Trang chủ    Ảnh chính    Các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 17:53
1904 Lượt xem

Các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

(LLCT) - Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn bản lề của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, rôbốt, công nghệ nano, công nghệ sinh học... Để phù hợp với xu thế này, nền kinh tế Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội, khắc phục những hạn chế và thách thức, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giản đơn sang nền kinh tế tri thức, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy lợi thế từ tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam để nắm bắt những cơ hội mới mà CMCN 4.0 mang lại.

1. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động

Đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số với nguồn nhân lực chất lượng cao để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực và các hệ thống kết nối
internet. CMCN 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối internet, liên kết thành một hệ thống, thay vì các quy trình sản xuất và phương pháp quản trị trước đây. Nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ nanô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới, khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động, khả năng tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên gấp nhiều lần so với trước đây.

CMCN 4.0 mở ra kỷ nguyên mới để phát triển cả sản xuất và tiêu dùng, khả năng lựa chọn các phương án đầu tư kinh doanh, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, tự động hóa, thúc đẩy sáng tạo, tạo bước đột phá về tốc độ và chất lượng phát triển, phạm vi, mức độ tác động, làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và quản trị xã hội cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh việc phát hiện những nguồn lực mới, nhờ tối ưu hóa các giải pháp công nghệ, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có (công nghệ nhúng, công nghệ phái sinh, năng lực sáng tạo) sẽ làm thay đổi khái niệm cứng về thiết bị, công nghệ, gia tăng tính thích nghi, các nhà quản trị công nghệ không cần thay đổi toàn bộ mà chỉ cần nâng cấp phần mềm, bổ sung những tính năng mới, vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng cho các sản phẩm đầu ra.

Những bước nhảy vọt của công nghệ tự động hóa có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng, điều khiển các phương tiện giao thông và các ngành hỗ trợ khi rôbốt tự động và trợ lý ảo trở nên phổ biến. Những tư vấn khách hàng trong kinh doanh được trả lời bằng rôbốt tư vấn. Trên thị trường tài chính, máy tính có thể nhanh chóng đọc hàng vạn email... tất cả những dịch vụ trên đây sẽ tiết giảm đáng kể chi phí.

Đối với tiêu dùng, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức tiêu dùng, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận lựa chọn với những sản phẩm dịch vụ có chất lượng với chi phí thấp hơn. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, CMCN 4.0 có thể coi là cơ hội vàng để rút ngắn thời gian thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực, CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức, làm thay đổi lớn cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng, sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Tỷ trọng lao động chất lượng cao gia tăng, làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành hai phân đoạn: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và sẽ dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây. Trong tương lai, một số ngành nghề sẽ gia tăng thất nghiệp, những ngành thâm dụng nhiều lao động: nông nghiệp, dệt may, lắp ráp, thủ công, trong khi lao động các ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay...

2. Đổi mới đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục - đào tạo thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

CMCN 4.0 đang đặt giáo dục - đào tạo trước những cơ hội và thách thức mới diễn ra nhanh, các cơ sở đào tạo có thể chưa dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Hiện nay,  hoạt động  đào tạo và nghiên cứu của các cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống, sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục - đào tạo phải đem lại cho người học những kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn của cuộc CMCN 4.0 khi mà nền giáo dục, đào tạo của Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế, cả những yếu tố nền móng và phát triển.

Trong những năm gần đây, những yếu tố nền móng suy giảm, chỉ số HDI giảm dần, cải cách giáo dục tốn nhiều công sức, tiền của nhưng chưa mang lại kết quả như mong đợi, hoạt động đào tạo tự phát, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Nguyên nhân là do thiếu sự tương tác giữa nhà nước và thị trường; thị trường chưa thực sự trở thành căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách cũng như định hướng đào tạo và chưa trở thành căn cứ để đánh giá, tuyển chọn và sử dụng. Tình trạng dư thừa lao động diễn ra phổ biến, gây lãng phí lớn.

Sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam rất yếu. Thiếu thể chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho liên kết, mở rộng quyền tự chủ cho một số lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phối hợp đào tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tổ chức thực hiện và điều kiện triển khai. Phần lớn các cơ sở đào tạo chưa có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các địa phương để thực hiện nghiên cứu ứng dụng với các hình thức thích hợp: nghiên cứu chuyển giao, phối hợp nghiên cứu gắn với những yêu cầu thực tiễn.

Cơ cấu các ngành đào tạo còn tự phát, chưa quan tâm việc định hướng nghề nghiệp, việc chọn ngành học của sinh viên chủ yếu là để bảo đảm cuộc sống hiện tại, chưa chú ý đúng mức đến tiềm năng, kỳ vọng cá nhân, xu hướng phát triển của thời đại và yêu cầu của đất nước. Những sinh viên giỏi về khoa học tự nhiên nhưng lại lựa chọn các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, ngoại thương; dẫn đến nguồn nhân lực để phát triển khoa học công nghệ suy giảm.

Từ những vấn đề nêu trên, để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ CMCN 4.0, hệ thống giáo dục đào tạo nước ta cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là,cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Nâng cao vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương tác với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao. Sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng nguồn nhân lực chất lượng cao. Có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành, đãi ngộ xứng đáng với nhân tài khoa học công nghệ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học công nghệ. Trước mắt, ưu tiên đối với các lĩnh vực nước ta có ưu thế, khoa học cơ bản: toán, vật lý, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học. Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, các ý tưởng, sáng tạo, đưa kết quả của các công trình nghiên cứu vào sử dụng.

Hai là, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công tư. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao. Tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể mà lựa chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp: liên kết nghiên cứu phát triển dưới dạng hợp đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, doanh nghiệp với tư cách là khách hàng thường xuyên của các trường đại học. Hợp tác nghiên cứu sẽ mang lại cho các trường đại học nguồn kinh phí đáng kể để tăng thêm tiềm lực khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo.

Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, sự thành công của liên kết là sự tác động từ 3 phía:

Đối với nhà nước, cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, tạo khung pháp lý cho mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sản xuất kinh doanh, trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tạo động lực cho việc liên kết bền vững; khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm khoa học công nghệ, ngoài khoa học cơ bản, cần trao quyền tự chủ đối với các lĩnh vực khoa học ứng dụng cho nhà trường, viện nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu.

Đối với doanh nghiệp, chủ động đề xuất nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, lựa chọn các đề tài, dự toán kinh phí, chọn cử cán bộ có năng lực tham gia.

Đối với các trường đại học, cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường; đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt.

Ba là, CMCN 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và tâm thế của người lao động. Những kiến thức kỹ năng có thể chia thành 3 nhóm:

- Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo.

- Các kỹ năng về thể chất:  kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối.

- Các kỹ năng về xã hội: giao tiếp, ứng xử, quan hệ, làm việc theo nhóm.

Để chuyển hóa kiến thức, kỹ năng thành hành động, biến tiềm năng thành khả năng hiện thực cần thái độ (tâm thế), bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu.

Để thực hiện được những vấn đề trên đây, có nhiều việc phải làm. Trước hết, cần đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận, trong đó cần nhận diện mô hình tri thức trong thời đại số hóa (nội dung cốt lõi của CMCN 4.0) liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nếu như trước đây, tri thức chủ yếu trong sách vở, trí nhớ của người thầy, thì ngày nay với những tiến bộ của công nghệ, sự phổ dụng của mạng internet và các công cụ truyền thông đa phương tiện, mô hình tri thức cũ sẽ không còn phù hợp khi đối diện với sự phát triển phong phú, đa dạng của thời đại số hóa. Tất nhiên, để tiếp cận và sử dụng nguồn tri thức này, đội ngũ cán bộ, giảng viên ngoài bản lĩnh đổi mới, cần thông thạo về công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ, am tường về phương pháp dạy học, sẵn sàng tiếp cận các mô hình đào tạo mới, đại học sáng tạo, đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng. Trong bối cảnh đối diện với khối lượng tri thức khổng lồ của thời đại số hóa, để sử dụng và chuyển hóa thành tri thức của mình cần phải xử lý, lựa chọn, định vị được hệ tri thức chuẩn gắn với yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.

Bốn là, lựa chọn phương pháp truyền bá tri thức phù hợp với tư duy mới, chuyển từ truyền dẫn đơn tuyến, người học thụ động tiếp thu sang phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; tái cấu trúc  chức năng của người thầy, không chỉ là người truyền thụ tri thức, mà phải vươn lên để trở thành chuyên gia về khoa học, với vai trò tổ chức hướng dẫn học tập. Người học là trung tâm của quá trình đào tạo, không còn thụ động tiếp thu mà trở thành đối tác trong quá trình tương tác tri thức.

Để thực hiện phương pháp này, cần nỗ lực từ 3 phía:

Đối với người thầy, ngoài bản lĩnh đổi mới, cần thông tuệ về tri thức, nhuần nhuyễn về phương pháp dạy học, am tường về tổ chức học tập bằng những trải nghiệm sư phạm: khả năng truyền cảm hứng, gợi mở, dẫn đạo về nhân cách.

Đối với  học viên, cần đổi mới căn bản cách học phù hợp với vai trò “đối tác, tương tác”, nâng cao tính tự giác, chủ động, trách nhiệm có sự chuẩn bị cần thiết, chủ động trao đổi, đối thoại, có chính kiến về những vấn đề còn tranh luận.

Đối với các cơ sở đào tạo, cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi trong hoạt động giảng dạy, học tập, giảm thời gian giảng dạy, tăng thời gian thảo luận, đối thoại, xử lý tình huống, đóng vai, để học viên có cơ hội bộc lộ tri thức, các phẩm chất tâm lý xã hội và vốn sống của  mình. Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất liên quan đến công nghệ dạy, học và nghiên cứu, các phòng học đa năng, phòng trực tuyến, phòng thực nghiệm (ảo) để thực nghiệm các tình huống liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, coi hoạt động nghiên cứu là một trong những nội dung quan trọng để giảng viên sáng tạo đối với những vấn đề cụ thể, thiết thực từ thực tiễn cuộc sống. Để nghiên cứu khoa học đạt được kỳ vọng, trước hết cần xác định nhu cầu nghiên cứu thông qua việc đánh giá nội dung chương trình, phương pháp dạy, học; những điều kiện để thực hiện các mô hình mới... Ngoài việc tham gia đấu thầu các đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước, cần mở rộng hợp tác liên kết, hợp tác với các địa phương dưới dạng phối hợp nghiên cứu, hợp đồng thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hợp tác nghiên cứu sẽ bổ sung nguồn tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, bổ sung nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng các đề tài khoa học.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

Tài liệu tham khảo:

1) Viện hàn lâm KHXH Việt Nam (2016), cuộc  CMCN 4.0 một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

2) Ban kinh tế Trung ương: Cuộc CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, 2016.

3) Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:Tác động của CMCN 4.0 đối với các cơ sở giáo dục đào tạo,  tháng 7-2017.

4) Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Hoàng Lan: Liên kết trường Đại học - Doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ,Tạp chí Giáo dục và đào tạo, tháng 4-2014.

 

PGS, TS Nguyễn Cúc

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền