Trang chủ    Ảnh chính    Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ hai, 21 Tháng 8 2023 09:13
21864 Lượt xem

Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam

TS NGUYỄN VĂN VIÊN

Vụ Các trường chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Những thành quả to lớn mà cách mạng Việt Nam đạt được đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đã được lịch sử thừa nhận, được nhân dân ghi nhận, được quốc tế công nhận. Đó không chỉ là tính chính danh mà còn là chính đáng, chính nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Nhưng các thế lực chống phá không từ mọi âm mưu và thủ đoạn nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, trong đó đặt nghi vấn tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ sở pháp lý để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, nhằm phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết làm rõ tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động về vấn đề này.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam gánh vác sứ mệnh lãnh đạo là sự lựa chọn của lịch sử - Ảnh: dangcongsan.vn

“Chính danh là một khái niệm chính trị - đạo đức, có nghĩa là làm cho đúng danh xưng, danh phận, khiến cho danh và thực phù hợp với nhau. Khái niệm chính danh xuất hiện trong thiên “Tử Lộ”, sách “Luận Ngữ”, với lời của Khổng Tử chủ trương về công việc chính trị “tất phải chính danh trước”, nghĩa là “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con. Cần tuân thủ chính danh đó để duy trì trật tự thống trị”(1). Theo Khổng Tử, mỗi vật, mỗi người sinh ra điều có một địa vị, công dụng nhất định, ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại cũng đều có danh hợp với nó, nếu không, danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Chính danh nghĩa là danh và thực phải phù hợp với nhau.

Hiểu đúng theo khái niệm chính danh của Khổng Tử thì Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền rất chính danh, vì đang thực hiện đúng danh xưng, danh phận là một Đảng của dân tộc Việt Nam, lãnh đạo đất nước Việt Nam giành, giữ giang sơn bờ cõi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, các thế lực chống phá đã cố tình đánh tráo khái niệm “chính danh”, chúng dùng khái niệm “chính danh” để đặt nghi vấn về cơ sở pháp lý của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Mục đích đặt nghi vấn về tính chính danh đối với Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực chống phá là nhằm đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Mục đích này không mới, cái mới là luận điệu chống phá có sự thay đổi nhằm lôi kéo những người hiểu biết không đến nơi đến chốn vấn đề.

Những luận điệu đòi hỏi tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực chống phá rất đa dạng, từ lịch sử đến pháp lý.

Một là, luận điệu xuyên tạc, “bóp méo” lịch sử

Các thế lực chống phá cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “dùng bạo lực để cướp chính quyền từ tay chính phủ chính danh do Thủ tướng Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại bổ nhiệm”. Để dẫn chứng, chúng đưa ra các sự kiện:

“Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, ngày 11-3-1945, Vua Bảo Đại đã Tuyên bố độc lập cho Việt Nam. Đến ngày 17-4-1945, Thủ tướng Trần Trọng Kim trình danh sách Nội các lên vua Bảo Đại phê chuẩn và Nội các Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân vào 2 ngày sau đó. Trong một thời gian dài để biểu lộ sức mạnh chuyên chính vô sản đảng cộng sản xem ngày 19-8-1945 như ngày Việt Minh cướp chính quyền. Đã đến lúc đảng cộng sản phải trả lại sự thực họ đã dùng bạo lực để cướp chính quyền từ tay chính phủ chính danh do Thủ tướng Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại bổ nhiệm”.

Những luận điệu trên thực chất là xuyên tạc, “bóp méo” lịch sử.

Thứ nhất, về bản chất “độc lập” của Đế quốc Việt Nam

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, nước Pháp được giải phóng. Ở mặt trận Thái Bình Dương, phátxít Nhật bị liên quân Anh - Mỹ tấn công cả trên biển và trên bộ. Ở Đông Dương, quân Pháp ráo riết chuẩn bị, chờ thời cơ để giành lại địa vị thống trị cũ. Trước tình thế đó, tránh Pháp đánh úp, đêm 09-3-1945, Nhật “hất cẳng” Pháp ở Đông Dương. “Ngày 10-3-1945, lúc 11 giờ, Đại sứ Nhật ở Huế là Masayuki Yokoyama vào gặp vua Bảo Đại giải thích tình hình, tuyên bố “trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng”, đề nghị vua ra tuyên bố độc lập và chuẩn bị thành lập chính phủ mới trên cơ sở hợp tác dưới sự bảo trợ của Nhật”(2).

Ngày 11-3-1945, Bảo Đại công bố Tuyên cáo độc lập, với danh hiệu Đế quốc Việt Nam. Tuyên cáo này có thật sự là bản “Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam” như lời những kẻ chống phá rêu rao? Câu trả lời là không. Tuyên cáo có đoạn: “Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung. Vậy, Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”(3).

Tuyên bố Đế quốc Việt Nam độc lập, nhưng lại trông cậy nước Nhật, quyết đem hết tài sản phục vụ nước Nhật, do quân đội Nhật Bản kiểm soát. “Ngày 30-3-1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda đã không giấu giếm mà nói rằng: “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ””(4).

Ngày 12-3-1945, Bảo Đại gặp Đại sứ Nhật ở Huế là Masayuki Yokoyama để trao bản Tuyên cáo. Tuyên bố độc lập thì sao phải trao Tuyên cáo cho người Nhật? Vậy thì, Bản Tuyên cáo độc lập của Đế quốc Việt Nam do Bảo Đại công bố cũng chẳng khác nào Hiệp ước Patenôtre (còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân) năm 1884, chỉ khác là Hiệp ước Patenôtre bắt buộc phải ký với Pháp để trở thành thuộc địa, còn Tuyên cáo độc lập là tự nguyện công nhận Nhật Bản là kẻ cai trị. Bản Tuyên cáo độc lập là vết nhơ của lịch sử dân tộc Việt Nam, vậy mà nhiều kẻ lại tung hô, coi đó là chính danh.

Trong khi đó, cùng ngày Bảo Đại trao Tuyên cáo độc lập cho Đại sứ Nhật Bản thì Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Sự tương phản ấy cho thấy sự chính nghĩa của Đảng Cộng sản và Việt Minh, sự bất khuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời vạch trần bản chất bạc nhược, bán nước một lần nữa của Nhà Nguyễn.

Thứ hai, về bản chất Nội các Trần Trọng Kim

Nội các Trần Trọng Kim được những kẻ phản động ca tụng: “hết lòng phục vụ nhân dân, đất nước”, “vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế”. Tuy nhiên, chính trong bản Tuyên cáo khi ra mắt Nội các, Trần Trọng Kim đã viết: “Muốn giữ vững nền độc-lập; quốc dân ta còn phải gắng sức làm việc, và chịu nhiều sự hy-sinh nữa. Vừa mới được giải phóng nước ta không thể nghĩ tới sự chiến tranh với ai nhưng ta phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật-bản trong sự kiến thiết nền Đại-Đông-Á. Vì cuộc thịnh vượng chung của Đại-Đông-Á có thành, thì sự độc-lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoảng qua”(5).

Nội các của Trần Trọng Kim do vua Bảo Đại bổ nhiệm, nhưng chính phủ đó liệu có chính danh như có kẻ đã nói? Một nước độc lập phải có một chính phủ được toàn dân bầu ra, có bộ máy nội các đầy đủ, hoàn toàn độc lập. Nội các Trần Trọng Kim thì hoàn toàn không do quốc hội lập ra, cũng không có hiến pháp và cũng không được toàn dân ủng hộ. Chính phủ này cũng không có bộ quốc phòng, không có quân đội, không có bộ công an, việc giữ an ninh quốc gia, tuyên truyền do quân Nhật nắm giữ. Không có quân đội để bảo vệ bờ cõi, không có cảnh sát để bảo đảm an ninh - đó có phải là một quốc gia, một chính phủ độc lập? Ông Phạm Khắc Hòe - nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của triều Nguyễn - đã viết trong hồi ký: “Bộ mặt Việt gian phản quốc của Trần Trọng Kim ngày nay chúng tôi mới thấy thật rõ, nhưng đã được những người cộng sản vạch ra một năm trước khi Nội các Trần Trọng Kim ra đời”(6).

Chương trình hành động mà Nội các Trần Trọng Kim vạch ra khá cụ thể, nhưng chương trình đó không mang lại lợi ích cho nhân dân, mà chỉ nhằm phục vụ cho Nhật Bản; “rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng”(7). Một chính phủ hoạt động nhằm phục vụ cai trị của ngoại xâm thì không thể nào là chính phủ chính danh. Nội các Trần Trọng Kim thực chất là chính phủ bù nhìn, tay sai cho Nhật.

Thứ ba, về bản chất Việt Minh giành chính quyền ngày 19-8-1945

Đầu tháng 8-1945, Việt Minh rất có uy tín, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào cách mạng, trong khi chính phủ của Trần Trọng Kim khủng hoảng nghiêm trọng: “Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5/8, Nội các Trần Trọng Kim xin từ chức: 3 bộ trưởng xin từ nhiệm, Bộ trưởng Vũ Ngọc Anh qua đời vì trúng bom máy bay Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý”(8).

Trong những ngày đầu tháng 8-1945, phong trào cách mạng chống phátxít Nhật và đòi đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim dâng lên rất cao. Trong cuộc họp của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 03-8-1945, cả ba bộ trưởng Hồ Tá Khanh, Trần Đình Nam và Nguyễn Hữu Thí “đều đề nghị nội các nên rút lui để nhường quyền lãnh đạo cho Mặt trận Việt Minh càng sớm, càng tốt, may ra mới cứu được đất nước”(9).

Những thực tế trên đã cho thấy, việc chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tan rã là điều tất yếu, bởi nó đi ngược lại lợi ích của đông đảo nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Ngược lại, việc Việt Minh giành chính quyền là tất yếu lịch sử, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Việt Minh không cướp chính quyền, chỉ là lấy lại chính quyền của kẻ cướp nước và bán nước. Chính thành viên của Nội các Trần Trọng Kim đã thừa nhận sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương (thông qua Việt Minh) thì hà cớ gì hậu thế sau này đòi hỏi tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Hai là, luận điệu phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giành độc lập dân tộc

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ sự cai trị của ngoại bang và tay sai bán nước, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đó, biết bao xương máu của người Việt Nam đã đổ, ấy vậy mà những kẻ chống phá rêu rao rằng: “Việt Nam không cần chiến tranh vẫn độc lập, bằng chứng là các quốc gia trong vùng như Nam Dương (Indonesia), Mã Lai (Malaysia), Tân Gia Ba (Singapore), Brunei, Phi Luật Tân (Philippines), Đại Hàn, Miến Điện (Myanmar) không phải trải qua những cuộc chiến chống thực dân và đế quốc tổn hao tài nguyên sinh khí quốc gia, nhưng vẫn được trao trả độc lập và được tự quyết định con đường phát triển quốc gia”.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan và một số nước châu Âu. Khi Chiến tranh thế giới bùng nổ, ban đầu phe Đồng minh yếu thế, phátxít Nhật chiếm Đông Nam Á. Kết thúc chiến tranh, Nhật Bản bại trận, các nước châu Âu kiệt quệ, tận dụng cơ hội này, các nước thuộc địa đấu tranh mạnh mẽ để đòi độc lập. Là đế quốc sinh sau đẻ muộn so với các nước đế quốc, thực dân châu Âu, nên Mỹ rất khát khao “thị trường”. Chính vì thế, Mỹ đã tuyên bố: “Mỹ ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới “không phải là người cộng sản”, Mỹ ủng hộ việc thành lập các “nhà nước phi cộng sản” ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc”(10).

Quả thực, nhiều nước Đông Nam Á đã được độc lập mà không trải qua những cuộc chiến thảm khốc như Việt Nam, nhưng cái giá mà các nước này phải trả cũng không hề nhỏ. Nhiều nước Đông Nam Á đã độc lập, nhưng “vô tình” trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ với tên gọi rất hoa mỹ là “đồng minh”. Độc lập, nhưng là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ, dưới sự “bảo trợ” Mỹ, bằng chứng là trong chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) nhiều nước đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, dù nhân dân trong nước phản đối kịch liệt, nhưng chính phủ vẫn phải đưa quân tham chiến ở Việt Nam.

Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nghĩa là Việt Nam đã là một quốc gia độc lập. Nếu vì chính nghĩa hoặc ít ra thể hiện thiện chí thì các quốc gia Đồng minh đã công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng không, ba tuần sau, ngày 23-9-1945, được sự yểm trợ của quân Anh, Pháp đã nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ hai ở phía Nam. Ở phía Bắc, quân Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) ồ ạt tràn xuống cướp phá. Nếu không có trận Điên Biên Phủ thì liệu Pháp có ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954? Nếu không có trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” liệu Hiệp định Pari năm 1973 có được ký kết? Nếu không có đại thắng mùa Xuân năm 1975 liệu đất nước có được thống nhất? Điểm qua những sự kiện này để những kẻ chống phá đừng hoang tưởng rằng đế quốc, thực dân bỗng dưng trao trả độc lập cho Việt Nam.

Với luận điệu “Việt Nam không cần chiến tranh mà vẫn giành được độc lập”, những kẻ chống phá tuyên truyền “Đảng Cộng sản Việt Nam hiếu chiến” để hạ bệ uy tín của Đảng. Xin thưa, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”(11).

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt đã đương đầu với biết bao cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc. Hơn ai hết, người Việt rất yêu chuộng hòa bình nhưng người Việt sẵn sàng hy sinh để chống kẻ xâm lược và bán nước. Không thể đánh đồng những hy sinh, mất mát để giành độc lập dân tộc với sự hung hăng, hiếu chiến.

Ba là, luận điệu Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và hoạt động không có cơ sở pháp lý

Trên đài BBC có kẻ phát biểu: “Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, rồi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hề nộp một giấy xin phép nào cho cơ quan hành chính, nhà nước, cũng chưa nhận được giấy phép hợp lệ nào”.

Phát biểu này thể hiện sự hồ đồ, vô liêm sỉ đối với dân tộc. Năm 1858, Pháp xâm lược và đặt ách cai trị đối với nước ta. Với sức mạnh áp đảo, sau khi xâm lược, Pháp nhanh chóng hoàn thiện bộ máy cai trị và ra sức bóc lột nhân dân ta. Tuy nhiên, người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước mọi thế lực ngoại xâm, nên việc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược là tất yếu, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra liên tục. Trong bối cảnh đó, năm 1930, những người con ưu tú của dòng dõi Rồng Tiên đã cùng nhau sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tập hợp nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến. Với mục đích chính nghĩa đánh đuổi đế quốc thực dân xâm lược, hà cớ gì Đảng Cộng sản Việt Nam phải xin phép ngoại bang? Cho nên, việc đòi hỏi giấy phép hợp lệ cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản chất bán nước của những kẻ chống phá, chúng chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân chứ đâu phải vì quốc gia dân tộc như chúng hô hào. Những kẻ chống phá luôn rêu rao lòng yêu nước, nhưng chính họ là những kẻ đang bôi nhọ lòng yêu nước của người Việt chân chính.

Thể hiện sự hiểu biết về khoa học pháp lý, kẻ từng là luật sư của Việt Nam nhưng đã phản bội, nói: “Không có luật về Đảng Cộng sản, về các đảng phái chính trị, vậy thì cơ sở pháp lý nào mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục thứ nhất là tồn tại và thứ hai là lãnh đạo đất nước này? Tất nhiên là họ luôn luôn biện minh cho tính chính danh và sự hợp pháp đó bằng Điều 4 Hiến pháp. Nhưng mà nếu chúng ta đọc kỹ Điều 4 Hiến pháp, thì quy định đó hoàn toàn không nói về vấn đề tổ chức và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đúng là Việt Nam chưa có luật về đảng, nhưng ngay từ Hiến pháp Việt Nam năm 1980 đã quy định rất rõ tại Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Các bản Hiến pháp sau đó (năm 1992, năm 2013) tiếp tục ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quy định trong Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia - lại không bảo đảm tính pháp lý bằng quy định trong luật?

Trong Lời nói đầu của các bản Hiến pháp vào các năm 1960, 1980, 1992, 2013 đều đã viết rất rõ về Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với những văn bản trên, chẳng lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đủ tính pháp lý?

Bốn là, luận điệu “đảng toàn trị”

Bên cạnh đòi hỏi tính pháp lý của việc Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, các thế lực chống phá còn lu loa “đảng toàn trị”: “Chỉ nói một cách rất tổng quát là Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo, như vậy có sự mặc nhiên thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều đó không thuyết phục là bởi vì đó là một Hiến pháp do chính Đảng Cộng sản Việt Nam tự soạn thảo và đưa ra Quốc hội, mà Quốc hội cũng được kiểm soát của Đảng Cộng sản”.

Hiến pháp Việt Nam do Quốc hội thông qua, Quốc hội do nhân dân bầu theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Trước khi Quốc hội thông qua, bản dự thảo Hiến pháp được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Như vậy, Hiến pháp là trí tuệ, ý chí của nhân dân.

Trên thế giới, bất kỳ một đảng chính trị nào cũng mong muốn kiểm soát quốc hội, kiểm soát chính phủ, chính vì thế mà ở các nước phương Tây, nơi mà các thế lực chống phá Việt Nam luôn coi là “thiên đường”, khi một đảng trở thành đảng cầm quyền thì cũng là lúc thành lập nội các mới. Đảng chính trị nào cũng mong muốn chính sách của mình được quốc hội thể chế hóa thành luật để thực thi trong cả nước. Thế mới dẫn đến chuyện phân chia “ghế” trong chính phủ giữa các đảng phái. Chính vì thế, đảng cầm quyền đương nhiên là đảng kiểm soát quốc hội, kiểm soát chính phủ. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, vì đa số đảng viên được cử tri bầu thành đại biểu Quốc hội, đó cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Vấn đề một đảng hay đa đảng không phải là thước đo đánh giá dân chủ hay tự do của một quốc gia, mà đó là sự lựa chọn của dân tộc. Luật sư Hoàng Duy Hùng từng là người “chống cộng cực đoan” đã nhận xét: “Đối với văn hóa, lịch sử, địa - chính trị, bối cảnh đặc biệt của Việt Nam thì thể chế đơn đảng là tốt nhất. Ðơn đảng thì đảng nào đây, đảng nào có bề dày lịch sử, đã có sự hy sinh, được lòng dân như Ðảng Cộng sản Việt Nam?”(12). Cũng không phải vô cớ mà ông Mamdouh Habashi - Trưởng Ban Quan hệ quốc tế của Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa Ai Cập - cho rằng: “Nền chính trị Việt Nam, với Đảng Cộng sản là chính đảng duy nhất cầm quyền, là một mô hình thành công đặc biệt”(13).

Ở Việt Nam, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có nhiều đảng chính trị hoạt động với những ý thức hệ khác nhau, nhưng cùng mục đích giải phóng dân tộc. Các đảng hoạt động sôi nổi, nhưng không tập hợp được quần chúng, chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào quần chúng mới trở nên mạnh mẽ bởi có lực lượng dẫn đường, chỉ lối đúng đắn. Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thời kỳ Đảng tuyên bố tự giải tán để rút vào hoạt động bí mật. Quốc hội khóa I của Việt Nam có sự tham gia của nhiều thành phần đảng phái khác nhau: Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội... Tuy nhiên, các đảng phái này đã không thực hiện được nhiệm vụ lãnh đạo đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, càng không thực hiện được sứ mệnh lịch sử. Do đó, năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam.

Việc Đảng gánh vác sứ mệnh lãnh đạo không phải là vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam muốn hay không muốn, mà là sự lựa chọn của lịch sử. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chọn Ðảng Cộng sản Việt Nam thì Ðảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo. Nếu Ðảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ hoặc chia sẻ quyền lãnh đạo với đảng chính trị khác nghĩa là Ðảng Cộng sản Việt Nam không làm tròn sứ mệnh mà lịch sử giao phó, là có tội với nhân dân và dân tộc Việt Nam.

 Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền rất chính danh, vì đang thực hiện đúng danh xưng, danh phận là một Đảng của dân tộc Việt Nam, lãnh đạo đất nước Việt Nam giành, giữ giang sơn bờ cõi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam.

Với những thành quả to lớn trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân ghi nhận, được lịch sử thừa nhận, được quốc tế công nhận. Đó là sự khẳng định rõ ràng nhất, xác đáng nhất, tuyệt nhiên không thể phủ nhận hoặc nghi ngờ tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ chính danh, sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam còn rất chính đáng và chính nghĩa.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận: 10-02-2023; Ngày bình duyệt: 23-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

(1) Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển bách khoa Việt Nam, t.1, Trung tâm biên soạn từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 1995, tr.474.

(2), (9) Trần Văn Chánh: Tản mạn về Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105), 2013.

(3) Nguyễn Xuân Ba: Về hai bản Tuyên ngôn độc lập, Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 392, tháng 3-2016.

(4) Vũ Trung Kiên: Những sự thật lịch sử không thể đảo ngược và xuyên tạc, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhung-su-that-lich-su-khong-the-dao-nguoc-va-xuyen-tac-1491882481.

(5) Nguyễn Duy Phương: Lịch-sử độc lập và nội-các đầu tiên Việt-Nam, Việt-Đông xuất-bản cục, Hà Nội, 1945, tr.30.

(6), (7) Đặng Minh Phương: Thực chất chính phủ Trần Trọng Kim và “lòng yêu nước” của ông Thủ tướng, Tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 446, tháng 4-2017.

(8) Kiều Mai Sơn: Những ngày làm vua cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại - Kỳ 2: Thông điệp gửi tướng De Gaulle, https://thanhnien.vn/nhung-ngay-lam-vua-cuoi-cung-cua-hoang-de-bao-dai-ky-2-thong-diep-gui-tuong-de-gaulle-185498961.htm, 2015.

(10) Hoa Anh Đào: Suy nghĩ về Cựu hoàng Bảo Đại, https://nghiencuulichsu.com/2015/11/02/vai-suy-nghi-ve-cuu-hoang-bao-dai.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.

(12) Hoàng Duy Hùng: Hành trình từ chống phá đến ủng hộ Ðảng Cộng sản, https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/hanh-trinh-tu-chong-pha-den-ung-ho-ang-cong-san-634487/, 2021.

(13) Thông tấn xã Việt Nam: Nền chính trị Việt Nam là một mô hình thành công đặc biệt, https://www.vietnamplus.vn/nen-chinh-tri-viet-nam-la-mot-mo-hinh-thanh-cong-dac-biet/368024.vnp, 2016.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền