuốn sách Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; tuyên truyền, đăng tải các bài viết liên quan đến quốc phòng, an ninh trên các nền tảng xã hội, website, fanpage của Học viện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên của Học viện về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Học viện đã đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh để cán bộ Học viện hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện tốt công tác này trong tình hình mới. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Học viện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 2, đối tượng 3, đối tượng 4 cho cán bộ Học viện(5). Kết quả 100% cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh chấp hành nghiêm các quy định của lớp học, đạt kết quả học tập khá và giỏi. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 2, 3, 4 đã giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cán bộ quản lý cấp phòng, viên chức, người lao động của Học viện hiểu biết sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về quốc phòng, an ninh; truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc; nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH; ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; có kiến thức cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh và công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Xây dựng lực lượng tự vệ của Học viện vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn cơ quan, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, Học viện và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh kiện toàn Ban Chỉ huy quân sự Học viện và 6 Ban Chỉ huy quân sự trực thuộc. Lực lượng tự vệ hằng năm được bổ sung, kiện toàn, bảo đảm quy mô, cơ cấu, thành phần hợp lý. Đến nay, toàn hệ thống Học viện có 1 trung đội súng máy phòng không 14,5mm; 1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm; 6 trung đội tự vệ chiến đấu tại chỗ với tổng quân số 232 đồng chí.
Để nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của lực lượng tự vệ, trong thời gian qua, Ban Chỉ huy quân sự Học viện đã chỉ đạo lực lượng tự vệ của hệ thống Học viện tích cực tham gia đầy đủ công tác tập huấn, huấn luyện, học tập chính trị hàng năm theo quy định; chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện bổ sung cho nhiệm vụ phòng thủ, phòng chống khủng bố, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn...; coi trọng đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện; kết hợp giáo dục chính trị với phổ biến giáo dục pháp luật cho lực lượng tự vệ; huấn luyện kết hợp trực sẵn sàng chiến đấu trong các dịp nghỉ lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của Học viện, của đất nước và trên địa bàn. Nhờ đó, công tác huấn luyện của lực lượng tự vệ có nhiều chuyển biến tích cực, được chính quyền và Ban Chỉ huy quân sự các địa phương nơi Học viện đặt trụ sở đánh giá cao.
Ban Chỉ huy quân sự Học viện đã chỉ đạo lực lượng tự vệ của hệ thống Học viện tích cực tham gia đầy đủ công tác tập huấn, huấn luyện, học tập chính trị hàng năm theo quy định
Về công tác sẵn sàng chiến đấu, Ban Chỉ huy quân sự Học viện đã quán triệt lực lượng tự vệ thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu, tổ chức xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ cơ quan theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy quân sự các địa phương có cơ sở của Học viện đóng trên địa bàn. Trong thời điểm các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và Học viện, Ban Chỉ huy quân sự Học viện đã quán triệt lực lượng tự vệ nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì đầy đủ quân số, thực hiện nghiêm túc công tác trực sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch, phương án tác chiến của cấp có thẩm quyền. Nhờ đó, lực lượng tự vệ của Học viện ngày càng vững mạnh, có chất lượng, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao; trở thành lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, Ban Giám đốc Học viện và nhân dân trên địa bàn.
Công tác dự bị động viên hàng năm được thực hiện theo kế hoạch và hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp trên giao, bảo đảm an toàn, đúng thời gian quy định. Phương tiện vũ khí, trang thiết bị quân sự được kiểm tra bảo quản sạch sẽ, không để hư hỏng mất mát. Cơ sở vật chất bố trí cho lực lượng tự vệ được quan tâm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay, Ban Chỉ huy quân sự các đơn vị trực thuộc và lực lượng tự vệ trong toàn hệ thống đã được bố trí nơi làm việc riêng, được trang cấp bàn ghế, tủ, thiết bị làm việc, quân trang đầy đủ.
2. Giải pháp tăng cường thực hiện công tác quốc phòng, an ninh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời gian tới
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định, khó lường. Thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, tranh chấp, xâm phạm chủ quyền biển, đảo có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh chính trị của nước ta. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau nhằm tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện hơn, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác quốc phòng, an ninh của Học viện cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Thông qua đó, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức, lao động của Học viện nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, từ đó xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong mối quan hệ với nhiệm vụ chính trị - chuyên môn của đơn vị, hoặc coi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là của riêng lực lượng vũ trang, công an, thường trực bảo vệ. Mặt khác, cấp ủy, người đứng đầu các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quốc phòng, an ninh và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị theo tinh thần “kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị - chuyên môn với củng cố quốc phòng, an ninh”. Gắn kết quả hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị của Học viện.
Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Học viện, nòng cốt là Ban Chỉ huy quân sự trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt và trực tiếp. Theo đó, Ban Chỉ huy quân sự Học viện cần chủ động tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Chú trọng tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn, quy chế, quy định về công tác quốc phòng, an ninh; về huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng tự vệ; về phối hợp thực hiện công tác quốc phòng, an ninh; về huy động nguồn lực của Học viện cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; về hoạt động, thanh tra, kiểm tra… Thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quốc phòng, an ninh; duy trì nghiêm quy chế hoạt động, giao ban, báo cáo, phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự các đơn vị trực thuộc, góp phần nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, an ninh của Học viện
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong các hệ lớp của Học viện. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhằm trang bị kiến thức quốc phòng và kỹ năng quân sự cần thiết cho học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong các hệ lớp của Học viện cần tập trung vào một số nội dung sau: (i) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề về quốc phòng, an ninh cho các lớp bồi dưỡng chức danh của Học viện và môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cho các lớp cao cấp lý luận chính trị, Đại học bảo đảm đúng nội dung chương trình, giáo trình, kế hoạch đào tạo hằng năm. (ii) Đẩy mạnh quản lý hệ thống, bảo đảm các chuyên đề về quốc phòng, an ninh được tổ chức giảng dạy thống nhất trong toàn hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (iii) Chủ động bổ sung, cập nhật nội dung giảng dạy về quốc phòng, an ninh ở tất cả các hệ lớp bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nội dung trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (iv) Phát triển đội ngũ giảng viên và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Học viện.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, kiến nghị chính sách góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị - chuyên môn quan trọng của Học viện, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Vì vậy, trong thời gian tới, Học viện cần: (i) Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tư vấn chính sách góp phần làm sáng tỏ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới; (ii) Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động của Học viện đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ bồi đắp lý tưởng cộng sản, phẩm chất đạo đức, lịch sử truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, mà còn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nội dung mới về quốc phòng và an ninh để cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi thông tin khoa học, tọa đàm, hội thảo, buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử; tuyên truyền trên các ấn phẩm của Học viện (tạp chí, bản tin, sách, tài liệu xuất bản…) và trên các nền tảng xã hội. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Học viện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự các địa phương xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 2, 3, 4 cho cán bộ Học viện. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Sáu là, tập trung xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thường xuyên rà soát các đối tượng trong độ tuổi để đăng ký, bổ sung vào lực lượng tự vệ; kiện toàn, xây dựng lực lượng tự vệ bảo đảm đủ quy mô, cơ cấu, thành phần hợp lý. Đồng thời, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm 100% lực lượng tự vệ sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong biên chế cũng như nắm chắc phương án phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực theo quy định, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị trong mọi tình huống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh của Học viện, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn cơ quan, đơn vị và địa bàn nơi có đơn vị trực thuộc của Học viện.
_________________
Ngày nhận bài: 26-8-2024; Ngày bình duyệt: 30-8-2024; Ngày duyệt đăng: 20-9-2024.
(1) Các Nghị quyết của Đảng có liên quan đến quốc phòng an ninh, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI, khoá XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh như: Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng chống khủng bố; Nghị định số 168/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương. v.v…
(2) Đối với các lớp bồi dưỡng chức danh: Học viện đã đưa các chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới vào chương trình học tập của các lớp bồi dưỡng. Đối với hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị: Học viện đã tổ chức biên soạn giáo trình và giảng dạy môn học “Giáo dục quốc phòng và an ninh” trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị với các chuyên đề về đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; Đảng lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh; phòng, chống chiến lược diễn biến hòa bình; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên; những vấn đề cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay… Đối với bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho sinh viên đại học: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (trực tiếp là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức giảng dạy các học phần “Giáo dục quốc phòng và an ninh” theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo.
(3) Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, Học viện triển khai gần 1.000 đề tài khoa học các cấp về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam…
(4) Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Học viện đã xây dựng 251 báo cáo kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương (trong đó có 110 báo cáo kiến nghị gửi Trung ương, 141 báo cáo gửi bộ, ngành, địa phương).
(5) Phối hợp với Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức 2 lớp đối tượng 2 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và quy hoạch cấp vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh các quân khu tổ chức 3 lớp đối tượng 3 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Phối hợp với Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh các quận, nơi Học viện đứng trên địa bàn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 4.