Trang chủ    Ảnh chính    Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và vận dụng vào thực tiễn hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:43
1875 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và vận dụng vào thực tiễn hiện nay

(LLCT) - Tiếp thu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua, Hồ Chí Minh cho rằng, “thi đua là một đặc trưng của chủ nghĩa yêu nước dưới chế độ xã hội mới”. Dưới chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ, mục tiêu, lợi ích xã hội đều hướng tới phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, khi đó mọi người tham gia thi đua là thể hiện lòng yêu nước, đóng góp sức lực, trí tuệ để xây dựng đất nước; thi đua không chỉ góp phần làm tăng động lực, nghị lực của người lao động, phát huy sáng tạo về trí tuệ trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản xuất, mà thi đua còn có ý nghĩa thể hiện tinh thần yêu nước.

Thi đua yêu nước có vị trí, vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng trước đây, cũng như giai đoạn lịch sử hiện nay. Bởi mục đích của thi đua yêu nước là nhằm động viên cao độ tinh thần cách mạng, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân, biến nó thành động lực cách mạng, tức là làm cho ý thức trở thành lực lượng vật chất khi thâm nhập vào quần chúng.

Sinh thời, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, thi đua là một đặc trưng riêng có trong xã hội xã hội chủ nghĩa, khác với sự cạnh tranh dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì đó là: “Sự cạnh tranh giữa các cá nhân riêng lẻ với nhau, sự tranh đua giữa tư bản với tư bản, giữa lao động với lao động”(1). C.Mác và Ph.Ăngghen nhận định, thi đua nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung của con người, làm tăng thêm nghị lực riêng của từng cá nhân và cả cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Trên ý nghĩa đó, thì việc tổ chức thi đua lẫn nhau giữa những người lao động trong quá trình sản xuất là một hoạt động có tính đặc trưng của chế độ xã hội mới trong tiến trình phát triển.

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về thi đua, V.I.Lênin đã vận dụng trong hoàn cảnh mới, khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền và trở thành người làm chủ. V.I.Lênin khởi xướng, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, tạo ra động lực và sáng kiến lao động mang lại hiệu quả to lớn cho nhân dân Xô viết. Theo V.I.Lênin, chỉ có CNXH mới thực hiện phong trào thi đua theo đúng ý nghĩa của nó. V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại lần đầu tiên đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với quy mô thật sự to lớn...nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền là phải tổ chức thi đua...chỉ có ngày nay mới có điều kiện cho tính tháo vát, tinh thần thi đua, óc sáng kiến mạnh dạn phát huy thực sự rộng rãi trên quy mô thực sự to lớn”(2). Từ thực tiễn của các phong trào thi đua mang lại hiệu quả to lớn, V.I.Lênin khẳng định rằng, thi đua là một đặc trưng nổi bật của sự vận động, phát triển trong một xã hội mà nhân dân làm chủ; thi đua khơi dậy trong mỗi cá nhân, tập thể và toàn xã hội tính chủ động, sáng tạo. Người khẳng định: “Lần đầu tiên chủ nghĩa xã hội đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động, khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận”(3).

Tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi bàn về thi đua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất với các nhà kinh điển, song từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh bổ sung nội hàm mới: Thi đua gắn liền với yêu nước; Yêu nước trở thành mục tiêu của thi đua, đồng thời là hạt nhân làm cho động lực và ý nghĩa của thi đua nâng lên tầm cao mới, thể hiện tính biện chứng, sáng tạo, độc đáo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ thuần túy là góp phần làm tăng động lực, nghị lực của người lao động, phát huy năng lực sáng tạo trong quá trình học tập, nghiên cứu, phát triển sản xuất, mà thi đua còn có ý nghĩa thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước. Điều đó làm cho thi đua không chỉ có tính “phong trào”, mà còn là động cơ phấn đấu thường xuyên, liên tục của mỗi cá nhân và tập thể trong mọi hoạt động, hướng tới mục tiêu trực tiếp và mục tiêu chung. Trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh khái quát về vai trò, vị trí, ý nghĩa của thi đua một cách rất ngắn gọn và súc tích: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(4)

Hồ Chí Minh phân tích, thi đua yêu nước không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hàng ngày, trong lao động sản xuất vật chất, mà còn là hoạt động tinh thần, “tinh thần thi đua” chính là biểu hiện lòng yêu nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Có thể nói, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, gắn thi đua với yêu nước và yêu nước với thi đua, Người đã nhân lên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, để từ đó tạo ra sức mạnh vật chất thật sự, thể hiện sự độc đáo mang bản sắc Việt Nam.

Từ quan điểm của Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, có thể rút ra một số vấn đề lý luận sau đây:

Thứ nhất, thi đua yêu nước là tất yếu khách quan, là một đặc trưng của chủ nghĩa  yêu nước dưới chế độ xã hội mới.

Theo Hồ Chí Minh: “Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm. Chỉ có dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua”(5). Người khẳng định, dưới chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ, mục tiêu, lợi ích xã hội đều hướng tới phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, khi đó mọi người tham gia thi đua là thể hiện lòng yêu nước, đóng góp sức lực, trí tuệ cho đất nước, như thế phấn đấu mới có ý nghĩa. 

Thứ hai, thi đua yêu nước có tính chất quần chúng rộng rãi, phát huy tiềm năng sức mạnh, huy động mọi tầng lớp trong xã hội tham gia.

Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua yêu nước là nhằm tạo ra nguồn lực mạnh mẽ, để phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, phong trào thi đua yêu nước phải tập hợp lực lượng một cách rộng rãi, động viên, khuyến khích, lôi cuốn được mọi người cùng tự nguyện tham gia, đồng sức, đồng lòng hăng say phấn đấu hoàn thành mục tiêu cách mạng. Để thi đua đạt được kết quả cao nhất, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách làm là dựa vào Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân...bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau; Làm cho tốt; Làm cho nhiều”(6).

Thứ ba, thi đua yêu nước có tính toàn diện, thường xuyên, liên tục, lâu dài và thiết thực.

Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người là ý chí không ngừng vươn lên hoàn thiện mình. Do đó, đặt mục tiêu thi đua yêu nước, phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, kết hợp mục tiêu, lợi ích trước mắt và mục tiêu, lợi ích lâu dài. Người  nêu rõ: “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, thi đua không nhất thiết phải đưa ra những mục tiêu to lớn, cao siêu, không phải là việc cao hứng nhất thời, nghĩa là thi đua không phải chỉ cốt lấy thành tích, mang tính hình thức, mà phải tiến hành liên tục, lâu dài, hướng tới lợi ích thiết thực. Đó là bản chất tốt đẹp và cũng là yêu cầu của thi đua yêu nước. Hồ Chí Minh phân tích, muốn phát động phong trào thi đua có hiệu quả, đạt mục đích, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, theo dõi...phải sâu sát, thường xuyên và kịp thời. Trong công tác lãnh đạo, khi phát động phong trào thi đua, phải có mục tiêu cụ thể với từng đối tượng, từng ngành, từng giới. Thi đua ngắn ngày hay dài ngày, từng đợt hay nhiều đợt...đều phải có tổng kết đánh giá kết quả của từng đợt thi đua. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”(7). Có như vậy thì việc phát động thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra được những cá nhân tích cực, sáng tạo, những tập thể biết đoàn kết khắc phục khó khăn để trở thành điển hình tiên tiến, đồng thời cũng chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, yếu kém, những tập thể bị chia rẽ, làm ăn không có hiệu quả, từ đó có biện pháp mà khắc phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: “Thi đua”không phải là “ganh đua”, không được bất chấp mọi mánh khóe để chạy theo thành tích, đạt được thành tích bằng mọi giá; mà tổ chức “Thi đua”là để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng, phải biết tổ chức nội dung thi đua sao cho phù hợp, không câu nệ phô trương hình thức. Ví như đối với thiếu niên nhi đồng, Người căn dặn: “Các cháu phải thi đua tùy theo sức khỏe của các cháu làm được việc gì có ích cho kháng chiến thì thi đua làm việc ấy”(8).

Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp vận động quần chúng thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Người kịch liệt phê phán tư tưởng khoa trương “phát” mà không “động”, hoặc lối làm ăn kiểu “đánh trống bỏ dùi”; “đầu voi đuôi chuột”, “nói thì hay mà làm thì dở”. Người yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành khi phát động thi đua thì phải tổ chức tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra đôn đốc; tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân tập thể đạt được nhiều thành tích, phê bình nghiêm túc những người chưa hăng hái trong công tác thi đua.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy giá trị, ý nghĩa và hiệu quả hết sức to lớn của các phong trào thi đua yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhìn lại thời kỳ những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ XX, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước (26-1-1961), phong trào thi đua được phát động liên tục, rầm rộ và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các ngành, các giới. Mở đầu là phong trào thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), trong công nghiệp có điển hình là nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng). Thi đua với nông dân và công nhân, hàng triệu thầy cô giáo và học sinh hăng hái hưởng ứng cuộc vận động “Hai tốt”trong nhà trường (dạy tốt, học tốt) theo tấm gương điển hình của trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam). Cùng với phong trào thi đua “Ba nhất”trong quân đội (8-1960), đến lúc này tất cả các ngành đều xây dựng được những điển hình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất, Trống Bắc Lýmột thời đã thực sự lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp đầu năm mới 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên đồng bào cả nước:

“Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong...”.

Trong phong trào thi đua vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều tấm gương lao động, chiến đấu quên mình... tạo ra nguồn động lực vật chất quan trọng, nhờ đó đưa miền Bắc vượt qua trở ngại khó khăn, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam - Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, huy động tất cả sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”(9). Người kêu gọi quân và dân miền Bắc: “Hãy đẩy mạnh phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, kiên quyết vượt mọi khó khăn, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam!”(10).

Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước lại dấy lên phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, vừa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đồng thời kiên quyết chiến đấu giải phóng miền Nam. Thể hiện tập trung nhất tinh thần thi đua yêu nước là các phong trào “Ba sẵn sàng”trong thanh niên và “Ba đảm đang”trong giới phụ nữ. Từ tháng 2-1965 đến tháng 5-1965, qua ba tháng phát động, đã có 2,5 triệu nam nữ thanh niên miền Bắc hăng hái ghi tên tình nguyện “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”. Đồng chí Trường Chinh đã đánh giá: “phong trào “Ba sẵn sàng” thực sự là một phong trào cách mạng rộng lớn của quần chúng thanh niên, là chiến trường lập công của tuổi trẻ, là trường học bồi dưỡng một thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”(11).

Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng”, phong trào “Ba đảm đang” là một cuộc vận động lớn trong giới phụ nữ Việt Nam. Từ tháng 3 đến tháng 5-1965 đã có 1,7 triệu chị em ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”, giỏi việc nước đảm việc nhà. Đánh giá về phong trào này, đồng chí Lê Duẩn đã nhận định: “Với phong trào “Ba đảm đang” một phong trào cách mạng sôi nổi, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của kháng chiến, chị em phụ nữ đã gánh vác một nhiệm vụ vô cùng trọng đại là xây dựng và củng cố hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, thường xuyên tạo cho tiền tuyến một sức mạnh vật chất là một nguồn động viên tinh thần vô giá”(12). Có thể nói, thông qua các phong trào “Thi đua ái quốc”, Đảng ta đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam, từ trẻ đến già, từ miền xuôi đến miền ngược, ra sức đóng góp công sức của mình cho đất nước. Thực tế lịch sử cho thấy, các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực và vô cùng to lớn. Chính nhờ những phong trào thi đua ái quốc mà cả dân tộc ta đoàn kết thành một khối, biến trí tuệ, tinh thần, của cải của nhân dân thành sức mạnh, thành lực lượng vật chất để chiến thắng kẻ thù, giành được thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Hiện nay, dù điều kiện khách quan có sự thay đổi, nhưng có thể khẳng định rằng, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thi đua yêu nướctrong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế vẫn giữ nguyên giá trị. Bởi  ý nghĩa cao cả và tính thời sự của tinh thần thi đua yêu nước - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích - có giá trị nhân văn sâu sắc. Phong trào thi đua yêu nước tiếp tục động viên, phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm phấn đấu của mỗi cá nhân và cả dân tộc vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, chúng ta quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, động viên nhân dân, đoàn kết dân tộc, biến tiềm năng trí tuệ, tinh thần, sức lực của các tầng lớp nhân dân thành sức mạnh, kết hợp các nguồn lực bên trong với bên ngoài, yếu tố dân tộc và quốc tế, tạo lên sức mạnh tổng hợp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh và tình hình mới, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, phải luôn luôn thấm nhuần lời dạy của Người: “Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là, cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là, kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”(13). Tức là muốn thi đua có kết quả, thì ngoài công tác tuyên truyền, động viên mọi người hưởng ứng, cán bộ tổ chức phải đi sâu đi sát phong trào, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn và đặc biệt là phải quyết tâm thực hiện mục tiêu để giành thắng lợi. Để tổ chức phát động phong trào thi đua có hiệu quả, phải quán triệt và vận dụng đúng đắn phương pháp thi đua mà Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, tránh tình trạng tổ chức, phát động thi đua theo lối khoa trương, hình thức. Mục tiêu thi đua ngày hôm nay phải gắn liền với mục tiêu của sự nghiệp đổi mới; cùng với thi đua lao động sáng tạo, tăng năng suất lao động... phải thi đua tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Thi đua phải có mục tiêu cụ thể, có tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Mỗi phong trào thi đua, dù ngắn hay dài, đều phải động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho cá nhân, tập thể lập thành tích trong phong trào thi đua, đồng thời phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thi đua kế tiếp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Chỉ có như vậy, thi đua mới trở thành phong trào của quần chúng và mới thực sự có ý nghĩa.

Cần đổi mới cách thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua theo hướng thiết thực, tiết kiệm, tránh khoa trương và bệnh thành tích trong thi đua. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn mà đề ra mục tiêu và hình thức phát động, các phong trào thi đua phải phù hợp với từng đối tượng (ngành nghề, môi trường, lứa tuổi..); trong phong trào thi đua phải xây dựng, phát hiện được những cá nhân, tập thể điển hình, đặc biệt chú ý phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu; xây dựng môi trường thi đua dân chủ, bình đẳng, khuyến khích và có chính sách bồi dưỡng (cả về chuyên môn, nghiệp vụ và vật chất) cho cán bộ làm công tác thi đua chuyên nghiệp. Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác thi đua khen thưởng. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích thi đua, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo trong lao động học tập và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xử lý nghiêm túc đối với các đối tượng vi phạm quy chế, vi phạm Luật thi đua khen thưởng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.773.

(2), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.325-328, 234-235.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.406.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.495.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.444.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.92.

(8) Thư gửi các cháu nhi đồng, Báo Nhân dân,số 25 ngày 13-9-1951.

(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.439, 439.

(11) Bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội “Ba sẵn sàng” toàn miền Bắc (5-1973), Báo Tiền phong, ngày 11-5-1973.

(12) Lời phát biểu của đồng chí Lê Duẩn tại Đại hội phụ nữ Việt Nam lần thứ IV (ngày 7-3-1974).

(13) Hồ Chí Minh:Toàn tập,t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.388.

 

PGS,TS Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền