Trang chủ    Ảnh chính    Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước
Thứ hai, 30 Tháng 8 2021 08:32
2466 Lượt xem

Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước

(LLCT) - Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần Đại hội XIII của Đảng là “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân” trong chiến lược phát triển đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đây là bước hoàn thiện lý luận đổi mới của Đảng ta về nhân dân là mục tiêu, động lực, nguồn lực, là chủ thể và trung tâm của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như chiến lược phát triển đất nước. Bài viết tập trung phân tích làm rõ quan điểm Đại hội XIII về “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân” trong chiến lược phát triển đất nước.

Trên cơ sở tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, quan điểm của Đại hội XIII về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước được thể hiện sâu sắc và toàn diện.

Một là, quan điểm “dân là gốc” được Đảng, Nhà nước ta quán triệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng sâu sắc hơn

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã rút ra bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Đó là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(1).

Bài học này của Đảng không chỉ là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo tinh hoa trong quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân vào thực tiễn Việt Nam mà còn là kết quả tổng kết thực tiễn Đảng lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong đó, có những điểm được bổ sung mới thể hiện quan điểm của Đảng ta về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vấn đề không phải đơn thuần là thêm sáu chữ mà quan trọng hơn là nhận thức về vai trò chủ thể, vị trí của nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, phù hợp thực tiễn hơn. Đây vừa là kết quả của tổng kết từ thực tiễn vừa là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, nhân dân là trung tâm thì quan trọng là nhân dân có toàn quyền quyết định. Trong đó có quyền giám sát, quyền thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Điều đó cũng là lẽ đương nhiên vì mục tiêu đổi mới của Đảng xét đến cùng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nghĩa là mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Hai là, phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân là động lực và nguồn lực phát triển đất nước

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ nhân dân có sức mạnh vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong chiến lược phát triển đất nước. Nếu khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh cũng như khát vọng phát triển đất nước của toàn thể nhân dân thì đây sẽ là động lực và nguồn lực to lớn cho sự phát triển đất nước. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”(2). Trên tinh thần quan điểm này, Đảng ta chủ trương phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đại hội XIII chỉ rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(3). Trên tinh thần quan điểm này, định hướng thứ tư trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 của Đại hội XIII chỉ rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(4). Định hướng này xác định, sức mạnh của nhân dân Việt Nam thể hiện ở sức mạnh văn hóa dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam. Đó chính là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển kinh tế

Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao(5). Những yếu tố này muốn được phát huy thì phải dựa vào nhân dân.

Khi đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đại hội XIII xác định phải chú ý “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp phục vụ dân sinh”(6). Nghĩa là phải quan tâm đến các ngành công nghiệp phục vụ cuộc sống của nhân dân. Đối với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(7); “nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái”(8) để phục vụ nhân dân.

Đề cập nhiệm vụ hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đại hội XIII tiếp tục yêu cầu nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế ngoài các đặc trưng hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường thì có đặc trưng quan trọng là “có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(9). Chính các tiêu chí “có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thể hiện rõ nhất nhân dân Việt Nam là chủ thể, là trung tâm, mục tiêu phục vụ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Bốn là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người

Đại hội XIII yêu cầu “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(10). Bởi chính nhân dân mới là người sáng tạo ra các giá trị văn hóa dân tộc, chính họ là người trao truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và cũng chính họ là người nhân lên và phát huy có hiệu quả sức mạnh các giá trị tinh thần này của dân tộc.

Đại hội XIII cũng yêu cầu “tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được hưởng thụ công bằng thành quả của nền giáo dục”(11). Quan điểm này vô cùng đúng đắn, bởi lẽ nhân dân phải là người được hưởng lợi từ thành quả của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đại hội XIII còn đặt ra yêu cầu “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đúng hướng, hiệu quả”(12), nghĩa là phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển giáo dục và đào tạo. Đồng thời, Đại hội XIII cũng đặt ra nhiệm vụ “Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục và đào tạo”(13), để không người dân nào bị bỏ lại trong giáo dục và đào tạo. Đây là quan điểm đúng đắn của Đảng ta về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người.

Năm là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ

Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ “Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước”(14). Xuất phát từ tình hình thực tế đất nước cũng như tiềm lực, khả năng, yêu cầu mà Đại hội XIII yêu cầu phát triển một số ngành khoa học và công nghệ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan tới bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và đời sống của nhân dân. Phù hợp với nhiệm vụ này, Đại hội XIII cũng đề ra nhiệm vụ tiếp theo là “Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu”(15). Nghĩa là, Đại hội XIII vẫn ưu tiên cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, quốc phòng, an ninh - những vấn đề liên quan thiết thực tới đời sống hàng ngày của nhân dân. Nói khác đi, nhân dân vẫn là chủ thể được phục vụ, được hướng tới của chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ.

Đại hội XIII chủ trương “Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn”(16). Nghĩa là trong chiến lược phát triển hạ tầng kỹ thuật số phục vụ cho phát triển kinh tế số, xây dựng dữ liệu lớn thì nhân dân vẫn là chủ thể chính được tạo điều kiện thuận lợi, an toàn tiếp cận tài nguyên số. Quan điểm này thể hiện vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong phát triển kinh tế số của Đảng ta rất rõ ràng, đúng đắn.

Sáu là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Đại hội XIII yêu cầu tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện các giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội. Đồng thời, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(17). Cùng với cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phải “Phát huy ý thức tự giác của toàn dân xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa”(18). Như vậy, một lần nữa, Đại hội XIII khẳng định nhân dân là chủ thể tích cực trong xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa của chính nhân dân. Nói khác đi, nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng của việc tạo dựng thể chế bảo đảm công bằng về cơ hội và hưởng thụ về văn hóa.

Đại hội XIII cũng xác định trong điều kiện hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa sâu rộng như hiện nay thì chính nhân dân là chủ thể tích cực “Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”(19).

Bảy là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội

Đại hội XIII nhấn mạnh, bảo đảm định hướng XHCN trong các chính sách xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội, “xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”(20). “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”(21). Thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân(22),v.v.. Rõ ràng, ba định hướng trên mà Đại hội XIII đề ra đã xác định rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội của Đảng ta.

Tám là, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN

Kế thừa tinh thần các Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân(23).

Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(24). “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”(25).

Ngoài các chiến lược xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc nêu trên, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân còn được thể hiện trong chính sách và hoạt động đối ngoại. Đó là quan điểm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.  Trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đại hội XIII nhấn mạnh phải “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(26). Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, nền hành chính, nền tư pháp Việt Nam đều phải lấy phục vụ nhân dân làm trọng tâm. Với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội XIII nhấn mạnh phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đặc biệt, Đại hội XIII yêu cầu: “Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”(27).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (23), (24), (25), (26), (27) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27-28, 51, 110, 115-116, 120, 123, 124, 125, 128, 136-137, 137, 139, 139, 141-142, 142, 142, 143, 144, 147, 148, 150, 151-152, 156, 157, 161, 175, 192.

 

GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền