Trang chủ    Ảnh chính    Những chỉ dẫn trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ năm, 22 Tháng 6 2023 14:57
25549 Lượt xem

Những chỉ dẫn trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(LLCT) - Nêu gương, tự soi, tự sửa là biểu hiện cụ thể của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thường xuyên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên là biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: qdnd.vn

Xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; vai trò của nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, tiếp cận từ thực tiễn chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua với cương vị người đứng đầu Đảng ta, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã đúc kết, rút ra những nội dung cơ bản, đầy sức thuyết phục về ý nghĩa, vai trò, thực trạng, kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Cuốn sách cần được nghiên cứu để lan tỏa, giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ trách nhiệm, tự nhắc nhở mình phải gương mẫu rèn luyện, tự phê bình, tự soi một cách nghiêm túc để tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tính tiền phong, gương mẫu, giữ gìn uy tín của mình, uy tín của Đảng trước nhân dân.

1. Tổng Bí thư đã khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm nhất quán của Đảng ta về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng, tiêu cực là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nên cần phải nêu gương, tự soi, tự sửa để khắc phục

Trong Cuốn sách, Tổng Bí thư phân tích, nhận diện về tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”(1) và  khẳng định tác hại của: “Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(2). Từ đó, nhận diện đúng và nhấn mạnh nhiều lần về “nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?”(3); “Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao”(4). Do đó, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”(5); “Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(6).

Nhận định trên của Tổng Bí thư là sự kế thừa, làm rõ thêm quan điểm của Đảng ta về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng, tiêu cực và hạn chế của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu trong các văn kiện của Đảng: Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước; tự phê bình và phê bình của nhiều cán bộ, đảng viên còn hạn chế; thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự.

Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ rõ: sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường, tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

2. Tổng Bí thư kế thừa, luận giải làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vai trò của nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tổng Bí thư đã kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta, khẳng định: Nêu gương có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cán bộ, đảng viên vượt qua được sự suy thoái, biến chất, sự tác động của chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện được phẩm chất của người cộng sản chân chính theo tiêu chí: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư vì: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn truyên truyền”(7)

Vai trò của nêu gương đã được Đảng ta nhận thức sâu sắc là phương thức lãnh đạo của Đảng, là giải pháp quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được thể hiện trong các văn bản của Đảng, như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đặc biệt, để phát huy vai trò của nêu gương, Đảng ta đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,... Qua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, “đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, quán triệt yêu cầu: “Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phát huy vai trò nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: thành tựu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức nhiệm kỳ qua là đã: “Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(8) do đó “góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm””(9).

Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra: Nêu gương chỉ có được khi cán bộ, đảng viên tự ý thức về tính tiên phong gương mẫu, có quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện; bên cạnh đó có vai trò của các thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội góp phần nuôi dưỡng, phát huy hành động tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, là do thiếu tính tiên phong, gương mẫu, không tự soi, tự sửa dẫn đến không vượt qua chính mình, trở thành kẻ “hư hỏng”, là “giặc nội xâm”, kẻ thù của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. 

Thực chất của tự soi, tự sửa chính là thường xuyên “tự phê bình”, tự điều chỉnh mình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng trong sinh hoạt đảng, là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thường xuyên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, tự soi, tự sửa có phạm vi rộng hơn tự phê bình. Bởi vì, tự soi, tự sửa chính là việc mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ tự mình nhìn lại chính mình, tự mình đánh giá, nhận xét về mình trong nhận thức và hành động xem đã thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu theo quy định của Đảng và Nhà nước chưa mà còn tự phát hiện sai phạm, yếu kém của bản thân, tìm nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa. Nói cách khác, cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa để tự “chẩn đoán bệnh”, lựa chọn “thuốc” phù hợp để tự “điều trị”, tự cứu mình để sống có tự trọng, có liêm sỉ.

Chính vì vậy, tự soi, tự sửa thể hiện rõ nhất tinh thần tự nguyện, tự giác, chỉ có ở cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, cầu thị, dũng cảm đối với những hạn chế, khuyết điểm, với những thói hư, tật xấu của chính mình. Đây được coi là cuộc chiến thầm lặng”, là cuộc chiến với chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, là thử thách cam go thực sự, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có tính trung thực, quyết tâm cao, bản lĩnh vững vàng, dũng khí lớn mới vượt qua để chiến thắng chính mình, như Tổng Bí thư đã chỉ ra: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân”(10).

3. Tổng Bí thư đúc kết, rút ra bài học có giá trị về khó khăn, thách thức của cuộc chiến chống tham nhũng, từ đó yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nêu gương, tự soi, tự sửa

Tổng Bí thư chỉ rõ: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”(11).

Nhắc lại tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, Tổng Bí thư khẳng định: “Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu”, từ đó Tổng Bí thư trăn trở: “Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện? Đây là bài học rất đau xót”. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu: “mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Nếu ai chẳng may đã “nhúng chàm” thì cần tự giác báo cáo với tổ chức, chủ động khắc phục hậu quả gây ra để được khoan hồng”(12).

Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương, tự soi, tự sửa của người được giao chức vụ, quyền hạn: “Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn... Mặt khác, phải xây dựng cho được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”(13).

Đặc biệt, thực tiễn cho thấy, phải chú trọng vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của “Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(14).

4. Tổng Bí thư xác định, phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới là nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên, quan trọng

Trước thực trạng “Một số người chẳng những không gương mẫu trước quần chúng, mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng, tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với bọn gian thương, tư sản để làm giàu”(15) và “Ngay trong chính lực lượng chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan bảo vệ pháp luật vừa qua cũng xảy ra những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận”, Tổng Bí thư nêu vấn đề “Đây là những vấn đề rất đáng phải suy ngẫm, tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn”. Từ đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ “đòi hỏi chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để chỉ ra các nguyên nhân và tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu;... phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh... Muốn thế, phải tập trung thực hiện thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:

“Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm””(16).        

Tổng Bí thư yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích...”. “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”; Tổng Bí thư nhắc nhở cán bộ, đảng viên ghi nhớ lời răn dạy của cha ông để tự răn mình, tự soi, tự sửa: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”(17)

Đặc biệt, từ 2013-2022, “đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì kết luận 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo”(18), đồng chí luôn nhấn mạnh yêu cầu: “Mỗi thành viên của Ban, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ: liêm - dũng - chính - trực... Tất cả 16 thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải là 16 tấm gương về giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; nhắc nhở gia đình, con cái giữ gìn và chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”(19); “Các Thành viên Ban Chỉ đạo phải đề cao trách nhiệm, thực sự nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để xứng đáng với niềm tin, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân”(20); “các thành viên Ban Chỉ đạo phải là những tấm gương thật sự mẫu mực, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao”(21).

Đồng thời, yêu cầu hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực, bảo đảm “trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước”(22).

Tổng Bí thư khẳng định: “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”(23).

Cho nên, Tổng Bí thư yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập và noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ, giữ gìn và nêu cao danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân...; trung thực, không giả dối, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, luôn luôn gắn bó với nhân dân”(24). Vì “Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.

Trong Cuốn sách, phần B. Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa(25) là tổng hợp các bài viết thể hiện quan điểm về trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên trì, cầu thị, dũng cảm, quyết tâm rèn luyện, tự soi tự sửa, tự “phòng bệnh” và tự “chữa trị bệnh” do chủ nghĩa cá nhân gây ra, giữ gìn uy tín của cá nhân, uy tín của Đảng. Nhiều quan điểm của tác giả đưa ra trong các bài viết từ những năm chưa giữ trọng trách là người đứng đầu Đảng ta, nhưng do có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo về lý luận, tư duy logic biện chứng, nắm vững quy luật vận động của các quan hệ xã hội, bám sát thực tiễn nên đã sớm chỉ ra các “căn bệnh” làm hư hỏng cán bộ, đảng viên, giảm uy tín, danh dự của Đảng, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nêu gương, tự soi, tự sửa mới chữa trị được. Cụ thể:

“Bệnh sợ trách nhiệm”: Tác giả nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”(26), “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước”(27);

“Của công, của riêng”: “Mọi người đều có trách nhiệm giữ gìn của công, không được phung phí hoặc chiếm làm của riêng”(28), “cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu giữ gìn, bảo vệ của công, thật sự cần kiệm liêm chính, không xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ của công là trách nhiệm lớn lao, là phẩm chất cao quý của mỗi cán bộ, đảng viên”(29);

“Móc ngoặc”, “một số người đã vin vào tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường tương trợ, hợp tác với nhau” để “bào chữa cho hành vi móc ngoặc xấu xa của mình, cho rằng việc làm của mình cũng là “nghĩa tình”, là “hợp tác”(30), dẫn đến tình trạng ““há miệng mắc quai”, “rút dây sợ động rừng” đã trói buộc một số người, làm cho việc chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, không triệt để”(31). Vì thế, tác giả gọi những kẻ móc ngoặc là: “những con “sâu mọt” muốn đục khoét tài sản của Nhà nước, những “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ chúng ta”(32);

“Tình đồng chí”: Tác giả luận giải “Tình đồng chí giữa những người cộng sản được xây dựng trên cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa. Nó được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản”(33), “là tình thương yêu trong sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn nhau”(34), nhưng “không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình”(35), càng không phải “thấy đồng chí mình được giao những trách nhiệm cao hơn thì ăn không ngon, ngủ không yên, tìm mọi cách đả kích, hạ uy tín của đồng chí mình... là nguyên nhân chủ yếu gây nên những tình trạng mất đoàn kết nơi này, nơi kia trong Đảng”(36);

“Chức vụ và uy tín”: Theo tác giả, “Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không có uy tín thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng nên trò trống gì... Không có uy tín, làm sao anh ta có thể được cất nhắc và đề bạt?... Không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ”(37), “Thực tế đã cho biết, uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định,... trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau: “Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể”(38);

“Làm xiếc”: Tác giả lý giải và khẳng định: “từ “làm xiếc” được dùng để ám chỉ và phê phán những việc làm có tính xảo thuật và mánh khóe vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của một số người, một số cơ quan, đơn vị. Và cách dùng từ như vậy phải nói là rất “đắt””(39), “hiện tượng “làm xiếc” như vậy đang diễn ra không phải ít. Nó đang gây ra biết bao tai hại cho đời sống kinh tế, xã hội ta, cho thuần phong mỹ tục của nhân dân ta, cho nền đạo đức mới, văn hóa mới của chúng ta. Nó làm hư hỏng không ít cán bộ, đảng viên ta...

Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, làm tất cả những gì có thể làm được để hạn chế” và từng bước xóa bỏ những hiện tượng “làm xiếc”, những kiểu làm ăn dối trá trong đời sống kinh tế, xã hội ta”(40);

“Một sự thật nhức nhối”: Vấn đề này tác giả trăn trở và cảnh báo cán bộ, đảng viên từ năm 1987 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vì “Cái bệnh sĩ diện, thích chơi sang lây lan vào cả một số cơ quan nhà nước, một số đơn vị kinh tế”(41), “Hiện tượng dùng tiền của của công để quà cáp biếu xén cho nhau, liên hoan chè chén, chiêu đãi, thù tiếp lẫn nhau, xảy ra khá phổ biến”(42), “Điều đáng nói là có những cán bộ cấp cao cũng phạm vào xa hoa, lãng phí. Có những vị ăn ở, đi lại quá cầu kỳ, kiểu cách và tốn kém”(43);

“Cái làm nên uy tín đảng viên”: Tác giả chỉ rõ thực trạng: “có một bộ phận đảng viên đã không giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu của mình, tự thủ tiêu vai trò của mình, thậm chí có một số người thoái hóa, hư hỏng, không còn xứng đáng với tư cách và danh hiệu đảng viên. Có những người mang danh cộng sản hoặc nhân danh cộng sản, lợi dụng uy tín của Đảng, lợi dụng lòng tin của nhân dân đối với Đảng để làm những điều xấu xa, trái với đạo lý, làm hại uy tín của Đảng...; sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, tự biến mình thành “quan cách mạng”, lộng quyền, tham nhũng, sống phè phỡn, đè đầu cưỡi cổ dân... Chính những người này đã làm hại thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng”(44).

Tác giả đặt câu hỏi “Làm thế” nào để phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, củng cố được uy tín của Đảng?”(45), đồng thời, tác giả đưa ra lời giải: “Trong điều kiện đổi mới hiện nay, cái quan trọng nhất thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, làm nên uy tín đảng viên là những vấn đề sau: đảng viên phải có thái độ đúng đắn, tích cực... kiên định lập trường cách mạng... vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào; phải có tri thức, nắm vững quy luật, biết vận dụng quy luật và có năng lực tổ chức thực tiễn; phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước; cái làm nên uy tín đảng viên còn là sự gương mẫu, tinh thần hy sinh, tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Không có cái đó, đảng viên không thể có uy tín nào hết; đảng viên phải có quan hệ tốt với quần chúng; phải có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng(46).

Qua cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, phát huy vai trò của nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung quan trọng xuyên suốt trong cuốn sách. Điều này xuất phát từ yêu cầu tất yếu khách quan của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chống cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ quyền hạn để “chiếm công vi tư”, “ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm tài sản công”. Đồng thời, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Xuất phát từ thực tế “Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên”(47). Do đó, đòi hỏi “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước, tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán” hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can”(48).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4-2023)

Ngày nhận bài: 7-3-2023; Ngày bình duyệt: 6-4-2023; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023

 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (28), (29), (30), (31), (32), (33), (34), (35), (36), (37), (38), (39), (40), (41), (42), (43), (44), (45), (46), (47), (48) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.15, 128, 16, 19, 16, 128, 36, 37, 38, 39, 40, 234, 42-43, 136, 143, 146, 152, 153, 153, 234, 216, 465-522, 465, 468, 472, 473, 481, 482, 482, 487, 488, 488, 489-490, 491-492, 493, 498, 502-503, 505, 506, 507, 512, 513, 514-521, 465, 318.

(7) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.74-75, 74.

PGS, TS NGUYỄN THỊ BÁO

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền