Trang chủ    Bài nổi bật    Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam
Thứ ba, 18 Tháng 8 2015 15:56
1914 Lượt xem

Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam

(LLCT) - Kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, nhưng quy mô phát triển đếnnay chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển đem lại. Để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng CNH, HĐH thì phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng. Chỉ như vậy nước ta mới có thể trở thành “quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển” như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 về tăng trưởng xanh. Kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển (gồm các không gian kinh tế ven biển, kinh tế đảo, kinh tế biển và kinh tế đại dương, và các ngành kinh tế biển) nhưng cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan tới phát triển bền vững (PTBV) biển, đảo trong thời gian tới.

1. Kinh tế biển xanh trên thế giới và ở Việt Nam

Mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng “Kinh tế xanh được hiểu là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái”(1). Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là một nền kinh tế phát thải ít cácbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đổi mới công nghệ và tăng trưởng bền vững, tạo ra việc làm và công bằng xã hội, hướng vào cải thiện sinh kế của người dân.

Trong hơn 20 năm qua, toàn thế giới đã nỗ lực thực hiện PTBV, nhưng trên thực tế kết quả PTBV đạt được lại rất “không bền vững” và PTBV chỉ là mục tiêu mong đợi về mặt xã hội. Chính vì thế, tại Rio+20 (6-2012) các quốc gia đã cùng nhau xác định 6 nhóm vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy PTBV trái đất: tăng trưởng xanh, nguồn vốn tự nhiên, đại dương, đô thị xanh, cảnh quan và năng lượng bền vững(2). Xây dựng một nền kinh tế biển xanh là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng còn mới mẻ dù nó đã song tồn trong suốt 20 năm thực hiện PTBV cùng với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (từ Rio 92 đến Rio+20).

Từ nhận thức đến hành động, Tuyên bố Đại dương Manađo đã được đại diện 92 quốc gia biển (bao gồm Việt Nam) ký thông qua ngày
14-5-2009 tại Manađô, Inđônêxia với 21 điểm nhấn mạnh đến vai trò của đại đương, biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu, kinh tế đại dương xanh, các cam kết tăng cường bảo vệ sức khỏe đại dương và sử dụng đại dương để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu(3). Tuyên bố Manila của Đại hội biển Đông Á lần thứ IV
(11-2009) đề ra giải pháp lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ biển các quốc gia Đông Á để hướng tới xây dựng một nền kinh tế biển xanh trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 (6-2012) đã ra Tuyên bố Đại dương Rio+20 tiếp tục khẳng định: biến đổi khí hậu đã tác động đến đại dương khiến cho sức khỏe đại dương thay đổi, ngược lại, biến đổi đại dương cũng đang làm thay đổi sâu sắc trạng thái của hệ thống khí hậu.

Với thông điệp “Một đại dương thế giới khỏe mạnh sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho con người hôm nay và mai sau”(4), trên cơ sở 10 mục tiêu chính liên quan tới chức năng dịch vụ của đại dương (cung cấp thực phẩm, cơ hội cho nghề cá thủ công, sản phẩm tự nhiên, lưu - giữ cácbon, bảo vệ bờ biển, sinh kế và kinh tế, du lịch và giải trí, các loài biểu tượng văn hóa, các vùng biển sạch và đa dạng sinh học biển), Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá sức khỏe đại dương (Ocean Health Index - OHI). Năm 2012, UNEP đã thử đánh giá vùng biển ven bờ của 71 quốc gia có biển và cho điểm trung bình theo trọng số (tối đa là 100). Kết quả cho thấy chỉ số trung bình toàn cầu là 60, có 5% số quốc gia đạt điểm trung bình các chỉ số trên 70 và 32 quốc gia đạt điểm dưới 50, Việt Nam vừa đạt đúng 50 điểm. Chương trình hành động toàn cầu về quản lý ô nhiễm biển từ nguồn đất liền (GPA) đã đưa ra cách tiếp cận “liên kết lưu vực sông - biển” và đã thành lập mạng lưới các đối tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đang kêu gọi thành lập ở cấp quốc gia, trong đó có Việt Nam(5).

Gần đây, không ít hội thảo về chủ đề kinh tế biển xanh đã được tổ chức ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, bao gồm Việt Nam. Đáng kể là Đại hội biển Đông Á lần thứ IV tổ chức tại Chongwon, Hàn Quốc (7-2012) đã có10 nước (gồm Việt Nam) cam kết “Xây dựng một nền kinh tế biển xanh ở các quốc gia Đông Á với vai trò sáng tạo của khoa học và đổi mới công nghệ”. Tháng 12-2013, tại Washington DC (Hoa Kỳ) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh tế đại dương hướng tới tăng trưởng xanh. Đây là diễn đàn cấp cao quan trọng để chia sẻ nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển và đại dương xanh ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Theo đó, Hội nghị nhấn mạnh đến các nhóm vấn đề chính: Lượng giá các giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển, đại dương, bao gồm các hệ sinh thái; Lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái biển vào lập kế hoạch đầu tư phát triển, nhấn mạnh đến các khu bảo tồn biển; Phát triển năng lượng biển và đại dương, năng lượng tái tạo, an ninh thực phẩm và hàng hải xanh; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển xanh, chú trọng bảo vệ nguồn lợi biển, đường cao tốc trên biển, phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển; Vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ biển và đại dương trong phát triển kinh tế và xử lý môi trường biển; Các thách thức kinh tế và sinh thái, nhấn mạnh đến chất thải và ô nhiễm biển, nhu cầu quy hoạch không gian biển và thách thức với tăng trưởng xanh; Những thực hành tốt về quản trị biển và đại dương.

Trong một thế giới chuyển đổi và toàn cầu hóa với vai trò đặc biệt quan trọng của biển và đại đương thì tính phụ thuộc lẫn nhau thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu.

Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sau đó đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20-3-2014. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh xác định: “Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”. Mục tiêu chung là: “Tăng trưởng xanh, tiến tới các nền kinh tế  cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hiện nay, các ngành và các địa phương đang triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển.

Khả năng phát triển một nền kinh tế biển xanh ở nước ta thực sự là một vấn đề quốc gia đại sự khi mà nền “kinh tế nâu” như là “vật cản” trên chặng đường PTBV. Vì thế, Chiến lược tăng trưởng xanh ra đời là sự khẳng định xu thế phát triển đúng đắn trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, chủ động chuyển dần từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh” với các lợi ích cơ bản: góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, cải thiện nguồn vốn văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới PTBV.

2. Cơ hội, thách thức đối với phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam

Cơ hội lớn

Tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh đang trở thành mối quan tâm toàn cầu và được xem là động lực để phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn cầu và là công cụ để PTBV.

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chiến lược về PTBV, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 6-9-2013, cũng như các cam kết quốc tế về môi trường và phát triển.

Nước ta có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi, có tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế biển hướng tới tăng trưởng xanh và PTBV. Đặc biệt là vị thế của vùng ven biển, các đảo và quần đảo cho phép xây dựng thành những khu kinh tế ven biển và kinh tế đảo đặc thù, gắn kinh tế với quốc phòng.

Chính phủ đã ban hành các chính sách, chiến lược và phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng xanh ở nước ta như: Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Nghị định số 25/NĐ-CP tháng 6-2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, v.v..

Nguồn lực để hỗ trợ xây dựng một nền kinh tế biển xanh của nước ta đa dạng và rất đáng kể, bao gồm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính và đầu tư khá lớn; cơ sở vật chất - kỹ thuật và hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế biển, cũng như bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển ở nước ta đã được quan tâm.

Thách thức chủ yếu

Những thành tựutrongphát triển kinh tế biển ở nước ta đã đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên để chuyển từ “mảng nâu” sang “mảng xanh” thì chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn.

Đây là vấn đề mới nên nhận thức về tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt.

Các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “mảng nâu” sang “mảng xanh”.Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Thiếu các số liệu và thông tinkhoa học-công nghệ về nguồn vốn tự nhiên biển, đảo; thiếu các cơ sở dữ liệu biển, đảo và các hệ sinh thái làm cơ sở cho việc triển khai các hành động cụ thể liên quan tới phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta.

Tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Chủ yếu vẫn ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển.

Môi trường biển bị ô nhiễm và các hệ sinh thái biển bị suy thoái, chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sôngvà vùng ven biển, cũng như trên các đảo có người sinh sốngđổ vào biển ngày càng nhiều.

Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút, các hệ sinh tháibiển quan trọng bị suy thoái, các nơi cư trú tự nhiên (habitat) ven biển quan trọng bị mất hoặc bị thu hẹp diện tích (khoảng 60%). Các quần đàn cá có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển liên quan đến biến đổi khí hậu, xu thế tương tác sông - biển ở vùng cửa sông thay đổi đáng kể so với trước đây.

Đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo ngành (sectoral management) thông qua các luật phápvà chính sách ngành. Phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảochậm được thể chế hóa. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý trong các luật và chính sách ngành hiện có, hiệu lực thực thi pháp luật thấp. Công cụ quy hoạch không gian biển (marine spatial planning) hoặc quy hoạch sử dụng biển (sea use planning) là các công cụ quản lý biển tiên tiến (theo không gian) trên thế giới, nhưng đến nay nước ta chưa áp dụng.

Bên cạnh thiên tai biển, Việt Nam còn là một trong số ít nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, trong đó có nước biển dâng, trước hết ở vùng ven biển và các đảo nhỏ.Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo phức tạp và kéo dài trên Biển Đông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta.

3. Một số yêu cầu và cách tiếp cận phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam

Ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4 khoá X đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Chiến lược biển); đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH.

Để đạt được mục tiêu đó cần quán triệt bốn yêu cầu cơ bản:

Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Tức là phải giải quyết đồng bộ các mối quan hệ: giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển vùng nội địa.

Khoa học - công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biểnxanh. Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệbiển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình CNH, HĐHđất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển.

Quy hoạch và quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính liên kết trong phát tiển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lýtrên cơ sở tiếp cận “nhìn từ biển vào” và “nhìn từ đất liền ra” nhằm hỗ trợ nhau khai thác hiệu quả tài nguyên biểnvà thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đôngtạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Đây là chủ trương đã được ghi trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện thái độ thiện chí của dân tộc Việt Nam, đặc biệt đây cũng là một trong 3 nguyên tắc chỉ đạo trong Luật biển Việt Nam (2012).

Từ các yêu cầu trên, một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng là thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hộivà bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa. Phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Hiện đang xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo để tiếp tục thể chế hóa phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất.

Xây dựng một chiến lược toàn diện và tổng thể với tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế biển xanh hướng tới PTBV. Chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.

Khẩn trương kiểm kê “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển và hải đảo ởcấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Trên cơ sở đó phân bổ “không gian biển” cho các ngành, địa phương ven biển để quy hoạch chi tiết phát triển ngành và địa phương trong phạm vi “chỉ tiêu” không gian được phân bổ. 

Chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức lan tỏa của các khu kinh tế biển, đồng thời giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển vùng. Kiểm kê năm 2010 ở nước ta cho thấy 30 - 70% tải lượng chất gây ô nhiễm biển là từ đất liền, từ các lưu vực sông, do đó cách tiếp cận “Từ thượng nguồn xuống biển” cần sớm được áp dụng trong lập kế hoạch phát triển và quản lý vùng biển ven bờ nước ta để giảm thiểu các tác động từ đất liền.Quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển.

Xây dựng và thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờbiển, bao gồm cơ chế phối hợp liên ngành, giữa Trung ương và địa phương, phân vùng chức năng vùng bờ cho phát triển bền vữngtrên cơ sở lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 158/2006/QĐ-TTg về Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ cho 14 tỉnh miền Trung, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ dải bờ biển của 28 địa phương ven biển được áp dụng phương thức quản lý tổng hợpở mức độ khác nhau.

Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo. Đưa các cân nhắc và các vấn đề môi trường - tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.

Quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục đánh giá các vùng biển, đảo, ven biển  giàu, đẹp có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền hoặc các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,... đang giảm sút.

Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua sử dụng cách tiếp cận quản lý không gian biển và phương thức đồng quản lý biển, đảodựa vào cộng đồng.

Thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảovề kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh và PTBV. Chú trọng cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo đểgiúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường biển.

Xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít cácbon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo từ biển, như: năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy). Lưu ý, không thể phát triển năng lượng thủy triều vì thủy triều nước ta có biên độ nhỏ.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

(1) UNEP:Towards a Green Economy: Pathway to Sustainable Development and Poverty Eradication. Geneve, UNEP, 2011.

(2) Biliana Cicin-Sain, Ed.:Oceans and Climate Change: Issues and Recommendations for
Policymakers and for the Climate Negotiations, Brief Ocean Policy of Global Ocean Forum, 2009.

(3) World Ocean Conference:Manado Ocean
Declaration. Ministerial/High Level Meeting,
Manado, Indonesia, 2009. Donato D.C., Kauffman J.B. and Others, 2011. Mangroves among the most carbon-rich forest in the tropics. Nature Geocience, Brief-CIFOR, Bogo, Indonessia.

(4) UNEP:Report on Ocean Health Index in Year 2012, Nairobi, Kenya, 2012.

(5) Robert J Díaz:The Coast and Oceans: Home of the Excess Nutrients!. Report in 2nd Global Conference on Land-Ocean Connections, Jamaica, 2013.

 

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền