Trang chủ    Ảnh chính    Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị - Thành tựu, hạn chế và giải pháp
Thứ hai, 15 Tháng 8 2022 11:38
1600 Lượt xem

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị - Thành tựu, hạn chế và giải pháp

(LLCT) - Đổi mới phương thức lãnh đạo là một chủ trương lớn của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bao hàm xây dựng một phương thức lãnh đạo khoa học, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng lãnh đạo và với hoàn cảnh, điều kiện khách quan để đưa nội dung lãnh đạo vào thực tiễn cuộc sống. Bài viết làm rõ thành tựu và hạn chế trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ thống chính trị qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X; đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên - Ảnh tapchicongsan.org.vn

Phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống những hình thức, biện pháp, cách thức mà chủ thể lãnh đạo là Đảng tác động đến đối tượng lãnh đạo (Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội...) nhằm thực hiện nội dung, mục đích lãnh đạo của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên dùng thuật ngữ “phương thức lãnh đạo” trong Báo cáo về những Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khoảng tháng 10-1930). Người viết: “cho nên phương thức lãnh đạo quần chúng vô cùng quan trọng, Đảng phải hết sức quan tâm”(1). Sau này, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Người dùng thuật ngữ “cách lãnh đạo” và nêu lên những nguyên tắc căn bản trong cách lãnh đạo.

1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Thành tựu và hạn chế

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, có thể đánh giá khái quát như sau:

Về thành tựu

Ngày càng xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng lãnh đạo với chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của mỗi tổ chức, nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhận thức về phương thức lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng rõ và cụ thể, phù hợp hơn. Đảng rất coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị mà trọng tâm là Nhà nước. Cương lĩnh năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011 đã xác định rõ các kênh của phương thức lãnh đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên ... Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị”(2).

Trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng. Thí dụ, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10- 2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Quy định này, không đơn thuần nhằm xây dựng Đảng về đạo đức mà còn phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tăng cường lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên...

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được rà soát, bổ sung, từng bước được hoàn thiện, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhờ có tư duy đổi mới, triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm nên bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm kéo dài trong nhiều năm về tổ chức bộ máy.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảm biên chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử... nhờ đó, nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả của phương thức lãnh đạo.

Đảng đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy; ban hành nhiều quy chế, quy định về quan hệ giữa cấp ủy, các tổ chức đảng, cơ quan đảng với các tổ chức, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội: xây dựng, tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. 

  Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, nhờ đó có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân rất đồng tình, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Qua đó, có tác dụng củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
     

Phương thức lãnh đạo của Đảng được từng bước đổi mới phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ của từng nhánh quyền lực (lập pháp - hành pháp - tư pháp), phù hợp, cụ thể hơn với các cấp chính quyền (Trung ương - địa phương); phù hợp với nguyên tắc hiệp thương, dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhờ đó, một mặt, Đảng vừa giữ vững được vai trò lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước, mặt khác vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, giảm bớt sự chồng chéo, “lấn sân” giữa các tổ chức đảng với các tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới cách học tập, quán triệt nghị quyết, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”(3).

Nhờ đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó có đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh nên trong nhiệm kỳ Đại hội XII chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Những thành tựu đó đã tạo điều kiện, tiền đề cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, nhằm thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra.

Về một số hạn chế

Tuy đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, song như Văn kiện Đại hội XIII đã nhận định: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(4). Tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn xảy ra ở một số nơi. Cải cách hành chính trong Đảng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp thực tiễn đặt ra chưa được làm sáng tỏ. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Tính tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút, thậm chí có một số đảng viên là lãnh đạo cao cấp còn vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; có tình trạng bộ máy được sắp xếp mang tính chất cơ học, gọn hơn nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu, chưa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước; còn thiếu những cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên nhằm phát hiện cho tổ chức đảng những sai phạm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

2. Một số phương hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tình hình thế giới diễn biến về cơ bản như Đại hội đã dự báo. Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, khó đoán định, gây nhiều bất ổn, bất an, lo âu cho nhiều nước.

Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, sức mạnh quốc gia dân tộc, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều đó tạo điều kiện, tiền đề thuận lợi to lớn để củng cố niềm tin, tạo động lực mới, khí thế mới cho toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường XHCN.

Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Kinh tế phát triển chưa thật bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - văn hóa - xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; các thế lực thù địch ngày càng chống phá quyết liệt. Công tác tổ chức, cán bộ, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, về đổi mới hệ thống chính trị... còn nhiều hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu. Những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm đó đòi hỏi Đảng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, cần thực hiện một số phương hướng và giải pháp sau:

Phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội trong điều kiện mới. Chỉ khi có phương thức lãnh đạo đúng đắn, khoa học, phù hợp thì nội dung và mục đích lãnh đạo của Đảng mới được hiện thực hóa trong cuộc sống, mới phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng. Tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phương thức lãnh đạo cũng phải thay đổi. Chủ quan phải phù hợp với khách quan. Phải theo dõi sát sự biến đổi của tình hình trong nước, quốc tế. Phải coi đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung của đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế; phải đặt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - xây dựng Đảng về phương thức lãnh đạo.

Phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng xây dựng ba trụ cột cơ bản của mô hình phát triển xã hội XHCN Việt Nam. Đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN. Phương thức lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường định hướng XHCN, với các chuẩn mực, thể chế của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát huy tối đa các nguồn lực và động lực của nền dân chủ XHCN.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, vừa phải nâng cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Cần có những quy định cụ thể về Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống tha hóa quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ; có cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc phát huy quyền chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của các địa phương với việc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.

Tăng cường quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, có cơ chế để thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ (vừa qua, sai phạm khá phổ biến là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ), tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; có cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thực chất việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, về Đảng cầm quyền trong điều kiện mới; thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo của Đảng, phong cách công tác của cán bộ, đảng viên theo phong cách Hồ Chí Minh với những đặc trưng nổi bật là dân chủ, gần dân, hiểu dân, vì dân, cầu thị, sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy mạnh mẽ dân chủ trong nội bộ Đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng theo hướng “thà ít mà tốt”, bảo đảm các điều kiện thực hiện nghị quyết.

_________________

Ngày nhận bài: 30-6-2022; Ngày bình duyệt: 1-7-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 618.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88-89.

(3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 76-77, 93.

GS, TS LÊ HỮU NGHĨA

Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,

Chủ tịch Hội Triết học

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền