Trang chủ    Ảnh chính    Hoạch định và thực thi chính sách biển Việt Nam trong tình hình mới
Thứ hai, 18 Tháng 1 2021 10:57
1180 Lượt xem

Hoạch định và thực thi chính sách biển Việt Nam trong tình hình mới

(LLCT) - Nghiên cứu, xây dựng và hoạch định chính sách biển là vấn đề căn bản đối với các quốc gia ven biển. Nhận thức và giải quyết hiệu quả các vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách biển có vai trò quyết định tới thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển các lĩnh vực kinh tế biển nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chính sách biển phải bám sát thực tiễn, chính xác, linh hoạt, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.

Từ khóa: hoạch định, chính sách biển, Việt Nam.

1. Đổi mới tư duy chiến lược về chính sách biển

Tư duy chiến lược về chính sách biển là tư duy về những vấn đề tổng thể, vĩ mô, xuyên suốt quá trình hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách biển, bao gồm phát triển và sử dụng hiệu quả các tiềm lực quốc gia, các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực thi pháp luật trên biển, đẩy mạnh kinh tế biển, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm ứng phó các tình huống chiến lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tư duy chiến lược trong chính sách biển ảnh hưởng trực tiếp đến việc dự báo, hoạch định phương hướng cho toàn bộ các lĩnh vực của chính sách biển mà tâm điểm là bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển và phát triển các lĩnh vực kinh tế biển (vận tải biển, cảng biển, đóng tàu, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên biển...), đồng thời định hướng, điều tiết tổng thể đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển như lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Dân quân tự vệ biển.

Bối cảnh thế giới và khu vực hiện đang có nhiều bất đồng, mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền biển đảo, thậm chí một số khu vực đã trở thành điểm nóng, trong đó có Biển Đông. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua trở thành cường quốc biển diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh quyết liệt trên lĩnh vực kinh tế biển. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy chiến lược và nâng cao chất lượng quản lý của Nhà nước về hoạch định và thực thi chính sách biển. Cần thay đổi tư duy chiến lược theo hướng đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Chiến lược phải bao hàm phát triển toàn diện với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể.

Chất lượng quản lý vĩ mô của Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng - an ninh trên biển và các ngành kinh tế biển cần được nâng cao nhằm xây dựng và hoàn chỉnh các nội dung của chính sách biển, cụ thể hóa các quy phạm về quản lý và khai thác biển đảo nhằm tăng hiệu lực thực thi. Tiếp tục phát triển các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển vững mạnh, toàn diện về mọi mặt; đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển với tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị sức mạnh tổng hợp để ngăn ngừa và sẵn sàng tiến hành thắng lợi chiến tranh trên biển đảo nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

2. Tăng cường nghiên cứu, dự báo sự phát triển chiến lược biển của các nước trên thế giới

Dự báo khoa học là một phần không thể thiếu của công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn nói chung. Nghiên cứu, dự báo chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển và phát triển các lĩnh vực kinh tế biển là rất cần thiết trong công tác tham mưu hoạch định và triển khai chính sách biển, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Hiện nay, trên thế giới và trong khu vực đã, đang và sẽ xuất hiện các tình huống cũng như xu thế mới mang lại thời cơ và thách thức, hợp tác và đấu tranh, đối tượng và đối tác trong hoạch định và thực thi chính sách biển.

 Nghiên cứu và dự báo chiến lược bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển đảo và phát triển kinh tế biển cần phân tích khả năng xuất hiện tình huống, xu thế mới, một mặt làm cơ sở xây dựng luận chứng, tham mưu chiến lược cho Đảng và Nhà nước, mặt khác, định hướng cho nghiên cứu cơ bản về chính sách biển trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế biển, hợp tác quốc tế về biển, phân định biển, bảo vệ môi trường biển theo quan điểm phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có sự biến chuyển phức tạp, vừa thuận lợi vừa khó khăn, thì công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược cần tập trung dự báo sự phát triển mới của lý luận và thực tiễn cũng như sự tác động của nó đến chính sách biển Việt Nam.

Trước hết, cần tập trung luận giải các khía cạnh mới trong lý luận về bảo đảm quốc phòng - an ninh trên các vùng biển đảo, như sự thể hiện mới trong bản chất, tính chất của bảo đảm quốc phòng - an ninh biển đảo, phương thức, lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa. Thực tiễn đòi hỏi cần tăng cường nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển của chính sách biển trong thế giới đương đại, chỉ ra những định hướng cơ bản để hoạch định và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hoạch định đường lối, chính sách biển của một quốc gia cần gắn với việc nghiên cứu, dự báo về chính sách biển của các nước trên thế giới. Trên thực tế, có quốc gia thiên về xây dựng và thực thi chính sách biển trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, có những nước tập trung thực thi chính sách biển trong lĩnh vực kinh tế và cũng có trường hợp xoay quanh vấn đề quyền lực trên biển. Song nhìn chung, trên thế giới đã và đang xuất hiện một cuộc cách mạng mới trong hoạch định chính sách biển với nhiều biến đổi sâu sắc, nhiều bước nhảy vọt cả về tư tưởng - lý luận, phương thức tổ chức và hoạt động của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo và các thành phần phát triển kinh tế biển, cũng như về chất lượng nguồn nhân lực và vũ khí, trang bị quân sự, cơ sở hạ tầng. Do đó, cần nghiên cứu chính sách biển của các nước trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời hiểu rõ đối phương, đề cao cảnh giác và có thể xây dựng phương thức, biện pháp ứng phó cần thiết.

3. Tổng kết thực tiễn, phát triển hệ thống lý luận về chính sách biển

Trước hết, cần khẳng định tính tất yếu xây dựng hệ thống lý luận trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện chính sách biển của Việt Nam cả về những nguyên tắc và định hướng cơ bản bao gồm chiến lược quốc gia, chiến lược ngành, chuyên ngành, kế hoạch chiến lược... mà ở mỗi cấp độ, các vấn đề cơ bản của chính sách phải được thực hiện đầy đủ và sâu sắc. Trước mắt, cần xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quan điểm về xây dựng chính sách biển, các văn kiện chiến lược về biển đảo, chiến lược xây dựng chính sách biển trong tình hình mới.

Cần khái quát một số vấn đề cơ bản trong tham mưu chiến lược về hoạch định và triển khai chính sách biển để có nhận thức sâu sắc hơn, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề chiến lược của chính sách biển Việt Nam một cách có cơ sở khoa học. Việc nhận thức và giải quyết từng vấn đề hay từng lĩnh vực của chính sách biển luôn dựa trên tiền đề cơ sở, đồng thời trở thành động lực của việc nhận thức luận và giải quyết các vấn đề khác có liên quan trong một chỉnh thể thống nhất. Đó là logic đi từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và dự báo khoa học để đề ra quyết sách. Đồng thời từ tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện quyết sách để khái quát thành hệ thống lý luận cơ bản, mang tính chính thống. Do vậy, để hoạch định và triển khai thực hiện chính sách biển Việt Nam một cách bền vững, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, cần có những giải pháp đồng bộ và khả thi, trong đó cần bổ sung, sửa đổi những vấn đề còn bất cập của nội dung chính sách biển hiện hành.

4. Một số phương hướng và giải pháp thực thi chính sách biển hiện hành của Việt Nam

Thứ nhất, Nhà nước cần tập trung xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày càng vững mạnh, toàn diện về mọi mặt. Các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền vừa duy trì việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan, cụ thể là lực lượng Hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và kiểm ngư phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Phương tiện và trang thiết bị và của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo phải có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Thứ hai, cần xác định rõ vai trò của các lĩnh vực kinh tế biển; hệ thống chính sách phát triển kinh tế biển phải đồng bộ và cụ thể, tránh chung chung, dàn trải. Các vùng biển đảo Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng hiện nay phát triển kinh tế biển đang dưới mức tiềm năng đó. Nguyên nhân căn bản là do chính sách kinh tế biển chưa hoàn thiện, một số lĩnh vực chưa có sự phát triển đột phá, nhất là cảng biển và vận tải biển. Do đó, đầu tư kinh tế biển phải tương xứng với tầm nhìn dài hạn: xây dựng hệ thống cảng biển, phát triển hệ thống vận tải biển, lĩnh vực khai thác tài nguyên biển đủ sức vươn ra xa trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Thứ ba, chính sách về biển phải thể hiện rõ mục tiêu phân định biển, vừa bảo đảm hòa bình và ổn định vừa giữ được lợi ích cốt lõi của quốc gia trên biển đảo, đồng thời phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về biển. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, cần áp dụng song hành hai học thuyết sức mạnh biển truyền thống và các đặc trưng sức mạnh biển hiện đại. Bảo vệ các tuyến hàng hải chính là bảo vệ những con đường huyết mạch nối các cảng thương mại, cảng tiếp vận và quân cảng. Cùng hợp tác với các cường quốc biển để các con đường SLOC(1) (các tuyến thông thương biển) xung quanh Biển Đông ngày càng phát triển. Chúng ta cần trang bị đủ hệ thống tàu thuyền, máy bay hiện đại giám sát và kiểm soát được hoàn toàn các vùng biển, trong đó có khu vực Côn Đảo - Trường Sa - bờ biển, tức là đã kiểm soát được một SLOC quan trọng trong hàng hải thế giới(2).

Tóm lại, theo thời gian, dù nội dung chính sách biển có thể thay đổi, nhưng các quan điểm, học thuyết xây dựng chính sách về biển vẫn giữ lại tiêu chí căn bản vốn có của nó là phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Việc hoàn thiện chính sách về biển cần hướng tới mục tiêu rõ ràng và phải thể hiện sâu sắc hơn nữa những tiêu chí căn bản của học thuyết xây dựng chính sách về biển cho phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020

(1) Sea lines of communication- SLOC.

(2) http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Hoc-thuyet-suc-manh-bien-hien-dai-va-trien-vong-ap-dung-voi-Viet-Nam-10007.

Tài liệu tham khảo:

 (1) Alfred Thayer Mahan: Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 - 1783, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.

(2) H.J.MacKinder: The Geographical Pivot of History, The Geographical Journal, Vol. XXIII. No. 4. 1904.

(3) Roach and Smith: Excessives Maritime Claims, International Law Studies, vol.66, 1994

(4) R.Deyanov: The Role and Security Objective of Confidence - Building Measures at Sea in UN, Department for Disarmament Affairs, Naval Confidence - Building Measures, 1990.

(5) G.Francalanci and T.Scovazzi: Lines in the Sea, Nijihoff, London, 1994.

(6) E.Gold: “National and international shipping policies and the environment: the perspective of Vietnam”, Rapport on the Conference of the Marine Policy in Vietnam, 1991.

TS Nguyễn Thanh Minh

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền