Trang chủ    Bài nổi bật    Chỉ dẫn của V.I Lênin về công tác lý luận
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 08:59
2291 Lượt xem

Chỉ dẫn của V.I Lênin về công tác lý luận

(LLCT) - V.I Lênin là nhà lý luận đầu tiên đề ra cấu trúc của công tác tư tưởng gồm ba bộ phận cấu thành có bản là: Công tác lý luận; công tác tuyên truyền; công tác cổ động. Việc nghiên cứu và vận dụng những chỉ dẫn của V.I.Lênin về công tác tư tưởng là vận dụng những lý luận về phương pháp cách mạng và khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

 

Về công tác lý luận, V.I.Lênin đã đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân và chính đảng của nó phải độc lập về hệ tư tưởng và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân mang bản chất của giai cấp công nhân.

Trong khi ủng hộ những người dân chủ thành lập Đảng dân chủ, những người cách mạng Nga phải độc lập về tư tưởng và về tổ chức, đối với những người dân chủ không một chút nào lẫn lộn với tổ chức của họ đồng thời phải ra sức phấn đấu làm cho công nhân Nga đứng đầu những tổ chức dân chủ.Người nhấn mạnh mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản.

Theo V.I.Lênin, trong xã hội có giai cấp, hệ tư tưởng bao giờ cũng mang tính giai cấp. Khi xã hội còn giai cấp và đấu tranh giai cấp thì không thể có hệ tư tưởng phi giai cấp. Công tác tư tưởng của đảng đều là sự phản ánh và bảo vệ quan điểm, lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác. Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản về mặt hệ tư tưởng chỉ có hệ tư tưởng vô sản hay hệ tư tưởng tư sản, không có hệ tư tưởng trung gian, phi giai cấp. Do đó, khi tiến hành công tác tư tưởng, Đảng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân.

Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân phải phản ánh được lợi ích của giai cấp công nhân và gắn liền với lợi ích thiết thực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người chỉ rõ:“lý tưởng không phải ở chỗ đi xây dựng những con đường tốt nhất và ngắn nhất mà là ở chỗ đề ra những nhiệm vụ và những mục tiêu của “ cuộc đấu tranh quyết liệt của các giai cấp xã hội” đang diễn ra trước mắt chúng ta trong xã hội tư bản chủ nghĩa ở nước ta; rằng thước đo kết quả của những cố gắng của họ không phải ở chỗ thảo ra những lời khuyên bảo “xã hội” và “nhà nước”, mà là ở mức độ truyền bá những lí tưởng đó trong một giai cấp xã hội nhất định; rằng những lý tưởng cao cả nhất cũng không đáng giá một xu nhỏ, chừng nào mà người ta không biết kết hợp chặt chẽ những lý tưởng đó với lợi ích của chính ngay những người đang tham gia cuộc đấu tranh kinh tế, chừng nào mà người ta không biết kết hợp những lý tưởng đó với những vấn đề “chật hẹp” và nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của giai cấp ấy”.Như vậy, tư tưởng của con người luôn gắn bó chặt chẽ với lợi ích của họ. Nhận thức rõ điều này, trong công tác tư tưởng, để hiểu biết đúng tâm trạng xã hội phải đi từ chỗ phân tích lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của con người. Công tác tư tưởng mà thoát ly lợi ích, nguyện vọng chính đáng của con người thì hiệu quả sẽ không cao, thậm chí sẽ thất bại.

V.I.Lênin chỉ ra rằng, công tác tư tưởng được thực hiện tốt sẽ góp phần bảo vệ hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giúp cho giai cấp công nhân phân biệt được tính Đảng của Đảng dân chủ - xã hội chống lại ảnh hưởng tư sản.Đảng cách mạng không thể chỉ hạn chế sự lãnh đạo đối với cuộc đấu tranh kinh tế của giai cấp công nhân. Đấu tranh kinh tế chỉ là một trong những hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân. Đảng còn phải lãnh đạo cuộc đấu tranh về tư tưởng và chính trị. Đảng phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ động. Đảng còn phải thường xuyên tiến hành công tác giáo dục chính trị trong quần chúng.

V.I.Lênin chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận cách mạng trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Trong tác phẩm Làm gì?, V.I.Lênin đã viết “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” và “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.

Phân tích vai trò đặc biệt của lý luận cách mạng, V.I.Lênin khẳng định lý luận cách mạng trong thời đại ngày nay thì không ngoài chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh của những người mácxít trong đấu tranh chống lại những tư tưởng, lý luận tư sản xét lại.

Theo V.I.Lênin, Đảng vô sản phải trung thành, nắm vững, kiên quyết đấu tranh bảo vệ, phát triển tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác.V.I.Lênin chỉ ra rằng: Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì xong xuôi hẳn hoặc bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống.

Trong khi chủ nghĩa cơ hội, xét lại đề cao khẩu hiệu “tự do phê bình” ở nhiều nước đã tấn công vào chủ nghĩa Mác, cho rằng chủ nghĩa Mác đã cũ kỹ, lỗi thời, núp dưới khẩu hiệu “tự do phê bình” chúng lên án chủ nghĩa Mác là “bảo thủ, giáo điều”. V.I.Lênin đã vạch trần dưới khẩu hiệu “tự do phê bình” giả dối này, những đồ đệ của chủ nghĩa xét lại dưới mọi màu sắc đã phê phán những người mácxít chân chính, với ý đồ đen tối là muốn thay thế chủ nghĩa Mác bằng chủ nghĩa cải lương tư sản. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “tự do phê bình” chính là sự phê bình theo quan điểm tư sản tất cả những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác... “Ai không cố ý nhắm mắt lại thì không thể không thấy rằng khuynh hướng “phê bình” mới trong chủ nghĩa xã hội chẳng qua chỉ là một hình loại mới của chủ nghĩa cơ hội mà thôi. Và nếu xét người, không căn cứ vào bộ áo hào nhoáng họ tự khoác cho họ hoặc vào cái tên khá kêu họ tự đặt cho họ, mà căn cứ vào cách họ hành động, vào những tư tưởng mà họ thực tế truyền bá, thì thấy rõ rằng “tự do phê bình” là tự do của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong đảng dân chủ- xã hội, là tự do biến đảng dân chủ- xã hội thành một đảng dân chủ cải lương, là tự do đưa những tư tưởng tư sản và những thành phần tư sản vào trong chủ nghĩa xã hội”.

V.I.Lênin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển lý luận cách mạng trên cơ sở những thành tựu của khoa học và trên những kinh nghiệm mới của cuộc đấu tranh giai cấp. V.I.Lênin không chỉ phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa C.Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga và cách mạng Nga, mà sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen mất, V.I.Lênin đã có những cống hiến lớn lao vào sự phát triển chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã giải đáp những vấn đề lý luận cơ bản của cách mạng trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và đã chỉ rõ cho giai cấp công nhân con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lênin đã căn dặn các đảng cộng sản phải có thái độ nghiêm túc đối với các vấn đề lý luận.

V.I.Lênin chỉ rõ nhiệm vụ của công tác lý luận là: “phải hướng vào việc nghiên cứu cụ thể hết thảy mọi hình thức của sự đối kháng kinh tế ở nước Nga, vào việc nghiên cứu những mối liên hệ và sự phát triển lôgic của các hình thức đó; công tác lý luận đó phải vạch trần sự đối kháng đó ở bất cứ chỗ nào mà nó bị lịch sử chính trị, bị những đặc điểm của các chế độ pháp lý, bị những định kiến lý luận sẵn có, che giấu đi. Nó phải vẽ ra được bức tranh trọn vẹn về hiện thực nước ta, với tính cách là một hệ thống quan hệ sản xuất nhất định, nó phải chỉ rõ rằng với hệ thống đó thì tất nhiên phải có sự bóc lột và tước đoạt những người lao động , nó phải vạch ra con đường thoát khỏi hệ thống đó, con đường mà sự phát triển kinh tế đề ra”.

Nhiệm vụ của công tác lý luận, theo V.I.Lênin còn phải đấu tranh với các tư tưởng bè phái, những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những nhận thức lệch lạc trong đảng dân chủ - xã hội, trong giai cấp vô sản và mở rộng ra là trong nhân dân, ông viết: “Nếu không có lý luận cách mạng, thì không thể có phong trào giải phóng vĩ đại nhất trên thế giới của giai cấp bị áp bức, của giai cấp cách mạng nhất trong lịch sử. Không thể bịa ra lý luận ấy được, nó nảy sinh ra từ sự tổng hợp kinh nghiệm cách mạng và tư tưởng cách mạng của tất cả các nước trên thế giới. Thật vậy, lý luận đó đã ra đời từ nửa cuối thế kỷ XIX. Lý luận đó là chủ nghĩa C.Mác. Nếu không đem hết sức mình ra tham gia việc nghiên cứu và vận dụng lý luận đó, và ngày nay, nếu không tham gia một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác mà Plêkhanốp, Cauxky và đồng bọn đang tiến hành, thì không thể là một người xã hội chủ nghĩa, không thể là một người dân chủ xã hội- cách mạng được”, ông còn viết: “Cái chủ yếu trong học thuyết của Mác là đấu tranh giai cấp. Người ta vẫn thường hay nói và hay viết như thế. Nhưng điều đó không đúng. Sự không đúng ấy thường đưa đến những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo lối cơ hội chủ nghĩa, những sự giả mạo chủ nghĩa Mác, nhằm làm cho chủ nghĩa Mác trở thành điều có thể chấp nhận được đối với giai cấp tư sản. Vì thuyết đấu tranh giai cấp không phải do Mác, mà do giai cấp tư sản trước Mác sáng tạo ra; và nói chung thì thuyết ấy, giai cấp tư sản có thể tiếp nhận được. Kẻ nào chỉ thừa nhận có đấu tranh giai cấp không thôi, thì kẻ đó vẫn chưa phải là một người mácxit, kẻ ấy có thể vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ tư tưởng tư sản và chính trị tư sản. Đóng khung chủ nghĩa Mác trong thuyết đấu tranh giai cấp là cắt xén, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, thu nó lại thành cái mà giai cấp tư sản có thể tiếp nhận được”. Nếu không có công tác lý luận, không có việc nghiên cứu lý luận thì những người vô sản và đảng của nó sẽ không có cơ sở để tiến hành những cuộc đấu tranh phản kháng cách mạng.

Như vậy, công tác lý luận có nhiệm vụ chung là nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hình thành, hoàn thiện và cụ thể hóa cương lĩnh, chiến lược, đường lối chính sách của đảng. V.I.Lêninviết: “Không có cương lĩnh thì đảng không thể tồn tại, với tư cách là một cơ cấu chính trị hoàn chỉnh đôi chút, có khả năng luôn giữ vững đường lối trong tất cả mọi bước ngoặt của sự biến. Không có một đường lối sách lược, dựa trên sự đánh giá tình hình chín trị hiện nay và giải đáp được chính xác những “vấn đề đáng nguyền rủa” của thời đại, thì có thể có một tiểu tổ các nhà lý luận, nhưng không thể có được một lực lượng chính trị hành động. Không có sự đánh giá các trào lưu chính trị- tư tưởng “tích cực”, cấp thiết hay là “hợp mốt”, thì cương lĩnh và sách lược có thể biến thành những “điều khoản” chết, thì dù có hiểu rõ thực chất của vấn đề và hiểu rõ “ngọn nguồn” của sự việc cũng không thể thực hiện và vận dụng những điều khoản ấy vào hàng nghìn vấn đề chi tiết, cụ thể và hết sức cụ thể của thực tiễn”.

Người chỉ rõ “muốn xây dựng đảng mà chỉ kêu gào “thống nhất” không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có một cương lĩnh chính trị nào đó, một cương lĩnh hành động chính trị”, tạo nên sự thống nhất và thông suốt trong nhận thức của toàn đảng và nền tảng tư tưởng, đường lối của đảng; nâng cao trình độ tri thức và hình thành tư duy lý luận cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và đảng vô sản đủ sức tổ chức thực hiện một cách sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của đảng và chủ động giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Thực tiễn xây dựng ĐảngCộng sản Việt Namđã chứng minh ý nghĩa quan trọng của những luận điểm trên đây của V.I.Lênin. Tuy vậy, thời đại ngày nay đã có những đổi thay lớn lao, đòi hỏi phải tiếp tục tổng kết thực tiễn để góp phần phát triển quan điểm của V.I.Lênin về công tác tư tưởnglý luận, làm cho các quan điểm đó được tiếp thêm sức sống mới, phản ánh chính xác hơn những yêu cầu của thời đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo của Đảng hiện nay. Trước hết, cần thực hiện tốt các phương hướng sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng các luận điểm của V.I.Lênin về công tác tư tưởng lý luận trên tinh thần sáng tạo và cách mạng. Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo là một phương châm lớn chỉ đạo nghiên cứu lý luận và hành động thực tiễn của Đảng ta. Sáng tạo trong học tập, nghiên cứu lý luận về Đảng trong học thuyết để có lý luận đúng đắn, sáng tạo xây dựng Đảng vững mạnh, luôn xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, đủ sức lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phải làm rõ những nội dung nào đã bị thực tiễn chính trị vượt qua cần phải thay đổi, phát triển; những nội dung nào vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng.

Hai là, phải luôn luôn cảnh giác nguy cơ xét lại trong quá trình vận dụng và phát triển các quan điểm lý luận của V.I.Lênin về công tác tư tưởng lý luận. Thật khó có thể định ra tiêu chí lý thuyết để đánh giá đâu là phát triển sáng tạo, đâu là cơ hội, xét lại trong nghiên cứu lý luận về Đảng, nếu không dựa trên thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nghiên cứu phát triển lý luận về Đảng phải xuất phát từ thực tiễn Đảng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta để tìm câu hỏi trả lời. Đổi mới Đảng nói chung, phát triển lý luận về Đảng nói riêng phải làm cho Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa; phục vụ đắc lực lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Nếu thực tiễn cho thấy đúng là như vậy, thì quá trình phát triển lý luận là đúng đắn, còn nếu ngược lại là sai.

Ba là,công tác tư tưởng lý luận là quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài. Do đó,  phải kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng trong xã hội, kết hợp giữa xây và chống một cách kiên trì và bền bỉ.

Muốn đạt kết quả tốt phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng của các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong công tác tư tưởng cần kết hợp bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng với phê phán triệt để những biểu hiện tư tưởng phi vô sản; biểu dương ưu điểm đi đôi với phê bình nghiêm khắc khuyết điểm. Xây và chống là hai mặt của quá trình giáo dục tư tưởng, có quan hệ gắn bó với nhau, không thể chỉ chú trọng một mặt và bỏ qua mặt kia. Xây phải đi liền với chống.

_________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1,  Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1974,  tr..510-511

(2) (3) (4) Sđd, t.6, tr.30, 10-11, 380

(5) Sđd, t.1, tr.380

(6) Sđd, t.27, tr.12-13.

(7) Sđd, t.33, tr.42

(8 )Sđd, t.20, tr.417-418

(9) Sđd, t.21, tr.327

 

PGS, TS Đinh Ngọc Giang

Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền