Trang chủ    Ảnh chính    Đại hội lần thứ nhất Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2025
Thứ năm, 24 Tháng 3 2022 17:25
766 Lượt xem

Đại hội lần thứ nhất Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2025

(LLCT) - Ngày 23 và 24-3-2022, tại Hà Nội, Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2021-2025. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Đến dự Đại hội có đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Về phía lãnh đạo Học viện, có sự tham dự của PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đại hội có sự tham gia của đại diện các cơ quan ban, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các ban chuyên môn Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tạp chí, các đơn vị chức năng, đơn vị chuyên môn trong hệ thống Học viện, cùng sự tham gia của 75 đại biểu đại diện cho gần 170 hội viên của Liên Chi hội Nhà báo Học viện. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Học viện Chính trị quốc gia Học viện và trực tuyến tại các điểm cầu Học viện Chính trị Khu vực II, III tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tại phiên trù bị vào chiều ngày 23-3-2022, Đại hội đã thống nhất bầu đoàn Chủ tịch gồm các đồng chí: PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Nhà báo Học viện; PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Nhà báo Học viện; PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Nhà báo Học viện. 

Đại hội đã thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành lâm thời Liên Chi hội cùng một số văn kiện quan trọng của Đại hội.

Đại hội biểu quyết thông qua đề án nhân sự Ban Chấp hành Liên Chi hội gồm 9 đồng chí và bỏ phiếu bầu 9 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên Chi hội Nhà báo Học viện khóa I, nhiệm kỳ 2021-2025. Danh sách bao gồm các đồng chí: PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng; TS Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông; PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí; TS Đinh Thị Xuân Hòa, Phó Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình; TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị; ThS Trần Thị Thúy Linh, Tạp chí Sinh hoạt Lý luận.

Đại hội bầu ra Ban Kiểm tra Liên Chi hội nhiệm kỳ 2021-2025 gồm các đồng chí Đặng Kim Oanh, Thư ký Chi hội Tạp chí Lịch sử Đảng, đồng chí Lê Minh Phương, Phó thư ký Chi hội Tạp chí Lý luận chính trị, đồng chí Đào Thị Hoàn, hội viên Chi hội Tạp chí Lịch sử Đảng. 

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện phát biểu khai mạc Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội tại phiên chính thức vào sáng 24-3-2022, PGS,TS Dương Trung Ý, Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời Liên Chi hội khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thành lập Liên Chi hội Nhà báo, thống nhất hệ thống các cơ quan báo chí trong toàn Học viện. Vì vậy, Đại hội lần thứ nhất Liên Chi hội Nhà báo là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của công tác báo chí Học viện. Đại hội sẽ làm rõ những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề cần khắc phục, xác định phương hướng, nhiệm vụ và bầu ra ban lãnh đạo Liên Chi hội để tổ chức hiệu quả nhiệm vụ công tác hội trong nhiệm kỳ 2021-2025. 

Thay mặt Ban Chấp hành lâm thời, PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Phó Chủ tịch lâm thời Liên Chi hội Nhà báo trình bày Báo cáo kết quả hoạt động của Liên Chi hội và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2025. Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh năm 2021 với nhiều khó khăn, đồng thời cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động báo chí nói chung và công tác xây dựng tổ chức Hội Nhà báo nói riêng. Đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Giám đốc Học viện trong việc triển khai các bước thành lập Liên Chi hội Nhà báo Học viện để ra mắt Ban Chấp hành Liên Chi hội lâm thời vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2021. 

Mặc dù mới thành lập và triển khai hoạt động trong 9 tháng, Liên Chi hội Nhà báo Học viện đã phát huy vai trò, trách nhiệm, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Khi Liên Chi hội thành lập, toàn Học viện có 8 chi hội nhà báo với tổng số hơn 170 hội viên, trong đó có 6 chi hội cơ quan tạp chí, 2 chi hội ở đơn vị nghiên cứu - giảng dạy thuộc Học viện Báo chí vàTuyên truyền; có 6 chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và 2 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà báo Thành phố Đà Nẵng. 

Ngay sau khi thành lập Liên Chi hội, với trách nhiệm là đầu mối tham mưu, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về công tác Tạp chí, bản tin, Chi hội Tạp chí Lý luận chính trị đã chủ động tham mưu chuyển sinh hoạt các Chi hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng về Liên Chi hội Học viện; tham mưu Ban Giám đốc xây dựng các quy định, quy chế hoạt động để tạo tiền đề cho hoạt động của Liên Chi hội bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống. 

Về công tác chuyên môn nghiệp vụ, với đặc thù hoạt động trong các đơn vị tạp chí khoa học chính trị, khoa học chuyên ngành có tính chất hàn lâm, học thuật cao, do vậy các Chi hội luôn đề cao hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều hoạt động thiết thực, như tham mưu, chủ trì mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ công tác hội cho các hội viên. Cử cán bộ lãnh đạo tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí do Học viện phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức; mở lớp tập huấn kỹ năng chế bản, trình bày ấn phẩm tạp chí. Tổ chức các hội nghị chuyên đề trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm biên tập bài chính luận, lý luận chính trị.

Liên Chi hội Nhà báo đã chỉ đạo các Chi hội, vận động hội viên tham gia viết bài, tuyển chọn các bài viết phù hợp, chất lượng tốt gửi tham dự các Cuộc thi: Giải Báo chí toàn quốc Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí lần thứ ba, năm 2020-2021, Giải Báo chí toàn quốc về công tác dân số; Giải báo chí thông tin đối ngoại năm 2021; Giải Búa liềm vàng; giải báo chí viết về Hà Nội,... Một số Chi hội đã đạt thành tích đáng khích lệ. 

Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Liên Chi hội Nhà báo Học viện định hướng tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên, xây dựng, hoàn thiện thể chế hoạt động của Liên Chi hội và các Chi hội; chủ động, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút và phát huy vai trò của hội viên; bám sát và phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Học viện, của các cơ quan chủ quản. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động do Hội Nhà báo Việt Nam phát động. 

Các tham luận tại Đại hội đều đánh giá cao và nhất trí với nội dung Báo cáo chính trị về kết quả hoạt động của Liên Chi hội Nhà báo trong thời gian qua cũng như phương hướng nhiệm vụ của Liên Chi hội trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Tại Đại hội, TS Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Tạp chí Lịch sử Đảng tham luận với chủ đề Chi hội Tạp chí Lịch sử Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong đó nêu ra một số kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn hoạt động báo chí trong thời gian qua. Đó là, Ban lãnh đạo Tạp chí cũng như đội ngũ biên tập viên luôn quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viên, sự chỉ đạo của Viện Lịch sử Đảng trong thực hiện nhiệm vụ xuất bản tạp chí. Mỗi hội viên làm nhiệm vụ biên tập đều phát huy tinh thần tận tâm, trách nhiệm; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn nội dung học tập với việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức người làm báo. Công tác xây dựng chi hội được đẩy mạnh, với nhiều hoạt động, để Chi hội là nơi sinh hoạt chuyên môn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, góp phần xây dựng đội ngũ vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Khoa học Chính trị tham luận về mô hình kết hợp Tạp chí với vận hành Cổng thông tin điện tử. Trong điều kiện tinh giản tổ chức bộ máy, đơn vị có 11 cán bộ, hội viên vừa thực hiện nhiệm vụ xuất bản Tạp chí Khoa học chính trị, vừa vận hành Cổng thông tin điện tử Học viện Khu vực II, đội ngũ cán bộ đã phát huy tinh thần tận tâm, sáng tạo trong công việc, xây dựng và vận hành mô hình biên tập, xuất bản, bảo đảm đưa tin kịp thời, chính xác, khách quan, khoa học. Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn Liên Chi hội Nhà báo Học viện sẽ làm cầu nối để các chi hội thành viên tăng cường kết nối, trao đổi chuyên môn.

TS Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng biên tập, Thư ký Chi hội Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đề xuất, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống tạp chí tại Học viện, các Chi hội, các nhà báo trong Liên Chi hội cần xác định rõ đặc thù khoa học, thông tin chuyên ngành, có tính chất hàn lâm, học thuật cao. Vì vậy, các Chi hội cần căn cứ trên đặc điểm hội viên để đề ra định hướng, nhiệm vụ phù hợp. Liên Chi hội cần đóng vai trò hạt nhân, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao phẩm chất, năng lực, đạo đức của hội viên. 

TS Đinh Thị Xuân Hòa, Phó Trưởng khoa, Thư ký Chi hội Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ kinh nghiệm của Chi hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Với đặc thù là đơn vị nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành báo chí, Chi hội Khoa Phát thanh - Truyền hình xác định hai nhiệm vụ trọng tâm: tích cực nghiên cứu khoa học báo chí truyền thông và hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Chi hội có 24 hội viên, giảng dạy 6 chuyên ngành đào tạo ở cả ba hệ cử nhân, cao học và tiến sỹ với khoảng 1.300 sinh viên. Đội ngũ lãnh đạo và giảng viên của Khoa luôn nhận thức rõ vai trò của việc nghiên cứu khoa học. Trung bình mỗi năm Khoa thực hiện 10-15 đề tài cấp cơ sở, gồm giáo trình, sách chuyên khảo, đăng tải khoảng 50 bài trêncác tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, góp phần bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ vui mừng khi tới dự Đại hội lần thứ nhất Liên Chi hội Nhà báo Học viện, nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng chí nhấn mạnh, đây là Đại hội đầu tiên của Liên Chi hội Nhà báo toàn Học viên, là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, quyết tâm cao độ của toàn thể lãnh đạo các tạp chí, bản tin, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, giảng viên, hội viên các Chi hội trong hệ thống Học viện. 

Học viện là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học lý luận chính trị, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Học viện có 12 tạp chí, 6 bản tin, cổng thông tin, đồng thời có Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trung tâm quốc gia về đào tạo chuyên ngành báo chí. Vì vậy, Liên Chi hội Học viện vừa mang những đặc trưng của các chi hội nhà báo trong hệ thống, vừa có nét đặc thù của Học viện. 

Sự ra đời của Liên Chi hội là kết quả sau nhiều nỗ lực nhằm thống nhất hoạt động của hệ thống các cơ quan báo chí trong hệ thống Học viện, góp phần tăng cường chất lượng chuyên môn, bảo vệ hội viên, giúp cán bộ, biên tập viên, giảng viên cơ sở đào tạo có môi trường, điều kiện trau dồi chuyên môn, giao lưu học hỏi, củng cố đạo đức, phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, Liên Chi hội là cơ sở chính trị quan trọng để Đảng ủy Học viện thực hiện tốt Chỉ thị số 43 ngày 08-4-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới

Việc chỉ đạo thành lập Liên Chi hội Nhà báo Học viện là một nội dung nhiệm vụ quan trọng của Đề án sắp xếp, phát triển báo chí của Học viện đến năm 2025, tầm nhìn 2030, là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống báo chí toàn Học viện.

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác báo chí của Học viện. Các tạp chí, trang tin đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng chủ trương, đường lối, đúng định hướng. Nhiều tạp chí có các chuyên mục tập trung vào công tác đấu tranh, bảo vệ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công bố các kết quả nghiên cứu của Học viện và của giới nghiên cứu lý luận chính trị trong cả nước, góp phần hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Diện mạo công tác báo chí Học viện có nhiều khởi sắc với những dấu ấn đáng ghi nhận. Nhiều tạp chí đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, khoa học lý luận. Các cơ quan báo chí tích cực đa dạng hóa ấn phẩm, có nhiều đổi mới, tích cực sử dụng các công cụ mạng xã hội để góp phần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao vị thế và uy tín của Học viện ở trong và ngoài nước. Tổ chức bộ máy, hội đồng biên tập được kiện toàn, thực chất hơn. Nghiệp vụ chuyên môn báo chí từng bước được nâng cao, nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ báo chí đã mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, Đồng chí cũng nêu ra một số hạn chế để các Chi hội Nhà báo sớm khắc phục: Công tác thành lập, kiện toàn chi hội còn chậm trễ, đội ngũ hội viên nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phát triển chi hội; chưa khai thác tốt thế mạnh của đội ngũ làm nghiên cứu khoa học; chưa chuẩn hóa về quy trình biên tập, chuẩn tạp chí quốc tế; kết nối với Hội Nhà báo Việt Nam còn chưa chặt chẽ, các Chi hội nhà báo Học viện chưa tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, số bài đạt các giải báo chí còn rất khiêm tốn.

Đồng chí đề nghị, Liên Chi hội cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực tiễn đổi mới đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện; tiếp tục tổ chức tốt các chuyên mục Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đặc biệt, các tạp chí, bản tin cần xây dựng chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu, lan tỏa nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo của Học viện; tiếp tục kiện toàn tổ chức Chi hội, Liên Chi hội nhà báo; phát triển, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý hội viên.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao hệ thống cơ quan báo chí của Học viện, với đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Liên Chi hội nhà báo Học viện là một trong những Liên Chi hội có quy mô khá lớn, đó là tiền đề quan trọng để phát triển công tác hội.

Trong xu thế hiện nay, cách thức làm báo đã có nhiều thay đổi với sự kết hợp của công nghệ, hiệu quả của báo chí được lượng hóa bằng các tiêu chí cụ thể, yếu tố thương mại được gắn liền với chất lượng chuyên môn, góp phần thúc đẩy chất lượng chuyên môn. Vì vậy, Đồng chí cho rằng Liên Chi hội Nhà báo Học viện cần nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn báo chí trong hoạt động đào tạo, giảng dạy báo chí để đáp ứng được thực tiễn. 

Đồng chí đề nghị, Liên Chi hội Nhà báo Học viện cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Học viện, quán triệt Chỉ thị 43 ngày 08-4-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là đội quân tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng. Giữ vững kỷ cương, nền nếp hội, tăng cường giao lưu chuyên môn nghiệp vụ hội, tăng cường các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng; thực hiện nghiêm Luật báo chí, 10 điều quy định về đạo đức của người làm báo. 

Thay mặt Ban Chấp hành Liên Chi hội Nhà báo Học viện, PGS,TS Dương Trung Ý, Chủ tịch Liên Chi hội cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo, các hội viên và sẽ sớm tiếp thu, cụ thể hóa những ý kiến đóng góp vào chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phát triển Liên Chi hội trong nhiệm kỳ 2021-2025.

MINH NGỌC

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền