Thực tiễn

Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa hợp tác xã với nông dân ở trung du và miền núi phía Bắc

06/01/2025 11:35

(LLCT) - Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững là yêu cầu khách quan, là tiền đề, điều kiện tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành và góp phần phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn. Nhận thức được điều này, những năm qua, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã khuyến khích các chủ thể tham gia sản xuất, trong đó có hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế làm cho liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa hợp tác xã với nông dân trong vùng chưa bền vững. Vì vậy, cần nghiên cứu tìm hiểu để đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững thời gian tới.

TS NGUYỄN THỊ MIỀN
Viện Kinh tế

Liên kết giữa Hợp tác xã chè Hảo Đạt ở Thái Nguyên được thành lập năm 2016 có 8 thành viên liên kết với hơn 50 hộ nông dân cung cấp chè nguyên liệu_ Ảnh: IT

1. Mở đầu

Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích lớn thứ hai cả nước, với 95.184,1 km2, chiếm 28,72% diện tích tự nhiên của cả nước(1), bao gồm 14 tỉnh, đó là: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Là vùng kinh tế - xã hội có vị trí, phía Bắc giáp, Trung Quốc, phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; phía Đông, phía Nam giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Sự đa dạng của địa hình (đồi núi cao, đồi núi trung bình và thấp, xen kẽ đồng bằng nhỏ hẹp), đa dạng của khí hậu, đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp; sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, đất đai sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ, nguồn nước khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu,... khiến sản xuất nông nghiệp trong vùng không ổn định, năng suất, sức cạnh tranh và hiệu quả thấp. Vì vậy, liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao là yêu cầu khách quan, là tiền đề, điều kiện khai thác lợi thế và tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

2. Thực trạng liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa nông dân và hợp tác xã ở trung du và miền núi phía Bắc

Một số kết quả

Số hợp tác xã liên kết với nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong vùng các năm gần đây tăng nhanh: từ 198 hợp tác xã năm 2019 lên 519 (năm 2022)(1) và 693 (năm 2023)(3), tăng 495 hợp tác xã, bình quân tăng 37%/năm. Trong đó, Sơn La và Thái Nguyên là hai địa phương có số lượng hợp tác xã liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững với nông dân không chỉ cao so với toàn vùng mà còn giữ vị trí hàng đầu cả nước (năm 2022 Sơn La có 174 hợp tác xã, Thái Nguyên có 106 hợp tác xã(4)).

Trung du và miền núi phía Bắc cũng là vùng có hợp tác xã nông nghiệp là chủ chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững với nông dân cao nhất cả nước. Năm 2023, cả nước có 2.500 hợp tác xã liên kết với nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chiếm 9,86% tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước thì vùng trung du và miền núi phía Bắc có 693 hợp tác xã, chiếm 12% tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn vùng(5). Có được kết quả trên là do các hợp tác xã nông nghiệp ở trung du và miền núi phía Bắc có quy mô nhỏ nên dễ đồng thuận trong việc ứng dụng công nghệ cao cũng như mở rộng quy mô liên kết so với các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn ở các vùng khác(6).

Sự gia tăng nhanh chóng của số hợp tác xã nông nghiệp chủ chuỗi liên kết dẫn đến số hộ nông dân tham gia liên kết cũng tăng lên. Ngoài các hộ nông dân là thành viên, các hộ nông dân ngoài hợp tác xã tham gia liên kết cũng tăng khá nhanh. Cụ thể, số lượng thành viên hợp tác xã tăng từ 9.900 người (năm 2019) lên 25.950 người (năm 2022) và 32.571 người (năm 2023); số hộ nông dân ngoài hợp tác liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững với hợp tác xã cũng tăng từ 7.920 hộ (năm 2019) lên 15.570 hộ (năm 2022) và 1.302.840 hộ (năm 2023)(7).

Các công nghệ cao được chủ chuỗi liên kết là các hợp tác xã sử dụng nhiều nhất trong giai đoạn này là kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (84,6%); công nghệ tin học trong quản lý kinh doanh (40,4%); công nghệ tự động hóa (29,1%); công nghệ sinh học trong nông nghiệp (20,6%); và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (9,9%). Điều này được thể hiện ở Bảng dưới đây.

Bảng 1: Công nghệ cao được các mô hình liên kết hợp tác xã
với nông dân sử dụng giai đoạn 2019-2023

Danh mục công nghệ
Tỷ lệ (%)
Công nghệ sinh học trong nông nghiệp
20,6
Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản
84,6
Công nghệ tự động hóa
29,1
Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp
9,9
Công nghệ tin học trong quản lý kinh doanh
40,4

Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (2023)

Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa hợp tác xã và nông dân đã giúp giảm chi phí nhờ gia tăng quy mô và giảm giá nguyên liệu đầu vào, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ”được mùa mất giá”, sản xuất theo yêu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và đặc biệt là đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của người nông dân, phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị chuỗi nông sản.

Chẳng hạn, liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa Hợp tác xã Nông sản Sơn La với 20 hộ nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Trong liên kết này, Hợp tác xã Nông sản Sơn La đã hướng dẫn các hộ nông dân thành viên và các hộ nông dân liên kết đưa công nghệ màng phủ, công nghệ tưới nước tiết kiệm, quy trình sản xuất nông nghiệp sạch vào sản xuất các loại rau, củ, quả đã đem lại hiệu quả cao. Cụ thể, sản lượng và doanh thu của hợp tác tăng từ 20-30%/năm và nâng cao thu nhập cho thành viên, các hộ nông dân liên kết trên địa bàn cũng như từng bước thay đổi nhận thức của họ(8).

Liên kết giữa Hợp tác xã chè Hảo Đạt ở Thái Nguyên được thành lập năm 2016 có 8 thành viên liên kết với hơn 50 hộ nông dân cung cấp chè nguyên liệu. Tham gia liên kết, các hộ nông dân đã được Hợp tác xã chè Hảo Đạt hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng, tạo ra các sản phẩm chè búp khô an toàn, chất lượng cao. Từ chỗ chỉ có 8 thành viên, đến nay, Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã có trên 30 thành viên với vùng nguyên liệu hơn 10 ha, hệ thống nhà xưởng trên 2.000 m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%, công suất từ 4,0-4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Hằng năm, mô hình này đã cung cấp cho thị trường từ 250-300 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao, trong đó, sản phẩm chè Móc câu và Đinh xếp hạng OCOP 4 sao; chè Tôm nõn xếp hạng 5 sao. Doanh thu trung bình từ 5-6 tỷ đồng/ năm, lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/tháng; và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận(9).

Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà (xã Bản Liền), Lào Cai với 310 hộ nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết hữu cơ. Trong mô hình liên kết này, hợp tác xã đã mời các nhà khoa học, cơ quan khuyến nông hướng dẫn cho các thành viên và các hộ dân liên kết về kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, chè sạch đúng tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế quy định, chất lượng sản phẩm đồng đều, đạt tiêu chuẩn an toàn. Nhờ đó, có tới 90% sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính ở châu Âu. Bình quân mỗi ha chè mang lại lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác; giá bán cao hơn từ 3-4 lần so với sản xuất chưa liên kết, tạo thu nhập ổn định cho các hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia liên kết; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững(10) và giúp địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh một số kết quả ban đầu đạt được như trên, liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa hợp tác xã với nông dân tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn một số hạn chế:

Thứ nhất, tỷ lệ hợp tác xã và nông dân trong vùng tham gia liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững còn thấp. Mặc dù số hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết tăng nhanh qua các năm, cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc, song còn thấp. Năm 2023, chỉ có 12% hợp tác xã và gần 7% số hộ nông dân tham gia liên kết. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn chưa tương xứng với lợi thế tự nhiên các tỉnh trong vùng.

Thứ hai, tình trạng phá bỏ hợp đồng liên kết giữa hợp tác xã với nông dân vẫn xảy ra. Mặc dù liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững giữa hợp tác xã với nông dân trong vùng các năm qua đã được quan tâm, song tình trạng các hộ nông dân không phải thành viên hợp tác xã sẵn sàng bỏ ngang hợp đồng khi giá bán nông sản trên thị trường cao hơn vẫn xảy ra; tình trạng hợp tác xã không thu mua sản phẩm của hộ nông dân liên kết ngoài thành viên khi giá nông sản xuống thấp vẫn còn. Trong đó, có trên 60% là nông dân bỏ ngang, trên 30% hợp tác xã không thực hiện đúng hợp đồng.

Thứ ba, phần lớn công nghệ được các mô hình liên kết giữa hợp tác xã với nông dân trong vùng ứng dụng vào nông nghiệp là kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, tiếp đến là công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh nông nghiệp, công nghệ sinh học trong lai tạo giống mới, còn các công nghệ hiện đại như chuỗi khối,... ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp còn rất ít.

Những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản dưới đây:

Một là, nhận thức của nông dân và phần lớn hợp tác xã trong vùng về liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững còn thấp, chưa đầy đủ. Hầu hết nông dân, hợp tác xã trong vùng chưa nhận thức được vai trò, lợi ích, sự cần thiết phải liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, thiếu niềm tin vào mô hình hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn trong tiềm thức nông dân, tâm lý e ngại nông dân bỏ ngang hợp đồng khiến cho tỷ lệ nông dân và hợp tác xã tham gia liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn ít, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của các chủ thể này vào phát triển nông nghiệp.

Hai là, năng lực nội sinh của hợp tác xã nông nghiệp và trình độ nông dân trong vùng còn thấp. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, vốn tự có ít, năng lực quản trị yếu, trang thiết bị lạc hậu nên các hợp tác xã mới chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào; Trình độ chuyên môn, năng lực quản lý các hợp tác xã còn yếu, phần lớn chưa qua đào tạo, chủ yếu điều hành dựa trên kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân trong vùng là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, gần 93% lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Năng lực đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thấp nên tỷ lệ hợp tác xã cũng như nông dân tham gia liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững còn ít.

Ba là, hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc còn lạc hậu, chưa đồng bộ, là “nút thắt” trong phát triển kinh tế nói chung, liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững nói riêng. Hệ thống giao thông, thủy lợi,... ở các tỉnh trong vùng tuy đã được đầu tư, song chưa đồng bộ; hệ thống kho vận, logistic, chợ đầu mối nông sản, hệ thống chế biến nông sản, trung tâm xúc tiến thương mại mới manh nha, nhất là hệ thống đường giao thông còn hạn chế là lực cản hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.

Bốn là, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi khó khăn. Liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn quay vòng vốn chậm. Bởi vì, ngoài nguồn vốn xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực tiếp nhận, chuyển giao, các hợp tác xã phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ cũng như tiếp cận thị trường. Trong khi đó, hầu hết các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia liên kết ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp các tỉnh trong vùng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nguyên nhân là thủ tục rườm rà, một số quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như phải xây dựng được dự án phù hợp với chương trình, phải có tài sản thế chấp...

Năm là, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao còn hạn hẹp, phân tán. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu ở một số khu vực trung tâm, một số nơi có mức sống cao, còn phần lớn người tiêu dùng vẫn sử dụng sản phẩm nông nghiệp sản xuất truyền thống. Trong khi đó, phần lớn các hợp tác xã chưa đủ sức tiếp cận thị trường tiêu thụ ở ngoài nước. Như vậy, tín hiệu thị trường chưa đủ mạnh để thu hút hợp tác xã, nông dân liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chưa là động lực để hợp tác xã, nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang tham gia liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ sáu, cơ chế, chính sách về liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả. Mặc dù cả Trung ương và các tỉnh trong vùng đã có chủ trương, chính sách khuyến khích liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, song chưa được triển khai đầy đủ trong thực tiễn. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ vốn vay; dự báo, thông tin thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực các hợp tác xã; quảng bá thương hiệu, phát triển hạ tầng, bảo hiểm nông nghiệp... Một số chính sách còn bất cập chưa phù hợp với thực tiễn, ví dụ, chính sách hỗ trợ vốn vay nhưng có hạn mức thấp, thời gian ngắn trong khi chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài; chế tài liên kết còn lỏng lẻo...

3. Một số giải pháp

Một là, nâng cao nhận thức của nông dân, hợp tác xã về sự cần thiết phải liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh trong vùng cần phối hợp với các sở thông tin và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, giới thiệu các mô hình đã thành công trong liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và cả nước. Từ nhận thức rõ vai trò, lợi ích liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, nông dân, hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện liên kết. Từ đó, hình thành nên các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tuyên truyền để xóa bỏ những “định kiến” về hợp tác xã kiểu cũ và hiểu đúng về bản chất, giá trị “hợp tác xã kiểu mới”, giúp cho mọi người hiểu và yên tâm khi liên kết.

Hai là, nâng cao năng lực nội sinh của các hợp tác xã và nâng cao trình độ nông dân các tỉnh trong vùng

Các địa phương trong vùng cần tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về thị trường, hội nhập, marketting và khuyến khích đội ngũ giám đốc, quản lý hợp tác xã tự học tập nâng cao trình độ; tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã thuê đất, mở rộng sản xuất, tiếp cận được vốn vay ưu đãi, mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu; đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông, nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng liên kết cho nông dân; tăng cường vai trò của các trung tâm khuyến nông, tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông và nông dân. Lồng ghép các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn và tập huấn chuyển giao công nghệ. Quá trình đào tạo cần diễn ra liên tục, có kế thừa để đáp ứng yêu cầu của nông dân, hợp tác xã, từng bước tiếp cận với công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ba là, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh nguồn vốn từ trung ương trong các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư hệ thống đường giao thông các tuyến mới kết nối các tỉnh trong vùng và với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đối với những đường liên thôn, liên xã, liên bản, đường lên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giao cho chính quyền cấp huyện quản lý, cấp phép xây dựng và quản lý, kinh phí lấy từ vốn ngân sách kết hợp với các chương trình dự án xây dựng nông thôn mới và đóng góp của nhân dân. Xây dựng mới và củng cố hệ thống điện, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho vận, logistic, chợ đầu mối nông sản, hệ thống chế biến nông sản, hệ thống trung tâm xúc tiến thương mại.

Bốn là, tạo điều kiện để hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi

Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng chỉ đạo các ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn công khai quy trình, thủ tục để tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vay được nguồn vốn ưu đãi. Theo đó, cán bộ tín dụng phải hướng dẫn cách thức xây dựng dự án một cách cụ thể, dễ hiểu cho các hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, có thể thay tài sản thế chấp bằng diện tích đất liên kết hoặc các trang thiết bị công nghệ của hợp tác xã tham gia liên kết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham mưu UBND các tỉnh có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với những chủ chuỗi là hợp tác xã liên kết đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại địa phương.

Năm là, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, bền vững ở vùng trung du và miền núi phía Bắc

Đối với thị trường trong nước, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, bền vững trên địa bàn đến người tiêu dùng cả nước thông qua các siêu thị, quầy hàng chất lượng cao, hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong vùng và ngoài vùng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực chất lượng cao từng địa phương. Đối với thị trường xuất khẩu, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các bộ ngành có liên quan đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông sản chất lượng cao, chủ lực cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu.

Sáu là, thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thực tiễn, tránh tình trạng chính sách thì có nhưng không thực hiện hiệu quả.

Cung cấp thông tin dự báo cung cầu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm công nghệ cao, hỗ trợ các chủ thể liên kết tham gia bảo hiểm nông nghiệp; khuyến khích liên kết theo hợp đồng và thực hiện nghiêm chế tài khi vi phạm hợp đồng; hoàn thiện và thực hiện cơ chế khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện nghiêm túc chế tài liên kết.

_________________

Ngày nhận bài: 5-9-2024; Ngày bình duyệt: 16-9-2024; Ngày duyệt đăng: 29-10-2024.

Email tác giả: mienvkt@gmail.com

(1) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê Việt Nam 2023, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2024, tr.103.

(2), (4), (6), (9) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn: Toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam 2022, Hà Nội, 2023, tr.28, 29, 8, 50.

(3), (7) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn: Toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam 2023, Hà Nội, 2024.

(5)Tính toán từ số liệu Toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam 2023.

(8) Trung Hiếu - An Hảo: Mô hình liên kết sản xuất nông sản an toàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn La, 2024.

(10) Phát triển kinh tế từ đặc sản vùng biên giới ở Lào Cai. https://lienminhhoptacxa.laocai.gov.vn