Trang chủ    Ảnh chính    Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Chủ nhật, 27 Tháng 2 2022 22:18
1597 Lượt xem

Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị

(LLCT) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trên cơ sở làm rõ sự cần thiết, thực trạng tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị, bài viết đề xuất giải pháp để tăng cường có hiệu quả việc tích hợp này trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị hiện nay.

Hình ảnh Lễ khai giảng các lớp cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: hcma.vn

1. Sự cần thiết của việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới đất nước là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay. Khi tổng kết 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(1). Nhờ đó, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2)

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35 về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế thực hiện, trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, các nội dung cần thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. 

Đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 35 đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp luận cứ cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên chỉ đạo và yêu cầu đội ngũ giảng viên tăng cường tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giáo trình của từng môn học và giáo án của từng bài giảng, chuyên đề ở tất cả các hệ lớp.

Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào đào tạo cao cấp lý luận chính trị là việc bổ sung nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các khâu, các giai đoạn của quá trình đào tạo nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính cập nhật, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn của bài giảng; hướng đến cung cấp cho học viên những nhận thức mang tính phương pháp luận để nhận diện, đánh giá và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách khách quan, toàn diện, bao quát, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với tư cách là cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Mục đích của việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị là:

(1) Khẳng định tính khoa học, cách mạng, nhân văn và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc đấu tranh phê phán các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

(2) Khẳng định vững chắc những quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ và lan tỏa những nội dung mới, tầm nhìn, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(3) Khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trên từng vấn đề, từng lĩnh vực có liên quan trong từng bài giảng, từng môn học; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

(4) Quán triệt nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là những vấn đề cơ bản về quan điểm chỉ đạo, nội dung, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đến đông đảo học viên hệ cao cấp lý luận chính trị tại Học viện.

Về tổng thể, đào tạo cao cấp lý luận chính trị gồm các khâu cơ bản là: xây dựng nội dung giảng dạy, gồm chương trình, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, chuyên đề bổ trợ, chuyên đề ngoại khóa; tổ chức giảng dạy; tổ chức đánh giá kết quả học tập của học viên (như thi hết môn, thi tốt nghiệp, viết khóa luận...); tổ chức quản lý và rèn luyện học viên trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt ngoại khóa, nghiên cứu thực tế... Do đó, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần được thực hiện ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo, với phương thức, hình thức phù hợp, từ xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu học tập đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung giảng dạy, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả học tập; tổ chức cho học viên tham gia các nhiệm vụ chính trị của các cơ sở đào tạo, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các diễn đàn trao đổi, thảo luận, mạng xã hội. Vì vậy, cần nhận thức rõ việc tăng cường nội dung này phải thực hiện một cách thường xuyên, bám sát nội dung các môn học. Tận dụng tối đa, linh hoạt các hình thức giảng dạy (sinh hoạt đầu khóa, sinh hoạt chuyên đề, chuyên đề bổ trợ, chuyên đề ngoại khóa, thảo luận…) để tăng cường các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Thực chất của việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình cao cấp lý luận chính trị là sự kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tiếp tục khẳng định, tuyên truyền, lan tỏa giá trị của nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; từ đó củng cố nhận thức, nâng cao bản lĩnh cách mạng của học viên cao cấp lý luận chính trị.

2. Thực tiễn tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình cao cấp lý luận chính trị thời gian qua

Đối tượng của hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp của hệ thống chính trị. Cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có các Học viện công an, quân đội tham gia đào tạo. Toàn bộ nội dung, chương trình cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Điều đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải thống nhất việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình, giáo trình, giáo án các môn học.

Thực chất của nội dung các môn học trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị với những giá trị nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã có nội dung của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, trước khi Nghị quyết 35 ban hành, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các giáo trình, bài giảng chưa được trình bày một cách có hệ thống, bài bản; đặc biệt nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến bài học nhìn chung còn mờ nhạt. Từ khi Nghị quyết 35 được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện công an, quân đội, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình cao cấp lý luận chính trị đã từng bước được được tiến hành bài bản, sắc nét.

Ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Học viện, lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy đã quán triệt tới các giảng viên chủ động tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị như: bổ sung vào giáo án, bài giảng, xây dựng các câu hỏi ôn tập, các vấn đề thảo luận, ngân hàng đề thi hết môn, đề thi tốt nghiệp và trực tiếp giảng dạy các chuyên đề trên lớp… Trong các tiêu chí đánh giá bài giảng của giảng viên tham gia “Hội thi giảng viên giỏi lần thứ IV” (năm 2021) đã bổ sung tiêu chí về tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc tích hợp đó vừa giúp cho mỗi giảng viên nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, góp phần tuyên truyền, lan tỏa nội dung này đến toàn thể học viên.

Hầu hết các môn học thuộc chương trình cao cấp lý luận chính trị đều được tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: Môn triết học Mác - Lênin, các bài giảng tập trung khẳng định, làm rõ hơn tính khoa học, tính cách mạng của triết học Mác - Lênin; đấu tranh phản bác các quan điểm phủ nhận, xuyên tạc học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, quan điểm về giai cấp, nhà nước, chuyên chính vô sản… Môn chủ nghĩa xã hội khoa học, các bài giảng không chỉ khẳng định, bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn tập trung phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Môn kinh tế chính trị, các bài giảng tiếp tục làm rõ tính khoa học trong các quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lênin về học thuyết giá trị hàng hóa, giá trị thặng dư, phản bác những quan điểm phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, cung cấp các luận cứ phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi đen lịch sử. Môn tư tưởng Hồ Chí Minh lồng ghép các nội dung khẳng định giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Cùng với các nội dung trên, các học viện công an, quân đội còn tích hợp các nội dung khẳng định, lan tỏa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh; phản bác âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch… Nhìn chung, dấu ấn của việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các môn học, bài giảng khá đậm nét, góp phần phần củng cố thế giới quan khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên cao cấp lý luận chính trị.

Trong quá trình triển khai, một số đơn vị đã có những cách làm mới, sáng tạo trong việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị như phát huy vai trò của hội đồng khoa học trong việc góp ý bài giảng cho giảng viên; tổ chức sinh hoạt khoa học để thống nhất nội dung, cách thức tích hợp; tham gia dự giờ, nhất là giờ giảng của giảng viên trẻ để góp ý hoàn thiện bài giảng; xây dựng các tình huống sư phạm liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để học viên trao đổi, thảo luận; tích hợp trong các câu hỏi ôn tập, kiểm tra, thi hết môn hoặc chủ đề các bài thu hoạch... Những cách làm rất đa dạng, sáng tạo của các đơn vị, đội ngũ giảng viên đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi của học viên. 

Một số lớp cao cấp lý luận chính trị đã xây dựng các group, fanpage... để đăng tải, chia sẻ những bài viết có nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một số học viên đã có bài viết đăng tải trên các fanpage, website của Học viện có độ lan tỏa rộng rãi. Đây là những dấu ấn quan trọng, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của học viên với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Học viện vẫn còn những hạn chế, bất cập. So với yêu cầu của việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35, những kết quả đó mới là bước đầu. Trong thực tế, một số giảng viên chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Không ít giảng viên còn lúng túng trong việc lựa chọn vấn đề, sử dụng phương thức tích hợp nội dung đấu tranh trong từng bài giảng. Việc tích hợp cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ ở tất cả các môn học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị... Vì đang triển khai nên chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nội dung này của các đơn vị, cá nhân. 

So với số lượng lớn học viên cao cấp lý luận chính trị hằng năm, số lớp có group, fanpage có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn ít. Do đó chưa phát huy tốt vai trò của học viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự phối hợp giữa một số đơn vị trong việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn chưa chặt chẽ, do chưa có cơ chế phối hợp.

3. Giải pháp tăng cường tích hợp có hiệu quả nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị 

Để tiếp tục tăng cường tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo chiều sâu, thực chất và hiệu quả, cần chú trọng những giải pháp cơ bản sau:

Một là, bám sát nội dung, chương trình đào tạo để tích hợp những nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (chuyên đề sinh hoạt đầu khóa, sinh hoạt chuyên đề, chi bộ, chuyên đề ngoại khóa, thảo luận…). Các đơn vị chuyên ngành rà soát, hệ thống hóa các bài giảng theo giáo trình vừa cập nhật để xác định các nội dung cốt lõi của từng bài. Với từng nội dung, cần chỉ rõ đâu là những vấn đề có giá trị bền vững cần tiếp tục khẳng định, lan tỏa; đâu là những vấn đề cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới; đâu là những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc và cần phải đấu tranh phản bác (căn cứ lý luận, thực tiễn).

Hai là, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, nhất quán trong việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo. Các đơn vị chuyên ngành cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt khoa học, hội thảo và tọa đàm để trao đổi ý kiến, thống nhất nội dung, cách thức thực hiện. Đối với những môn học liên quan trực tiếp đến nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn, cập nhật nội dung tích hợp cho giảng viên. Ngoài ra, các đơn vị giảng dạy căn cứ vào đặc điểm tình hình để xây dựng các mô hình tích hợp cho phù hợp.

Ba là, đội ngũ giảng viên cần chủ động, tích cực áp dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại trong việc thiết kế giáo án, bài giảng, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng các thông tin có nội dung cập nhật, hình ảnh minh họa sinh động để thu hút sự chú ý của học viên. Giảng viên cần phát huy tính chủ động của học viên trong việc tham gia trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Giảng viên cũng cần trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho học viên những kỹ năng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên sách, báo, tạp chí và trên không gian mạng.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong việc tổ chức triển khai tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp cấp lý luận chính trị. Vì việc tích hợp này diễn ra ở các khâu của quá trình đào tạo nên các đơn vị có liên quan như Đảng ủy, Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Vụ Quản lý đào tạo, các ban đào tạo và các đơn vị chuyên ngành cần phối hợp với nhau một cách thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả theo một cơ chế rõ ràng, minh bạch.

Năm là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với các đơn vị giảng dạy và giảng viên. Việc kiểm tra, đánh giá cần được tiến hành thường xuyên ở tất các khâu của quá trình đào tạo, có cơ chế giám sát các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện. Đối với các viện chuyên ngành, các khoa chuyên môn, cần lấy việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng bài giảng cũng như chất lượng giảng viên hàng năm. Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm soát, quản lý các fanpage, group, facebook của các đơn vị, các lớp, của cán bộ, học viên... để kịp thời có những hướng dẫn, điều chỉnh; tránh tình trạng mất kiểm soát, đi chệch hướng hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng, tấn công.

Sáu là, phát huy vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của, giảng viên khi tham gia giảng dạy các lớp cao cấp lý luận chính trị. Vì giảng viên là người tiếp xúc trực tiếp với học viên và có ảnh hưởng trực tiếp đến học viên nên mỗi giảng viên cần ý thức việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính bắt buộc nên phải được tiến hành thường xuyên, tự giác. Để việc tích hợp thực sự có hiệu quả, mỗi giảng viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực chuyển hóa những kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy. Ngoài ra, mỗi giảng viên, nhất là giảng viên trẻ cần có ý thức cầu thị, tinh thần sáng để những nội dung tích hợp được hài hòa, uyển chuyển, tránh sự khiên cưỡng, gò ép hình thức.

Như vậy, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35. Điều đó không chỉ tiếp tục khẳng định, lan tỏa những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nâng cao bản lĩnh cách mạng của học viên các lớp cao cấp lý luận chính trị.

__________________

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104, 104.

PGS, TS LÊ VĂN LỢI

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền