Trang chủ    Ảnh chính    Một chiến thắng của sức mạnh tổng hợp và thiện chí hòa bình
Thứ sáu, 02 Tháng 2 2018 18:20
1864 Lượt xem

Một chiến thắng của sức mạnh tổng hợp và thiện chí hòa bình

(LLCT) - Cách đây 45 năm, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thành quả đấu tranh lâu dài bằng quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân ta, thể hiện đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ là đúng đắn, sáng tạo. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chúng ta cần phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu từ  Hiệp định Pa ri.

1. Hiệp định Pa ri năm 1973 về Việt Nam là kết quả của hy sinh xương máu nhiều năm của quân và dân ta trên các chiến trường, đồng thời là đỉnh cao của đấu tranh ngoại giao linh hoạt, có nguyên tắc.

Hiệp định Pa ri được ký kết là một thắng lợi của chúng ta, một thất bại đối với Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam, nhưng không phải là thắng lợi dễ dàng, hoàn toàn chỉ do ngoại giao mang lại. Hiệp định được ký kết là kết quả cuối cùng của gần 5 năm kéo dài của Hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được hai bên tiến hành tại Pa ri từ giữa năm 1968. Điều đáng lưu ý, Hội nghị này không có sự tham gia của bất cứ nước lớn nào khác mà chỉ có 4 bên: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tay sai của Mỹ và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Để đi tới Hội nghị này, quân và dân miền Nam đã trải qua những năm tháng chiến đấu và hy sinh to lớn. Ngay từ sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, Mỹ đã thực hiện âm mưu xâm chiếm miền Nam. Mỹ đã đạo diễn, ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm tay sai ở Miền Nam chống lại ý nguyện tổng tuyền cử thống nhất hai miền Nam Bắc, chống lại nhân dân miền Nam, thi hành chính sách “ diệt Cộng” tàn bạo.

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chuyển sang thực hiện chiến lược  “ chiến tranh cục bộ”, đem hàng trăm nghìn quân tinh nhuệ vào miền Nam trực tiếp tham chiến, quân Mỹ đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự gây tổn thất to lớn cho bộ đội ta ở miền Nam. Ở miền Bắc, từ 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân vô cùng ác liệt, gây thiệt hại cả người và của cho miền miền Bắc suốt 4 năm. Chỉ sau những thất bại quân sự trên chiến trường đặc biệt sau sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam cùng với phong trào phản đối chiến tranh dâng cao của nhân dân Mỹ, tổng thống Mỹ Giôn xơn buộc phải chấp nhận tới Hội nghị Pa ri đàm phán với Chính phủ VNDCCH và Chính phủ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Do vậy, không có hy sinh sương máu của quân và dân ta trên các chiến trường ở cả miền Nam và miền Bắc thì không có Hội nghị Pa ri.

Tuy nhiên suốt 4 năm rưỡi đàm phán, từ 3 tháng 5 năm 1968 đến cuối năm 1972, Mỹ và chính quyền miền Nam Cộng hòa vẫn ngoan cố không chịu thừa nhận những điều khoản cơ bản của Hiệp định như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, chấp nhận rút quân về nước và chấp nhận sự có mặt của bộ đội miền Bắc ở miền Nam. Thực hiện chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh”, từ năm 1969 chính phủ Mỹ đã viện trợ cho chính quyền miền Nam hàng triệu Đô la mỗi năm. Về quân sự, đã giúp xây dựng và huấn luyện quân đội Việt Nam cộng hòa lên tới gần 1 triệu quân với vũ khí rất hiện đại, chi viện không quân và hải quân cho các hoạt động quân sự của quân ngụy Sài gòn chống lại Quân giải phóng miền Nam.

 Sau hai năm ngừng ném bom miền Bắc, từ năm 1970 Mỹ cho máy bay ném bom trở lại một số tỉnh miền Bắc. Đỉnh cao của hành động này là cuối tháng 12 năm 1972, hòng buộc ta phải chấp nhận điều kiện của Mỹ, và giúp ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam có được lợi thế về chính trị và quân sự, chính quyền Ních xơn đã tàn bạo thực hiện chiến dịch ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải phòng. Từ 18 tháng 12 năm 1972 đã tiến hành cuộc tập kích bất ngờ bằng không quân chiến lược B52 và các máy bay hiện đại nhất vào hai thành phố. Với quyết tâm “ đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, Mỹ đã huy động phần lớn số máy bay B52 của không quân Mỹ với hàng trăm lượt trận cùng hàng chục nghìn tấn bom, đã gây những đau thương khủng khiếp như ở bênh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, Hà nội.

Trải qua gần 5 năm đàm phán căng thẳng qua nhiều phiên, chỉ sau quân ngụy Sài gòn thất bại trong các chiến dịch quân sự trong các năm 1971, 1972 và đặc biệt khi quân dân miền Bắc chiến thắng oanh liệt cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà nội và Hải phòng trong 12 ngày đêm, chính quyền Nich xơn mới chịu quay trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pa ri vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, chấp nhận các điều khoản của chúng ta, trong đó có những điều hết sức cốt lõi như:

Điều 1: “Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như đã được công nhận trong Hiệp định Giơ ne vơ 1954 về Việt Nam”.

Điều 4 : “ Hoa kỳ chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”.

Điều 9 : “ Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa kỳ và Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa cam kết tôn trọng những quy định sau về việc thực thi quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam: a) quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, không thể chuyển nhượng và phải được tất cả các nước tôn trọng. b) Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do, dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế. c) Các nước khác sẽ không áp đặt bất kỳ một xu hướng chính trị hay một cá nhân nào lên miền Nam Việt Nam”

Thực ra những điều trên đã được ghi trong Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam rồi. Nhưng chính sự can thiệp và xâm lăng của Mỹ cũng như sự phá hoại của chính quyền tay sai Mỹ đã làm cho điều này sau 19 năm đau thương của nhân dân ta mới được khẳng định lại.

 Đúng như các nhân chứng lịch sử tham gia Hội nghị Pa ri khẳng định, chỉ có sự hy sinh anh dũng và thực lực trên chiến trường của quân và dân ta mới buộc Mỹ và ngụy quyền miền Nam đi tới Hội nghị và ký kết Hiệp định Pa ri lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam.

2.Một chiến thắng lớn về chính trị, ngoại giao đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc năm 1975.

Sau khiMỹphải chấp nhận đàm phán với Chính phủ VNDCCH, ngày 13-5 năm 1968, Hội nghị Paris giữa 2 bên khai mạc. Theo yêu cầu cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ tháng 6 năm 1969 Mỹ buộc phải chấp nhận sự có mặt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày 25-1-1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Pari gồm: Chính phủ VNDCCH, Chính phủ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Trải qua gần 5 năm đàm phán, Hiệp địnhPa ri được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Theo Hiệp định, Mỹ và các đồng minh phải thừa nhận nền độc lập, thống nhất, chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi miền Nam, để công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam do người Việt Nam định đoạt bằng hòa giải, hòa hợp dân tộc, thành lập chính phủ liên hiệp giữa các bên ở miền Nam,tiến tới tổng tuyển cử trong cả nước.

Về mặt quân sự, từ năm 1965 khi Mỹ đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến, thì quân và dân ta cùng lúc phải đương đầu với lực lượng quân sự hùng hậu - vào thời điểm cao nhất tới nửa triệu quân Mỹ tinh nhuệ với vũ khí hiện đại nhất thế giới- và mấy trăm nghìn quân ngụy là một thử thách vô cùng to lớn, bất lợi. Do vậy buộc quân Mỹ và chư hầu rút khỏi miền Nam Việt Nam là thanh toán được một kẻ thù to lớn trực tiếp trên chiến trường, không những là một thắng lợi chính trị, ngoại giao mà còn là một thắng lợi có ý nghĩa quân sự.

Với việc quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, dù vẫn còn lực lượng không nhỏ cố vấn Mỹ ( 23 000 người), viện trợ Mỹ, vũ khí Mỹ, kể cả cam kết ngầm sẽ hỗ trợ không quân cho quân đội Sài Gòn, thì sức mạnh quân sự của ngụy quân đối đầu với quân dân miền Nam đã giảm đi đáng kể. Không những thế mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền ngụy có dịp bộc lộ và phát triển. Mặc dù vẫn được Mỹ cam kết cung cấp viện trợ tài chính, vũ khí, cố vấn quân sự, nhưng một bộ phận giới chính trị và quân sự ngụy quyền đã hoài nghi và tỏ ra bất bình với Mỹ.

Với việc Mỹ phải rút quân, quân ngụy Sài Gòn dù số lượng còn rất lớn ( hơn 900 nghìn quân) và khối lượng vũ khí, kho tàng khổng lồ của Mỹ để lại, song về mặt tinh thần đã ngày càng rệu rã, hoang mang, mất sức chiến đấu. Những hành động hung hăng của chính quyền Sài gòn phá hoại Hiệp định Pa ri, tiến hành các chiến dịch “ tràn ngập lãnh thổ” trước và sau khi có Hiệp định Pa ri nhằm giành dân, lấn chiếm đất đai, tấn công các lực lượng quân giải phóng miền Nam của quân đội Sài gòn chỉ càng làm lộ rõ bộ mặt hiếu chiến, chống cộng và phản bội dân tộc của chính quyền Sài gòn và bị nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ. Cả một cao trào đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa ri dâng lên ở miền Nam. Một “ Lực lượng thứ ba” – Lực lượng đòi hòa bình, dân chủ, trong đó bao gồm các tầng lớp công chức, trí thức, sinh viên, doanh nhân đã phát triển, đặc biệt ở các đô thị, càng tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng, góp phần làm suy yếu hơn nữa chính quyền Sài gòn về mặt chính trị.

Hiệp định Pa ri được ký kết là ràng buộc pháp lý khiến Mỹ không có lý do để đưa quân trở lại Việt Nam khi quân và dân ta tiến hành Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam vào thời điểm năm 1975. Ngay cả hành động hỗ trợ bằng không quân cho quân đội Sài gòn như cam kết ngầm của Nich xơn đối với tổng thống Thiệu cũng không thực hiện được.

Vì vậy có thể khẳng định, Hiệp định Pa ri là một bước thắng lợi quan trọng trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hổ, đúng tư tưởng chỉ đạo chiến lược “ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

3. Bài học về thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vừa nêu cao thiện chí hòa bình vừa kiên quyết kháng chiến giữ nước

Với Hiệp định Pa ri đã thể hiện rõ đường lối chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta: kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vừa nêu cao thiện chí hòa bình, vừa kiên quyết kháng chiến cứu nước. Đường lối này xuất phát từ việc Đảng ta và Bác Hồ thấm nhuần và vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê nin, bài học kinh nghiệm của cha ông trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong quá khứ và đặc biệt bài học kinh nghiệm đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954.

Mặc dù một số nước lớn muốn tham gia Hội nghị Pa ri ngay từ khi mở ra, song quan điểm của Đảng và Bác Hồ là Mỹ phải đàm phán chỉ với nhân dân Việt Nam, cụ thể là với Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa và từ tháng 5 năm 1969 có thêm Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Việt Nam đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Trong quá trình đàm phán, chúng ta đã kiên trì, kiên quyết giữ vững nguyên tắc cơ bản, đòi Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và đồng minh khỏi miền Nam Việt  nam, để công việc của miền Nam do người Việt Nam định đoạt; quân đội nhân dân Việt Nam có quyền ở lại miền Nam. Đây là điều chúng ta rút kinh nghiệm xương máu từ Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954. Lập trường này được Hồ Chủ Tịch nêu rõ trong bức thư ngày 25-8 năm 1969 trả lời tổng thống Mỹ Ních xơn : “ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới.

Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”( 1)

Về phía Mỹ, mặc dù đã bị choáng váng sau dịp Tết Mậu thân năm 1968, song lúc đầu vẫn ngoan cố không chấp nhận nguyên tắc cơ bản trên, đồng thời nêu yêu cầu phi lý đòi Quân đội nhân dân Việt Nam phải rút về miền Bắc, chấm dứt “ xâm lăng miền Nam”. Do vậy Hội nghị Pa ri đi vào bế tắc.

Để đưa Hội nghị tiến triển, ngày 8-5-1969, phái đoàn Chính phủ cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nêu lên một đề nghị có tính đột phá khi đưa ra Giải pháp hòa bình 10 điểmtrong đó nêu rõ Mỹ phải rút quân, thành lập Chính phủ liên hiệp tại miền Nam. Tiếp theo, ngày 26-1-1970, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam chấp nhận ngừng bắn với điều kiện Mỹ phải rút quân, thành lập chính phủ liên hiệp tại miền Nam để Tổng tuyển cử thống nhất với miền Bắc. Những “ nhượng bộ” này sau đó được đưa vào Hiệp định Pa ri. Song không phải đã được Mỹ và chính quyền Sài gòn chấp nhận ngay từ đầu.

Trong gần 5 năm đàm phán, bằng nhiều kênh thông tin, chúng ta làm cho dư luận thế giới hiểu rõ lập trường ngoan cố của Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thiện chí hòa bình của chúng ta, đồng thời kiên quyết không lùi bước bất chấp sự đe dọa của đối phương. Ngày 14-12 năm 1972, tổng thống Nixon gửi thư với tinh thần tối hậu cho phía ta yêu cầu trong 72 giờ đồng hồ phải quay lại ký Hiệp định theo phương án Hoa Kỳ đề nghị, nếu không sẽ ném bom trở lại Bắc Việt Nam. Nhưng với tầm nhìn xa của Hồ Chủ Tịch về hành động Mỹ có thể đem B52 đánh phá Hà nội và với tinh thần “ Hà nội, Hải phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân  Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” ( 2) quân dân ta ở miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng và đánh thắng trận tập kích bằng B 52 trên bầu trời Hà nội cuối năm 1972, trực tiếp buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pa ri cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.   

Với Hội nghị Pa ri, chính nghĩa của nhân dân Việt Nam được thể hiện rõ ràng và ngày càng được thế giới ủng hộ mạnh mẽ hơn. Sức mạnh của dân tộc ta đã có thêm sức mạnh của các lực lượng XHCN, lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới. Do vậy, Hiệp định Pa ri được ký kết không chỉ là thắng lợi ngoại giao của phía ta với Mỹ và tay sai mà còn là thắng lợi của các lực lượng yêu chuộng hòa bình khắp năm châu, kể cả ngay trong lòng nước Mỹ, mong muốn chấm dứt một điểm nóng chiến tranh đã kéo dài 18 năm, lâu nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngày nay, đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhiều cơ hội, song cũng nhiều thách thức. Chính vì vậy càng cần phải thực hiện đường lối đối ngoại khôn khéo và hiệu quả vừa phát triển đất nước, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Để đạt được điều đó, những bài học sau đây từ Hiệp định Pa ri về Việt Nam tháng 1 năm 1973 vẫn còn nguyên giá trị :

- Phải kiên quyết bảo vệ nền độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia đồng thời luôn nêu cao chính nghĩa, thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam trước nhân dân toàn thế giới. 

- Phải biết kết hợp sức mạnh quân sự với sức mạnh chính trị và ngoại giao; kết hợp sức mạnh thống nhất, đoàn kết dân tộc với sức mạnh đoàn kết quốc tế của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.

- Trong đấu tranh ngoại giao phải giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, không để cho các thế lực bên ngoài lợi dụng hoặc can thiệp.

___________________

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, t. 12 , NxbCTQG, H. 2002; tr. 489

(2) Sđ d, t. 12  ; tr.  108

PGS,TS Vũ Hoàng Công    

Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị 

 

 

          

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền