Trang chủ    Bài nổi bật    Chính trị xanh – một cách tiếp cận trong quan hệ quốc tế
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 16:52
5267 Lượt xem

Chính trị xanh – một cách tiếp cận trong quan hệ quốc tế

(LLCT) - Chỉ đến khi con người đối diện trực tiếp với những hiểm họa môi trường thực sự trong nửa cuối thế kỷ XX thì vấn đề môi trường mới được nhận thức một cách nghiêm túc. Cùng với tính quốc tế của vấn đề môi trường, sự liên quan giữa môi trường với quan hệ quốc tế (QHQT) mới được tìm hiểu một cách sâu sắc hơn. Từ đó đã hình thành nên quan điểm Chính trị xanh (Green Politics) về QHQT từ thập niên 1980. Hiện nay, Chính trị xanh đã trở thành một lý thuyết hay cách tiếp cận đáng chú ý trong nghiên cứu QHQT.

1. Các luận điểm chính của Chính trị xanh

Về vấn đề chủ thể QHQT. Quốc gia vẫn là chủ thể quan trọng trong QHQT nhưng vai trò có xu hướng suy giảm cùng với sự xói mòn chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, vai trò chủ thể của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức phi chính phủ, và phong trào xã hội sẽ tăng dần cùng với sự gia tăng của yêu cầu đối phó với vấn đề môi trường.

Môi trường trở thành một trong những động lực của nền chính trị toàn cầu. Nếu lợi ích chính trị và kinh tế là những động lực chính chi phối nền chính trị quốc tế thì từ nay sẽ phải tính thêm môi trường như một động lực bổ sung. Sở dĩ như vậy là do môi trường đang đe dọa tới an ninh và phát triển vốn đều là những lợi ích mang tính sống còn nên việc bảo vệ môi trường đã trở thành một thứ lợi ích lớn đối với con người, quốc gia và thế giới. Mọi chính sách của quốc gia và hành vi của con người sẽ ngày càng chịu chi phối, bị định hướng và thúc đẩy bởi lợi ích môi trường.

Môi trường cũng sẽ trở thành động lực của nền chính trị toàn cầu của QHQT. Vai trò động lực của môi trường đối với nền chính trị toàn cầu sẽ ngày càng tăng trong tương lai. 

Sự thay đổi quyền lực trong QHQT. Thứ nhất, giải quyết vấn đề môi trường phải bằng phương thức hợp tác, trên cơ sở tự nguyện chứ không thể giải quyết bằng quyền lực. Quyền lực vì thế mà sẽ ít ý nghĩa hơn trong mối quan hệ hợp tác về môi trường. Thứ hai, giải quyết vấn đề môi trường cần có sự tham gia của tất cả các quốc gia, các nước dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều cần có trách nhiệm tham gia và đều có vị thế như nhau trong vấn đề này. Quan hệ quyền lực nước lớn-nước nhỏ vì thế cũng trở nên ít ý nghĩa hơn trong vấn đề môi trường. Các nước phát triển cũng cần các nước đang phát triển cải thiện điều kiện môi trường nhưng khó ép buộc bằng quyền lực bởi điều này vi phạm đến chủ quyền. Vì thế, vai trò của các nước nhỏ cũng được tính đến nhiều hơn, ít nhất trong vấn đề môi trường(1). Thứ ba, để giải quyết vấn đề môi trường, cần thiết lập các thể chế hợp tác quốc tế với những thẩm quyền có hiệu lực. Các quốc gia sẽ phải nhường quyền hạn nhất định của mình cho các thể chế này để tạo ra một thứ quyền lực mới trong QHQT.

Chủ quyền quốc gia bị xói mòn bởi tác động xuyên quốc gia của vấn đề môi trường. Vấn đề môi trường mỗi nước sẽ ảnh hưởng đến lợi ích môi trường và phát triển của các nước khác nên các nước không thể muốn làm gì thì làm đối với môi trường nước mình. Điều đó có nghĩa là các nước sẽ ngày càng không thể thực thi chủ quyền của mình một cách đầy đủ trên lãnh thổ của mình, ít nhất trong vấn đề môi trường. Một số chính phủ và các nhà Chính trị xanh còn đi xa hơn khi khuyến nghị về quyền can thiệp sinh thái, tức là quyền can thiệp từ bên ngoài đối với sự vi phạm môi trường của một nước(2).

Môi trường là một nguồn của xung đột trong QHQT.Việc môi trường là một nguồn của xung đột quốc tế được thể hiện trên ba phương diện chính: Môi trường là đối tượng tranh chấp trong các xung đột quốc tế, sự xuống cấp môi trường làm tăng nguy cơ xung đột trong QHQT và những xung đột quốc tế mới trong việc giải quyết vấn đề môi trường.

Trên phương diện đầu, các xung đột đã diễn ra từ lâu trong lịch sử thế giới, nhằm tranh giành những lợi ích từ môi trường như đất đai, tài nguyên, nguồn nước(3) và đại dương. Trên phương diện thứ hai, sự xuống cấp môi trường góp phần làm tăng thêm khả năng xung đột trong quan hệ quốc tế.  Khi nguy cơ cạn kiệt chưa xảy ra, chỉ sự phân bố tài nguyên không đều cũng đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột. Khi tài nguyên trở nên khan hiếm, sự cạnh tranh sẽ tăng lên, xung đột sẽ xảy ra nhiều hơn và thậm chí là trên quy mô toàn cầu.Trên phương diện thứ ba, trong quá trình hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề môi trường, sẽ bộc lộ các mẫu thuẫn và có thể nảy sinh xung đột không hề nhỏ. Đó là các mâu thuẫn về trách nhiệm và quyền lợi giữa các nước, mâu thuẫn về cách thức giải quyết và cách tính toán, mẫu thuẫn về khả năng can thiệp sinh thái(4).

Sự xuống cấp môi trường làm sâu sắc thêm sự chênh lệch Bắc - Nam.Hiện nay các nước phương Bắc phê phán các nước phương Nam về việc khai thác tài nguyên bừa bãi, gây huỷ hoại môi trường nghiêm trọng. Các nước phương Nam chỉ trích phương Bắc về các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm vì sự nóng lên của trái đất và chủ nghĩa tiêu dùng thái quá của họ. Các nước phương Bắc nêu lên quyền can thiệp về sinh thái. Những nước phương Nam tố cáo chủ nghĩa thực dân sinh thái của các nước công nghiệp phương Bắc. Cả hai theo đuổi những chiến lược riêng rẽ và cùng làm tổn hại tới môi trường trong khi vẫn tiếp tục chỉ trích lẫn nhau. Tình trạng xuống cấp môi trường đang đóng góp cho sự chia rẽ Bắc - Nam - sự chia rẽ có thể là lớn nhất trong QHQT thế kỷ XXI.

Môi trường giúp phổ biến ý thức về những giá trị chung của nhân loại hay toàn cầu(Global Value) và từ đó giúp hình thành cộng đồng toàn cầu (Global Community) và công dân toàn cầu (Global Citizen). Khi nguy cơ môi trường đe doạ cả thế giới, con người càng ý thức sâu sắc hơn về cái chung của nhân loại. Trong mối tương tác và sự phụ thuộc vào môi trường, con người ngày càng có ý thức rằng nhân loại là một, rằng sự hoà hợp giữa con người sẽ giúp đem lại sự hoà hợp với tự nhiên. Nhân sinh quan này tạo điều kiện cho sự hình thành các giá trị toàn cầu mới và tính cộng đồng mới trên quy mô toàn cầu. Vấn đề môi trường cũng được cho rằng sẽ tạo ra cái gọi là đạo đức sinh thái (Ecological Ethics). Đạo đức sinh thái được kỳ vọng sẽ ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu và làm tăng giá trị và chuẩn mực ứng xử chung với môi trường, từ đó đóng góp cho sự hình thành cộng đồng toàn cầu.

Môi trường đang làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhaugiữa các quốc gia. Các quốc gia buộc phải tương tác với nhau để cùng đối phó với các vấn đề môi trường. Việc ngày càng xuất hiện nhiều chủ thể phi quốc gia trong lĩnh vực môi trường đã làm QHQT trở nên giằng chéo, đan xen chặt chẽ với nhau. Sự tương tác chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị với môi trường, sự phụ thuộc lẫn nhau trong nền chính trị-kinh tế quốc tế đang góp phần làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau trong vấn đề môi trường. Ngược lại, các khía cạnh chính trị và kinh tế của môi trường, vấn đề môi trường cũng đang góp phần làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và chính trị giữa các quốc gia.

Môi trường góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế. Việc giải quyết vấn đề môi trường sẽ không thể thực hiện được nếu không có hợp tác quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến sự chia sẻ các giá trị chung về môi trường qua các hội nghị toàn cầu và các hiệp định trong lĩnh vực này. Đến nay đã có hơn 170 các Công ước, Hiệp định quốc tế về môi trường(5).

Môi trường và vấn đề công bằng trong QHQT. Thứ nhất, bất bình đẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề môi trường khi bất bình đẳng dẫn đến nghèo đói, nghèo đói dẫn đến nhu cầu khai thác môi trường để phát triển. Kết quả môi trường thường xấu đi nhanh chóng ở các nước kém phát triển. Vì kém phát triển nên những nước này lại càng không muốn hy sinh lợi ích phát triển cho lợi ích môi trường. Như vậy, muốn khắc phục vấn đề môi trường thì cần phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội cả trong nước lẫn trong QHQT. Thứ hai, sự tồn tại vấn đề môi trường cũng đem lại cơ hội cho sự bình đẳng hơn trong QHQT. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong lĩnh vực môi trường không bất tương xứng quá nhiều như trong kinh tế và chính trị. Điều này làm cho các nước nhỏ có thêm cơ hội cải thiện vị thế quốc tế của mình trong lĩnh vực chính trị và kinh tế qua vấn đề môi trường.

Thúc đẩy giải quyết các vấn đề chính trị môi trường theo phương thức phi bạo lực. Môi trường cũng đem lại điều kiện thuận lợi cho hợp tác khi làm tăng cơ hội sử dụng công cụ ngoại giao hơn là bạo lực. Ngoại giao là cách thức duy nhất có thể huy động mọi quốc gia dân tộc tham gia vào vấn đề này. Ngoại giao cũng cần thiết cho môi trường khi nó giúp duy trì hoà bình và ổn định như điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề môi trường. Ngoại giao đang đem lại nỗ lực hợp tác từ song phương tới đa phương, từ khu vực tới toàn cầu trước nguy cơ xuống cấp của môi trường. Sự xuất hiện nền ngoại giao xanh là một minh chứng cho thấy điều này(6).

Môi trường giúp hình thành những thể chế quốc tế. Các thể chế quốc tế sẽ góp phần tạo ra khuôn khổ, mục tiêu, nguyên tắc cho sự hợp tác quốc tế trong vấn đề môi trường. Các thể chế này còn là nơi điều hoà tranh chấp và giải quyết bất đồng, nơi tập trung ý chí hợp tác chính trị quốc gia, nơi phối hợp khả năng khoa học và kinh tế của các nước trong công cuộc bảo vệ môi trường thế giới. Sự hình thành hệ thống luật pháp quốc tế và thể chế quốc tế về môi trường thông qua hai quá trình: từ luật quốc gia đi ra thành luật pháp quốc tế, từ các công ước quốc tế đi vào thành luật pháp quốc gia(7).

Theo các nhà Chính trị xanh, sự hình thành và phát triển ngày càng tăng của thể chế quốc tế trong lĩnh vực môi trường không chỉ đóng góp vào xu hướng hợp tác quốc tế nói chung mà còn góp phần làm giảm tình trạng vô chính phủ trong QHQT.

Thúc đẩy thay đổi cấu trúc quốc tế hiện tại theo hướng phi tập trung. Hệ thống và cấu trúc quốc tế hiện nay đang được coi là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái môi trường trên phạm vi thế giới. Hệ thống quốc tế này được hình thành theo hướng tập trung vào quốc gia. Các quốc gia thường ưu tiên lợi ích quốc gia và các lợi ích liên quan đến quyền lực nên coi nhẹ vấn đề môi trường chung. Hệ thống các quốc gia như vậy khó giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường. Thay vì cách tiếp cận quốc gia, Chính trị xanh khuyến nghị về cách tiếp cận trên quy mô toàn cầu. Quan niệm của Chính trị xanh là hướng tới một cộng đồng toàn cầu dựa trên những nhận thức chung về môi trường và con người, chuẩn mực chung trong ứng xử với môi trường, đạo đức sinh thái,… Vì thế, cần thay đổi cơ cấu hiện tại theo hướng tản quyền hơn. Sự tản quyền này được cho là đi theo hai cấp độ. Trên bình diện quốc gia, đó là sự phân quyền cho các giai tầng trong xã hội theo hướng bình đẳng hơn. Trên bình diện QHQT, đó là sự giảm bớt quyền lực vào các quốc gia và nhất là các nước lớn sang các thể chế toàn cầu và các phong trào xã hội.

Hình thành mô hình quản trị toàn cầu của thế giới để khắc phục vấn đề môi trường. Trong QHQT hiện nay, thế giới vẫn chưa có một cơ chế thực sự cho hợp tác toàn cầu về môi trường. Liên Hợp quốc dường như đang đóng vai trò chuyển tiếp tạm thời thông qua các tổ chức môi trường trong hệ thống của mình(8). Do vậy cần phải hình thành những thiết chế có hiệu quả và hiệu lực hơn. Đó chính là quản trị toàn cầu. Sau Hội nghị của Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển năm 1992, Ủy ban Quản trị toàn cầu gồm 28 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã kêu gọi thành lập Tổ chức Môi trường toàn cầu như một hình thức quản trị toàn cầu trong lĩnh vực môi trường.

 Quản trị toàn cầu đang được kỳ vọng như một cách thức thiết lập trật tự thế giới mới và đem lại những thay đổi quan trọng trong chính trị quốc tế.

2. Đánh giá về Chính trị xanh

Các đóng góp của Chính trị xanh thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, Chính trị xanh đã đưa ra một cách tiếp cận môi trường bổ sung vào nghiên cứu QHQT. Nó đem thêm yếu tố mới vào giải thích nhiều hiện tượng trong QHQT như xung đột và hợp tác, bản sắc và cộng đồng,…Đây là đóng góp có ý nghĩa về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu QHQT.

Thứ hai, Chính trị xanh nhấn mạnh sự gắn bó giữa môi trường và cuộc sống con người, từ đó giúp chỉ ra và phân tích mối quan hệ qua lại giữa môi trường và QHQT. Chính trị xanh cho rằng cần tính thêm đến môi trường như một động lực cho nền chính trị toàn cầu bên cạnh các động lực an ninh và phát triển như một số lý thuyết QHQT khác đã chỉ ra. Cách tiếp cận bổ sung này giúp phân tích QHQT và chính trị quốc tế toàn diện hơn.

Thứ ba, Chính trị xanh có thể được vận dụng để bổ sung cho các lý thuyết hiện có về QHQT. Đối với chủ nghĩa hiện thực, Chính trị xanh giúp lý giải thêm một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột trong QHQT, như tranh chấp tài nguyên … Đối với chủ nghĩa tự do, nó chỉ ra một nguyên nhân góp phần quy định xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng tăng. Đối với chủ nghĩa Mác mới, Chính trị xanh chỉ ra thêm một hậu quả tai hại bởi sự phân công lao động quốc tế và hệ thống thế giới bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản cũng như chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo Bắc - Nam. Đối với chủ nghĩa kiến tạo, Chính trị xanh giúp đem lại những lý giải về nhận thức toàn cầu và tác động của nó đối với việc hình thành cộng đồng an ninh theo mô hình của lý thuyết này.

Thứ tư, Chính trị xanh giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như đặt cơ sở cho hợp tác quốc tế về vấn đề môi trường trong chính sách của quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. Nó khuyến khích đạo đức sinh thái và trách nhiệm toàn cầu trong vấn đề môi trường.

Thứ năm, Chính trị xanh đóng góp cho việc xây dựng các mô hình hợp tác tương lai cho thế giới dưới cái nhìn xanh (Green Perspective).  Chính trị xanh đưa ra các đề nghị nhằm thay đổi cấu trúc QHQT hiện nay và đưa ra các gợi ý về cơ cấu, mô hình và tổ chức theo hướng thúc đẩy hợp tác, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Các gợi ý này vừa giúp nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, vừa giúp thúc đẩy hợp tác trong QHQT. 

Bên cạnh đó mặt ưu điểm, Chính trị xanh cũng hứng chịu những phê phán sau:

Thứ nhất, Chính trị xanh chỉ là một cách tiếp cận bổ sung hơn là một lý thuyết về QHQT. Đôi khi, nó chỉ được coi là cách nhìn xanh (Green Perspective). Chính trị xanh - lý luận dựa chủ yếu vào môi trường - không có khả năng giải quyết mọi vấn đề trong QHQT mà chỉ giải thích được một số vấn đề QHQT có liên quan đến môi trường mà thôi. Đối với kho tàng lý thuyết QHQT, Chính trị xanh không có khả năng thay thế bất kỳ lý thuyết nào mà chỉ đem thêm giá trị bổ sung.

Thứ hai, Chính trị xanh bị phê phán là không hoàn toàn chính xác khi đề cao quá mức vai trò của yếu tố môi trường đối với QHQT. Môi trường đúng là một vấn đề lớn nhưng với tư cách là một lợi ích thì nó vẫn chưa thực sự trở thành một lợi ích cơ bản hay có tính sống còn đối với quốc gia. Người ta sẵn sàng hy sinh lợi ích môi trường cho các lợi ích an ninh và phát triển.

Thứ ba, Chính trị xanh cũng được coi là phiến diện khi nhấn mạnh chủ yếu đến quan hệ qua lại giữa môi trường và chính trị. Thực tế cho thấy, kinh tế có quan hệ qua lại nhiều nhất với vấn đề môi trường, cho nên quan hệ kinh tế quốc tế – một lĩnh vực của QHQT – chịu ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề môi trường. Cách tiếp cận thiên về chính trị của Chính trị xanh vì thế được coi là không đầy đủ và phiến diện.

Thứ tư, cả hai cách tiếp cận thuộc hai trường phái chủ nghĩa môi trường nông và chủ nghĩa môi trường sâu(9) đều bị phê phán. Cách tiếp cận chủ nghĩa môi trường nông được cho là chỉ góp phần giảm nhẹ sự suy thoái môi trường chứ không giải quyết được căn bản vấn đề. Cách tiếp cận này cũng được cho rằng có xu hướng thúc giục các nước nghèo làm theo những gì các nước giàu nói hơn là như những gì chúng làm(10). Trong khi đó, cách tiếp cận chủ nghĩa môi trường sâu thì bị coi là tính khả thi không cao khi việc thay đổi cấu trúc quốc gia, thế giới và QHQT hiện tại là rất khó, gặp nhiều mâu thuẫn, đòi hỏi nhiều thời gian nên tính khả thi bị hạn chế. Lập luận cái chung toàn cầu tăng lên trong mối quan hệ với cái riêng của địa phương hay cá nhân cũng bị đặt dấu hỏi lớn khi thiếu vắng những quyền lực thực sự về vật chất và chính trị như một chính phủ thế giới chẳng hạn.

Thứ năm, một số quan điểm của Chính trị xanh cũng được cho là khó khả thi và thậm chí là mâu thuẫn. Một nhà Chính trị xanh như
Andrew Dobson cũng cho rằng công bằng và phát triển bền vững không thể bổ sung cho nhau. Muốn bảo vệ môi trường thì cần một xã hội ổn định. Muốn ổn định, xã hội đó phải là có thứ bậc, tức là phải có sự bất bình đẳng. Điều đó có nghĩa là công bằng và bảo vệ môi trường có sự mâu thuẫn với nhau. Một quan điểm khác của Dobson cũng đáng chú ý khi cho rằng bảo vệ môi trường có thể đồng nghĩa với phát triển kém hơn và điều này sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến các nước nghèo trên thế giới(11).Và nếu như vậy thì liệu các nước nghèo có sẵn sàng hy sinh lợi ích phát triển để bảo vệ môi trường? Thực tế được nhiều người chỉ ra là không.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1) Không ít trường hợp các nước này đã thành công trong quan hệ với nước lớn. Trong chiến tranh lạnh, khi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các cường quốc bắt đầu trở nên quyết liệt, yêu cầu ngăn chặn tác hại phóng xạ cho môi trường của các nước thế giới thứ ba đã góp phần đáng kể dẫn đến Hiệp định việc kiểm soát vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 1963 - Hiệp ước cấm thử hạn chế (Limited Test Ban Treaty) với nội dung cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển. Hay trong các kết quả của Hội nghị Rio de Janeiro năm 1992, các nước đang phát triển đã giành được những thoả hiệp từ phía các nước công nghiệp phát triển trong vấn đề khai thác rừng…

 (2) Thí dụ, Hội nghị Hague về Môi trường năm 1989 đã đề cập đến quyền can thiệp về sinh thái. Ngay cả trong một tổ chức vốn tuân thủ triệt để nguyên tắc không can thiệp nội bộ như ASEAN cũng đã từng xuất hiện đề nghị kiểu này. Đó là đề nghị về nguyên tắc can dự linh hoạt (Flexible engagement) của Thái Lan đưa ra năm 1997 trước tình trạng cháy rừng của Indonesia gây ra hậu quả môi trường cho các nước khác trong khu vực.

(3) Một số ví dụ về tranh chấp nguồn nước: Tình trạng bất ổn kéo dài ở Trung Đông và Bắc Phi có một nguyên nhân là tranh chấp nguồn nước kéo dài trong lịch sử giữa các quốc gia trong vùng. Israel và các nước Arab tranh chấp với nhau về sông Jordan. Cuộc tranh chấp về nguồn nước 1965-1966 là một nguyên nhân gây căng thẳng và góp phần dẫn đến chiến tranh Israel-Arab năm 1967.

(4) Có thể thấy một thí dụ về điều này là các mâu thuẫn và tranh cãi qua 19 kỳ họp của Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP) với lần gần đây nhất là COP tại Warsaw (Ba Lan) vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong khi mâu thuẫn vẫn còn rất nhiều.

(5) Conway Hederson: International Relations: Conflict and Cooperation at the Turn of the 21stCentury Mc Graw hill, Singapore, 1997. Bản dịch của Khoa Quốc tế học, t.2, tr.150.

(6) Thí dụ điển hình là Kế hoạch Địa Trung Hải. Đó là sự hợp tác về môi trường giữa các nước có chế độ chính trị, văn hoá và trình độ phát triển kinh tế khác nhau như Pháp và Italy là những nước phát triển với nền dân chủ kiểu phương Tây, Algeria và Ai Cập là những nước đang phát triển với nền văn hoá Hồi giáo, còn Albania là một nước nhỏ với những khác biệt về chế độ chính trị

(7) Thí dụ như Công ước Washington năm 1973, Công ước Marpol năm 1973, Công ước Bonn năm 1979, Công ước Vienna năm 1985, Định ước Montreal năm 1987, Công ước Espoo năm 1991, Công ước khung về thay đổi khí hậu năm 1992, Công ước về đa dạng sinh học năm 1992, Công ước về hoang mạc hoá năm 1994…

(8) Các tổ chức môi trường trong hệ thống của Liên Hợp quốc là: Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP), Ủy ban môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), Ủy ban về Phát triển bền vững (CSD) và Uỷ ban Liên cơ quan về phát triển bền vững (IACSD).

(9) Chủ nghĩa môi trường nông (Shallow Environmentalism) cho rằng các vấn đề về môi trường có thể được giải quyết với các hệ thống, các tổ chức chính trị xã hội và kinh tế hiện có. Chủ nghĩa môi trường sâu (Deep Environmentalism) cho rằng cần thay đổi hoàn toàn cấu trúc chính trị, xã hội và kinh tế trong xã hội loài người thì mới giải quyết được vấn đề môi trường.

(10) (11) Xem Jill Steans & Lloyd Pettiford: Introduction to International Relations: Perspectives and Themes, Pearson-Prentice Hall, London 2005, p. 226.

                                                                                                                  

 

PGS, TS Hoàng Khắc Nam

Khoa Quốc tế học,

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền