Trang chủ    Ảnh chính    Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới
Thứ ba, 12 Tháng 10 2021 08:07
3012 Lượt xem

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng ta. Qua 35 năm đổi mới đất nước, quá trình thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng còn những hạn chế, cần tiếp tục có những giải pháp sát thực để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Tranh cổ động Đại hội XIII. Nguồn: hcmcpv.org.vn

Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là vấn đề phức tạp, nó không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện khách quan, nhất là trình độ kinh tế mà cả năng lực chủ quan của các chủ thể xã hội, đặc biệt là lực lượng lãnh đạo, cầm quyền. Ở nước ta, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trước hết phụ thuộc vào năng lực, phương thức lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng là lực lượng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

1. Nhận thức của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới

Đại hội VI (1986) với việc khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã đổi mới căn bản tư duy, cách làm để xây dựng CNXH, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội một cách hiệu quả hơn. Thực tiễn quá trình xây dựng CNXH đã khẳng định sâu sắc rằng, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường tất yếu để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhưng cũng không thể thực hiện được nếu sản xuất không phát triển, kinh tế không tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế là yêu cầu cơ bản của sự nghiệp đổi mới và là điều kiện, tiền đề để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Về bản chất, phát triển kinh tế trong CNXH hướng đến và bao hàm tiến bộ, công bằng xã hội. Tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ bị quy định bởi điều kiện, trình độ kinh tế mà nó còn là mục tiêu hướng đến, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm để kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”; “không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(1), Đảng ta chọn phương thức: thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngaytrong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Qua 35 năm đổi mới với 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, từ các văn kiện Đại hội và qua các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, có thể thấy, tư duy lý luận của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã có những bước chuyển căn bản so với thời kỳ trước đổi mới:

- Từ chỗ đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản sang thừa nhận giá trị nhân loại của kinh tế thị trường và sáng tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khẳng định đây là mô hình tất yếu để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Từ chỗ Đảng, Nhà nước bao cấp toàn bộ trong giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội chuyển sang Nhà nước tạo cơ chế để các giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, xã hội cùng tạo việc làm cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Đây chính là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tinh thần Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH.

- Từ chỗ quan niệm chính sách xã hội như là chính sách hỗ trợ của Nhà nước chuyển sangkhẳng định chính sách xã hội cũng là chính sách phát triển. Từ chỗ chưa đặt đúng vị trí, vai tròchính sách xã hội trong tương quan với chính sách kinh tế đã đi đến nhận thức về sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất biện chứng giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem phát triển kinh tế là cơ sở, tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội và xem việc thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Từ chủ trương tạo lập cơ cấu xã hội thuần nhất sang chủ trương xây dựng xã hội đa dạng, trong đó, các giai tầng xã hội đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm chính đáng và cùng hướng theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ chỗ nhấn mạnh lợi ích tập thể, xem nhẹ lợi ích cá nhân sang giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, nhất là các lợi ích thiết thân của cá nhân người lao động. Từ chỗ phân phối bình quân, đơn điệu sang thực hiện đa dạng hình thức phân phối: dựa vào kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, dựa vào mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Đây là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng hợp lý trong CNXH: “Làm nhiều hưởng nhiều,làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(2)...

-  Từ chỗ phủ nhận phân hóa giàu nghèo đi đến khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo, xem đây là điều kiện cần thiết nhằm thực hiện hệ mục tiêu của CNXH, trong đó có mục tiêu dân giàucông bằng, văn minh. Về điểm này, chủ nghĩa Mác-Lênin cũngđã luận chứng rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH và trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản, sẽ không tránh khỏi hiện tượng, “người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia”(3)...

Đến nay, hệ thống quan điểm lý luận mới của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã được hình thành và không ngừng hoàn thiện với những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là hệ mục tiêu và là đặc trưng hàng đầu của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội cùng với “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân”(4)1 trong 8 phương hướng cơ bản để từng bước hiện thực hóa 8 đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN ở Việt Nam. Đồng thời, quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(5)là 1 trong 10 mối quan hệ lớn phản ánh quy luật biện chứng cần nắm vững và xử lý, giải quyết tốt để đổi mới thành công và xây dựng CNXH thắng lợi.

Thứ hai, chính sách xã hội được đặt ngang hàng với chính sách kinh tế; đồng bộ, tương thích với trình độ kinh tế và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ. Chính sách xã hội đúng đắn vì con người là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, phải “kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần...”(6). Bảo đảm “Công bằng trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển. phân phối kết quả làm ra chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(7). Khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, “xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”(8); “nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”(9). Xây dựng thể chế bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh, an toàn xã hội và bảo đảm an ninh con người theo tinh thần “Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”(10). Bảo đảm hài hòa các quan hệ lợi ích; quyền lợi và nghĩa vụ; cống hiến và thụ hưởng để xây dựng cộng đồng “xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh”(11).

Thứ tư, thực hiện “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”(12). Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, các quan hệ lợi ích trong xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội cụ thể, thiết thân đối với các giai cấp, tầng lớp, nhóm, thành phần xã hội (bảo đảm việc làm, thu nhập, các dịch vụ y tế, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, môi trường sống...). Không ngừng cải thiện, “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(13). Đại hội XIII của Đảng khẳng định đây là một trong những nội dung cấu thành 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ và là một trong những nội dung cấu thành 12 định hướng cơ bản để phát triển đất nước trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn năm 2045...

Những nội dung lý luận trên đây vừa là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa có sự trùng khớp với tư duy hiện đại về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội của thế giới ngày nay(14); vừa kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kinh nghiệm quý báu qua thực tiễn lãnh đạo của Đảng thời kỳ trước đổi mới vừa là sự phản ánh khái quát những nhu cầu khách quan về tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước trong tiến trình đổi mới. Lý luận ấy được khái quát từ thực tiễn và định hướng, chỉ đạo quá trình đổi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

2. Những kết quả nổi bật trong lãnh đạo của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thời kỳ đổi mới

Một là,tạo dựng môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới. Đảng đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 và hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là sự bảo đảm quan trọng về pháp lý để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hai là, thực hiện gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đã làm cho tính tích cực, năng động của con người được khơi dậy, phát huy. Nhờ vậy, các giai tầng xã hội và các chủ thể kinh tế tự do, tự chủ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,9% của năm 2001 xuống 2,2% năm 2017; tỷ lệ thiếu việc làm giảm hơn một nửa, từ 6,1% năm 2008 xuống 1,6% năm 2017(15). Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 35 năm qua đạt khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 22 lần, từ 159 USD/năm (1985) lên 3512 USD/năm (2020). Quy mô nền kinh tế của đất nước tăng từ 6,3 tỷ USD/năm (1989) lên 342 tỷ USD/năm (2020). Công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều(16). Đây là cơ sở, điều kiện có tính quyết định để thực hiện hệ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và hỗ trợ xã hội được cả hệ thống chính trị quan tâm, đông đảo nhân dân hưởng ứng. Cả nước có 9,2 triệu người có công(17)và đã có 95,4% người có công được hưởng đúng, đầy đủ chế độ chính sách; 96% gia đình người có công đạt mức sống trung bình trở lên so với địa phương nơi cư trú(18).

Chính sách bảo trợ, hỗ trợ xã hội có nhiều tiến bộ. Riêng nhiệm kỳ Đại hội XII, đã hỗ trợ nhà ở cho 335,8 nghìn hộ người có công; hỗ trợ nhà ở cho hơn 181,4 nghìn hộ nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị bão lụt; xây dựng hơn 6 triệu m2nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân các khu công nghiệp(19). Trong đại dịch Covid-19, Nhà nước dành nhiều nguồn lực, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng...

Bảo hiểm xã hội được mở rộng với nhiều loại hình; phạm vi, đối tượng bảo hiểm ngày càng gia tăng; cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm được đổi mới và từng bước hoàn thiện theo hướng phù hợp điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế(20). Đến năm 2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 90,7%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là 32,7% (trên 16 triệu người)(21).

Bốn là, công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 chiếm 99%; số trẻ đi học và hoàn thành tiểu học sau 5 năm chiếm trên 92% (thuộc nhóm đầu của ASEAN). Hiện có 95% số người lớn biết đọc, biết viết; đã phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua(22). Hệ thống y tế được tổ chức đến tận cơ sở thôn, bản không những phát huy tốt hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà trong nhiều lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật khám, điều trị, chữa bệnh đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới, nhất là kỹ thuật ghép chi, ghép tạng và sản xuất vắcxin, kể cả vắcxin phòng Covid-19(23)... Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDi) của nước ta đạt mức 0,704, thuộc nhóm có HDi cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển(24).

Rõ ràng, chủ trương của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện để các giai cấp, tầng lớp nhân dân với đặc điểm, nhu cầu đa dạng, phong phú đều có cơ hội đóng góp cho đất nước; đồng thời, được thụ hưởng xứng đáng, phù hợp với thành quả phát triển từ các chính sách kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu nổi bật nêu trên, vẫn “Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa;... bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù”(25). Chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; mô hình tổ chức, quản lý; hiệu quả quản lý xã hội còn không ít hạn chế, bất cập. Giảm nghèo chưa bền vững; một bộ phận người nghèo, xã nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Giáo dục, y tế ở miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có mặt còn hạn chế. Thuốc chữa bệnh, giao thông, lao động, thực phẩm chưa thực sự an toàn. Tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp ở nhiều nơi. Nguyên tắc phân phối theo lao động chưa được thực hiện triệt để; “chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội chưa thật sự hiệu quả; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hoà”(26). Những hạn chế, bất cập đó cho thấy, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội chưa đồng bộ, tương thích, hài hòa với phát triển chính trị, văn hóa.

3. Một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về vai trò, nội dung, ý nghĩa củaquản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội(27). Chính sách xã hội không chỉ là chính sách trợ cấp, từ thiện mà đó là hệ thống chính sách phát triển xã hội. Nó liên quan, gắn kết và chịu tác động của các chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa nhưng cũng có tính độc lập tương đối và có vai trò thâm nhập, tác động (thúc đẩy, kìm hãm) đối với chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa. Không coi trọng đúng mức việc bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội sẽ làm gia tăng bất công, bức xúc xã hội và theo đó sẽ triệt tiêu động lực phát triển kinh tế. Bởi vậy, để đất nước phát triển nhanh, bền vững, sự phát triển xã hội (hạt nhân là tiến bộ và công bằng xã hội) phải đồng bộ, tương thích, hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa.

Thứ hai, “gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách(28)để hoàn thiện lý luận của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong bối cảnh mới. Bám sát thực tiễn đất nước, phát huy truyền thống dân tộc và chủ động tham khảo, kế thừa, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để hoàn thiện lý luận khoa học về lãnh đạo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu thế thời đại và thông lệ quốc tế. Nghiên cứu, áp dụng Chỉ số tiến bộ xã hội (Spi) bởi nó phù hợp với quy luật phát triển chung và bối cảnh cụ thể ở Việt Nam(29). Kinh nghiệm cho thấy, việc vận dụng, áp dụng các chỉ số quốc tế về đánh giá, đo lường (như chỉ số phát triển con người HDi, chỉ số nghèo đa chiều Mpi...) vừa là áp lực và là động lực cho đổi mới, phát triển và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, hiện đại, hội nhập.phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là đột phá về lý luận và thực tiễn mang tầm chiến lược của Đảng trong tiến trình đổi mới. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ. Theo đó, cần “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng”(30). Chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật khuyến khích “khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”; “thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường”(31); thể chế thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình doanh nghiệp... Đây là nội dung bảo đảm tiến bộ, công bằng trong lĩnh vực kinh tế, trong phát triển kinh tế, và là cơ sở, điều kiện để thực hiện tiến bộ, công bằng về mặt xã hội theo tiến trình mục tiêu đến năm 2025, 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Thứ tư, bổ sung,hoàn thiện và thực hiệnđồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa(32).Hiện tại, chính sách, pháp luật về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội khá phong phú nhưng chưa đồng bộ. Có nội dung chính sách, điều luật chưa đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân hoặc dung dưỡng tính thụ động, ỷ lại, không khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chính sách xã hội. Vẫn thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, cần thiết cho các hoạt động xã hội, kể cả hoạt động cứu trợ, từ thiện của các tổ chức xã hội, tôn giáo, nhân vật nổi tiếng, văn nghệ sĩ(33)... Yêu cầu đặt ra là phải “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(34). Do vậy, Đảng cần chú trọng lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về tiến bộ, công bằng xã hội.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1), (16), (22), (24) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https:// nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-conduong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.404.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.35.

(4), (6), (7), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72, 79, 206, 104.

(5), (8), (9), (12), (13), (25), (26), (27), (28), (30), (31), (32), (34) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.39, 148, 147, 116, 202, 108, 85-86, 147, 182, 203, 132-133, 148, 202.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 55, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.398.

(14) Phạm Xuân Nam: Một số vấn đề phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới - Luận cứ và giải pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.168-169.

(15) Phạm Văn Linh:Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, https://tcnn.vn/news/detail/ 48145/Moi-quan-he-giua-phat-trien-kinh-te-voi thuchien-tien-bo-va-cong-bang-xa-hoi-o-Viet- Nam-hien-nay.html.

(17), (19) (21) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.43, 44, 42-48.

(18) Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.179-180.

(20) Xem thêm Vương Đình Huệ:Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước, tại trang: http://dulieu.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/53122/Cai-cach-chinh-sach-bao- hiem-xa-hoi-gop-phan-bao-dam.aspx

(23) Những thành tựu nổi bật của đất nước, https://spe-cial.vietnamplus.vn/2021/01/20/35_nam_doi_moi/.

(29) Trần Quang Tuyến, Lê Văn Đạo, Nguyễn Anh Tú: Chỉ số tiến bộ xã hội và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Số 284, tháng 2-2021, tr.2-10.

(33) Người nổi tiếng quyên tiền làm từ thiện: Cần một thiết chế pháp lý, https://vietnamnet.vn/vn/ tuanvietnam/dachieu/can-mot-thiet-che-phap-ly- khi-nghe-si-keu-goi-tu-thien-740661.html; Lỗ hổngpháp lý trong việc cá nhân huy động tiền từ thiện, https://vnexpress.net/lo-hong-phap-ly-trong-viec- ca-nhan-huy-dong-tien-tu-thien-4284113.html;Hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện, http://daidoanket.vn/hanh-lang-phap-ly-cho- hoat-dong-tu-thien-554255.html.

PGS, TS LÊ VĂN LỢI

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền