Trang chủ    Ảnh chính    Nhận diện và phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 09:07
742 Lượt xem

Nhận diện và phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

(LLCT) - Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi dụng sự kiện chính trị quan trọng này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở nước ta với những âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc, xảo quyệt. Vì thế, cần nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động nhận diện, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động phá hoại bầu cử. 

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đây là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thành lập hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được các cơ quan chức năng triển khai rất tích cực, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Tuy nhiên, đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, trên một số trang mạng xã hội, báo chí nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức chống phá công tác chuẩn bị bầu cử với những chiêu trò rất tinh vi, thâm độc, xảo quyệt. Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những nhận định thiếu khách quan, sai sự thật, các thế lực thù địch, phản động muốn gây nhiễu thông tin, lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, hoài nghi về công tác bầu cử, nhận thức không đúng về bầu cử. Từ sự khơi mào của một số đối tượng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đến không ít kênh phát tiếng Việt trên mạng xã hội đã hùa theo, lôi kéo sự tham gia của nhiều đối tượng nói leo, quy chụp, nói xấu Đảng, xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trước thực tế đó, cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá bầu cử của các thế lực thù địch; đồng thời, cần khẳng định rõ những vấn đề có tính nguyên tắc đối với công tác bầu cử.

1. Về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác bầu cử

Các thế lực thù địch đã liên tục có những tin, bài với nội dung hết sức phản động khi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; bịa đặt, phản ánh sai sự thật về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của nước ta. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”; “không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”... Từ đó, chúng đòi “xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”, Đảng không được lãnh đạo và không được tham gia vào công tác bầu cử, phải đứng ngoài hoạt động bầu cử, phải từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thực hiện đa nguyên, đa đảng... Theo chúng, nếu thực hiện như vậy mới có dân chủ.

Những luận điệu nói trên của các thế lực thù địch là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại với thực tiễn đang diễn ra, cố tình không hiểu pháp luật. Bởi lẽ, cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, xã hội và cả dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, khách quan, là sự lựa chọn của chính nhân dân Việt Nam. Chính sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà cách mạng Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều này được nhiều nước trên thế giới khâm phục và trân trọng. Đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp. Tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Theo đó, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác bầu cử là đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử sẽ bảo đảm lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu cả về đức và tài, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý.

Việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử còn là một hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo đó không phải là Đảng làm thay, là áp đặt, bao biện trong bầu cử như luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động. Vì thế, ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong Chỉ thị này, Bộ Chính trị đã nhận định rõ: công tác chuẩn bị và thực hiện bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp, trong đó có đề cập đến hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Do đó, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là tất yếu khách quan nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững định hướng chính trị trong công tác chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đồng thời bảo đảm để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, tạo cơ sở để phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

2. Về xác định số lượng, cơ cấu đại biểu

Bằng việc tự dàn dựng, các thế lực phản động đưa ra những nhận định vô căn cứ về công tác nhân sự liên quan đến bầu cử Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ mới. Trong một số bài viết, chúng trắng trợn bịa đặt rằng, công tác nhân sự chủ chốt đã “an bài”; quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “thỏa hiệp”, “phân chia”; bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức. Chúng còn suy diễn, bình luận thiếu căn cứ, mang tính quy chụp, làm sai lệch bản chất về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhất là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng; chúng cho rằng, cần chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng để “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội. Thực chất, đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch nhằm tác động làm cho những người nhẹ dạ, cả tin dễ bị hiểu sai lệch chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó phá hoại công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Có thể nhận thấy, những luận điệu trên của các thế lực thù địch hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, tiếp sức cho các thế lực bên ngoài phá hoại, cản trở bầu cử.

Cần nhận diện kịp thời, vạch trần bản chất phản động và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc nêu trên.

Ở nước ta, ngày 20-1-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 133-SL. Điều 1 của Sắc lệnh ghi rõ: Để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất cho dân tộc, nay ban hành sắc lệnh này nhằm mục đích trừng trị các loại Việt gian, phản động và xét xử những âm mưu hành động phản quốc. Điều 11 của Sắc lệnh đã quy định hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ vì mục đích phản quốc, có những hành động tuyên truyền cổ động cho địch. 

Tiếp tục tinh thần đó, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta hết sức coi trọng việc bảo vệ những giá trị, lợi ích của quốc gia, dân tộc; đồng thời luôn đề cao cảnh giác cách mạng, chủ động nhận diện, đấu tranh kiên quyết với những thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(1), kiên định bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc; đồng thời “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(2). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(3). Đồng thời, Đảng cũng nhấn mạnh: “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”(4); “nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”(5). Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc để thống nhất nhận thức và chủ động đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ sự thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Ngày 11-01-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng là 25-50 đại biểu (5-10%). Theo đó, việc dự kiến cơ cấu, cách thức tổ chức bầu cử, thành phần đại biểu Quốc hội khóa mới, số lượng đại biểu là đảng viên, người ngoài Đảng, chuyên trách và không chuyên trách... là hoàn toàn khoa học và đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là nội dung rất cần thiết góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đại biểu khi được bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp khóa mới.

3. Về quyền “tự ứng cử” của công dân

Những ngày vừa qua, các thế lực thù địch, phản động lại thực hiện “kịch cũ diễn lại” bằng việc “tự ứng cử” nhằm làm phức tạp và phá hoại cuộc bầu cử. Cách đây 5 năm, khi nước ta chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, các “nhà dân chủ” đã thi nhau thực hiện cái gọi là “tự ứng cử”. Khi bị loại bởi các vòng hiệp thương do không đủ tiêu chuẩn, các đối tượng này đã lớn tiếng suy diễn, xuyên tạc, cho rằng, chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; rằng, Đảng “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, chúng còn đưa ra yêu sách là để các ứng cử viên tự do tranh cử, không cần phải trải qua hiệp thương... Thực chất, đây là hoạt động nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại bầu cử, nguy hại hơn là những phần tử này muốn thông qua “tự ứng cử” để thu hút sự chú ý của công luận, tạo ngòi nổ để các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc công tác bầu cử ở nước ta. Hơn thế nữa, đối chiếu quy định về bầu cử thì không có “nhà dân chủ” nào đủ tiêu chuẩn khi họ “tự ứng cử”, vì “thành tích” của những người này nổi bật là lên mạng xuyên tạc thông tin, nói sai sự thật, kích động các hoạt động bất mãn; bôi nhọ, nói xấu chính quyền nhân dân và chế độ, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Quyền ứng cử, đề cử trong bầu cử Quốc hội và HĐND đã được pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể. Theo đó, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Như vậy, quyền bầu cử, ứng cử là của công dân, được pháp luật quy định rõ ràng và luôn được tôn trọng thực hiện. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này. Những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn nhất định để gánh vách được trọng trách người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; họ phải là người tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành pháp luật; có trình độ văn hóa, chuyên môn; ra sức phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe tiếp thu ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; kịp thời phản ánh khách quan tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; v.v..

Đặc biệt, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Do đó, việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp vừa phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 45-CT/TW, vừa phải tiến hành theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Có như vậy mới lựa chọn được những đại biểu thật sự tiêu biểu cả về phẩm chất, năng lực vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.65, 201.

(3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.101, 117, 50-51.

TS NGUYỄN THANH HẢI

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền