Trang chủ    Ảnh chính    Hội thảo khoa học: “Đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Thứ sáu, 30 Tháng 11 2018 23:12
2628 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3-12-1908 – 3-12-2018), sáng 30- 11- 2018, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; GS, TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Viện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Ninh; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Ngô Gia Tự; đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tới dự và đưa tin.

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Xứ Kinh Bắc (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có bề dày truyền thốngvăn hiến, khoa bảng; được hun đúc bởi truyền thống anh dũng chống ngoại xâm của quê hương; trực tiếp chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, Ngô Gia Tự đã sớm hình thành tinh thần yêu nước, tư tưởng cách mạng và quyết tâm đấu tranh chống lại ách thống trị của ngoại bang.

Năm 1926, ở tuổi 17, Ngô Gia Tự  đã sớm hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925); đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926). Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước chuyển quan trọng về tư tưởng và lập trường chính trị, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Ngô Gia Tự. Từ một thanh niên yêu nước, Ngô Gia Tự đã lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc). Trở về từ lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp cho cách mạng, trở thành một trong những yếu nhân của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), Bí thư chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930).

Bị bắt khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Ngô Gia Tự đã phải trải qua mọi đòn roi, tra tấn ác liệt của kẻ thù tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và địa ngục trần gian Côn Đảo, nhưng không khuất phục được ý chí đấu tranh, tinh thần cách mạng tiến công, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng của đồng chí.

Hy sinh trong cuộc vượt biển để trở về với cách mạng ở tuổi 27, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất của đời người, Ngô Gia Tự đã để lại tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay học tập và noi theo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Đồng chíNgô Gia Tựlà một trong những nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người đảng viên cộng sản: tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách. 

Trong công tác, đồng chí luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bất kỳ ở đâu, làm gì, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời đúc kết kinh nghiệm để mọi hoạt động trở thành thiết thực, hiệu quả. Đồng chí Ngô Gia Tự đã nêu một tấm gương sáng về lẽ sống của người cộng sản, sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng và cách mạng.

Nhớ về đồng chí Ngô Gia Tự, chúng ta tự hào về một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc; bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự đối với đất nước, quê hương. Tưởng nhớ đồng chí, chúng ta nguyện học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: Kỷ  niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ôn lại cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng, tấm gương hết lòng vì Đảng, vì đất nước của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nguyện noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh.

Trong tham luận: Đồng chí Ngô Gia Tự trong vai trò Bí thư Xứ ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ, GS, TS Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định:

Tiếp nối trách nhiệm trọng đại mà Đông Dương Cộng sản Đảng giao phó, tháng 7 -1929, Ngô Gia Tự được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cử vào hoạt động ở Nam Kỳ để gây dựng tổ chức cách mạng. Tại đây, Ngô Gia Tự đã dấn thân vào phong trào công nhân, lập ra nhiều tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, không chỉ là ở Sài Gòn - Gia Định mà còn ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Bản thân Ngô Gia Tự trực tiếp làm công nhân, năng nổ và nhiệt tình đi gây cơ sở cách mạng, giác ngộ được nhiều người đi theo. Những hoạt động của Ngô Gia Tự và các đồng chí đã tác động lớn đến phong trào yêu nước, phong trào công nhân Nam Kỳ, đặc biệt là góp phần tích cực cho sự ra đời của các tổ chức cách mạng khác, trong đó có An Nam Cộng sản Đảng. Ngô Gia Tự đặc biệt chú ý tới công tác tuyên truyền, giáo dục những người yêu nước để họ giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, huấn luyện cho những người cộng sản mới về phương pháp, phong cách làm việc. Ngô Gia Tự nhìn thấy ba điểm chốt của việc bố trí tổ chức Đảng để tập trung vào: một là tổ chức Đảng ở Nhà máy Ba Son (Sài Gòn) là nơi đông công nhân với khí thế đấu tranh mạnh mẽ từ trước; hai là tổ chức Đảng ở sản nghiệp đồn điền Cao su Phú Riềng; ba là vùng nông thôn với xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho - miền Tây Nam Bộ). Từ ba điểm chốt này phong trào cộng sản lan rộng ra khắp các địa bàn Nam Kỳ.

Theo GS, TS Mạch Quang Thắng, nghiên cứu về cuộc đời của Ngô Gia Tự với chức trách là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ năm 1930 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước - cộng sản hiện nay những giá trị: Trước hết, đó là tinh thần trách nhiệm rất cao cả của người cộng sản; Hai là, phải sáng suốt trong lãnh đạo phong trào cách mạng; Ba là, phải chú trọng tìm cách làm lan tỏa gương sáng của Ngô Gia Tự. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Ngô Gia Tự là một dịp để những người Việt Nam yêu nước, những người cộng sản không những nhìn về Ngô Gia Tự mà còn là dịp nhìn lại chính mình. Đấy là cái nhìn thiết thực nhất để phấn đấu cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam, làm cho dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất khẳng định, với vai trò lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào “vô sản hóa” là một chủ trương độc đáo, sáng tạo của những người yêu nước, cách mạng Việt Nam hướng tới lý tưởng đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, một nước phong kiến, thuộc địa, giai cấp vô sản còn non trẻ, đang phát triển và hoàn toàn cần thiết để đưa lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, mục tiêu chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Không chỉ các cán bộ cách mạng trẻ tuổi được rèn luyện trong công việc và đời sống của giai cấp công nhân mà phong trào vô sản hóa đã góp phần giác ngộ sâu sắc và thúc đẩy giai cấp công nhân, phong trào công nhân phát triển, chuyển biến mạnh mẽ từ đấu tranh tự phát lên tự giác. Kết quả của phong trào “vô sản hóa”, nhiều cán bộ đã được tôi luyện, trưởng thành, có những đồng chí sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt.., cùng với hàng loạt cơ sở cách mạng được xây dựng trên phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân. Phong trào vô sản hóa với vai trò nổi bật của Ngô Gia Tự đã thúc đẩy các điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mau chín muồi.

Trong tham luận: “Hoạt động và đóng góp của đồng chí Ngô Gia Tự trong Ban Chấp ủy Nhà tù Côn Đảo”, PGS, TS Trần Trọng Thơ (Viện Lịch sử Đảng) nêu rõ: Trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo, người chiến sĩ cộng sản kiên trung và tài ba Ngô Gia Tự đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phosử đấu tranh oanh liệt của Đảng tại nhà tù Côn Đảo. Đồng chí đã là người chủ trì, người đứng đầu, có vai trò quan trọng trong phát triển chi bộ Đảngnhà tù Côn Đảo, thống nhất và mở rộng tổ chức quần chúng, người đầu tiên tiến hành gắn kết tổ chức Đảng và cuộc đấu tranh ở Côn Đảo với hệ thống tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng trên cả nước; là hạt nhân tổ chức và chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh trong tù, góp phần biến nhà tù Côn Đảo thành trường học cách mạng; góp phần đưa chi bộ đảng nhà tù Côn Đảo thành tổ chức tiên phong trong số các tổ chức đảng được tổ chức trong tù. Đặc biệt, đồng chí đã đưa ra những luận điểm sáng tạo về công tác đấu tranh mang tầm lý luận, có tính chất định hướng hoạt động cho những người cộng sản bị đế quốc giam giữ trong nhà tù Côn Đảo và trong các nhà tù  khác do địch thiết lập trên đất nước trước 30- 4-1975, góp phần vào công tác xây dựng Đảng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Trong tham luận: “Nhân cách Ngô Gia Tự”, PGS, TS Bùi Đình Phong, nêu rõ: chất con người Ngô Gia Tự, đó là chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn, chất đạo đức thể hiện trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Nhân cách đồng chí Ngô Gia Tự thể hiện ở những đặc điểm chủ yếu sau: Thứ nhất, Ngô Gia Tự là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ, đi vào con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra; Thứ hai, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi đôi với làm, hòa mình vào quần chúng; Thứ ba, năng lực nhận thức và hành động theo quy luật, tôn trọng quy luật; Thứ tư, tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất, nêu cao phẩm chất cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết, một lòng vì nước, vì dân.

Theo PGS, TS Bùi Đình Phong, học nhân cách Ngô Gia Tự, mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay phải đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, lên trước hết;  tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc.

Với gần 40 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, xác định các nhân tố: quê hương, gia đình, dòng họ, dân tộc, thời đại và những phẩm chất cá nhân tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách, con đường, chí hướng cứu nước, cuộc đời của đồng chí Ngô Gia Tự.

Thứ hai, khẳng định những đóng góp và vai trò quan trọng của đồng chí Ngô Gia Tự đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện: Người khởi xướng phong trào “vô sản hóa” đặt tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam; Người có những đóng góp quan trọng trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Người cộng sản kiên trung, bất khuất, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thứ ba, tư tưởng, nhân cách cao đẹp của đồng chí Ngô Gia Tự có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc đổi mới hiện nay. Điều này được thể hiện rõ nét qua cuộc đời hoạt động cách mạng, phong cách công tác và tấm gương đạo đức trong sáng của đồng chí.

Minh Phương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền