Trang chủ    Ảnh chính    Cơ sở lý luận, thực tiễn của mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ tư, 14 Tháng 4 2021 15:30
33444 Lượt xem

Cơ sở lý luận, thực tiễn của mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Thành công của 35 năm đổi mới trước hết thuộc về nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn là đi lên CNXH. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện đã và đang xuất hiện những ý kiến trái chiều về mô hình và con đường phát triển của đất nước, trong đó có những ý kiến đòi xem lại tính khoa học, tính khách quan sự lựa chọn mô hình và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Từ những phân tích, đánh giá cơ sở lý luận và thực tiễn, bài viết khẳng định dứt khoát rằng, sự lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là khách quan và khoa học.

Từ khóa: mô hình, con đường đi lên CNXH, Việt Nam.

Về con đường đi lên CNXH, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ mỗi dân tộc không phân biệt trình độ phát triển, màu da, chủng tộc… đều có quyền tự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, đó là quyền tự quyết thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các quốc gia dân tộc. Trên cơ sở lịch sử, bối cảnh quốc tế, đặc thù từng quốc gia dân tộc, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung, phát triển những nhận thức mới trong khi vận dụng các phương pháp, các bước xây dựng CNXH. V.I.Lênin nêu luận điểm hết sức có ý nghĩa rằng: Các dân tộc đi lên CNXH là tất yếu, nhưng có thể đi bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cụ thể của quốc gia mình...(1)

Quan niệm, nhận thức về mô hình và con đường đi lên CNXH liên quan trực tiếp đến hiệu quả, thậm chí sự thành - bại trong xây dựng CNXH. Các nhà kinh điển mácxít đã rất quan tâm tới vấn đề này. C.Mác từng phê phán những sai lầm về mô hình xã hội tương lai của các nhà không tưởng trước đó, nhất là quan niệm mang nhiều ảo tưởng về mô hình XHCN của công nhân Pháp thời kỳ 1848 - 1850; của phái Látxan. Ph.Ăngghen đã phê phán về “bệnh phóng họa lịch sử”, xa rời “mảnh đất hiện thực” của những người cộng sản khi quan niệm về CNXH v.v..(2) Để tránh điều đó, các ông yêu cầu: “...ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”(3).

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, mục tiêu cao nhất của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện bằng con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Lựa chọn mục tiêu và con đường XHCN không phải là do ý muốn chủ quan của Đảng, hoặc cá nhân nào, mà là sự tổng hợp các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc. Trong đó, học thuyết Mác - Lênin về quy luật phát triển của xã hội loài người, về CNXH, con đường đi lên CNXH; tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; thực tiễn của cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua... là những cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng nhất.

Thứ nhất, một trong những phát hiện vĩ đại của học thuyết Mác - Lênin là đã chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người là lịch sử phát triển và thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội: Từ cộng sản nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là xã hội XHCN). Các hình thái kinh tế - xã hội ra đời, phát triển theo những quy luật nội tại, trong đó, sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật bao trùm, chi phối mọi hình thái kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng minh và khẳng định, CNTB là một hình thái kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, là nấc thang phát triển của lịch sử loài người(4), nhưng chính CNTB đã tạo ra những mâu thuẫn sẽ đưa xã hội tư bản đến chỗ bị phủ định và sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Đó là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất ngày càng cao với trình độ của lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng lớn, khiến mâu thuẫn và xung đột xã hội ngày càng gia tăng, thể hiện ở mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và người lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp này tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng XHCN với mục tiêu cuối cùng là phủ định CNTB và thay thế nó là một xã hội mới tốt đẹp, tiến bộ hơn - xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa.

Thực tiễn lịch sử loài người đã chứng minh, học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là đúng. Chưa ai có thể bác bỏ được lý luận của C.Mác về lịch sử phát triển của xã hội loài người, chỉ có những người cố tình xuyên tạc Mác với dụng ý xấu.

Gần đây, trong các nước tư bản phát triển đã có một số người đưa ra những luận thuyết mới về sự phát triển xã hội. Chẳng hạn, quan điểm “ba làn sóng văn minh” của Alvin Toffler (nhà tương lai học Mỹ), đã phân chia lịch sử phát triển xã hội trên cơ sở 3 nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Lý thuyết về ba nền văn minh có những yếu tố hợp lý nhất định, trong đó có những dự báo khá hợp lý về những biến đổi trong xã hội tương lai. Tuy nhiên, lý thuyết của Alvin Toffler còn nhiều điểm hạn chế, ông đã cường điệu vai trò của khoa học - kỹ thuật, phủ nhận đấu tranh giai cấp, chưa thấy được tính nhất quán trong biện chứng phát triển của ba nền văn minh; ông đã gộp 3 hình thái kinh tế - xã hội mà C.Mác đã chỉ ra trước khi loài người bước vào hình thái kinh tế - xã hội TBCN làm một. Trong quan điểm của mình, Alvin Toffler cũng chưa chỉ rõ được ai là chủ nhân của từng xã hội, mối quan hệ giữa các nhóm và tầng lớp xã hội thế nào và làm sao để loài người có thể đẩy nhanh tiến trình hướng đến xã hội tương lai. Nguồn gốc sâu xa của những biến đổi xã hội, đặc biệt là những biến đổi trong kiến trúc thượng tầng cũng chưa được làm rõ. Vì vậy, lý thuyết của Alvin Toffler không thể đóng vai trò là học thuyết tổng quát về sự phát triển xã hội, nó không thể thay thế cho học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác.

Cùng với việc chỉ ra quy luật loài người tất yếu sẽ đi lên CNXH, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin bước đầu đã phác thảo về những đặc trưng cơ bản của CNXH để sau này những người XHCN vận dụng, phát triển vào đời sống xã hội. Theo đó, đặc trưng bản chất bao trùm nhất của CNXH là một xã hội khác hẳn về chất so với các xã hội đã có, ở chỗ nó tạo mọi điều kiện để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, phát triển tự do cá nhân, để phát triển tự do của cả cộng đồng. Các ông viết: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mọi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(5).

Điểm khác căn bản với các nhà XHCN không tưởng trước đó là chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ dự báo những tiêu chí, đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN, mà còn chỉ ra con đường đi lên CNXH. Đóng góp khoa học của các ông thể hiện ở việc đã nêu phương pháp luận về phương hướng, giải pháp, cách thức tiến hành xây dựng CNXH. Lập trường nhất quán của các ông là: Con đường đi lên CNXH vừa có những tính phổ biến vừa có tính đặc thù, do đặc điểm của quốc gia, dân tộc, không gian và thời gian quy định. Việc vận dụng những nguyên lý có tính phổ biến phải luôn đặt trên “mảnh đất hiện thực”, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng quốc gia(6); rằng trên cơ sở lịch sử của thời gian, tình hình quốc tế, tình hình từng quốc gia dân tộc đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung, phát triển những nhận thức mới trong khi vận dụng các phương pháp, các bước xây dựng CNXH. V.I.Lênin chỉ rõ không được kỳ vọng rằng “C.Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(7).

Trong nhiều bài viết, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin luôn nhắc nhở các Đảng Cộng sản tránh việc nhận thức giản đơn về CNXH; tránh sự dập khuôn máy móc những mô hình và con đường đi lên CNXH của nước này cho nước khác; tránh sự đề cao điểm tương đồng, coi nhẹ nét riêng, đặc thù và ngược lại. Bởi vì: “ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(8).

Những dự báo, đề xuất của chủ nghĩa Mác - Lênin về các tiêu chí, đặc trưng ưu việt, tiến bộ của CNXH cũng như hàng loạt các biện pháp xây dựng CNXH trong đời sống xã hội, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, là sơ sở lý luận, phương pháp luận để các quốc gia XHCN, trong đó

có Việt Nam, vận dụng xây dựng CNXH trên thực tế.

Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới(9). Tính tất yếu của thời đại mới đã tạo khả năng và điều kiện để các dân tộc đi lên CNXH, đem lại những nhận thức mới trong quan niệm và giải pháp giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc một cách triệt để.

Trong hơn 7 thập kỷ xây dựng CNXH, Liên Xô và các nước XHCN đã đạt thành tựu quan trọng: sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất với quy mô và trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từ một nước Nga nghèo nàn và lạc hậu, sau một thời gian xây dựng đã trở thành một cường quốc của thế giới, đạt được bước tiến lớn trong nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và quốc phòng hùng mạnh(10)... tạo điều kiện cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển và định hình con đường phát triển phi TBCN ở hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Hàng trăm nước đã giành được độc lập dân tộc, góp phần quyết định vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới và hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội(11). Sức mạnh và thành tựu của CNXH hiện thực, tính ưu việt của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN đã thức tỉnh nhân loại, tạo khả năng đoàn kết các dân tộc để giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hủy diệt, buộc CNTB phải điều chỉnh chính sách có lợi cho người lao động(12); tạo khả năng hiện thực cho các nước lạc hậu tiến thẳng lên CNXH. 

Ðối với nhân dân Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây “Cẩm nang thần kỳ” là con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam...

Chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đó là, sự nghiệp xây dựng CNXH là con đường hoàn toàn mới mẻ, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử; sự can thiệp vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp nhất là Đảng Cộng sản ở các quốc gia này đã mắc sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức; vận dụng lý luận Mác - Lênin một cách giáo điều, mà thực chất là xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là sự phản bội mục tiêu, lý tưởng XHCN, phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin của những người lãnh đạo cao nhất trong Đảng. Khi nói về nguyên nhân tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô, Đông Âu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “người ta đã xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân loại, xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng CNTB đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa đế quốc, nhấn mạnh vấn đề công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung trong Đảng... dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt tư tưởng”(13)...; “chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác - Lênin: sai cả về thực hiện các nguyên lý cơ bản, về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng”(14).

Thứ ba, vào những năm đầu của thế kỷ XX, Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc. Trong lúc nhiều người yêu nước hướng theo cách mạng tư sản, bằng thực tiễn 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước qua khoảng 30 quốc gia dân tộc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là những cuộc cách mạng không đến nơi(15); “...nó chỉ mang lại quyền lợi cho một số ít người”.

Sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh tìm thấy cơ sở lý luận chắc chắn cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “… chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”(16) và “… cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(17). “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(18). Tư tưởng đó đã được Đảng ta khẳng định, được cả dân tộc hưởng ứng và đi theo. Đó là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam, của toàn dân tộc Việt Nam. Với sự lựa chọn đúng đắn đó, Việt Nam đã giải quyết được cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã chiến thắng những đế quốc hùng mạnh nhất để giữ vững chủ quyền đất nước, địa vị làm chủ của nhân dân, làm bạn bè quốc tế khâm phục.

Lựa chọn mô hình và con đường phát triển đất nước không phải là ý muốn chủ quan hay một “bộ óc” nào đó nặn ra, mà là cả một quá trình từ nhận thức đi đến hành động thực tiễn và tiến hành những cách thức xây dựng xã hội đó. Điều này đã được chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(19) và “...sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(20).

Thời kỳ trước đổi mới, nhận thức về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH của Đảng đã dựa trên các căn cứ lý luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đặc trưng phổ biến của xã hội XHCN; kinh nghiệm của các nước XHCN, nhất là Liên Xô; xuất phát từ hoàn cảnh và đặc điểm lịch sử của Việt Nam… và đã có những thành công nhất định trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ nhận thức về mô hình và con đường đi lên CNXH thời kỳ này còn nhiều hạn chế, chưa làm rõ được tính đặc thù của mô hình CNXH Việt Nam cũng như con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN từ một nước tiền TBCN, có xuất phát điểm kinh tế, xã hội, văn hóa… thấp kém.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80 của thế kỷ XX, đặt ra yêu cầu đổi mới cấp bách.

Thời kỳ đổi mới, trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin về tính tất yếu và đặc trưng cơ bản của CNXH, con đường đi lên CNXH; tổng kết bài học thành công, hạn chế trong xây dựng CNXH của các nước XHCN và của Việt Nam; phân tích bối cảnh, tình hình thế giới, Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”; “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(21). Bắt đầu từ Đại hội VI (12-1986), Đảng ta đã khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trước đó trong nhận thức về CNXH cũng như các biện pháp xây dựng CNXH. Từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011), những hạn chế, khuyết điểm trong nhận thức về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta thời kỳ trước đây (nóng vội, chủ quan, không tuân thủ quy luật khách quan…) đã cơ bản được khắc phục và nhận thức ngày càng rõ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản(22). Bước đầu làm rõ “mô hình CNXH Việt Nam” thông qua việc xác định tám đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam xây dựng(23). Nhận thức rõ hơn về con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN thông qua việc làm rõ tám phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH(24) và xác định chín mối quan hệ lớn(25) cần giải quyết.

Có thể khẳng định, 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 9 mối quan hệ lớn đã hợp thành một chỉnh thể hữu cơ của lý luận về CNXH Việt Nam. Mô hình và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được phác thảo trên những nét lớn, và “ngày càng sáng rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa”(26).

Để khẳng định mô hình và con đường đi lên CNXH ở việt Nam là hoàn toàn có cơ sở lý luận, thực tiễn, đồng thời đấu tranh kiên quyết với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về sự lựa chọn con đường, cũng như khắc phục sự mơ hồ chính trị của chính một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết cần phải thực hiện nghiêm túc một số vấn đề sau:

Về mặt nhận thức, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cần tổ chức tốt cuộc đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vấn đề, nâng cao khả năng “tự miễn dịch” trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là việc triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vào cuộc sống. Cần phải tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta trong tình hình mới. Hệ thống hóa, phổ biến những thành tựu lý luận mà Ðảng ta đã đạt được trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới. Muốn chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, lý luận về CNXH, con đường đi lên CNXH nói riêng ngày càng trở nên dễ phổ cập, dễ đi vào quần chúng nhân dân, cần sớm nghiên cứu xuất bản một số cuốn sách có tính chất phổ thông như: Thường thức kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin; về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; mặt khác, tiếp tục dịch thuật (cả dịch lại) các tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH và con đường đi lên CNXH từ bản gốc bằng tiếng Đức, tiếng Nga, chuẩn xác một số cụm từ trong kinh điển đang chưa có sự thống nhất hiện nay.

Về mặt thực tiễn, tăng cường các biện pháp hiện thực hóa lý tưởng của CNXH trong đời sống hiện thực, nói phải đi đôi với làm. Trong đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhưng trước hết, chúng ta phải thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ quá độ đã được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XI, XII, gồm “4 trụ cột phát triển”: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; Xây dựng Đảng là then chốt; Xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần; Bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên(27) và “3 khâu đột phá”: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN…; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…(28). Trong các nhiệm vụ cấp bách nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cần được quán triệt sâu sắc, nhằm xây dựng Đảng ta thực sự “là đạo đức là văn minh”, cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của dân, qua đó góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ XHCN.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1), (6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.160, 160.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.758.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.19, tr.305.

(4) Các ông nhận định: Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, CNTB đã tạo ra được một lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất mà nhân loại tạo ra đến lúc đó. Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.4, tr.603.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.4, tr.628.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, sđd, tr.152-153.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, sđd, tr.232.

(9), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.388, 392.

(10) Đánh giá về những thành tựu to lớn của Liên Xô, Thủ tướng Anh U.Sớcsin (nhân vật chống Liên Xô và chống Xtalin) viết: “Từ 1920 đến 1960 từ nước Nga với chiếc cày chìa vôi thành nước Liên Xô với bom khinh khí”, xem Một số hồi tưởng về Xtalin, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr.83.

(11) Xem: GS, TS Nguyễn Ngọc Long (Chủ biên): Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.103-105. Xem: Vũ Khoan: Cách mạng Tháng Mười Nga - 100 năm nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và CNXH hiện thực (1917 - 2017), Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.59-60.

(12) A.Dinôviép (một người có quan điểm chống lại Nhà nước Xôviết, sau đó sang Mỹ sống) đã viết: “Nếu được làm lại từ đầu tôi sẽ chọn thời kỳ Xôviết”, Thông tin tư liệu - Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 7-2006, tr.13.

(13), (14) Nguyễn Phú Trọng: Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Tạp chí Cộng sản, số 4-1992, tr.20, 22.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.296.

(16), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563, 30.

(19) C.Mác, Ph Ăngghen, Toàn tập, t.3, sđd, tr.51.

(20) C.Mác, PhĂngghen, Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.21.

(21), (23), (24), (28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69-70, 70, 70, 106.

(22) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.65, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.178.

(25) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.80.

(26), (27) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.80, 17.

PGS, TS Đỗ Thị Thạch

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền