Trang chủ    Ảnh chính    Quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ năm, 03 Tháng 6 2021 09:05
1988 Lượt xem

Quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nắm vững, xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới là yêu cầu khách quan. Để nhận thức, giải quyết tốt mối quan hệ này cần: kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để bổ sung, phát triển sáng tạo những luận điểm mới phù hợp thực tiễn; nắm vững và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ khóa: quan hệ, kiên định, bổ sung, phát triển, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phát triển vừa là một đặc trưng vừa là một giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất vốn là hệ thống mở, không phải hệ thống khép kín, giáo điều như những luận điểm sai trái, thù địch thường xuyên tạc. Chính Ph.Ăngghen, cách đây 134 năm, từ năm 1887, trong một bức thư gửi nữ sĩ người Mỹ bà Phlo-ren-xơ Kenli-vi-sne-vét-xcai-a, đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(1). Mặc dù, luôn được bổ sung, phát triển như vậy nhưng bản chất, linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên lý lý luận về mục tiêu giải phóng con người, về lực lượng, phương pháp cách mạng để giải phóng con người vẫn giữ nguyên giá trị. Có được điều này là do các Đảng Cộng sản chân chính, trong đó có Đảng Cộng sản việt Nam luôn xử lý và giải quyết tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, khoa học - công nghệ phát triển nhanh, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào bôi xấu, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đang đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta phải vừa kiên định, vừa bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vững vàng, không dao động, không thay đổi lập trường, không nhụt chí(2), không nản lòng, vững tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định không phải là bảo thủ, trì trệ, cố chấp mà trên cơ sở hiểu biết về bản chất khoa học, cách mạng, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ sự hiểu biết rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh đúng những quy luật khách quan của lịch sử nhân loại, do đó, dự báo đúng khuynh hướng vận động, phát triển của lịch sử loài người. Khi phản ánh đúng những quy luật khách quan của sự vận động lịch sử thì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát hiện ra những nhân tố mới của lịch sử sẽ được ra đời từ trong lòng xã hội cũ - đó chính là cách mạng. Do vậy, chỉ có thể phản ánh khách quan quy luật của lịch sử mới có thể cho ra đời những nhân tố mới, tiến bộ, cách mạng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có bản chất khoa học, cách mạng là bởi những người sáng lập đã kế thừa toàn bộ tinh hoa trong lịch sử tư duy của nhân loại mà trực tiếp nhất là tư duy triết học của dân tộc Đức; tư duy quản trị xã hội của dân tộc Pháp; tư duy kinh tế của dân tộc Anh; tư duy tinh tế, nhân văn của dân tộc Nga; tư duy linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn dựa trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn của nhân loại cũng như những kinh nghiệm thực tiễn được tổng kết từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và được trang bị bởi những nguyên tắc phương pháp luận biện chứng khoa học cho việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhận thức thế giới. Đó là các nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử-cụ thể và thực tiễn.

Hơn nữa, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu giải phóng con người. Như trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người”(3). Thực tế lịch sử 174 năm tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng tỏ điều đó. Chính vì vậy, chúng ta có căn cứ khoa học, thực tiễn, lịch sử để vững tin vào bản chất, linh hồn sống, những nguyên lý lý luận cũng như mục tiêu giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên định những giá trị bền vững, những nguyên lý cơ bản, mục tiêu giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để giải phóng con người một cách triệt để trước hết phải thực hiện giải phóng dân tộc. Dân tộc có độc lập thì con người của dân tộc đó mới có tự do, có cơ sở để được giải phóng triệt để. Nhưng độc lập dân tộc chỉ đầy đủ, trọn vẹn, triệt để khi đi lên CNXH. Thực tế lịch sử phát triển của nhân loại nói chung, CNXH hiện thực nói riêng đã chứng tỏ chỉ có CNXH là mô hình hiện thực nhất để giải phóng con người trên thực tế. Tất nhiên, mô hình này khác với mô hình CNXH cụ thể của Liên Xô và Đông Âu. Do vậy, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn gắn liền với kiên định độc lập dân tộc và CNXH.

Bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải dựa trên cơ sở của chính chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để bổ sung, phát triển sáng tạo những luận điểm cụ thể nào đó cho phù hợp với thực tiễn. V.I.Lênin - người đã xuất sắc phát triển chủ nghĩa Mác đã từng khẳng định “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(4). Nghĩa là điều kiện sinh hoạt xã hội, thực tiễn, khoa học có những đổi thay thì những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng cần được bổ sung, phát triển.

Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã có rất nhiều ví dụ cho sự phát triển sáng tạo này. V.I.Lênin đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra định nghĩa mới về phạm trù vật chất; phạm trù giai cấp; đấu tranh giai cấp; bổ sung luận điểm về sự thống nhất giữa phép biện chứng, lý luận nhận thức và logic học; đấu tranh chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán; chống lại các loại xét lại, cơ hội, phái Dân túy Nga, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, v.v.. V.I.Lênin là người đã bổ sung những nhận thức mới về chủ nghĩa đế quốc như một giai đoạn cao hơn của chủ nghĩa tư bản và cũng chính ông là người đã vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế mới (NEP) vào điều kiện thực tiễn nước Nga Xô-viết non trẻ. V.I.Lênin đồng thời là người đưa ra học thuyết về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản,v.v..

Xuất phát từ tình hình thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những phát triển cụ thể đối với nhiều luận điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người cho rằng, về bản chất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Nếu C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xuất phát từ thực tiễn châu Âu chỉ đề cập giai cấp công nhân, liên minh công - nông như là hạt nhân của khối liên minh đại đoàn kết dân tộc, thì Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam nêu khẩu hiệu liên minh công - nông - trí. Bởi lẽ, trí thức ở Việt Nam là con em công nhân, nông dân, người lao động. Do vậy, liên minh công - nông - trí là liên minh tất nhiên, khách quan, vốn có của cách mạng Việt Nam. Với V.I.Lênin, Đảng Cộng sản là “lương tâm, trí tuệ của thời đại” thì với Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức là văn minh” và người đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bổ sung, phát triển hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn cụ thể của Việt Nam. Đảng đã đề ra mô hình CNXH Việt Nam với tám đặc trưng, trong đó nội dung đầu tiên “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng vừa là mục đích của CNXH Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề ra tám phương hướng lớn để xây dựng CNXH cùng mười mối quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Về kinh tế, Đảng coi kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế,v.v.. Về chính trị, Đảng coi xây dựng Đảng về đạo đức là bộ phận cấu thành quan trọng của xây dựng Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là then chốt; coi xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là hình thức tối ưu thực hiện quyền lực của nhân dân. Tất cả những điều này là kết quả của việc bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cần kiên định, không xa rời bản chất cũng như những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành bản lĩnh, không lay chuyển trước mọi tình huống. Kiên định khác với bảo thủ, trì trệ, cố chấp, là cơ sở, nền tảng, điều kiện để bổ sung, phát triển sáng tạo, và ngược lại, bổ sung, phát triển sáng tạo khoa học sẽ góp phần củng cố niềm tin, sự hiểu biết, lập trường, thái độ để tăng cường bản lĩnh, củng cố sự kiên định. Nếu không kiên định thì khi bổ sung, phát triển sáng tạo dễ chệch hướng, mất lập trường, dẫn tới bổ sung, phát triển không có nguyên tắc, tùy tiện, không khoa học, rơi vào xét lại, dẫn tới sai lầm, thất bại.

Trong các Đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra nhiệm vụ “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(5). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục nhấn mạnh “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”(6). Nghĩa là Đảng luôn luôn nắm vững, xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Đảng không rơi vào bảo thủ, trì trệ, xét lại.

Bổ sung, phát triển sáng tạo đồng thời tạo ra những kết quả khoa học mới để tiếp tục củng cố, khẳng định, làm giàu thêm bản chất, linh hồn sống, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những bổ sung, phát triển khoa học phù hợp thực tiễn mới.

C.Mác và Ph.Ăngghen khi còn sống là những tấm gương mẫu mực trong việc nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển. Khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được xuất bản thì mỗi lần tái bản, C.Mác và Ph.Ăngghen lại viết Lời tựa nhằm bổ sung, phát triển một luận điểm nào đó cho phù hợp tình hình thực tiễn mới. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra cụ thể: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đó, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có bước tiến hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn, trước hết là của cách mạng tháng Hai, sau nữa và nhất là của Công xã Pari lần đầu tiên đã đem chính quyền lại cho giai cấp vô sản trong hai tháng, cho nên hiện nay, cương lĩnh này có một số điểm đã cũ. Nhất là Công xã đã chứng minh rằng “giai cấp công nhân không chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó hoạt động phục vụ mình”(7). Rõ ràng, bổ sung, phát triển ở đây là do điều kiện thực tiễn đã có nhiều đổi thay so với lúc ban đầu và đặt ra những vấn đề cũng như cách giải quyết khác chứ không phải những nguyên lý của Tuyên ngôn đã không còn đúng. Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vậy, bản chất, những nguyên lý cốt lõi đến nay vẫn giữ nguyên giá trị nhưng có những nội dung cụ thể, chi tiết phải được bổ sung, phát triển, khi thực tiễn đặt ra một số vấn đề mới. Cũng có những vấn đề mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh chưa đề cập nhiều do thực tiễn thời đại của các ông chưa đặt ra hoặc đã đặt ra nhưng chưa gay gắt như hiện nay như kinh tế tri thức, kinh tế số, tư liệu sản xuất không chỉ là những nguyên, nhiên, vật liệu mà còn bao gồm thông tin, tri thức, phần mềm, phát minh, sáng chế... Từ đây cho thấy, tính hiện đại của lực lượng sản xuất cũng cần được bổ sung, phát triển so với thời kỳ của các nhà kinh điển C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh. Do vậy, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tất yếu.

Để nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới ở Việt Nam cần phải quán triệt các nguyên tắc sau:

Trước hết, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở kiên định bản chất khoa học, cách mạng vốn có, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, không hoang mang, dao động, mất phương hướng. Đồng thời cần tránh khuynh hướng nhân danh “kiên định” để ngại đổi mới, ngại bổ sung, ngại phát triển, rơi vào bảo thủ, trì trệ, giáo điều, không thấy được những đổi thay của thực tiễn, sự phát triển của khoa học - công nghệ. Ngược lại, cũng cần tránh khuynh hướng nhân danh “đổi mới, bổ sung, phát triển” để xét lại, xuyên tạc một cách vô nguyên tắc, phủ định sạch trơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên “Chúng ta phải khắc phục bệnh giáo điều đồng thời phải đề phòng chủ nghĩa xét lại”(8). Lời căn dặn này cũng có giá trị, ý nghĩa đối với việc nắm vững và xử lý quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, trên cơ sở kiên định lập trường, quan điểm, thái độ, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định những nội dung, nguyên lý nào của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời đại; những nội dung nào đã bị thực tiễn bỏ qua và cần phải bổ sung, phát triển. Làm được như vậy có nghĩa là đã nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên khi học tập chủ nghĩa Mác - Lênin: “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(9). Nghĩa là phải biết vận dụng lập trường, quan điểm, thái độ, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào tổng kết thực tiễn đất nước, nghiên cứu lý luận, trên cơ sở đó mới có thể đổi mới, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, nắm vững và quán triệt tốt các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như nguyên tắc khách quan, phát triển, toàn diện, lịch sử-cụ thể và thực tiễn vào nhận thức, nắm vững và xử lý quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc khách quan yêu cầu nhận thức, giải quyết mối quan hệ theo quy luật khách quan, không áp đặt chủ quan, không giải quyết tùy tiện. Nguyên tắc phát triển đòi hỏi khi giải quyết các mối quan hệ phải chú ý tới quy luật phát triển, tránh bảo thủ, trì trệ, ngại bổ sung. Nguyên tắc toàn diện yêu cầu phải chú ý cả “kiên định”, cả “bổ sung, phát triển”, không tuyệt đối hóa mặt nào. Nguyên tắc lịch sử-cụ thể đòi hỏi phải căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết quan hệ này. Vì vậy, có lúc, có thời điểm phải nhấn mạnh “kiên định”, có lúc, có thời điểm phải chú ý nhiều hơn đến “bổ sung, phát triển”. Nguyên tắc thực tiễn đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn, rút ra các bài học cho việc nhận thức, điều chỉnh việc xử lý các mối quan hệ; lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của việc xử lý các mối quan hệ. Quán triệt tốt các yêu cầu này thì việc nhận thức, nắm vững và quán triệt các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ hiệu quả.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

 (1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.776.

(2) Xem: Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 938.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, sđd, tr.628.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.103.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.199.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.180. 

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.18, sđd, tr.128.

 (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 499, 497.

GS, TS Trần Văn Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền