Trang chủ    Ảnh chính    Một số giải pháp đột phá nhằm phát huy nhân tố con người trong phát triển đất nước
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 15:54
16705 Lượt xem

Một số giải pháp đột phá nhằm phát huy nhân tố con người trong phát triển đất nước

(LLCT) - Đảng và Nhà nước ta sớm nhận thức rõ vai trò quyết định của nhân tố con người và luôn đặc biệt quan tâm xây dựng con người Việt Nam mới và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tiếp theo tinh thần các Đại hội trước, Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”(1). Vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp đột phá để phát huy có hiệu quả vai trò nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong các chặng đường đấu tranh cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã phát huy được sức mạnh của mỗi con người Việt Nam cũng như của cả dân tộc cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong thời kỳ 1975 -1985, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vai trò của nhân tố con người chưa được nhận thức đầy đủ và cũng chưa có một hệ giải pháp phát huy có hiệu quả vai trò nhân tố con người trong xây dựng, phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước và đề ra những giải pháp nhằm phát huy tối đa nhân tố con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nổi bật là:

Một là, Đảng và Nhà nước ta đã có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn lực con người Việt Nam. Từ khi đổi mới (1986) đến nay, các Đại hội Đảng đều đặc biệt quan tâm tới giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển con người Việt Nam. Ngày 19-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020. Trong đó nêu rõ: mỗi bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Chiến lược được triển khai thực hiện bằng các biện pháp, hành động cụ thể, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả một số cơ chế, chính sách ưu đãi trong công tác đào tạo và thu hút nhân tài (chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, điều kiện và các phương tiện làm việc)... nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám. Đặc biệt là xây dựng và phát triểnđội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý giỏi;đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộkhoa học - công nghệđầu đàn. Đại hội XII của Đảng xác định,phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá quyết định sự phát triển bền vững đất nước.

Hai là, Đảng, Nhà nước đã có cơ chế, chính sách cán bộ tương đối toàn diện, đồng bộ từ quy hoạch nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, sử dụng, đãi ngộ,v.v.. Công tác cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc: “Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút...”(2).

Ba là, Đảng, Nhà nước đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển đất nước. Đảng đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26-3-2004về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm lực và phát huy nhân tố con người của Việt kiều, nhất là những người có tài, các nhà doanh nghiệp đóng góp về vật chất, tinh thần, tài năng cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Bốn là, Đảng, Nhà nước đã xây dựng hệ thống các chính sách đối với từng giai tầng xã hội để phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo; bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; Xây dựng, phát huy vai trò giai cấp nông dân - chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, động viên cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước...

Năm là, Đảng, Nhà nước khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng. Do đó, đã thường xuyên hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc. Chăm lo giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số... Nhờ vậy, đã phát huy cao độ sức người, sức của của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm hoàn thiện chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm, tạo điều kiện các tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Do vậy, nhìn chung đã phát huy được sự đóng góp tích cực của các tín đồ tôn giáo vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì việc phát huy nhân tố con người Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục. Hạn chế này do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngặn chặn, đẩy lùi”(3). Do đánh giá cán bộ không đúng, dẫn đến không xác định đúng yêu cầu, tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ. Do vậy, chưatuyển chọn, sử dụng được nhiều người thực tài, có đức, có tâm. Những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác cán bộ là một điểm yếu cản trở việc phát huy nhân tố con người Việt Nam.

Hai là, công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Chưa chú trọng đúng mức giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc(4)... Vì vậy mà nguồn nhân lực của nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Ba là, chưa tạo ra được môi trường thuận lợi cho việc phát huy tối đa nhân tố con người Việt Nam. Các chính sách nhằm phát huy nhân tố con người dường như đều đã có, nhưng những chính sách này khó đi vào cuộc sống. Không ít người đi học tập ở nước ngoài đã không về nước do không tìm được việc làm phù hợp; không có môi trường làm việc thuận lợi; chế độ tiền lương còn nhiều bất cập; v.v.. Với đội ngũ trí thức còn thiếu môi trường dân chủ trong nghiên cứu khoa học; giai cấp công nhân còn nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần do mức lương thấp, thường xuyên thiếu việc làm; nông dân là người được hưởng lợi ít nhất từ những thành quả của sự nghiệp đổi mới. Với doanh nhân thì còn vướng nhiều cơ chế, chính sách “xin - cho, bao cấp” trá hình cản trở; một bộ phận lớn thanh niên không tìm được việc làm... Những bất cập này đã cản trở việc phát huy nhân tố con người Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, phát huy có hiệu quả nhân tố con người Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước, cần thực hiện một số giải pháp đột phá sau:

Một là, thống nhất nhận thức về phát huy nhân tố con người. Phát huy nhân tố con người là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi người, tạo điều kiện cho mỗi người phát triển toàn diện, phát huy tối đa tài năng, năng lực của cá nhân cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt là phát huy năng lực nhận thức (năng lực trí tuệ, tư duy, xử lý thông tin,v.v..) và hoạt động thực tiễn (năng lực sống, làm việc, ứng xử, thích nghi,v.v..) của con người Việt Nam. Do vậy, khi phát huy được các năng lực của nhân tố con người là phát huy được động lực phát triển của xã hội. Muốn vậy, phải đánh giá đúng năng lực của từng người. Muốn đánh giá đúng năng lực của từng người cần căn cứ vào hiệu quả, kết quả công việc mà người đó đảm nhiệm. Trên cơ sở đánh giá đúng năng lực của từng người mới có giải pháp phát huy đúng sở trường của họ.

Hai là, giải quyết thỏa đáng lợi ích chính đáng, thiết thực của con người. Với mỗi giai tầng, mỗi người đều có các lợi ích kinh tế, chính trị, tinh thần,v.v.. Trong đó, chú ý đặc biệt tới lợi ích kinh tế. Giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân - tập thể - xã hội - dân tộc. Chúng ta đều rõ, động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Lợi ích chính là sản phẩm hoạt động của con người, là sự kết tinh, đối tượng hóa bản chất con người, là cái mang quan hệ xã hội. Triết học Mác-Lênin cho rằng, lợi ích là cái liên kết các thành viên trong xã hội, nó được đặt trong quan hệ giữa con người với nhau và làm cơ sở cho việc xác lập các quan hệ giữa họ. Do vậy, cái làm cho con người tích cực hoạt động chính là lợi ích. Vì vậy, phát huy nhân tố con người đòi hỏi phải giải quyết thỏa đáng và hài hòa lợi íchcá nhân - tập thể - xã hội - dân tộc. Tất nhiên chúng ta coi trọng lợi ích cá nhân chính đáng nhưng chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, cũng chống việc tuyệt đối hóa lợi ích tập thể mà quên lợi ích cá nhân chính đáng.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thiết thực, tạo cơ hội cho mỗi người dân phát huy tối đa năng lực, sở trường đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực tế cho thấy bộ máy nhà nước cồng kềnh, quan liêu, chồng chéo, kém hiệu quả sẽ là lực cản lớn đối với việc phát huy nhân tố con người. Bộ máy cồng kềnh, quan liêu, tham nhũng thì không thể tuyển chọn được người thực tài, thực giỏi, tâm huyết phục vụ, cống hiến cho đất nước. Phải có cơ chế minh bạch để tuyển chọn, sàng lọc, hình thành được đội ngũ công chức nhà nước tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Hiện thực hóa và cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XII: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài”(5). Thực hiệnđổi mới cơ chế, chính sách, xóa bỏ những rào cản, chính sách kìm hãm, trói buộc nhân tố con người. Chẳng hạn như chính sách tiền lương,nếu tiền lương bình quân chủ nghĩa, không phản ánh được hiệu quả công việc, tài năng, trình độ chuyên môn và thời gian cống hiến thì sẽ không thể động viên, phát huy được nhân tố con người. Rà soát để loại bỏ những cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa các vùng, miền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu... Đồng thời, Nhà nước cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho mỗi người được phát huy năng lực, sở trường, tài năng, trí tuệ... của mình cho phát triển đất nước. Như tạo không khí làm việc cởi mở, dân chủ, công khai; điều kiện làm việc thuận lợi, phương tiện thông tin nhanh, kịp thời; bảo đảm cho mỗi người có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; quyền tự do sáng tạo, phát triển ý tưởng khoa học, tạo điều kiện cho mỗi người phát huy hết tài năng sáng tạo.

Bốn là, phát huy dân chủ. Phát huy dân chủ là phát huy vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân. Nhân dân có quyền học tập, lao động sáng tạo, quyền cống hiến, quyền phát huy vai trò của chính mình,v.v.. Nếu nhân dân không phát huy được vai trò của chính mình thì không thể nói đến phát huy nhân tố con người. Phát huy nhân tố con người một nghĩa nào đó cũng là phát huy vai trò của nhân dân. Tuy nhiên, phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, chống dân chủ hình thức. Đảng ta chủ trương:“nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”(6). Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”(7); “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”(8). Trên cơ sở đó, chúng ta mới phát huy tốt nhân tố con người cho phát triển đất nước.

Năm là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc. Có phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì mới phát huy được nhân tố con người Việt Nam. Khi toàn dân tộc đoàn kết nhất trí thành một khối thống nhất thì sẽ tạo ra sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Phải coi thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nhân tố con người. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được hưởng thụ thành quả của đổi mới. Có chính sách cụ thể để phát huy sức mạnh, lợi thế của từng giai tầng, từ công nhân, nông dân, trí thức đến người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc. Không để những khác biệt tôn giáo, dân tộc thành những trở ngại trong phát huy nhân tố con người Việt Nam. Đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết trong giải quyết vấn đề tôn giáo, dân tộc. Thực hiện các chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Kiên quyết đấu tranh chống kỳ thị dân tộc, kỳ thị tôn giáo, chống lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ phát huy có hiệu quả nhân tố con người Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1), (3), (4), (5), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.219, 194, 113-114, 181, 169, 169.

(2), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.261-262, 100.

 

GS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền