Trang chủ    Ảnh chính    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII
Thứ hai, 30 Tháng 8 2021 14:51
18464 Lượt xem

Những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII

(LLCT) - Thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN. Đại hội đã thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng để định hướng sự phát triển của đất nước ta đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Trong đó, có những vấn đề lý luận cốt lõi được đề xuất, bổ sung, phát triển trong suốt 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hình thành hệ thống lý luận về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, sự sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Văn kiện Đại hội XIII thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới có tính đột phá, sáng tạo về sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó, những vấn đề lý luận về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam được thể hiện rõ nét và sâu sắc.

Thứ nhất, Đảng khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên định theo lý luận ấy để xây dựng CNXH ở Việt Nam

Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(1). Đến Đại hội VII (năm 1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(2); đồng thời, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); trong đó, khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(3).

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đảng khẳng định, cơ sở của những thắng lợi của cách mạng và thành quả xây dựng CNXH là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên tinh thần ấy, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(4). Do vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định cho sự ổn định, đổi mới và phát triển.

Thứ hai, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là kết quả của quá trình vận động cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó đến nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn. Lãnh đạo tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng CNXH trên cả nước.

Lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay đạt nhiều thành công mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn. Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng.

Trong 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%(5), thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm(6); các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019, đạt mức bình quân 6,8%(7). Liên tiếp 4 năm, từ năm 2016 đến năm 2019, Việt Nam đứng trong số 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất(8). Đặc biệt, năm 2020, trong khi đa số các nước có mức tăng trưởng âm hoặc lâm vào suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD, thì đến năm 2020 đã đạt 343 tỷ USD (9). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, năm 1985, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm(10). Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm... tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Từ năm 2002 đến năm 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá)(11).

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập(12). Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020(13), cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng  trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã gia nhập WTO, thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế: thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có các nước P5 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh), cùng 59 đối tác FTA; đã có trên 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục, có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...

Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao của nhiều tổ chức quốc tế, đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2009, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 và những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... Song, Việt Nam đã hoàn thành tốt các trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, ngày 7-6-2020, Việt Nam đạt số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.

Trong bài diễn văn Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đã nhấn mạnh: “Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(14). 

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, Đại hội XIII xác định: “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ (...) thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”(15).

Thứ ba, xác định chủ thể của sự nghiệp xây dựng CNXH là quần chúng nhân dân. Hoạt động của quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của sự nghiệp cách mạng

Đảng luôn xác định, quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử - người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Do vậy, phải biết dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc, bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến của nhân dân, của cơ sở, nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng.

Trên cơ sở đó, Đảng khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(16).

Thứ tư, nhận thức sâu sắc hơn và bổ sung các mối quan hệ lớn (chủ yếu) trong thời kỳ xây dựng CNXH, những vấn đề có tính quy luật của sự phát triển

Đại hội XIII nhấn mạnh, để thực hiện được các định hướng đối với sự phát triển đất nước, “cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”(17).

Trong giai đoạn 1986-1996, Đảng tập trung vào nhận thức và giải quyết 5 mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới với ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng XHCN; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; quan hệ giữa xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những mối quan hệ được nhận thức và giải quyết đã góp phần vào sự ổn định đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong giai đoạn 1996-2006, các mối quan hệ lớn được gắn với nhận thức trong tổng thể các vấn đề lớn, như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đặc biệt, Đảng đã có nhận thức mới về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển văn hóa; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, đồng thời tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất; đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội.

Trong giai đoạn 2006-2011, việc nhận thức các mối quan hệ được thể hiện ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra tám mối quan hệ lớn. Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) yêu cầu nhận thức và giải quyết cả tám mối quan hệ lớn này trong tổng thể lý luận về CNXH. Tám mối quan hệ lớn mà Đảng nêu ra được nhận thức và giải quyết trong mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa lý luận về đổi mới tư duy CNXH và lý luận về xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đảng đã xác định, để nhận thức đúng và giải quyết tốt tám mối quan hệ cơ bản thì phải gắn với việc nhận thức đúng tám đặc trưng của CNXH và tám phương hướng xây dựng CNXH. Đại hội XII của Đảng (năm 2016), tiếp tục khẳng định lại tám mối quan hệ lớn đã được nhận thức và bổ sung thêm mối quan hệ lớn (mối quan hệ lớn thứ chín), đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Trên tinh thần tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận trong xây dựng CNXH, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định lại chín mối quan hệ lớn đã được đề ra tại Đại hội XII và bổ sung thêm mối quan hệ lớn thứ mười, đó là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Những vần đề lý luận và thực tiễn về mười mối quan hệ lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xác định rõ hơn những đặc trưng bản chất của CNXH, góp phần vào sự hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tạo ra động lực của đổi mới và phát triển toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Mười mối quan hệ được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII góp phần vào việc củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại mới.

Thứ năm, Đại hội đưa ra quan niệm mới về động lực và nguồn lực phát triển đất nước

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(18).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là của con người Việt Nam, “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”(19). Khi coi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hướng vào nguồn lực nội sinh, năng lượng tiềm tàng tạo thành sức mạnh vĩ đại của dân tộc trong thời kỳ mới. Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước sẽ là sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích...

Để tạo đột phá chiến lược để “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(20) theo tinh thần Đại hội XIII, đòi hỏi chúng ta phải khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc của mỗi con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, để củng cố cơ đồ, tăng cường vị thế đất nước cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Theo đó, mỗi người dân Việt Nam phải phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách; có sự sáng tạo trong tư duy, hăng say học tập, lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.

Con người Việt Nam mang trong mình những giá trị truyền thống tốt đẹp hoàn toàn có khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ, tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127

(3) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.

(4), (15), (16), (17), (18), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.26, 26-27, 27-28, 39, 34, 36.

(5), (6) Võ Hồng Phúc: Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 - 2005)”, trong sách: Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 141, 143.

(7) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-20162019-va-dinh-huong-2020/385934.vgp.

(8) Xem thêm: https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311.

(9) https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Mo-ra-giai-doan-moi-de-dat-nuoc-tien-xa-hon-nhan-dan-am-no-hanh-phuc/421800.vgp.

(10) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/niem-tin-moi-dong-luc-moi-573466.html.

(11) https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

(12)http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Viet-Nam-giu-thu-hang-cao-ve-Chi-so-Doi-moi-sang-tao-toan-cau/405951.vgp.

(13) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-ben-vung-la-viec-phai-lam/416696.vgp.

(14) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-niem-trong-the-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-547821.html.

(19) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền