Trang chủ    Ảnh chính    Làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong cán bộ, đảng viên hiện nay
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 15:29
1325 Lượt xem

Làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong cán bộ, đảng viên hiện nay

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhấn mạnh: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”(1), sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Do đó, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Bài viết tập trung làm rõ việc làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng các cấp trong giai đoạn hiện nay.

1. Tấm gương Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương là tư tưởng xuyên suốt cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi nói chuyện với đồng bào trước khi sang Pháp đàm phán (30-5-1946), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó. Ngày nay vâng lời Chính phủ, theo ý quốc dân, tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”(2). Ngay ngày hôm sau, được biết nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào Nam Bộ lo lắng vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ như thế nào, Hồ Chí Minh có Thư gửi đồng bào Nam Bộ, nói rõ: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”(3). Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tại phiên họp ngày 31-10-1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố trước Quốc hội: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài...”(4).

Những lời dẫn trên đây là tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là tấm gương của Người về nêu cao tinh thần trách nhiệm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tinh thần trách nhiệm của Hồ Chí Minh trước nhân dân thể hiện ngay từ những việc nhỏ nhất, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Người chỉ rõ, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Như vậy, để “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, người cán bộ, đảng viên phải đặt trách nhiệm chính trị trước dân lên hàng đầu. Vì phụ trách trước dân cũng là phụ trách trước Tổ quốc, trước Đảng và Chính phủ. Hồ Chí Minh còn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống các bệnh thờ ơ, vô trách nhiệm; đùn đẩy trách nhiệm trước khó khăn của nhân dân; cẩu thả, làm cho qua chuyện; dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi; không dám chịu trách nhiệm về hậu quả sai; không dám chịu phê bình trước dân; không dám quyết tâm sửa chữa khuyết điểm; quan liêu, mệnh lệnh;..

Việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay cũng tập trung vào vấn đề này, vì nó liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Nếu thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy sự phát triển công cuộc đổi mới, ngược lại nếu làm không tốt, thì Đảng “cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(5).

2. Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực

Đa số cán bộ, đảng viên đã gương mẫu trong việc tuyên truyền và bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bước đầu tự soi, tự sửa và tham gia tích cực trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhiều cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng về sự khiêm tốn, giản dị; có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi với nhân dân; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

 Nhiều tấm gương trong nếp sống văn minh, văn hóa công sở... Ở một số địa phương đã xuất hiện những tấm gương cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung như ở tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An, Bình Thuận,.. với phong trào hiến đất mở đường, xây dựng trường học, xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Bốn xin”: xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép và phương châm “Bốn luôn” luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ trong Bộ Giao thông vận tải. Phong trào “Ba xây”: xây dựng tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân; xây dựng tinh thần tự giác học tập; xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ và phong trào “Ba chống”: chống quan liêu, hách dịch; chống tham ô, lãng phí; chống bè phái, cục bộ trong Bộ Y tế. Hậu Giang thực hiện phong trào “Ba không”: không phiền hà, sách nhiễu nhân dân; không thờ ơ trước bức xúc của nhân dân; không nhận hối lộ dưới bất cứ hình thức nào, “Ba đúng”: đúng nội quy, quy chế làm việc, đúng quy trình, đúng hẹn; đúng pháp luật, công tâm, khách quan, “Ba nên”: nên vui vẻ, nên xin lỗi khi làm sai; nên cảm ơn khi nhân dân đóng góp và “Ba chống”: chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, thiếu trung thực; chống biểu hiện tham vọng chức quyền, gia trưởng, độc đoán, trù dập; chống đùn đẩy trách nhiệm, chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ...

Trong việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng, có nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã gương mẫu thực hiện với tinh thần xây dựng, cầu thị, tự giác tạo chuyển biến tích cực.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có hướng xử lý phù hợp. Chẳng hạn tại tỉnh Bắc Ninh đã có 1.700 cuộc đối thoại trực tiếp với dân ở cả ba cấp, trong 5 năm có 269 lượt các đồng chí Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt chi bộ, 1.890 lượt cấp ủy viên cấp huyện dự sinh hoạt chi bộ, định kỳ bí thư huyện ủy giao ban với bí thư, trưởng thôn, bản, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản.. để kịp thời lắng nghe những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Tỉnh Bắc Giang ban hành Quy định về chế độ tiếp xúc, đối thoại của các đồng chí Tỉnh ủy viên với nhân dân.  Xây dựng chương trình đối thoại trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh Bạc Liêu có chuyên mục “dân hỏi, chính quyền trả lời” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tỉnh Hải phòng có chuyên mục “dân hỏi, Giám đốc Sở trả lời” trên Đài phát thanh- Truyền hình thành phố; Đồng Tháp có mô hình “Chính quyền đối thoại với nhân dân” qua sóng phát thanh... Qua đó, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên.

Trong công tác, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã nêu gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, không ngại khó khăn sẵn sàng nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công. Chẳng hạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thay thế người đứng đầu sở, ngành 3 năm liên tục xếp loại trung bình về cải cách hành chính, nhờ đó công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2016 đã tăng lên 5 bậc so với năm 2015, xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố). Ở tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long, Bạc Liêu...có mô hình “làm hết việc chứ không hết giờ”.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong thời gian qua, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện nêu gương ở một số cán bộ, đảng viên, đó là:

Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí cả cán bộ chủ chốt các cấp chưa thể hiện rõ vai trò tiền phong, gương mẫu. Hai năm 2017-2018, có 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật của Đảng, có người phải xử lý bằng pháp luật; trong đó có 11 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ 01 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII(6). Trong số cán bộ bị kỷ luật, có đồng chí Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: vi phạm trong việc ban hành chủ trương, nghị quyết, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; góp vốn, chỉ định thầu; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án. Đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm người trong gia đình, người thân. Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Đồng chí Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm người trong gia đình, người thân...(7).

Tình trạng ngại đọc, lười học, lười nghiên cứu lý luận chính trị vẫn còn phổ biến. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt thiếu gương mẫu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong với các biểu hiện như: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, trục lợi; lạm dụng tài sản công (quỹ công, xe công, nhà công vụ...); thiếu trung thực trong kê khai thu nhập, tài sản.

Một số địa phương, người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không có chính kiến trước những vấn đề mới, khó; chưa tận tâm, tận lực trong công việc.

Công tác sơ kết, tổng kết về thực hiện Quy định nêu gương còn nhiều hạn chế. Hằng năm chưa có báo cáo riêng về thực hiện trách nhiệm nêu gương. Việc phát hiện, xây dựng gương người tốt, việc tốt và tổng kết mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng và biểu dương, khen thưởng chưa được kịp thời.

Những khuyết điểm, hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau: Công tác tuyên truyền thực hiện các quy định về nêu gương chưa đầy đủ, kịp thời. Cán bộ giữ vị trí là người đứng đầu chưa nêu cao ý thức trong việc nêu gương;  chưa quyết liệt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định nêu gương; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức của Đảng; thiếu tu dưỡng rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân.

3. Phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém về trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng các cấp trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định số 08-QĐi/TW về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” nhằm tác động sâu sắc tới nhận thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, cần phải đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền để mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện. Đối với các tổ chức Đảng thì chi bộ phải là nơi đảng viên thường xuyên nghiên cứu, trao đổi, học tập Nghị quyết của Đảng. Lấy chi bộ là cơ sở để tổ chức học tập và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.

Thứ hai, tất cả đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu sẽ tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ, làm xoay chuyển tình hình theo hướng tích cực trong toàn hệ thống chính trị. Trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân; tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức, chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm; lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.

Thứ ba, người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiên phong gương mẫu nói đi đôi với làm. Cần tránh lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Không can thiệp những việc làm trái quy định như đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân. Không can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

Thứ tư, động viên, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, có quy định rõ và có cơ chế giám sát chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc nêu gương. Quy định cụ thể: Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị vừa phải có trách nhiệm nêu gương, vừa phải chịu trách nhiệm phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tổ chức mình lãnh đạo, phụ trách. Kiên quyết và kịp thời cho thôi chức đối với người đứng đầu thiếu gương mẫu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm kỷ luật Đảng; không thực hiện việc “xử lý nội bộ”, điều chuyển lên trên đối với người đứng đầu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Xây dựng tiêu chí đánh giá, xác định tư cách của người đứng đầu, trong đó quy định rõ người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm về việc cán bộ thuộc tổ chức mình lãnh đạo, phụ trách không thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Thứ năm, việc nêu gương phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy đảng cần bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa thành phong trào sâu rộng trong xã hội. Có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân tích cực và xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức đảng và đoàn thể trong sạch vững mạnh. Trong việc lựa chọn để nêu gương, chú ý những tấm gương mặc dù làm những công việc bình thường nhưng thật sự điển hình tiên tiến, thật sự tận tâm, tận lực vì công việc, vì tập thể tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để có sức lay động và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện. Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102- QĐ/TW ngày15-11-2017, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Căn cứ vào quy định của Đảng, các cấp ủy đảng cần quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên. Việc kiểm tra, giám sát đối với đảng viên không chỉ trong công việc, ở công sở mà phải mọi lúc, mọi nơi. Bởi vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy nơi đảng viên công tác với cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên cư trú. Đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực giám sát của tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.54.

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.272-273, 280, 478.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 326.

(6) Thông báo Kết luận tại phiên họp lần thứ 14 ngày 20-8-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

(7) Ban Tuyên Giáo Trung ương:Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.117.

ThS Võ Châu Thảo

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền