Thực tiễn

Ảnh hưởng của gia đình, dòng họ và nhân vật có uy tín đến các giá trị văn hóa cộng đồng tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đắk Nông

26/09/2024 16:48

(LLCT) - Giá trị văn hóa cộng đồng tiêu biểu như tính tự lực, năng động, tự quản; liên kết, tương trợ và sự đoàn kết, đồng thuận trong mỗi gia đình, dòng họ, thôn, làng là đặc tính vốn có trong mỗi cộng đồng ở nông thôn Tây Nguyên. Các giá trị này được duy trì trong suốt chiều dài lịch sử và đang phát huy vai trò vào phát triển kinh tế -xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Các kết quả khảo sát, điều tra xã hội học tại tỉnh Đắk Nông đã cho thấy những ảnh hưởng của gia đình, dòng họ và nhân vật có uy tín đối với các giá trị văn hóa cộng đồng tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đắk Nông hiện nay.

PGS, TS NGUYỄN ĐỨC CHIỆN
THS LÊ THỊ HỒNG GÁI

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Lễ hội sum họp cộng đồng tại buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông _ Ảnh: baodaknong.vn

Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,93% (03 dân tộc thiểu số tại chỗ - M’Nông, Mạ, và Êđê và các dân tộc thiểu số di cư từ nơi khác đến như Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao…). Các cộng đồng dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói riêng. Ở các cộng đồng, tính tự lực, năng động, tự quản; liên kết, tương trợ và sự đoàn kết/đồng thuận được thể hiện rõ nét. Các giá trị này được biểu hiện ở nhiều hoạt động, góc độ khác nhau và có tác động chi phối, làm tăng hay giảm giá trị văn hóa cộng đồng. Các kết quả khảo sát, điều tra xã hội học đối với 45 mẫu (cán bộ chính quyền, người dân) nghiên cứu định tính và 730 mẫu nghiên cứu định lượng tại các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã cho thấy những ảnh hưởng của gia đình, dòng họ và nhân vật có uy tín đối với các giá trị văn hóa cộng đồng tiêu biểu ở tỉnh trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

1. Những ảnh hưởng của gia đình, dòng họ đối với giá trị cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Nông

Gia đình, dòng họ là quan hệ sẵn có của mỗi cá nhân, hộ gia đình, là nền tảng quan trọng để xác lập nên những phẩm chất tốt đẹp của con người. Là vùng có sự biến động lớn về dân cư, dòng họ, tỉnh Đắk Nông có nhiều điểm khác biệt về hình thái cư trú. Dòng họ các dân tộc thiểu số tại chỗ như Mạ, Mnông, Êđê có quan hệ rất bền vững, hầu hết đều sống quần cư tại một cộng đồng bon, buôn nhất định. Các dân tộc thiểu số di cư có nhiều hình thái cư trú hơn, có khi di cư cả một dòng họ, có khi chỉ một vài hộ trong dòng họ, có khi cư trú cùng một cộng đồng hoặc sống rải rác, xen cư với các dân tộc khác.

So với các tỉnh miền Trung và phía Bắc, văn hóa dòng họ truyền thống ở Đắk Nông ít đậm nét hơn. Mặc dù vậy, giá trị về tính tự lực, tự cường; tính đoàn kết, thống nhất; tính liên kết, hợp tác là những giá trị cốt lõi trong quan hệ gia đình, dòng họ vẫn phổ biến. Các kết quả nghiên cứu định tính đối với cán bộ chính quyền và người dân cho thấy, tình cảm, sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ, động viên khích lệ của gia đình và những người cùng huyết thống - dòng họ là “đòn bẩy” giúp mỗi thành viên, các gia đình trong dòng họ có thêm tự tin, củng cố tinh thần, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Gia đình, dòng họ đồng thời cũng là nơi tương trợ nhau giữa các thành viên giúp họ phát triển kinh tế. Lúc khó khăn, gia đình, dòng họ là nơi đầu tiên họ nghĩ đến để nhờ trợ giúp.

Tuy nhiên, qua phỏng vấn sâu cũng cho thấy, còn nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng các chuẩn mực gia đình, dòng họ đã gò bó, cản trở tự do cá nhân, kìm hãm sự phát triển, tạo tính cục bộ, khép kín; còn xuất hiện sự ganh đua, hiện tượng cục bộ, bè phái trong quan hệ dòng họ, từ đó góp phần tạo ra những quan niệm tiêu cực, làm giảm vai trò của dòng họ đồng thời ảnh hưởng không tốt đến các giá trị văn hóa cộng đồng.

“Các ông, các bà ngày xưa tư tưởng cục bộ dòng họ, địa phương, quá trọng tình, cả nể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Tình trạng này là có ở một số thôn, bon, đặc biệt là trong việc thụ hưởng các chính sách, dẫn dến dư luận không tốt trong nhân dân” (Nữ, 47 tuổi, cán bộ xã Long Sơn, huyện Đắk Mil).

Mặc dù còn nhiều tồn tại song ở Đăk Nông, tình trạng “kéo bè, kéo cánh”, cục bộ, bè phái trong các dòng họ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng không nhiều. Kết quả khảo sát tại các địa phương của tỉnh cho thấy, còn có những tranh chấp về đất đai, nợ nần dẫn đến mâu thuẫn lan ra cả gia đình, dòng họ song không có những mâu thuẫn lớn giữa các gia đình, dòng họ ảnh hưởng đến tình đoàn kết trong cộng đồng, địa phương. Như vậy, có thể thấy, ở các cộng động dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông, các giá trị văn hóa cộng đồng khá rõ nét.

Sự chi phối của gia đình, dòng họ đến các giá trị văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện ở các hoạt động như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Các hoạt động này có sự khác biệt theo nhóm dân tộc, theo địa bàn cư trú của người dân, theo xã nông thôn mới và chưa nông thôn mới.

Trong phát triển kinh tế, gia đình, họ hàng là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Trong tất cả các khâu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vai trò của gia đình, dòng họ được ghi nhận.

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát của đề tài “Vai trò của văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Nông”, năm 2024

Biểu đồ 1 cho thấy, các hoạt động về kinh tế được gia đình, dòng họ hỗ trợ các hộ gia đình gồm: giúp đỡ về vốn, thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, về giống, vật tư, phân bón, trong đó, gia đình, dòng họ giúp đỡ về thông tin, kinh nghiệm chiếm tỷ lệ cao nhất (61,2%). Các nghiên cứu liên quan về chủ đề này cũng cho thấy, kênh truyền thông tin chủ yếu là “truyền thông không chính thức” qua các quan hệ láng giềng, gia đình, họ hàng có vai trò quan trọng trong việc phổ biến các chính sách nông nghiệp, về kỹ thuật sản xuất đối với các hộ dân. Sự hỗ trợ về thông tin, kinh nghiệm có sự khác biệt theo nhóm dân tộc. Trong 61,2% nhận được hỗ trợ thì nhóm dân tộc thiểu số di cư có sự hỗ trợ cao nhất với 30,7% và nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ với 10,3%.

Trong hỗ trợ về vốn của gia đình, dòng họ với hộ gia đình, các ý kiến trả lời của cán bộ, chính quyền, người dân huyện Đắk Mil có tỷ lệ cao hơn (13%), so với huyện Đắk Song (4,2%) và huyện Đắk Glong (2,5%). Sự hỗ trợ vốn phụ thuộc vào kinh tế của các thành viên khác trong gia đình và họ hàng, phải khá giả mới có thể giúp đỡ, do đó, so với các huyện khác, huyện Đắk Glong là huyện nghèo, có đời sống kinh tế thấp hơn, do đó tỷ lệ hỗ trợ vốn thấp hơn, ngược lại Đắk Mil là huyện có đời sống kinh tế cao hơn, sự hỗ trợ vốn cũng cao hơn. Tuy nhiên, điểm hạn chế ở địa bàn là do điều kiện kinh tế còn khó khăn, một số xã đời sống người dân có tỷ lệ nghèo cao, trình độ dân trí thấp như Đắk Som, sự hỗ trợ rất hạn chế, chủ yếu ở khâu “đổi công” giữa các gia đình, do đó ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Đây là một số tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Giá trị cộng đồng còn thể hiện trong gia đình, dòng họ thông qua những tương trợ khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Khi được hỏi về việc nhận được sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng khi các hộ gặp khó khăn trong cuộc sống, kết quả khảo sát cho thấy, có 73,3% nhận được sự trợ giúp từ các thành viên khác trong gia đình và 71,4% là từ họ hàng, thân tộc. Điều này được lý giải bởi ảnh hưởng của yếu tố văn hóa. Sự tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn đã trở thành văn hóa đặc trưng ở các gia đình, dòng họ, đó là phao cứu sinh đầu tiên của mỗi người khi gặp khó khăn.

Tuy nhiên, sự trợ giúp cũng có sự phân hóa theo địa bàn, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, mức độ trợ giúp chỉ dừng lại ở cấp độ tinh thần hay vật chất. Tại huyện Đắk Glong, các thành viên khác trong gia đình có sự hỗ trợ thấp nhấp là 14,5%, trong khi huyện Đắk Song và Đắk Mil, tỷ lệ này khá tương đương nhau là 29,7% và 29%. Tuy nhiên, họ hàng, thân tộc hỗ trợ ở cả 3 huyện khá tương đồng nhau, lần lượt là 23,4%, 25,3% và 22,6%. Nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ có sự hỗ trợ thấp nhất từ thành viên trong gia đình với tỷ lệ 14,1%, trong khi nhóm cao nhất là dân tộc thiểu số di cư 36,6%, tương tự, họ hàng, thân tộc cũng có sự hỗ trợ thấp nhất đối với nhóm này. Về cơ bản, nhóm dân tộc thiểu số có sự hỗ trợ thấp hơn các nhóm khác. Đây là đặc điểm cần quan tâm trong đời sống của người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, vai trò của gia đình, hòng họ được khẳng định. Việc xây dựng mối đoàn kết, bảo đảm an ninh trật tự, giáo dục con cháu trong mỗi gia đình, dòng họ là nền tảng để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, hạn chế tệ nạn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tại địa bàn.

Kết quả khảo sát 730 đại diện hộ gia đình cho thấy, có đến 36,4% người nắm thông tin về tình hình an ninh trật tự tại đia phương từ gia đình, họ hàng. Trong số 335 người tham gia vào tổ an ninh chính trị hoặc dân quân tự vệ tại địa phương, có 39,7% thấy hàng xóm, người thân, họ hàng tham gia nên họ tham gia theo. Điều này cho thấy ảnh hưởng cũng như niềm tin đối với các quan hệ gia đình, họ hàng là rất lớn. Tỷ lệ này ở nhóm người Kinh cao nhất (20,6%), kế đến là nhóm dân tộc thiểu số di cư (18,2%) và thấp nhất là nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ (0,9%). Đặc biệt, có sự khác biệt rất lớn giữa xã đạt nông thôn mới và xã chưa đạt nông thôn mới, tỷ lệ này lần lượt là 38,5% và 1,2%. Như vậy, ở những xã nông thôn mới, người thân, họ hàng đã ảnh hưởng lớn đến việc tham gia vào tổ an ninh chính trị hoặc dân quân tự vệ tại địa phương.

Trong hoạt động bảo vệ môi trường, kết quả khảo sát cho thấy, có 98,4% đồng ý với nhận định “tham gia tích cực vào các phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương vì có sự vận động ủng hộ, chia sẻ của các thành viên trong gia đình, họ hàng”. Những người đứng đầu gia đình, trưởng dòng họ hoặc người có uy tín ở các dòng họ sẽ hô hào anh, chị, em cùng thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Những ảnh hưởng của nhân vật có uy tín ở thôn, buôn, bon đối với giá trị cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Nông

Trong xã hội truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong các bon, buôn với hình thức xã hội tự quản, các nhân vật như già làng, trưởng buôn, bon, người có uy tín có vai trò lớn trong điều hành, quản lý bon, buôn. Hiện nay, đội ngũ người có uy tín tiếp tục thực hiện, phát huy tốt vai trò, đã góp phần gìn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến người dân. Kết quả nghiên cứu định tính đều khẳng định: “Các nhân vật uy tín như già làng, trưởng bon/buôn, trưởng các đoàn thể,… có tiếng nói rất lớn trong cộng đồng” (Nữ, 42 tuổi, cán bộ UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong), do đó vai trò của họ cũng rất quan trọng trong việc hình thành, thiết lập, gia cố thêm các giá trị văn hóa cộng đồng tiêu biểu.

Đối với tính đoàn kết, đồng thuận, người có uy tín là nơi tập hợp sự đoàn kết, đồng thuận của người dân, tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách đến người dân, vận động, khuyến khích bà con phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật,… Đồng thời, đó cũng là nhân tố thúc đẩy, huy động thêm các nguồn lực thông qua việc tuân thủ các quy tắc, giá trị chung của cộng đồng. Các yếu tố chi phối này có vai trò quan trọng trong các hoạt động, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của người dân. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, vận động bà con tham gia, tuân thủ,… chi phối đến các giá trị văn hóa cộng đồng, như: nâng cao tính tự lực, tự cường, sự liên kết, hợp tác và sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng,… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, thành cộng đồng tự lực như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hướng đến khi thực hiện các chính sách dân tộc.

Mặc dù vậy, tính tự lực, tự cường, liên kết, hợp tác phụ thuộc khá lớn vào chủ thể các dân tộc thiểu số. Lối sống khép kín, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tồn tại khá phổ biến và thông qua sự tuyên truyền của các nhân vật có uy tín chưa được cải thiện nhiều. Sự trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận người dân tộc thiểu số vẫn còn, tính năng động, sáng tạo và táo bạo cũng hạn chế, do đó, đời sống kinh tế ở một số hộ vẫn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo cao ở một số xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đắk Glong được xác định bởi nguyên nhân thiếu sự tự lực, năng động ở các hộ dân tộc thiểu số là chủ yếu.

Vai trò và sự chi phối các giá trị tự lực, tự quản; liên kết; đoàn kết của già làng, trưởng buôn, bon, người có uy tín ở mỗi cộng đồng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự khác biệt giữa địa bàn xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các nhóm dân tộc, địa bàn dân cư,… Thông qua các hoạt động cụ thể trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, đội ngũ già làng góp một phần công sức thúc đẩy các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương. Do đó, việc phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong thực hiện nông thôn mới nói riêng và các chính sách của Nhà nước nói chung tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số là rất cần thiết.

Trong phát triển kinh tế: Kết quả khảo sát tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế ở biểu đồ 2 cho thấy, người có uy tín có sự hỗ trợ ở các khía cạnh khác nhau, trong đó cơ bản nhất là giúp đỡ tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật (78,8%), giúp đỡ thông tin, kinh nghiệm (32,7%), giúp đỡ trong tiêu thụ sản phẩm (3%,) giúp đỡ về vốn (2,5%) và giúp đỡ giống, vật tư, phân bón (1,4%).

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát của đề tài “Vai trò của văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Nông”, năm 2024

Sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhân vật có uy tín trong cộng đồng chủ yếu là về mặt tinh thần, chủ yếu về khoa học kỹ thuật, kết nối với các tổ chức đoàn thể trong việc tập huấn khuyến nông, khuyến lâm. Người có uy tín là những người nắm bắt rõ thông tin, chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế, do đó, họ đã phát huy tốt trong nhân dân vai trò này. Trong việc kết nối trong tiêu thụ, hỗ trợ vốn, vật tư thì vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nổi trội hơn.

Trong các vấn đề an sinh xã hội: Không chỉ là chỗ dựa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn là "cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền địa phương. Họ luôn gương mẫu về lối sống, làm nhiều việc tốt trong cộng đồng và vận động người dân tham gia hỗ trợ, tương thân, tương ái đối với các trường hợp khó khăn trong cộng đồng. Kết quả khảo sát 730 hộ dân cho thấy, có 212 hộ (29%) nhận được sự giúp đỡ khi khó khăn từ người có uy tín, già làng, trưởng thôn, buôn. Có 88,6% ý kiến khẳng định già làng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bà con giúp đỡ các trường hợp khó khăn, 35,1% già làng tham gia huy động sự đóng góp từ người dân và 2,7% khẳng định già làng hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp cho các hoàn cảnh gặp khó khăn. Có 95,5% người dân đã đồng ý với nhận định rằng những hành động thiết thực của già làng đã góp phần thúc đẩy phong trào tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần gắn kết tính cộng đồng ở các thôn, bon.

Trong bảo đảm an ninh trật tự: Những năm qua, tình hình an ninh nông thôn ở một số vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp, nổi lên là vấn đề tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa người Kinh với đồng bào tại chỗ ở nhiều nơi. Già làng, trưởng thôn, bon, chức sắc tôn giáo là những người tham gia giải quyết mâu thuẫn, góp phần giúp chính quyền giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh trong cộng đồng. Qua quá trình đó, họ đã thể hiện rất tốt vai trò trong đảm bảo an ninh trật tự.

Ủy ban Mặt trận các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động và tranh thủ người có uy tín trong việc hòa giải, vận động đồng bào chấp hành tốt, không để sự vụ nổi cộm; vận động các đối tượng vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng sau cải tạo giáo dục.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 46,4% người dân nhận thông tin về tình hình an ninh chính trị tại địa bàn từ các nhân vật có uy tín. Đội ngũ này thường nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho người dân về tính chính xác của những thông tin, tránh tình trạng gây hoang mang dư luận cũng như nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân đối với các vấn đề an ninh chính trị. Bên cạnh đó, người có uy tín còn vận động người dân tham gia vào nhóm/tổ/hội an ninh trật tự tại địa phương. Trong 335 người tham gia vào tổ an ninh trật tự có 123 người được người có uy tín, già làng, trưởng bon, thôn vận động, tuyên truyền, chiếm 36,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ này cách biệt rất lớn ở xã đã đạt nông thôn mới (34,9%) và xã chưa đạt nông thôn mới (1,8%). Sự phân hóa lớn này cho thấy, vai trò của người có uy tín không được phát huy đồng đều giữa các huyện, xã, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau.

Trong bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, là tiêu chí gặp nhiều khó khăn, rào cản ở nhiều xã vùng dân tộc thiểu số trong việc về đích nông thôn mới. Do đó, vai trò của người có uy tín trong hoạt động môi trường được người dân đánh giá cao. Kết quả cho thấy, có đến 93,2% người dân khẳng định sự tham gia của người có uy tín trong hoạt động này. Trong 3 huyện, huyện Đắk Mil có tỷ lệ cao nhất với 100% người dân đồng ý, kế đến là Đắk Song với 97,9% và Đắk Glong là 81,6%.

Kết quả xử lý số liệu khảo sát của đề tài “Vai trò của văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Nông”, năm 2024

Biểu đồ 3 cho thấy, trong 5 hoạt động cơ bản trong bảo vệ môi trường, người có uy tín phát huy vai trò cao nhất hoạt động tuyên truyền, vận động (92,5%), tiếp đến là huy động vốn và ngày công vào hoạt động bảo vệ môi trường như dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, hoa ven đường,… (30,3%), tập huấn cung cấp thông tin (28,5%). Người có uy tín tham gia các hoạt động về tổ chức thực hiện và giám sát có phần hạn chế hơn do hoạt động này thuộc về chính quyền và các tổ chức khác, người có uy tín chỉ tham gia như một thành viên trong tổ/nhóm đó.

Tham gia xây dựng hương ước thôn, bon, buôn: Trong xã hội truyền thống, hương ước, luật tục của các tộc người thiểu số là công cụ chủ yếu để điều tiết các mối quan hệ xã hội và duy trì trật tự xã hội trong cộng đồng. Hiện nay, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với những nhu cầu nội tại của người dân. Già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín của cộng đồng đang là những nhân vật chủ chốt trong việc tổ chức thảo luận, xây dựng hương ước, quy ước trong cộng đồng theo nguyên tắc hướng tới việc giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa cộng đồng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 50,5% người có uy tín tham gia xây dựng hương ước, quy ước. Qua đó cho thấy, người có uy tín đã và đang tham gia vào xây dựng hương ước, quy ước khá cao, đặc biệt là những già làng, trưởng thôn, bon,… Trên thực tế, đội ngũ già làng, người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hương ước, quy ước thôn, bon, buôn, đặc biệt ở những vùng dân tộc thiểu số tại chỗ như Mnông, Êđê, Mạ - nơi luật tục còn hiện diện khá rõ và đang có hiệu lực thực tế trong quản lý cộng đồng.

Nhìn chung, thời gian qua, già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò trong vận động cộng đồng đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình, dòng họ và các nhân vật có uy tín đã chi phối các giá trị văn hóa cộng đồng, thúc đẩy tính tự lực, tự cường, tính liên kết, hợp tác, tính đoàn kết trong cộng đồng qua các hoạt động cụ thể trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, duy trì an ninh trật tự,... Mặc dù sự cục bộ, tính khép kín vẫn tồn tại song không đáng kể. Bằng những hoạt động trên, gia đình, dòng họ và đội ngũ già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò trong vận động cộng đồng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy thành công xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua.

Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của gia đình, dòng họ và người có uy tín, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò các nhân tố này trong phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu cần tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số bởi họ là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Ở khía cạnh gia đình, dòng họ, Đảng ta cũng xác định xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc phát huy giá trị gia đình, dòng họ cần khai thác, phát huy những giá trị tốt đẹp của dòng họ từ truyền thống đến nay và loại trừ những tiêu cực như tính cục bộ, khép kín. Đối với các nhân vật có uy tín cần hướng đến những giá trị “vừa hồng, vừa chuyên” thông qua việc trang bị thêm cho họ kiến thức về pháp luật, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để đội ngũ này nắm rõ, nâng cao nhận thức, có tư duy và hành động mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

_________________

Ngày nhận bài: 16-8-2024; Ngày bình duyệt: 25-8-2024; Ngày duyệt đăng: 26-9-2024

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
  2. Bùi Văn Đạo: Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên”, mã số TN3/X18, 2015.
  3. Nguyễn Văn Thắng: Vai trò của già làng và người có uy tín trong phát triển bền vững cùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2021.
  4. Bùi Hồng Việt: “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”, Tạp chí Xây dựng Đảng, bản điện tử. https://xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/xay-dung-he-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi-18303.