Trang chủ    Ảnh chính    Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang trong cách mạng giải phóng dân tộc
Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 12:44
4185 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang trong cách mạng giải phóng dân tộc

(LLCT) - Trên cơ sở kế thừa học thuyết quân sự Mác - Lênin, tinh hoa quân sự thế giới, truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc và điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng đúng đắn và cách làm độc đáo, sáng tạo để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam rộng khắp và mạnh mẽ, góp phần to lớn đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Những chỉ dẫn của Người tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Quân đội Việt Nam nỗ lực phấn đấu, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại - Ảnh: qdnd.vn

Thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (năm 1945), giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; mở ra một kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó là minh chứng xác đáng cho tính khoa học, đúng đắn và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang trong cách mạng giải phóng dân tộc là một trong những tư tưởng đặc sắc của Người, góp phần to lớn vào sự thành công của cách mạng và trở thành cơ sở, nền tảng cho đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng hiện nay.

1. Xây dựng lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng

Ngay từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định, các dân tộc bị áp bức muốn được giải phóng, trước hết phải trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Theo Người, lực lượng đó bao gồm hai lực lượng cơ bản là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong đó, lực lượng chính trị không những là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, là cơ sở cho đấu tranh quân sự, mà còn là lực lượng trực tiếp tiến công đánh địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; chống địch khủng bố, cướp bóc; bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ quân chủ lực; tiến hành công tác địch vận làm tan rã hàng ngũ địch...

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta muốn có một đội võ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững”(1). Người còn nhấn mạnh: “Ở nước ta hiện nay, muốn đánh Pháp, đuổi Nhật thì ai là người vác súng, ai là người tự giác, tự nguyện đứng dậy làm cách mạng. Đó là quảng đại quần chúng. Cho nên phải tuyên truyền vận động quần chúng. Có như vậy, cách mạng mới thắng được”(2).

Theo Hồ Chí Minh, muốn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang thì trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giác ngộ chính trị, tự nguyện, tự giác ủng hộ cách mạng, đi theo cách mạng. Phải xây dựng được cơ sở chính trị vững chắc, phải làm cho nhân dân thấy được mục đích chính nghĩa của cách mạng để mà dốc sức cho cách mạng. Có như vậy, cách mạng mới có lực lượng, có sức mạnh để giành thắng lợi. Đồng thời, từ lực lượng chính trị, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.

Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng chính trị làm cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang. Người chú trọng công tác tuyên truyền, giác ngộ, cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Ngay từ năm 1923, trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Người đã nêu rõ ý định và quyết tâm của mình: “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(3). Đặc biệt, để quần chúng đến với cách mạng, đi theo cách mạng, Người chú trọng đào tạo, huấn luyện cán bộ làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Từ năm 1925 -1927, khi hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Người không chỉ quan tâm lựa chọn, gửi một số thanh niên yêu nước Việt Nam vào học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc), mà còn trực tiếp mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ làm nguồn cho cách mạng. Sau này khi trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. Đồng thời, Người cũng chú trọng mở các lớp huấn luyện chính trị và quân sự ở trong nước, rồi đưa họ về các địa phương để xây dựng cơ sở cách mạng(4). Theo Người, đây là những hạt giống tốt, phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống tốt khác.

Thực tế, khi trở về địa phương, các cán bộ cách mạng đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tổ chức quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng. Từ phong trào đấu tranh của lực lượng chính trị đã từng bước hình thành nên các đội vũ trang đầu tiên của cách mạng như: các Đội Tự vệ đỏ trong Xô viết Nghệ  - Tĩnh, rồi đến Đội du kích Bắc Sơn, các Trung đội Cứu quốc quân... Và sau này là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đây chính là lực lượng vũ trang chủ lực, chính quy đầu tiên, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng vũ trang trong phong trào đấu tranh cách mạng là minh chứng sinh động cho quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng chính trị làm cơ sở vững chắc để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đúng như Người đã chỉ dẫn: “Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy”(5).

2. Vũ trang toàn dân để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thực hiện mục tiêu đó, theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chỉ có bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân được vũ trang thì mới đánh đổ được sự thống trị bằng bạo lực phản cách mạng của thực dân, đế quốc và tay sai. 

Người chỉ rõ: “Cách mạng vô luận vào thời đại nào, theo về hoàn cảnh nào, muốn cho thành công thì nhất định phải dùng vũ lực, bởi vì thống trị giai cấp nó đè nén mình, nó hà hiếp mình, là nó cậy nó có vũ lực của nó nên bây giờ cách mạng cũng phải có vũ lực của mình”(6). Vì thế, Người luôn quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Người cho rằng, vũ trang toàn dân là cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.  

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thực hiện mục tiêu đó, theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chỉ có bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân được vũ trang thì mới đánh đổ được sự thống trị bằng bạo lực phản cách mạng của thực dân, đế quốc và tay sai.

Thực tế, ngay từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã không ngừng hiện thực hóa tư tưởng khởi nghĩa vũ trang và vũ trang toàn dân. Người khẳng định: “Mục tiêu của ta là tiêu diệt bọn đế quốc, bọn phong kiến thống trị chứ không phải là giết một thằng là xong. Hôm nay chúng ta giết thằng này, ngày mai chúng lại đưa thằng khác lên. Chủ trương đúng đắn nhất của những người cách mạng chân chính là biết cách tổ chức quần chúng lại thành một khối thống nhất, vững chắc, đấu tranh tiêu diệt cả chế độ của chúng”(7).

Người nhấn mạnh: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”(8). Cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, do toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành. Do đó, bên cạnh việc giáo dục, giác ngộ, tổ chức nhân dân tham gia cách mạng, cần phải coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang và vũ trang toàn dân để nhân dân trực tiếp đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của cách mạng Việt Nam như: quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, khẳng định vấn đề giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam; đề ra chủ trương tổ chức Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị đón thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa.

Trên cơ sở phân tích rõ tình hình cách mạng Việt Nam và quốc tế, Hội nghị đã khẳng định: “Cách mạng Việt Nam phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”(9). Đây là một chủ trương quan trọng, tiếp nối tư tưởng khởi nghĩa vũ trang và vũ trang toàn dân mà Người đã xác định trước đây.

Trên tinh thần đó, trong thư Kính cáo đồng bào (ngày 6-6-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”(10). Người chỉ rõ, công việc cứu nước là công việc chung của cả dân tộc chứ không phải của một nhóm người, càng không phải của một số ít người. Chỉ có thể tập hợp được cả dân tộc vào khởi nghĩa vũ trang thì mới bảo đảm đưa cách mạng đến thắng lợi. Do đó, toàn thể dân tộc Việt Nam, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo; từ các tầng lớp công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, trí thức, tiểu thương, đến các vị thân sỹ, phú hào, chức sắc tôn giáo, quan lại, công chức làm việc cho chính quyền thực dân, phong kiến, bất kỳ ai là người Việt Nam có lòng yêu nước thì hãy tham gia vào Mặt trận Việt Minh để cùng gánh vác công việc cứu nước, giành cho được độc lập dân tộc.

Thực hiện quan điểm đó, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm cho lực lượng cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, từ không đến có, từ yếu thành mạnh. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhất, là tiền đề để xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng sau này, đồng thời bảo đảm cho cách mạng giải phóng dân tộc nhanh chóng đi đến thắng lợi.

3. Xây dựng quân đội chủ lực làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang cách mạng

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng, muốn tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc thì lẽ đương nhiên phải vũ trang cách mạng. Tức là phải vũ trang cho nhân dân để tiến hành cách mạng; phải thành lập các lực lượng vũ trang cách mạng, nhất là xây dựng quân đội chủ lực làm lực lượng nòng cốt. Người khẳng định: “Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”(11).

Người cũng chỉ rõ nhiệm vụ của quân chủ lực là: “dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”(12), quân chủ lực là “đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”(13).

Hồ Chí Minh quan tâm việc chuẩn bị mọi điều kiện cho việc thành lập quân đội chủ lực làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang cách mạng. Tháng 10-1941, Người đã chỉ đạo cho xây dựng thí điểm Đội du kích Pác Bó (còn gọi là Đội du kích Cao Bằng). Đội có nhiệm vụ: “Bảo vệ cơ quan và cán bộ đặc biệt; võ trang tuyên truyền cách mạng trong quần chúng; xây dựng nền nếp cho các lực lượng vũ trang sau này; công tác đặc biệt; giao thông liên lạc đặc biệt”(14). Đây là đội quân kiểu mới được thành lập nhằm bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, du kích ở địa phương, làm liên lạc nối căn cứ của Đảng với miền xuôi. Đồng thời, đây cũng là đội quân nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của cách mạng sau này.

Thực tế, từ căn cứ địa Cao Bằng, phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng ra các tỉnh lân cận như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên dẫn đến sự hình thành chiến khu Việt Bắc.

Mặc dù phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi, nhưng theo Hồ Chí Minh, nếu bây giờ chỉ hoạt động bằng hình thức vận động chính trị thì chưa đủ để đẩy phong trào đi tới, trong khi đó “Lực lượng nòng cốt còn ít và chưa vững vàng. Vũ khí ít ỏi lại không tập trung”(15). Do đó, tháng 12-1944, tại Cao Bằng, Người chỉ thị thành lập đội vũ trang chính quy mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đội có nhiệm vụ hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự, nhưng chính trị trọng hơn quân sự.

Trong Chỉ thị thành lập, Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đối với các đội vũ trang địa phương, đó là “đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”(16). Tuy lực lượng còn mỏng, vũ khí trang bị vừa ít vừa thô sơ, nhưng theo Hồ Chí Minh, tương lai của Đội sẽ rất vẻ vang: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”(17).

Thật vậy, ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã gây được tiếng vang lớn, nhờ những chiến công xuất sắc khi tiến công hai đồn giặc ở Phay Khắt và Nà Ngần (ngày 25 và ngày 26-12-1944), tiêu diệt, bắt sống toàn bộ sỹ quan, binh lính ở hai đồn này và thu nhiều vũ khí của chúng. Sự xuất hiện bất ngờ của Đội cùng với chiến thắng buổi đầu vang dội đó đã có tác động mạnh mẽ, gây hoang mang cho hàng ngũ địch; đồng thời, tạo dựng niềm tin, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo và khoa học cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho cách mạng Việt Nam một lực lượng vũ trang rộng khắp và mạnh mẽ, góp phần to lớn vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thành công đó là minh chứng sinh động và đậm nét cho những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đó cũng là những minh chứng thuyết phục cho giá trị và ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang mà ngày nay chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào việc xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) chỉ rõ: “Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức”(18). Đặc biệt, tình hình thế giới và khu vực đang có những thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là “môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp”(19). Do đó, để chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(20), xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang hiện nay là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(21). Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang trong cách mạng giải phóng dân tộc vào thực hiện thắng lợi chủ trương trên của Đảng, xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang

Đây là yếu tố hàng đầu quyết định đến chất lượng chính trị và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang; bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành; là công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ. Đặc biệt, trước âm mưu thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội và Công an của các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang hiện nay là vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm cho lực lượng vũ trang phát triển đúng hướng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn góp phần làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù. Điều này được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân”(22).

Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang phát triển toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở

Sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố như số lượng, cơ cấu, tổ chức, biên chế; chính trị tinh thần và kỷ luật; vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự; khoa học và công nghệ quân sự; bản lĩnh, trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ, sĩ quan... Vì vậy, việc xây dựng lực lượng vũ trang mạnh, có sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đòi hỏi phải quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang một cách toàn diện cả về quân sự, chính trị, hậu cần và kỹ thuật. Trong đó, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để phát huy sức mạnh của các yếu tố khác; bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời có quyết tâm và ý chí chiến đấu cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ba là, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng lực lượng vũ trang

Theo Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cách mạng là lực lượng vũ trang nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Lực lượng vũ trang trưởng thành và lớn mạnh nhờ sự tin yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân. Do đó, sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang hiện nay cần tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn dân, dựa vào nhân dân để xây dựng và phát triển. Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng lực lượng vũ trang là phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội... Tự nguyện, tự giác thực hiện tốt đường lối, chính sách quốc phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước; tích cực động viên con em tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng góp sức người, sức của để giúp đỡ lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang

Chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực đặc thù; bù đắp phần nào những khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh của họ. Đồng thời, trực tiếp góp phần bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và thân nhân của họ; tạo động lực mạnh mẽ để họ yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho đơn vị. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang hiện nay.

_________________

Ngày nhận bài: 21-3-2022; Ngày bình duyệt: 29-3-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022

 

(1), (2), (7), (14), (15) Đầu nguồn - Hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 255, 256, 255, 215, 269.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.209.

(4) Xem Lê Văn Thái: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam thời kỳ 1930-1945, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.204-211.

(5), (8),  (10), (11), (12), (13), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.536, 539, 230, 539, 539, 539, 539, 540.

(6) Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5 (tháng 5-1994), tr.32.

(9) Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.221.

(18), (19), (20), (21), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.32, 31, 48, 48-49, 160.

TS PHẠM VĂN MINH

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

NGUYỄN HỒNG NGUYÊN

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền