Trang chủ    Ảnh chính    Củng cố, phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới của thời đại
Thứ hai, 18 Tháng 9 2023 09:05
613 Lượt xem

Củng cố, phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới của thời đại

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THẢO
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Một trong những quan điểm có giá trị nhất của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là chủ nghĩa xã hội cần được gieo trồng trên từng mảnh đất hiện thực. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới có nhiều biến động từ chính trị, kinh tế đến an ninh, văn hóa, xã hội; từ tầng sâu vật chất, kỹ thuật - công nghệ đến thượng tầng quyền lực quốc gia và quốc tế. Trên phương diện quốc tế, những chuyển động này chính là mảnh đất hiện thực mà, đứng chân trên đó, Việt Nam nhất thiết phải tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trước mắt là đến giữa thế kỷ XXI. Bài viết là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ Đề tài KX.04.02/21-25.
 

Đảng và nhân dân Việt Nam là một trong những đội ngũ tiên phong đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới của thời đại - Ảnh: IT

Trong đa dạng những thay đổi, biến động của bối cảnh quốc tế, có thể nhận dạng một số chuyển động mang tầm cỡ thời đại gồm: quá trình toàn cầu hóa; sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản toàn cầu như giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản; phong trào đấu tranh nhân dân rộng lớn trên thế giới tìm kiếm những phương án thay thế chủ nghĩa tư bản; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ đầu thế kỷ XXI đang khai sinh một thời đại kinh tế mới; phát triển bền vững trở thành mục tiêu, yêu cầu chung của nhân loại; quá trình cải cách, đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Toàn cầu hóa vừa là một xu thế khách quan do trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất tạo tiền đề ra đời, vừa là một quá trình gắn kết giữa các chủ thể trên thế giới, trước hết là giữa các quốc gia dân tộc, thành một thực thể hữu cơ, tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, chính trị... Toàn cầu hóa là sự tiếp tục và phát triển của quá trình quốc tế hóa (internationalisation) diễn ra từ cuối thế kỷ XIX và khu vực hóa (regionalisation) diễn ra ở nửa sau của thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, toàn cầu hóa được triển khai mạnh mẽ, ban đầu trên lĩnh vực thương mại, sản xuất, dịch vụ, sau đó sang mọi lĩnh vực khác. Khoảng cách về không gian và thời gian được thu hẹp đáng kể, thậm chí bị xóa bỏ, biến mỗi quốc gia dân tộc, mỗi giai cấp, mỗi chủ thể riêng biệt, độc lập trước kia thành bộ phận của thế giới toàn cầu hóa hiện nay.

Trong điều kiện của thế kỷ XIX, thế kỷ XX, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra các quan điểm giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp vô sản với dân tộc. Ngày nay, Việt Nam và các lực lượng cộng sản trên thế giới phải vận dụng quan điểm kinh điển ấy vào nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp, dân tộc và nhân loại trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa đang mang nặng tính chất tư bản chủ nghĩa, do các thế lực tư bản độc quyền chi phối với mục tiêu chiến lược là thiết lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, không ít lực lượng đang đấu tranh không khoan nhượng, yêu cầu xem xét và sắp xếp lại khung khổ của quá trình toàn cầu hóa. Cục diện vừa hợp tác sâu rộng, vừa đấu tranh, cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, chính trị... nhằm giành lợi thế, ưu thế, cơ hội, điều kiện phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa còn kéo dài, tác động phức tạp đến mọi chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism) là thời kỳ phát triển mới của chủ nghĩa tư bản từ cuối thế kỷ XX, được đặc trưng bởi tư bản xuyên quốc gia, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia và giai cấp tư sản toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu là sản phẩm của thế giới toàn cầu hóa, của các lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa ở quy mô toàn cầu và sự bành trướng của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Bên cạnh tính tất yếu từ sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong điều kiện mới, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản toàn cầu còn được hậu thuẫn bởi nhiều biến cố chính trị như sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực; bức tường Béclin sụp đổ; Liên Xô tan rã; các phương án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội do các chính quyền cánh tả, tiến bộ, cách mạng triển khai ở nhiều nước thuộc Thế giới thứ Ba lâm vào khó khăn, phá sản...

Năm 1989, Đồng thuận Oasinhtơn (Washington Concensus) được ký kết giữa Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Bộ Tài chính Mỹ thống nhất 10 chính sách kinh tế vĩ mô áp dụng trên phạm vi toàn thế giới, trong đó nhấn mạnh tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư, thả nổi tỷ giá tiền tệ, tư nhân hóa, giảm can thiệp của nhà nước quốc gia...

Năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời, thay thế Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), chính thức xác lập thị trường tự do toàn cầu cho sự lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, mở đầu cho chuỗi giá trị toàn cầu hình thành và phát triển. Hai cột mốc vừa nêu được đông đảo các học giả, chính trị gia, giới kinh tế xem như những sự kiện đánh dấu bước chuyển của chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản toàn cầu(1).

Tư bản xuyên quốc gia được hình thành cùng với quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa kinh tế và hàng loạt các công ty độc quyền xuyên quốc gia ra đời, hoạt động như hệ thống quyền lực kiểm soát nền sản xuất, kinh doanh toàn cầu. Tư bản xuyên quốc gia là tư bản cổ phần, được quản trị, điều hành, khai thác bởi nhóm cổ đông chi phối, các tổng giám đốc, giám đốc (CEO), các nhân vật cấp cao đại diện cho từng tư bản độc quyền và đội ngũ chuyên gia chủ chốt trong chuỗi sản xuất - dịch vụ - kinh doanh toàn cầu. Điều kiện tiên quyết để tư bản xuyên quốc gia hoạt động thuận lợi là giảm thiểu, tiến tới bãi bỏ mọi hàng rào trong hệ thống thị trường toàn cầu; bởi vậy, tư bản này luôn giương cao lá cờ tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư, phi điều tiết của nhà nước quốc gia.

Quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia là loại hình và phương thức thực hiện quyền lực tư bản vượt qua biên giới quốc gia, chi phối các quá trình an ninh và phát triển trên thế giới, mặc dù không thành lập chính phủ xuyên quốc gia. Trong rất nhiều trường hợp, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia được thực hiện dưới vỏ bọc của quản trị toàn cầu (global governance) trong bối cảnh không có chính phủ toàn cầu (global government). Đây là hệ thống các định chế, thể chế, luật pháp quốc tế cùng các chuẩn mực, tiêu chuẩn, tiêu chí ngày càng chặt chẽ, tinh vi được xác lập chế tài thực hiện trên phạm vi toàn cầu thông qua hàng loạt các công ước, hiệp định, hiệp ước quốc tế. Những năm gần đây, các thế lực tư bản toàn cầu còn khôn ngoan đề xướng khung khổ chung cho hàng hóa chung toàn cầu (global public good), chính sách công toàn cầu (global public policy), xã hội dân sự toàn cầu (global civil society), xã hội quốc tế (international society)...

Giai cấp tư sản toàn cầu xuất hiện như hệ quả tất yếu của tư bản xuyên quốc gia. Trên thực tế, giai cấp tư sản không còn là sản phẩm thuần túy của nền sản xuất quốc gia, mà đã trưởng thành thành một giai cấp toàn cầu, đánh dấu một bước tiến mới từ giai cấp “tự nó” thành giai cấp “vì nó” trong giai đoạn hiện nay của thời đại. Mặc dù trong từng quốc gia vẫn tồn tại giai cấp tư sản riêng biệt, nhưng trên thế giới đã hình thành một giai cấp tư sản toàn cầu như giới tinh hoa của tư bản xuyên quốc gia, bao gồm các chủ tư bản độc quyền xuyên quốc gia, đội ngũ nhân sự cấp cao, chuyên gia quản trị, kỹ thuật, công nghệ, giới trí thức, các nhà tư tưởng... phục vụ trực tiếp cho lợi ích của tư bản toàn cầu.

Thời kỳ phát triển mới đã đem lại cho chủ nghĩa tư bản không ít thành công, sức mạnh và vị thế từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đến nay. Tăng trưởng sản xuất, tăng trưởng ngoại thương, tăng trưởng đầu tư toàn cầu, phát triển khoa học, công nghệ hiện đại là những thành tựu nổi bật; cùng với sự củng cố sức mạnh hệ thống trước một số công việc quốc tế. Đến nay, chủ nghĩa tư bản đang có ưu thế trong so sánh lực lượng toàn cầu và vẫn còn tiềm năng phát triển.

Mặt khác, phiên bản “chủ nghĩa tư bản toàn cầu” lại làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản, mà trong suốt trên dưới 300 năm qua vẫn là những hạn chế lịch sử không thể vượt qua. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra, được biểu hiện qua 4 nội dung. Một là, mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng trong bối cảnh tích lũy tư bản không lồ tạo ra nền siêu sản xuất đối lập với một thị trường sức mua suy giảm. Hai là, phân cực xã hội ngày càng lớn và trên phạm vi toàn cầu. Ba là, tính chính danh và quyền lực chính trị của nhà nước tư sản bị phê phán, bác bỏ một cách gay gắt, quyết liệt. Bốn là, tính bền vững của sự phát triển không được bảo đảm.

Thời kỳ phát triển mới của chủ nghĩa tư bản cũng làm cho cuộc đấu tranh “ai thắng ai” có quy mô toàn cầu. Toàn bộ giai cấp công nhân thế giới, toàn bộ các lực lượng cộng sản, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa phải trở thành một lực lượng đoàn kết, thống nhất trong cuộc đấu tranh chống lại toàn bộ giai cấp tư sản thế giới, toàn bộ tư bản xuyên quốc gia và hệ thống xuyên quốc gia của quyền lực nhà nước tư sản. Chưa bao giờ bản chất quốc tế của sự nghiệp cộng sản lại có tiền đề và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt như trong giai đoạn hiện nay của thời đại.

Phong trào đấu tranh nhân dân trên thế giới diễn ra sôi động từ cuối thế kỷ XX đến nay, phê phán trực diện chủ nghĩa tư bản toàn cầu dưới phiên bản hiện đại nhất của nó là chủ nghĩa tự do mới và kiên quyết tìm kiếm những phương án thay thế (alternatives to neoliberalism). Phong trào có quy mô toàn cầu, trong đó Mỹ Latinh là khu vực tiên phong với nhiều tập hợp lực lượng hùng hậu và các hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng.

Hội thảo Các đảng chính trị và một xã hội mới là diễn đàn tập hợp lực lượng do Đảng Lao động Mexico tổ chức hàng năm từ năm 1997 đến nay. Tham dự, có hàng trăm đại biểu đến từ các đảng chính trị, phong trào nhân dân, thiết chế giáo dục - khoa học, tổ chức công đoàn, tổ chức phi chính phủ, nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội của Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của thế giới; đưa ra các sáng kiến và lên án chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc như thủ phạm gây ra các thảm họa cho loài người hiện nay.

Diễn đàn Sao Paolo là thiết chế của các đảng chính trị, các lực lượng cánh tả Mỹ Latinh và toàn thế giới, được Đảng Lao động Braxin chủ trì thành lập năm 1990. Mục tiêu của Diễn đàn là thảo luận, thống nhất nhận thức về thế giới sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phòng chống hậu quả kinh tế - xã hội mà chủ nghĩa tự do mới gây ra cho loài người nói chung. Diễn đàn được tổ chức hằng năm, với sự tham dự của đại diện đến từ trên 150 đảng chính trị, các phong trào nhân dân Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á, châu Phi.

Diễn đàn Xã hội thế giới cũng do Đảng Lao động Braxin chủ trì sáng lập năm 2001 có mục tiêu đấu tranh bác bỏ chủ nghĩa tự do mới và xúc tiến một quá trình toàn cầu hóa dân chủ, bình đẳng, đoàn kết, khác với quá trình toàn cầu hóa do tư bản toàn cầu chi phối. Trên 12 nghìn đại biểu tham dự Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ I được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 30 - 1 - 2001 tại thành phố Porto Alegre (Braxin) như đối trọng với Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức cùng thời gian tại Davos (Thụy Sỹ). Diễn đàn được tổ chức hằng năm ở một số địa điểm khác nhau với sự tham gia của hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn đại biểu của hàng nghìn đảng chính trị, tổ chức chính trị xã hội, phong trào nhân dân đến từ trên dưới 150 quốc gia trên thế giới... Điển hình là Diễn đàn lần thứ III - 2003 tại Porto Alegre thu hút trên 100 nghìn đại biểu; Diễn đàn lần thứ IV - 2004 tại Bombay (Ấn Độ) có trên 75 nghìn đại biểu, trong đó có Giáo sư Joseph Stiglitz, Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, đến diễn thuyết kêu gọi đấu tranh chống toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa.

Ngay từ cuộc gặp đầu tiên năm 2001, Diễn đàn Xã hội thế giới đã ra “Lời kêu gọi tập hợp lực lượng”, trong đó nhấn mạnh ý tưởng xây dựng xã hội mới khác với xã hội tư bản chủ nghĩa của thị trường tự do và đồng tiền như những giá trị duy nhất; trong khi Diễn đàn Davos tiêu biểu cho tập trung của cải, toàn cầu hóa sự nghèo đói và hủy hoại trái đất, Diễn đàn Porto Alegre thể hiện niềm hy vọng về một thế giới khác đặt con người và thiên nhiên vào trung tâm của quá trình phát triển.

Hội thảo quốc tế Vì sự cân bằng của thế giới do Đảng Cộng sản Cuba tổ chức từ năm 2003, đến tháng 01 - 2023 vừa qua là Hội thảo lần thứ VI. Đây là diễn đàn đa chiều, đa nguyên thảo luận về các chủ đề nóng hổi của thế giới đương đại từ bất công xã hội, bạo lực, đồng hóa văn hóa đến nguy cơ chiến tranh, nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới...; từ đó, xây dựng ý tưởng về một thế giới cân bằng lực lượng, cân bằng lợi ích theo tư tưởng của Anh hùng Giải phóng dân tộc Hôxê Mácti nêu ra từ cuối thế kỷ XIX về một xã hội của mọi người và cho mọi người, đối lập với xã hội tư bản chủ nghĩa là một xã hội loại trừ nhau. Tham dự Hội nghị, có hàng trăm đại biểu, chính khách, lãnh tụ cách mạng, nhân vật nổi tiếng của Mỹ Latinh và thế giới(2).

Tuy chưa có một lực lượng thật sự tiền phong dẫn dắt, nhưng phong trào nhân dân thế giới đấu tranh phê phán, bác bỏ chủ nghĩa tư bản và đề xuất, định hình những phương án thay thế đã giúp các đảng cầm quyền và nhân dân ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, có thêm căn cứ để kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu vô sản ở mỗi nước, bên cạnh việc phải giành lấy dân tộc và tự mình biến thành dân tộc, còn phải biết đặt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước mình vào trong cuộc đấu tranh nhân dân rộng lớn, vì những mục tiêu cao cả của thời đại.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI và được chính thức đề cập đến trong chương trình nghị sự của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016. Đây là sự tiếp nối và phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, được định danh là cách mạng khoa học công nghệ bắt đầu từ giữa thập kỷ 70 thế kỷ XX. Với các công nghệ nền tảng là internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất với lô gich in 3D, công nghệ sinh học, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối... và bao trùm là công nghệ số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều tư liệu sản xuất hoàn toàn mới, kết hợp thế giới vật thể (physical society) với thế giới ảo (virtual society) và các phương thức quản lý, quản trị mới đối với nền sản xuất vật chất cũng như toàn bộ xã hội.

Trên thực tế, một thời đại kinh tế mới đã ra đời, nhất định sẽ tạo ra nhiều biến chuyển bước ngoặt trong đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh... toàn thế giới. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhất thiết phải được định vị trong bước ngoặt vận động của lịch sử đương đại do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra.

Phát triển bền vững trở thành mục tiêu, yêu cầu chung của nhân loại ngày nay. Từ cuối thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế có nhiều thức tỉnh trong nhận thức về nội hàm của phát triển và đã có ngày càng nhiều tiếng nói yêu cầu bổ sung, hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp, đầy đủ nhằm thay thế tư duy và mô hình phát triển duy kinh tế (economist development) đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Bên cạnh nhu cầu vật chất vẫn rất được coi trọng, thế giới đã xác định thêm phát triển xã hội, phát triển văn hóa, phát triển con người, bảo đảm môi trường sinh thái... như nội dung không thể thiếu cho nội dung phát triển hiện đại. Hàng loạt các chỉ số đánh giá trình độ phát triển của từng quốc gia dân tộc đã được áp dụng chính thức, phổ biến, thậm chí bắt buộc trên toàn thế giới: chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số GINI, hệ số ICOR, chỉ số người nghèo (HPI); chỉ số phát triển giới (GDI)... Đặc biệt, sau khủng hoảng năm 2008, cộng đồng quốc tế thống nhất rất cao chuyển hẳn sang mô hình phát triển bền vững (sustanaible development). Năm 2015, Liên hợp quốc công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), được cụ thể hóa thành 169 chỉ tiêu rất sinh động để chính phủ ở 193 quốc gia thành viên triển khai thực hiện đến năm 2030 phải hoàn thành(3). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia dân tộc trên thế giới, trong đó có quá trình cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác, không thể triển khai bên ngoài khung khổ của phát triển bền vững.

Quá trình cải cách, đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đạt nhiều thành tựu mang tầm cỡ thời đại; đồng thời, vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa từ năm 1978; Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khởi xướng đổi mới từ năm 1986; Đảng Cộng sản Cuba bắt đầu cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa từ năm 2011; Đảng Cộng sản Liên bang Nga và các đảng cộng sản trên thế giới cũng từng bước đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vênêduêla và các lực lượng cầm quyền ở Nicaragoa, Bôlivia, Êcuađo triển khai xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay...

Nhờ cải cách, đổi mới thành công, phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã vượt qua thử thách lịch sử do Liên Xô tan rã năm 1991, trụ vững và phát triển. Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và nước lớn đặc sắc bước vào thời đại mới. Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khắc phục được khủng hoảng năm 1996, ra khỏi tình trạng chậm phát triển năm 2010, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khắc phục được khủng hoảng, đạt nhiều bước tiến trên con đường hoàn thiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuba kiên định trước bao vây, cấm vận của đế quốc Mỹ và chủ động, sáng tạo trên con đường xây dựng quốc gia xã hội chủ nghĩa, độc lập, có chủ quyền, dân chủ, bền vững và phồn vinh. Vênêduêla khai mở con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng đấu tranh dân chủ, bầu cử, nghị trường nhưng luôn duy trì thường trực sức mạnh của bạo lực cách mạng trước mọi chiến lược, âm mưu chống phá của đế quốc và các lực lượng phản động; kiên trì bảo đảm lợi ích, cuộc sống, nhân phẩm của nhân dân lao động. Hàng loạt các đảng cộng sản trên thế giới phục hồi, kiện toàn tổ chức, đổi mới cương lĩnh, khẳng định sự hiện diện của mình trên chính trường và đời sống xã hội.

Nhìn tổng thể, các đảng đều thống nhất khẳng định, chủ nghĩa xã hội phải là một chế độ xã hội của giải phóng và phát triển. Giải phóng dân tộc khỏi mọi hình thức nô dịch, thống trị; giải phóng giai cấp để không còn chế độ bóc lột lao động; giải phóng xã hội để tiến tới bình đẳng, công bằng xã hội; giải phóng lao động để lao động không làm tha hóa con người; giải phóng con người để đưa con người từ “vương quốc của tất yếu” đến “vương quốc của tự do”. Phát triển để mang lại phồn vinh, thịnh vượng, giàu mạnh cho nhân dân và đất nước, tạo điều kiện, tiền đề cho mỗi con người đều được phát triển toàn diện.

Các đảng nhất quán khẳng định có nhiều mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, nhấn mạnh phạm trù phổ quát hiện nay là phát triển bền vững, hài hòa giữa con người, xã hội và tự nhiên; khẳng định kinh tế thị trường là tất yếu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng cần phát huy vai trò điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa; nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế và phát triển các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chấn hưng tinh thần, văn hóa, đạo đức; chú trọng xây dựng nền dân chủ, mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Các đảng tiếp tục khẳng định nhu cầu vượt qua chủ nghĩa tư bản; thường xuyên xây dựng các phương án thay thế chủ nghĩa tư bản; tiến hành đấu tranh cách mạng qua nhiều giai đoạn, tận dụng dân chủ, nghị trường để đấu tranh giành chính quyền; triển khai đấu tranh giai cấp trong lòng cuộc đấu tranh nhân dân, đấu tranh xã hội rộng lớn(4)...

Đây là những tổng kết bước đầu rất có giá trị đối với Việt Nam trong quá trình tiếp tục phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã chứng thực rằng, nhờ bám sát bối cảnh quốc gia và quốc tế trong từng thời điểm, cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước đã thành công, với nhiều thắng lợi vẻ vang; đồng thời, mọi khó khăn, khủng hoảng, thất bại của sự nghiệp cộng sản, trên ý nghĩa rất lớn, đều do đã xem nhẹ, thậm chí xa rời nguyên lý thực tiễn, lịch sử - cụ thể mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra.

Thời kỳ từ cuối thế kỷ XX đến nay là thời kỳ đầy khó khăn, nhưng cũng nhiều thành tựu lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Những người cộng sản, trước hết là các đảng tiền phong của họ, đã nhận thức và hành động đúng đắn: xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở bám sát bối cảnh cụ thể, trong đó có các chuyển động mang tầm cỡ thời đại đang diễn ra trên thế giới ngày nay.

Đảng và nhân dân Việt Nam là một trong những đội ngũ tiên phong đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo phương châm như vậy. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân cần tiếp tục nắm bắt kịp thời, nhận thức sâu sắc, xử lý hiệu quả các nhân tố thời đại.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)

Ngày nhận bài: 15-7-2023; Ngày bình duyệt: 19-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1) William Robinson: A Theory of global capitalism: Production, class, and state in a transnational world, Johns Hopkin University Press, 2004, p.125-136.

(2) Más de 80 países presentes en Foro por Equilibrio del Mundo en Cuba, https://www.prensa-latina.cu/2023/01/24/mas-de-80-paises-presentes-en-foro-por-equilibrio-del-mundo-en-cuba.

(3) UNDP: What are the Sustainable Development Goals?, https://www.undp.org/sustainable-development-goals.

(4) Xem tham luận tọa đàm “Sự phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển trên thế giới và tác động đến tiến trình tìm tòi, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới”, Hội đồng Lý luận Trung ương, mã số: KX.04.02/21-25, Hà Nội, tháng 8-2022.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền